Hơn 24 giờ qua, câu chuyện đương kim Chủ tịch Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung bị khởi tố, bắt tạm giam nóng rẫy từ bàn trà cho đến khắp các diễn đàn trên mạng xã hội. Dẫu biết rằng, điều này là tất yếu xảy ra sau khi ông Chung bị tạm đình chỉ công tác, đình chỉ chức vụ Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội và được xác định liên quan đến 3 vụ án, song, việc người đứng đầu chính quyền thành phố phải tra tay vào còng số 8 khi ngày Quốc khánh cận kề vẫn khiến người ta day dứt.
Biết bao câu hỏi đã được đặt ra. Tại sao một tướng công an, trưởng thành trong môi trường khắc nghiệt, một tiến sĩ luật, một anh hùng lực lượng vũ trang mà tên tuổi gắn với rất nhiều vụ trọng án rúng động ở thủ đô một thời lại có thể dễ dàng bước qua lằn ranh của pháp luật như thế? Tại sao một cán bộ trẻ được kỳ vọng sẽ làm cho thủ đô văn minh, sạch đẹp, hiện đại… lại đứt gánh giữa đường? Sự nghiệp chính trị dừng lại khi tất cả mọi thứ đang ở phía trước. Không chỉ người Hà Nội bàng hoàng mà hàng triệu người dân trên cả nước cảm thấy buồn, thất vọng bởi niềm tin đã trao nhầm chỗ.
Điều gì đã làm ông Chung thất bại, sa ngã nếu không phải là lặp lại "vết xe đổ” của nhiều quan chức đi trước. Khi ở đỉnh cao của quyền lực, say mê quyền lực, người ta dễ dàng cho phép mình được làm nhiều thứ mà lẽ ra quyền lực phải bị "nhốt” trong cái lồng cơ chế như người đứng đầu Đảng đã từng chỉ ra. Say mê quyền lực, lạm dụng quyền lực, tự tin thái quá đã khiến con người ta đánh mất mình lúc nào không biết. Và chắc chắn, ông Chung cũng như nhiều tướng công an, quân đội khác, không thể "cưỡng” nổi những viên đạn bọc đường như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng cảnh báo. Cám dỗ của đồng tiền, những mối quan hệ thân quen, cánh hẩu, những nhóm lợi ích thân hữu chi phối… Muốn giữ được mình trong hoàn cảnh đó, nếu không có bản lĩnh, không đặt lợi ích chung, lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân, lợi ích gia đình thì việc sa ngã là tất yếu.
Hơn 2 năm trước, ông Đinh La Thăng- nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã bị đưa ra xét xử. Ông Thăng cũng từng được kỳ vọng là một cán bộ trẻ, năng nổ, dám nghĩ, dám làm. Khi ở vị trí cao nhất của Trung tâm kinh tế lớn, ông Thăng từng hứa sẽ đưa Thành phố Hồ Chí Minh lấy lại tên gọi "hòn ngọc Viễn đông”. Ấy thế nhưng, cả ông Chung và ông Thăng đều gặp nhau ở một điểm: Khi mặc chiếc áo quá rộng, người ta cứ nghĩ mình cao lớn và có thể làm được mọi thứ. Ông Thăng có thể lăn lộn trên những công trình giao thông, xây dựng. Ông Chung có thể dũng cảm, quyết đoán trong những vụ trọng án… nhưng chưa chắc đã trở thành một chính trị gia giỏi trong ngày một, ngày hai.
Bởi vậy, khi ông Chung bị bắt, người ta lại nhắc đến một nhân vật khác là ông Đoàn Ngọc Hải (nguyên Phó Chủ tịch UBND quận 1- TP Hồ Chí Minh). Khi được trao vào tay vai trò quản lý một doanh nghiệp lớn của thành phố, ông Hải đã dũng cảm từ chối vì thấy mình không thích hợp, không được đào tạo bài bản trong lĩnh vực đó. Ông Hải tự nguyện rũ áo, từ quan để làm một người bình thường, tử tế. Nhưng, có phải ai cũng ý thức được điều đó!
Cũng hơn 2 năm qua, kể từ khi một cựu Ủy viên Bộ Chính trị xử lý kỷ luật, nhân dân cả nước đã chứng kiến một danh sách dài những cán bộ cao cấp, cả đương chức và nghỉ hưu lần lượt bị "gọi tên". Không có ngoại lệ, không có vùng cấm, kể cả lãnh đạo cao cấp, tướng lĩnh Quân đội, Công an… Sai đến đâu, xử lý đến đó. Công tội rõ ràng. Chưa có một nhiệm kỳ nào mà lãnh đạo cao nhất của 3 thành phố lớn (Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng) đều không đi hết chặng đường, dang dở vì sai phạm trong quá khứ và hiện tại.
Nếu không có quyết tâm chính trị, không giữ vững niềm tin trước nhân dân thì công cuộc làm trong sạch Đảng không có được kết quả như ngày hôm nay. Còn những ai đang đứng trong bóng tối, những ai tay đã chót "nhúng chàm” thì sớm muộn cũng chịu chung số phận. Đó là bài học cảnh tỉnh, là sự thật khách quan. Không ai đứng trên pháp luật, đứng ngoài pháp luật.
Một nhiệm kỳ mới sắp bắt đầu. Đại hội Đảng bộ cấp trên cơ sở đã sắp hoàn tất. Đại hội cấp tỉnh, thành phố cũng đang được gấp rút chuẩn bị. Lựa chọn ai và ai dám nhận nhiệm vụ trong những năm sắp tới thì câu chuyện về ông Đinh La Thăng, Nguyễn Xuân Anh hay Nguyễn Đức Chung… vẫn còn nguyên giá trị thời sự.
Đã có người ví "Hồ Gươm dậy sóng” như lòng dân thủ đô nghĩ về lãnh đạo thành phố trong cái ngày thứ sáu đen tối. Cả trụ trở UBND thành phố cũng trở thành địa điểm khám xét. Thật day dứt, xót xa! Nỗi niềm đó, chắc chắn không chỉ của riêng người Hà Nội. Chắc chắn là như vậy! ./.
(Theo VOV)