Đến nay, hơn 1300 Đảng bộ cấp trên cơ sở đã hoàn thành Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025. Tại các đại hội, nhìn chung các đại biểu trúng cử vào cấp ủy đều nằm trong quy hoạch và đạt số phiếu tín nhiệm cao, đặc biệt, các chức danh chủ chốt như Bí thư, Phó Bí thư.
Tuy nhiên, cũng có tình trạng một số nhân sự trong quá trình chuẩn bị và khi đưa ra bầu cử tại Đại hội đã không trúng cử. Thực tế này, là bài học cần được khắc phục cho công tác chuẩn bị nhân sự tại Đại hội các Đảng bộ trực thuộc Trung ương sẽ diễn ra trong thời gian tới đây.
Đại hội cấp trên cơ sở được chỉ đạo chặt chẽ, nghiêm túc
Đến ngày 12/8 vừa qua, tất cả 13 Đảng bộ cấp trên cơ sở trực thuộc Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã tổ chức thành công Đại hội, hoàn thành sớm hơn 20 ngày so với quy định. Công tác chuẩn bị nhân sự tại các Đại hội được thực hiện theo đúng quy định, hướng dẫn, đảm bảo về cơ cấu, số lượng, tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ và tỷ lệ đổi mới cơ cấu ba độ tuổi. Danh sách bầu cử đều đảm bảo các tỷ lệ và có số dư từ 10 đến 15 %.
Kết quả bầu cử 13 đơn vị đúng như Đề án nhân sự đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt. Tỷ lệ bầu cử các chức danh chủ chốt Bí thư, Phó Bí thư của cấp ủy khóa mới đạt kết quả cao, đạt hơn 97 %. Các đại hội bầu một lần đủ số lượng Ban chấp hành.
Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Văn Toàn cho biết, 13 đảng bộ đã bầu được 441 ủy viên Ban Chấp hành, tỷ lệ đổi mới so với đầu nhiệm kỳ đạt hơn 46 %.
Theo chia sẻ của ông Toàn, cơ bản các ứng cử viên là Ủy viên Ban chấp hành cũ tái cử đều trúng cử. Các Ủy viên Ban Thường vụ, đặc biệt là dự kiến nhân sự chủ chốt tham gia cấp ủy cấp huyện đều trúng cử: "Cùng với đó, tình hình đơn thư khiếu nại, tố cáo đối với các ứng cử viên nhiệm kỳ này rất ít. Đặc biệt, sau Đại hội dư luận của cán bộ đảng viên và nhân dân về Đại hội được đánh giá rất cao".
Tính chung trên cả nước đến thời điểm này, đã có hơn 1300 đảng bộ cấp trên cơ sở hoàn thành Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025, đảm bảo đúng yêu cầu, chất lượng, nội dung của Chỉ thị 35. Công tác nhân sự đã được chỉ đạo chặt chẽ thực hiện nghiêm túc đúng quy trình gồm 5 bước dân chủ, khách quan, công tâm, minh bạch.
Việc bầu cử tại Đại hội bảo đảm đúng nguyên tắc, thủ tục theo quy định của Điều lệ Đảng và quy chế bầu cử. Tỷ lệ cấp ủy viên là nữ dưới 40 tuổi vượt yêu cầu Chỉ thị 35 đề ra. Hầu hết các Đại hội bầu một lần đủ số lượng cấp ủy và đại biểu đi dự Đại hội Đảng bộ cấp trên. Cán bộ trúng cử đều đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định. Hầu hết các cán bộ trong quy hoạch, trình độ lý luận chính trị chuyên môn so với nhiệm kỳ trước được nâng lên.
Các đại hội đều thực hiện việc lấy phiếu giới thiệu của Đại hội về nhân sự, Bí thư cấp ủy trước khi bầu theo quy định. Việc thực hiện chủ trương Đại hội trực tiếp bầu Bí thư cấp ủy được quan tâm chỉ đạo, mở rộng so với nhiệm kỳ trước. Các nhân sự, Bí thư cấp ủy được bầu trực tiếp tại Đại hội đều trúng cử với tỷ lệ phiếu rất cao, nhiều người đạt 100 %.
