Quan tâm đặc biệt đến vùng đồng bào DTTS và miền núi, từ năm 2020 đến nay, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành hơn 200 nghị quyết, chỉ thị, quy định, đề án bao trùm trên tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Cùng với đó, tỉnh tập trung thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Nguồn lực đầu tư hỗ trợ của các chương trình, chính sách dân tộc đã góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi.
Kinh tế, xã hội phát triển vượt bậc
Điều dễ dàng nhận thấy hệ thống cơ sở hạ tầng nói chung, cơ sở hạ tầng vùng DTTS và miền núi nói riêng ở Yên Bái đến nay đã cơ bản được quan tâm đầu tư, nâng cấp khang trang, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giao thương hàng hóa, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.
Việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực đạt được những kết quả quan trọng, rõ nét; nhiều công trình, dự án trọng điểm được khởi công, hoàn thành đưa vào sử dụng, tháo gỡ khó khăn về hạ tầng, tạo động lực tăng trưởng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Giai đoạn 2019 - 2024, tỉnh đã ưu tiên dành 91.281,5 tỷ đồng từ ngân sách đầu tư phát triển để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng vùng đồng bào DTTS; trong đó ưu tiên nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng (giao thông, thủy lợi, chợ, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, điện lưới, viễn thông, phát thanh, truyền hình...).
"Từ năm 2021 đến nay, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển
kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn huyện Trấn Yên đạt 18,629 tỷ đồng. Huyện đã triển khai 4 công trình nâng cấp, sửa chữa công trình cấp nước sinh hoạt thôn: Khe Ron, Khe Tiến, xã Hồng Ca và thôn Đồng Song, Kiên Lao, xã Kiên Thành; 3 công trình đường giao thông thôn: Khe Tiến, Hồng Lâu, xã Hồng Ca và thôn Khe Cá, xã Lương Thịnh…” - ông Nguyễn Đức Mầu - Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết.
Một số dự án khác đã được Trấn Yên tập trung triển khai ở cơ sở như: hỗ trợ giải quyết cho các hộ thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, máy móc dịch vụ nông nghiệp… với kinh phí trên 2,4 tỷ đồng; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 86 hộ tại 6 xã với số tiền 241 triệu đồng; hỗ trợ máy móc dịch vụ nông nghiệp cho 38 hộ xã Hồng Ca, kinh phí trên 266 triệu đồng; hỗ trợ làm 48 nhà cho đồng bào DTTS nghèo tại 10 xã, kinh phí 1,92 tỷ đồng…
Đồng bào các DTTS sinh sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp hoặc các hoạt động liên quan đến nông nghiệp, phân bố khắp trên địa bàn các huyện, thị xã trong tỉnh; phần lớn sinh sống ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Vì vậy, việc ứng dụng các tiến bộ của khoa học, công nghệ (KHCN) vào sản xuất nông, lâm nghiệp được Yên Bái đẩy mạnh, các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả được nhân rộng.
Là huyện có nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp nên việc khuyến khích nông dân phát triển các mô hình áp dụng KHCN vào sản xuất được huyện Mù Cang Chải đặc biệt quan tâm. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng hiệu quả KHCN như mô hình trồng hoa hồng, lê, hồng giòn, trồng rau an toàn trong nhà kính, đào chín sớm, nấm, cà chua, lúa đặc sản địa phương, chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học... góp phần để sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đạt mức tăng trưởng bình quân từ 5,5%/năm trở lên.
Ông Hoàng Văn Hân - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mù Cang Chải cho biết: Cùng với tăng cường vận động, hướng dẫn nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các giống cây trồng có năng suất, chất lượng phù hợp với sản xuất hữu cơ vào sản xuất, huyện còn khuyến khích người dân sử dụng các loại giống có nguồn gốc rõ ràng, kháng sâu bệnh hoặc ít nhiễm sâu bệnh.
Theo đó, người dân Mù Cang Chải đã lựa chọn bộ giống lúa chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan vào thử nghiệm như: Việt lai 20, ĐS1, Shéng cù, Nếp tan, ADI73...; bộ giống ngô: NK66, AG59, CP3Q, GS9989, ngô nếp MX4, MX10… Các giống lúa, ngô đưa vào trồng thử nghiệm đã cho năng suất, chất lượng cao, ổn định, ít sâu bệnh, thích nghi với điều kiện sinh thái và cơ cấu mùa vụ ở địa phương, được đưa vào sử dụng rộng rãi trong sản xuất.
Bên cạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, Yên Bái còn quan tâm tới công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng, các di sản văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch. Chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Chất lượng giáo dục ở vùng đồng bào DTTS và miền núi tiếp tục được nâng lên. Công tác chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào DTTS trong những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực.
