Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc quán triệt, triển khai các văn bản hướng dẫn của Trung ương về xây dựng và nhân rộng các mô hình "Dân vận khéo”, cụ thể là thực hiện Kế hoạch số 70 của Ban Dân vận Trung ương về tổ chức Phong trào thi đua "Dân vận khéo”, đồng thời ban hành Kế hoạch số 92 về việc tổ chức hoạt động "Năm dân vận chính quyền” và nhân rộng mô hình "Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh ủy chỉ đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy xây dựng Kế hoạch và đẩy mạnh thực hiện Phong trào thi đua "Dân vận khéo” giai đoạn 2017 - 2020, xác định phong trào thi đua "Dân vận khéo” là một nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng trong công tác vận động quần chúng, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.
Đồng thời, đưa nội dung chỉ đạo xây dựng và nhân rộng các mô hình dân vận khéo vào chương trình công tác hàng năm của Tỉnh ủy, điển hình như Chương trình hành động số 144 và 190 và Chương trình hành động số 163 về thực hiện Kết luận số 43 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về "Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, chỉ đạo 100% các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh có mô hình "Dân vận khéo” hoạt động có hiệu quả.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, những năm qua, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị đã đẩy mạnh Phong trào thi đua "Dân vận khéo” gắn với việc "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các phong trào thi đua yêu nước, nhất là chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM) với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Tại các địa phương, cấp ủy, chính quyền các cấp đã chủ động "ba cùng”, "bốn cùng” với dân, nắm tình hình, địa bàn, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi những thói quen sản xuất đã lạc hậu; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng khoa học, kỹ thuật đưa giống mới vào sản xuất, thâm canh, tăng vụ; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM và phát triển kinh tế - xã hội.
Nhờ vậy, Phong trào thi đua "Dân vận khéo” ngày càng được triển khai sâu rộng, hiệu quả với hơn 5.500 mô hình, điển hình trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, góp phần về đích sớm các chỉ tiêu, nghị quyết mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra.
Trước tiên phải kể đến hiệu quả công tác dân vận trong thực hiện Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh”.
Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đến nay, phong trào thi đua XDNTM đã thực sự đi vào cuộc sống của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc ở Yên Bái với tổng số gần 80 xã đạt chuẩn NTM.
Trong đó, có 9 xã và 150 thôn, bản đặc biệt khó khăn với gần 1.800 km đường giao thông nông thôn đã được bê tông hóa đảm bảo giao thông đi lại thuận lợi. Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, đã có 18 công trình, dự án trọng điểm của tỉnh được triển khai thực hiện, chủ yếu trên địa bàn thành phố.
Điều này, cũng đồng nghĩa với hiệu quả công tác dân vận khéo của các cấp, các ngành ở cơ sở trong vận động nhân dân giải phóng mặt bằng và di dời nhà cửa, ruộng, vườn. Tại các huyện, thị vùng cao như: Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải… công tác vận động đồng bào các dân tộc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và thoát nghèo là một việc rất khó.
Song, nhờ khéo làm dân vận nên đến nay người dân vùng cao Yên Bái đã xóa bỏ dần tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chung sức phấn đấu vươn lên làm giàu bằng ý chí và sức mạnh nội lực của mỗi gia đình, mỗi tập thể, cá nhân. Đặc biệt, nhiều hộ ở vùng cao đã viết đơn tự nguyện xin thoát nghèo, tạo sự lan tỏa rộng khắp mô hình điển hình tiên tiến trong xã hội.
Qua tuyên truyền, vận động và thi đua dân vận khéo, đã xuất hiện nhiều mô hình điển hình tiêu biểu hoạt động hiệu quả như: phong trào làm đường giao thông nông thôn ở xã Suối Quyền; mô hình thắp sáng đường quê ở xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn.
Ở Trạm Tấu, Mù Cang Chải có mô hình tuyên truyền, vận động đoàn viên thanh niên và nhân dân trồng hàng trăm héc-ta cây sơn tra, phát triển kinh tế đồi rừng.
Các mô hình "Chi đoàn 4 không”; mô hình Cuộc vận động "Cùng em tôi đến trường”; mô hình xây dựng công trình "Con đường em đến trường”; mô hình "Sân chơi cho thanh thiếu nhi”; mô hình "Làng, bản, xã, phường không có thanh niên nghiện ma túy” tại xã Phan Thanh, huyện Lục Yên, xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái…
Đó là các phong trào vận động đồng bào Mông vùng cao ăn chung một tết Nguyên đán; mô hình phát triển kinh tế ở xã Lâm Giang, huyện Văn Yên đã góp phần tăng thu nhập của người dân trong xã từ 20 triệu đồng năm 2015 lên gần 35 triệu đồng năm 2020, là điều kiện quan trọng để nhân dân trong xã cùng phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành mục tiêu xây dựng xã đạt NTM kiểu mẫu.
Nhờ phát huy hiệu quả các mô hình dân vận khéo ở cơ sở nên kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển, đời sống của đồng bào các dân tộc trong tỉnh được nâng lên rõ rệt, cán bộ, đảng viên và nhân dân ngày càng thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, góp phần tạo được sự đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế của tỉnh thời gian qua.
Nhờ đó, Yên Bái trở thành một trong những địa phương đi đầu cả nước thực hiện tốt Nghị quyết số 18 và 19 Hội nghị Trung ương 6 khóa XII của Đảng với 7 đơn vị hành chính cấp xã, 41,9% số thôn, bản, tổ dân phố; gần 14.000 cán bộ không chuyên trách cấp xã và thôn, bản, tổ dân phố; 130 trường học, 473 điểm trường… trong toàn tỉnh được tinh giản.
Để hoàn thành mục tiêu xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 Đảng bộ tỉnh đề ra, các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh tới cơ sở đang tích cực triển khai thực hiện tốt công tác dân vận của Đảng, phát huy mạnh mẽ sức dân, tạo sức mạnh nội sinh từ khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Đặc biệt là phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương trong các phong trào thi đua dân vận khéo và thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội. Điển hình như phong trào: "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, "Thanh niên Yên Bái lập nghiệp, tuổi trẻ giữ nước”, "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”, "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, "Cựu chiến binh gương mẫu”, "Doanh nghiệp giỏi, cơ quan văn hóa”…
Những kết quả đạt được trong công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh thời gian qua, sẽ là điều kiện quan trọng để các cấp ủy, tổ chức đảng trong toàn tỉnh phát huy hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, phấn đấu thực hiện tốt phong trào thi đua dân vận khéo trong nhiệm kỳ mới, góp phần xây dựng Yên Bái sớm trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Thanh Hương