Từ thực tiễn quá trình chuẩn bị nhân sự để Đại hội bầu trực tiếp Bí thư cấp ủy, Phó trưởng Ban, Ban tổ chức Tỉnh ủy Hưng Yên Phạm Văn Khuê lấy ví dụ từ Đảng bộ Công an tỉnh.
Theo đó, Đảng bộ tỉnh Hưng Yên chọn là Đảng bộ Bộ Công an tỉnh làm điểm trong việc bầu Bí thư trực tiếp tại Đại hội. Việc bầu Bí thư trực tiếp tại Đại hội được tiến hành đúng hướng dẫn của Trung ương. Từ việc lấy phiếu tín nhiệm thì đã khẳng định được tín nhiệm của cán bộ dự kiến bầu.
"Khi tiến hành bầu trực tiếp Bí thư tại đại hội, 100% đại biểu dự Đại hội bỏ phiếu tán thành., khẳng định được sự chu đáo, kỹ lưỡng và phát huy được tính chủ động. Qua đó thấy rằng, quá trình chuẩn bị nhân sự của Ban chấp hành khóa cũ sát với tình hình thực tiễn”- ông Phạm Văn Khuê nói.
Có cán bộ cơ cấu cứng trượt cấp uỷ
Tuy vậy, công tác chuẩn bị nhân sự đại hội cấp trên cơ sở ở một số địa phương vẫn còn những trường hợp bầu không đúng với đề án nhân sự được phê duyệt. Ở một số nơi nhân sự được giới thiệu, tái cử nhưng không trúng cử. Cá biệt có cán bộ chủ chốt như Bí thư, Phó Bí thư cấp ủy tái cử không trúng cử cấp ủy hoặc Bí thư, Phó Bí thư.
Một số nơi có biểu hiện lạm dụng việc chỉ định bí thư tại Đại hội hoặc ngay sau Đại hội gây nhiều ý kiến trái chiều và dư luận không tốt trong cán bộ đảng viên và nhân dân.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Vụ trưởng Tổ chức Điều lệ (Ban Tổ chức Trung ương).
Về vấn đề này, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Điều lệ Ban tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình cho rằng, qua sự việc này công tác chuẩn bị nhân sự cần phải được thực hiện một cách công khai, minh bạch, rõ ràng. Bên cạnh đó, cũng cần phải nhìn nhận lại, chúng ta thực sự làm tốt việc này chưa? Đã tiến hành đánh giá thực sự toàn diện cán bộ, cùng với đó, đã tiến hành khảo sát, phân tích kỹ mức độ tín nhiệm của cán bộ hay chưa? Đây cũng là một bài học mà chúng ta phải nhìn nhận lại kỹ lưỡng trong việc chuẩn bị công tác nhân sự, đặc biệt là đối với các cán bộ tham gia lần đầu.
"Một góc độ nữa Đại hội Đảng bộ cấp trên cơ sở cần phải nhìn nhận, đó là mỗi cán bộ đảng viên đã tự nhìn nhận thấy những năng lực, khả năng uy tín của chính mình trước khi nhận đề cử vào chức vụ, chức danh cụ thể hay chưa? Thực sự những đảng viên đấy đã thực hiện tốt việc nêu gương hay chưa, đánh giá được chính bản thân mình cho công tác hay chưa?”- ông Nguyễn Thanh Bình chia sẻ thêm.
Hạn chế trong công tác chuẩn bị nhân sự tại một số Đại hội Đảng bộ cấp trên cơ sở vừa qua là do một số cấp ủy chưa thực sự nghiên cứu, quán triệt sâu sắc Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương.
Việc lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra của một số cấp ủy chưa thường xuyên sâu sát quyết liệt; chưa làm tốt công tác chính trị, tư tưởng và giải quyết chưa dứt điểm những vướng mắc nổi cộm ở địa phương, cơ quan, đơn vị. Công tác nhân sự của một số cấp ủy chưa thật sự chặt chẽ còn bị động chưa gắn kết với tình hình thực tiễn có nơi còn biểu hiện chủ quan cục bộ.
Đây chính là bài học kinh nghiệm cần rút ra cho công tác chuẩn bị nhân sự tại Đại hội các Đảng bộ trực thuộc Trung ương sẽ diễn ra trong thời gian tới đây.
(Theo VOV)