Di sản văn hóa phi vật thể là những giá trị tinh thần có ý nghĩa đối với từng dân tộc và các nghệ nhân chính là những người đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, lưu giữ, truyền dạy các di sản văn hóa. Là người "giữ” và "tiếp lửa” các nghệ nhân luôn mong muốn gìn giữ vẹn nguyên hồn cốt, tinh hoa và vốn quý của di sản văn hóa mà họ đã dành cả đời bảo tồn cho cộng đồng và thế hệ mai sau.
Yên Bái có nhiều dân tộc chung sống nên đã trở thành nơi hội tụ nhiều sản phẩm văn hóa dân tộc thiểu số đặc sắc. Với các lễ hội, các làn diệu dân ca, dân vũ, các nghi lễ, phong tục, tập quán, chữ viết, ngôn ngữ, ẩm thực, nghề truyền thống… có sức cuốn hút khách du lịch trong và ngoài nước. Đây là điều kiện thuận lợi để Yên Bái khai thác và phát huy những giá trị truyền thống của quê hương, phát triển loại hình du lịch văn hóa, du lịch lễ hội.
Những năm qua, việc sưu tầm, bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa dân gian truyền thống của các dân tộc đã được tỉnh quan tâm, chỉ đạo và từng bước tổ chức thực hiện. Đầu tư nghiên cứu, triển khai các dự án sưu tầm các giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu của các dân tộc; tổng kiểm kê di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh; phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển tiềm năng du lịch. Ngoài ra, tỉnh đặc biệt quan tâm trao tặng, vinh danh danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, những người có nhiều công lao, nhiều cống hiến trong hành trình miệt mài gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa truyền thống dân tộc.
Mường Lò - vùng đất thiên nhiên tươi đẹp, với không gian thấm đẫm sắc màu văn hóa, giàu bản sắc, xứ sở của xòe, nơi điệu khắp Thái chảy ra từ tiếng suối, nơi tiếng pí, tiếng khèn vút lên từ trên ngọn núi. Nếu đến Mường Lò chưa múa xòe, nghe điệu Khắp Thái coi như chưa đến. Khắp Thái hay còn gọi là hát Thái là làn điệu dân ca cổ.
Để những làn điệu Khắp Thái ngân vang bên những nếp nhà sàn, không thể không nhắc đến Nghệ nhân ưu tú Điêu Thị Xiêng - người gìn giữ, trình diễn điệu Khắp, ở thôn Đêu 1, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ. Ngay từ nhỏ Nghệ nhân ưu tú Điêu Thị Xiêng đã bộc lộ năng khiếu nghệ thuật, thuộc rất nhiều những điệu xòe, câu khắp, truyện cổ của dân tộc Thái. Bà Xiêng sớm trở nên nổi tiếng khắp vùng và được bà con dân bản yêu mến đặt cho tên gọi "Họa mi của bản”.
Bằng tài năng nghệ thuật thiên phú ấy, bà Xiêng đã đi biểu diễn ở nhiều nơi, đóng góp nhiều thành tích cho phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương. Bà đã tự sáng tác được 35 bài hát khắp Thái được nhiều người yêu thích như: "Mừng năm mới”, "Bà con dân bản đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới”…
Ngoài ra, bà còn thường xuyên vận động chị em phụ nữ tích cực tham gia học tập các làn điệu dân ca, dân vũ, học chữ Thái cổ. Để gìn giữ làn điệu dân ca Thái cổ, bà Xiêng còn mở lớp dạy dân ca cho các em nhỏ. Những việc làm của Nghệ nhân ưu tú Điêu Thị Xiêng góp phần vào công cuộc bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của người dân vùng đất Mường Lò.
Còn ông Thào Cáng Súa ở bản Sáng Nhù, xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải không chỉ được biết đến là người có tài thổi khèn hay, múa khèn giỏi mà còn là một người thợ chế tác khèn Mông tài hoa. Nghề làm khèn đã mang đến cho ông một cuộc sống đủ đầy, bồi đắp trong ông niềm đam mê, tâm huyết một đời gìn giữ giá trị văn hóa đặc sắc của khèn Mông. Được bố truyền dạy cách chế tác khèn, thổi khèn, nhất là múa khèn với những động tác nhào lộn điêu luyện từ năm lên 12 tuổi nên nói về khèn, ông Súa rất giỏi.
