Nếu như xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt thì công tác cán bộ chính là khâu then chốt của nhiệm vụ then chốt ấy. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”.
Xác định rõ tầm quan trọng của công tác cán bộ trong xây dựng Đảng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, những năm qua, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành và chỉ đạo thực hiện nhiều nghị quyết quan trọng về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ như: Nghị quyết số 16 "Về tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020”.
Trong đó, xác định rõ công tác cán bộ và xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh là khâu đột phá; Nghị quyết số 25, số 31 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 - 2020; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và dự nguồn giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 với mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và dự nguồn có phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; trọng tâm là công tác đào tạo về lý luận chính trị, cập nhật kiến thức, bồi dưỡng về nghiệp vụ công tác theo chức trách, nhiệm vụ được giao.
Để cụ thể hóa các nghị quyết về công tác cán bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng và ban hành, chỉ đạo thực hiện đồng bộ một số đề án, nghị quyết, chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhằm thu hút nhân tài vào làm việc trong các cơ quan, đơn vị, từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ vừa "hồng", vừa "chuyên"; tập trung cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị; thực hiện đồng bộ, hiệu quả việc sắp xếp, tinh giản biên chế gắn với tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng bảo đảm tiêu chuẩn chính trị, chuyên môn và yêu cầu vị trí việc làm, góp phần nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức.
Trong các nghị quyết, đề án thu hút, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức phải kể đến hiệu quả của Đề án số 11 của Tỉnh ủy nhằm thực hiện các nghị quyết Hội nghị Trung ương 7, khóa XII, đặc biệt là Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Đây là Đề án nhằm xây dựng và đào tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số để đảm trách các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035 có đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đảm bảo đủ về số lượng, chất lượng, hợp lý về cơ cấu, có sự tiếp nối chắc chắn giữa các thế hệ và đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ của Đảng bộ tỉnh trong giai đoạn mới.
Sau khi tuyển chọn, giới thiệu lần đầu trong tổng số trên 3.000 cán bộ trẻ, cán bộ nữ và cán bộ người dân tộc thiểu số trong tỉnh, các địa phương, cơ quan, đơn vị đã gửi về Ban Tổ chức Tỉnh ủy gần 400 hồ sơ giới thiệu nhân sự tham gia Đề án. Căn cứ quy trình sơ tuyển và bộ tiêu chí để xét, chọn, Hội đồng Sơ tuyển đã lựa chọn và trình Thường trực Tỉnh ủy xem xét, quyết định 240 đồng chí đủ điều kiện để tham gia sát hạch vào Đề án.
Sau nhiều khâu tuyển chọn và các vòng sơ tuyển, sát hạch từ cơ sở tới cấp tỉnh đã có 150 cán bộ được chọn tham gia Đề án và được Tỉnh ủy tổ chức đưa đi đào tạo, bồi dưỡng ở cả trong và ngoài nước. Cụ thể như, trong năm đầu tiên thực hiện Đề án - năm 2019, Tỉnh ủy đã phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh mở 2 lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, phương pháp lãnh đạo, quản lý cho cán bộ tham gia Đề án; mỗi lớp trong thời gian 2 - 3 tháng.
Bên cạnh đó, tổ chức lớp bồi dưỡng, mời chuyên gia cao cấp nước ngoài có kinh nghiệm về xây dựng đội ngũ cán bộ trực tiếp giảng dạy; liên kết với một số tập đoàn kinh tế lớn hỗ trợ tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng quản trị cho các cán bộ tham gia Đề án…
Tiếp đó, Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy căn cứ vào nhu cầu của từng địa phương để xem xét, cân nhắc, xây dựng phương án tăng cường biệt phái, tập sự lãnh đạo đối với một số cán bộ, công chức thuộc Đề án với tỷ lệ 18% cán bộ trẻ, 7% cán bộ nữ dân tộc thiểu số tùy theo năng lực chuyên môn về tham gia quản lý tại các cơ quan, đơn vị, địa phương để có thêm kinh nghiệm rèn luyện, thử thách và bồi dưỡng năng lực cán bộ.
Cùng với việc nêu cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương, của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh tới cơ sở trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao thì đây chính là bước chuẩn bị vô cùng quan trọng về nhân sự cho đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Những cán bộ này đã phát huy được năng lực công tác tại cơ sở, thể hiện rõ vai trò sáng tạo và tính năng động, nhạy bén của tuổi trẻ, được cán bộ, đảng viên và nhân dân tin yêu. Hầu hết cán bộ qua kiểm tra đều có lập trường tư tưởng và bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, tác phong gương mẫu và có ý thức rèn luyện, có ý thức phấn đấu vươn lên, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.
Nhờ đổi mới mạnh mẽ trong công tác cán bộ, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ngày càng trong sạch, vững mạnh, đến nay, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức khối hành chính, sự nghiệp của tỉnh có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên chiếm 73,6%; trong đó, tiến sĩ, thạc sĩ chiếm khoảng 6%; tỷ lệ cán bộ, công chức cấp xã có trình độ chuyên môn đại học, cao đẳng là 51,5%, vượt mục tiêu đề ra.
Số cán bộ được quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 là 51 đồng chí; số cán bộ là cấp ủy viên cấp huyện và tương đương là 12 đồng chí; số cán bộ đã được bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, tăng cường từ 1/1/2019 đến nay là 34 đồng chí; trong đó, có 3 đồng chí đã được bổ nhiệm giữ các chức danh diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Đây thực sự là bước tiến quan trọng mang tính đột phá trong công tác cán bộ của Đảng bộ tỉnh.
Để thực hiện tốt công tác cán bộ, góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch vững mạnh, Đảng bộ tỉnh sẽ tiếp tục tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ chủ chốt đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; tiếp tục hoàn thiện quy định, quy chế về công tác cán bộ, tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá, giới thiệu, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ; xây dựng chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút cán bộ thực đức, thực tài, có bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, thực sự là "công bộc của dân"; thực hiện nhất quán mục tiêu, nhiệm vụ Đề án số 11 của Tỉnh ủy, tạo nguồn cán bộ trẻ, nữ, dân tộc có chất lượng lâu dài.
Đồng thời, triển khai nghiêm túc quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; thực hiện thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở, phòng của tỉnh; tăng cường kiểm soát quyền lực, kiên quyết chống chạy chức, chạy quyền; quan tâm kịp thời, đầy đủ chế độ, chính sách đối với cán bộ; làm tốt công tác bảo vệ cán bộ, bảo vệ chính trị nội bộ; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn những hiện tượng cục bộ, bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ.
Cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái sẽ quyết tâm đoàn kết, phấn đấu, không ngừng đổi mới tư duy, khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà đại hội đảng bộ các cấp đề ra, quyết tâm đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030.
Thanh Hương