Ông Phùng Quang Huy - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Yên Bái cho biết: "XDNTM là nhiệm vụ chiến lược nhằm tăng cường hạ tầng kinh tế, cải thiện đời sống văn hóa, xã hội ở khu vực nông thôn. Trong quá trình đó, BCTMT đã phát huy hiệu quả vai trò tuyên truyền, vận động người dân tham gia các phong trào ý nghĩa như: "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư"; "Dịch rào, hiến đất làm đường giao thông nông thôn”; các Chương trình Mục tiêu quốc gia về XDNTM, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Qua đó, thu hút sự tham gia tích cực của người dân”. Toàn tỉnh hiện có trên 1.300 BCTMT.
Giai đoạn 2019 - 2024, BCTMT các thôn, bản, tổ dân phố đã vận động nhân dân ủng hộ trên 500 tỷ đồng, trên 7.000 ngày công lao động, hiến trên 200 ha đất để làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa thôn và các công trình công cộng. Những BCTMT tiêu biểu trong tham gia thực hiện XDNTM phải kể đến là: BCTMT thôn Yên Thành, xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên.
Bằng sự gương mẫu "nói đi đôi với làm”, luôn lắng nghe ý kiến, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, BCTMT thôn Yên Thành đã tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp tiền, công xây dựng hơn 8 km đường bê tông trị giá 4 tỷ đồng; vận động 52 hộ dân hiến 4.340 m2 đất vườn đồi, thổ cư xây dựng hạ tầng nông thôn.
Hay như BCTMT thôn Tấu Dưới, xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu đã vận dụng phương thức "mưa dầm thấm sâu”, giúp người dân từng bước thay đổi nhận thức, xóa bỏ nhiều hủ tục như: tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, thách cưới cao, sinh đẻ nhiều... Người dân trong thôn đã thực hiện ăn chung một tết với người dân cả nước; không phát, đốt rừng làm nương rẫy; không thả rông gia súc, gia cầm; tích cực đóng góp xây dựng hương ước, quy ước; giữ vững đoàn kết trong nội bộ nhân dân; bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở.
Ông Giàng A Po - người dân thôn Tấu Dưới bày tỏ: "Hiện giờ, gia đình tôi và các hộ trong thôn đã thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới, việc tang, không để người chết trong nhà lâu ngày, không tổ chức đám cưới linh đình, thách cưới cao; thực hiện ăn ở vệ sinh sạch sẽ, sử dụng nước hợp vệ sinh và tích cực thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế”.
Trong xây dựng ĐTVM, các BCTMT đã đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy Phong trào thi đua "Xây dựng đô thị sáng - xanh - sạch - đẹp". Thông qua việc tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn vệ sinh môi trường, tham gia dọn dẹp, trang trí đường phố, tuân thủ luật lệ, các quy định về bảo vệ hành lang an toàn giao thông…; qua đó, góp phần tạo ra sự đồng thuận lớn trong cộng đồng.
Tại thành phố Yên Bái, rất nhiều tổ dân phố, khu dân cư đã trở thành khu dân cư kiểu mẫu nhờ có sự chung tay, góp sức của BCTMT và cấp ủy, chính quyền địa phương.
Đơn cử như BCTMT tổ dân phố Đồng Phú, phường Nam Cường, thành phố Yên Bái đã vận động nhân dân xây dựng 4 công trình "Thắp sáng đường quê” trị giá trên 100 triệu đồng; xây dựng 1 tuyến đường văn minh đô thị trị giá trên 120 triệu đồng; lắp đặt 78 cột đèn trang trí trên tuyến đường Trần Bình Trọng trị giá 185 triệu đồng; xây dựng 2 sân bóng chuyền hơi trị giá trên 30 triệu đồng; xây dựng 1 sân chơi gắn với luyện tập thể dục, thể thao trị giá gần 100 triệu đồng; huy động các nguồn lực sửa chữa, mua sắm trang thiết bị nhà văn hóa trị giá trên 300 triệu đồng...
Hiện tại, nhờ có sự đóng góp tích cực của các BCTMT ở khu dân cư, thành phố đã xây dựng được trên 100 mô hình về thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị; xây dựng được 7 tuyến đường văn minh đô thị, gồm: đường Nguyễn Văn Cừ, đường Nguyễn Thái Học, đường Yên Ninh, đường Đinh Tiên Hoàng, đường Điện Biên, đường Hoàng Hoa Thám, đường Trần Hưng Đạo; trong đó, xây dựng 6 tuyến đường trở thành "Tuyến đường điểm sáng, xanh, sạch, đẹp”.
Nhiều mô hình về thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị đã được phối hợp triển khai thực hiện hoạt động hiệu quả, phát huy cao tinh thần trách nhiệm của cộng đồng như: mô hình đội tự quản về trật tự an toàn giao thông do Công an thành phố Yên Bái chủ trì; mô hình tuyến đường thanh niên tự quản của Thành đoàn; mô hình Tổ phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon của Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố; mô hình tổ môi trường xanh ở phường Nam Cường và xã Tuy Lộc; mô hình tổ nhân dân tự quản của phường Đồng Tâm…
Từ những kết quả đạt được, đến tháng 11/2024, toàn tỉnh có 111/150 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 37 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 11 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 254 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu; 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM.
Nhằm tiếp tục đưa Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết XDNTM, ĐTVM” lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, thời gian tới, các BCTMT trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong tuyên truyền, vận động, huy động sự tham gia tích cực của người dân vào quá trình XDNTM, ĐTVM trên địa bàn; duy trì và phát huy hiệu quả các mô hình về thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị; tập trung xây dựng, nhân rộng mô hình tuyến đường văn minh đô thị, tuyến đường "sáng - xanh - sạch - đẹp”, tổ tự quản; xây dựng mô hình khu dân cư đoàn kết, đồng thuận, an ninh, an toàn, ấm no, hạnh phúc tạo sức mạnh nội lực ngay từ mỗi gia đình, mỗi khu dân cư.
Đồng thời, tiếp tục phát động thực hiện hiệu quả phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo; nâng cao hiệu quả thực hiện công tác giảm nghèo bền vững phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của MTQT và sự phối hợp tham gia của chính quyền và các tổ chức, đoàn thể; đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát trong XDNTM, ĐTVM; nâng cao chất lượng tổ chức lấy ý kiến của người dân về kết quả XDNTM, ĐTVM; nâng cao hiệu quả công tác phản biện xã hội về XDNTM, ĐTVM.
Hồng Oanh