Chẳng thế mà mỗi dịp hội diễn nghệ thuật quần chúng của tỉnh, huyện, các hoạt động văn hóa của địa phương hay hội thi khèn trong vùng tổ chức, ông đều được mời tham gia. Sự thuần phác của dân tộc Mông, văn hóa Mông biểu đạt qua tiếng khèn được mọi người yêu mến, trân trọng khiến Nghệ nhân ưu tú Thào Cáng Súa càng thêm tự hào về văn hóa dân tộc mình, ý thức hơn trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ nhạc cụ truyền thống độc đáo của dân tộc.
Mong muốn thế hệ trẻ người Mông biết múa khèn, thổi khèn, làm khèn để tiếng khèn Mông không bị mai một, nghệ nhân Thào Cáng Súa đã truyền dạy những khiến thức cơ bản và kỹ năng, kinh nghiệm thổi khèn, múa khèn của mình cho nhiều thanh niên trong bản, trong xã. Không những thế, người Mông ở các xã, các huyện lân cận tìm đến học ông Súa đều vui vẻ truyền dạy. Nghệ nhân Thào Cáng Súa xem đó là niềm tự hào của bản thân và gia đình.
Ngoài bà Xiêng, ông Súa trên mọi miền quê Yên Bái còn rất nhiều những Nghệ nhân Ưu tú người Tày, người Dao, người Cao Lan đang miệt mài sáng tạo, lưu giữ, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật của dân tộc mình. Như Nghệ nhân Ưu tú Lạc Tiên Sinh, bà Triệu Thị Nhậy, ông Giàng A Giao, ông Hoàng Tương Lai...
Nghệ nhân Câu lạc bộ Xịnh ca xã Tân Hương, Yên Bình.
Có thể thấy rằng, Nghệ nhân ưu tú có vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát triển di sản văn hóa phi vật thể. Họ là "báu vật sống” những hạt nhân cốt lõi của di sản văn hóa trực tiếp tham gia sáng tạo, lưu giữ, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể từ thế hệ này sang thế hệ khác mà các di sản văn hóa phi vật thể không bị mai một và tiếp tục được cộng đồng trân trọng, giữ gìn. Những năm qua, tỉnh đã quan tâm triển khai thực hiện việc trao tặng, vinh danh danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.
Qua đó, ghi nhận, tôn vinh những công lao to lớn của Nghệ nhân ưu tú có nhiều cống hiến trong hành trình miệt mài gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa truyền thống dân tộc. Thực hiện Nghị định số 62/2014/NĐ-CP của Chính phủ Quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, tỉnh Yên Bái hiện có 15 cá nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu vinh dự Nghệ nhân ưu tú.
Các Nghệ nhân ưu tú của tỉnh chủ yếu nắm giữ và thực hành các loại hình di sản văn hóa phi vật thể như: nghệ thuật trình diễn dân gian, lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng. Việc phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú có ý nghĩa quan trọng, không chỉ là sự ghi nhận, đánh giá cao đối với những đóng góp to lớn của các nghệ nhân mà còn cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với những người tài năng và tâm huyết với di sản văn hóa dân tộc.
Với các Nghệ nhân ưu tú trước hay sau khi được tặng danh hiệu cao quý thì họ vẫn luôn cháy bỏng đam mê, âm thầm gìn giữ và trao truyền những vốn quý của di sản văn hóa mà họ đã dành cả đời bảo tồn cho cộng đồng và thế hệ trẻ.
Ông Phùng Thế Hoàng - Trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết: "Thời gian tới, Sở tiếp tục tham mưu nội dung xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể theo quy định của Chính phủ cho những nghệ nhân có tâm huyết. Danh hiệu vinh dự này là phần thưởng vô cùng ý nghĩa đối với mỗi nghệ nhân, tạo động lực cho họ tiếp tục cống hiến công sức, trí tuệ cho việc bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể. Ngoài ra, quan tâm, tạo điều kiện để các Nghệ nhân ưu tú tham gia thực hành, truyền dạy và phát huy giá trị di sản tại cộng đồng”.
Thu Hiền