Bác sỹ Chuyên khoa I Đinh Thị Minh Luyện - Giám đốc Trung tâm Y tế Trạm Tấu cho biết: Bên cạnh được quan tâm đầu tư các trang thiết bị y tế hiện đại, thời gian qua, Trung tâm Y tế huyện Trạm Tấu đặc biệt quan tâm tới công tác đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ thầy thuốc, nhất là những bác sỹ người địa phương thông qua các chương trình, đề án, các khóa tập huấn về chuyên môn. Người dân Trạm Tấu giờ đã được thụ hưởng những kỹ thuật cao ngay tại cơ sở y tế nơi mình sinh sống…
Đến nay, toàn tỉnh hiện có 79,3% xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa; 72% xã có khu thể thao; 966 thôn, tổ dân phố có khu nhà văn hóa từ 200m2 trở lên, 324 tổ dân phố có khu nhà văn hóa dưới 200m2. Tỷ lệ phòng học được xây dựng kiên cố đạt 87,8%, có 342 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia, chiếm 77,38%. Các bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế, phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế xã, phường, thị trấn với tổng số 6.929 giường bệnh bảo đảm việc khám, chữa bệnh cho người dân.
Người dân huyện Trạm Tấu được khám bệnh tại Trung tâm Y tế huyện.
Nhiều bài học kinh nghiệm quý báu
Bên cạnh sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, đồng bào các DTTS Yên Bái đã phát huy tinh thần đoàn kết, vượt qua khó khăn, đóng góp công sức, nhân vật lực trong thực hiện chương trình giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới; tham gia tích cực vào các phong trào thi đua yêu nước góp phần xây dựng quê hương.
Đặc biệt, phải kể đến những đóng góp tích cực của đồng bào các dân tộc với tinh thần đoàn kết, phát huy nội lực tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do các cấp, các ngành phát động; cùng cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, củng cố khối đại đoàn kết, phát huy giá trị, bản sắc văn hoá, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của con người Yên Bái.
Từ thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, Yên Bái đã rút ra một số bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện chính sách dân tộc và công tác dân tộc.
Trước hết, đó là cần luôn thống nhất quan điểm, nhận thức, tầm quan trọng của công tác dân tộc, chính sách dân tộc đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhận thức rõ trách nhiệm thực hiện chính sách dân tộc và công tác dân tộc của Đảng, Nhà nước là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, khơi dậy truyền thống đoàn kết, cần cù, sáng tạo của mỗi dân tộc. Tạo điều kiện để đồng bào phát huy nội lực vươn lên; khuyến khích sự chủ động tham gia của đồng bào DTTS với quá trình thực hiện nhiệm vụ công tác dân tộc, chính sách dân tộc.
Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền đối với việc thực hiện mục tiêu phát triển vùng đồng bào DTTS, miền núi. Triển khai thực hiện các chính sách, chương trình, dự án bảo đảm đúng quy định. Bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác dân tộc để chủ động tham mưu, đề xuất giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc và có biện pháp giải quyết có hiệu quả. Chủ động, tích cực thực hiện công tác phối hợp giữa các cơ quan trong hệ thống chính quyền với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác dân tộc.
Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác trong triển khai thực hiện các chính sách dân tộc. Thường xuyên nắm bắt tình hình, diễn biến tâm tư tình cảm của đồng bào; kịp thời giải quyết các vụ việc "nóng", nhạy cảm phát sinh ngay tại cơ sở.
Tập trung nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội vùng dân tộc, miền núi. Coi trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS. Xây dựng lực lượng cốt cán, phát huy vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng DTTS. Phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí gắn với đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm cho đồng bào DTTS.
Thường xuyên bám sát thực tiễn, nắm chắc tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của đồng bào DTTS để xác định các giải pháp cụ thể nhằm thực hiện các nhiệm vụ đề ra; quan tâm giải quyết kịp thời các nhu cầu chính đáng của đồng bào. Chủ động khai thác những tiềm năng, thế mạnh của địa phương giúp đồng bào phát triển kinh tế vươn lên trong cuộc sống...
Với tinh thần đoàn kết, phát huy nội lực, vượt qua những khó khăn, thách thức, tích cực thực hiện các phong trào thi đua yêu nước…, những đóng góp tích cực của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã củng cố khối đại đoàn kết, phát huy giá trị, bản sắc văn hoá, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của con người Yên Bái, góp phần quan trọng vào những kết quả tỉnh Yên Bái đã đạt được trong giai đoạn vừa qua, tạo tiền đề để Yên Bái từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, giữa các dân tộc trong thời gian tới.
Thành Trung