Sáng 10/12, tại Hà Nội, diễn ra Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ 7 theo hình thức trực tuyến.
Tại Hội nghị ADMM+ lần này, ASEAN và các nước tiếp tục trao đổi thẳng thắn, cởi mở về các thách thức an ninh mà thế giới và khu vực, đặc biệt là ASEAN đang phải đối mặt; đồng thời, thống nhất về các định hướng hợp tác cho kênh quốc phòng trong sắp thời gian tới. Hội nghị thông qua Tuyên bố chung tầm nhìn chiến lược an ninh của ADMM+.
Trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung:
"Chúng tôi, Bộ trưởng Quốc phòng của các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Australia, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa Ấn Độ, Nhật Bản, Đại Hàn Dân Quốc, New Zealand, Liên bang Nga, Hợp chúng quốc Hoa Kỳ đã gặp mặt trực tuyến vào ngày 10/12/2020 để tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN Mở rộng lần thứ 7 (sau đây gọi là ADMM+);
Ghi nhận sự chuyển dịch địa chiến lược và địa chính trị tại khu vực bao gồm các tác động của việc tăng cường gắn kết trong khu vực, hợp tác, kết nối kinh tế liên khu vực và các xu thế toàn cầu bao gồm Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, những sự thay đổi này đang đặt ra cả cơ hội và thách thức, đòi hỏi các bên cần phải tránh làm trầm trọng hơn việc để mất lòng tin, tính toán sai lầm và hành xử theo kiểu trò chơi có tổng bằng không;
Ghi nhận rằng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương gắn kết và kết nối với nhau, với ASEAN ở trung tâm và Nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do, rộng mở, dung nạp và tôn trọng luật pháp quốc tế;
Nhấn mạnh lại các mục đích và nguyên tắc được nêu trong Hiến chương ASEAN cũng như các nguyên tắc cơ bản của Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á, bao gồm giải quyết hòa bình các tranh chấp, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực như một quy tắc ứng xử then chốt trong việc quản lý các mối quan hệ và hợp tác nhằm thúc đẩy hòa bình và ổn định tại khu vực;
Nhắc lại Hội nghị ADMM+, một phần không thể tách rời của ADMM, được tổ chức lần đầu tiên tại Hà Nội, Việt Nam vào ngày 12 tháng 10 năm 2010; đây là dấu mốc quan trọng trong lịch sử của ASEAN thông qua việc thiết lập một cơ chế hợp tác quốc phòng và an ninh nhằm xây dựng lòng tin và sự tin cậy và và để các nước Cộng đóng góp cho vai trò trung tâm của ASEAN, cũng như xây dựng năng lực ứng phó với các mối đe dọa về an ninh chung trong khu vực;
Tái khẳng định các nguyên tắc quan hệ hữu nghị, cùng có lợi như đã nêu Bản dịch 2 tại Tuyên bố của Hội nghị Cấp cao Đông Á về các nguyên tắc quan hệ cùng có lợi;
Nhấn mạnh những nỗ lực thúc đẩy sự gắn kết và chủ động thích ứng của ASEAN trong việc thích nghi trước những sự chuyển dịch về địa chiến lược và địa chính trị thông qua việc tăng cường hợp tác quốc phòng giữa các quốc gia thành viên ASEAN cũng như các nước Cộng;
Ghi nhận sự mong muốn của các quốc gia bạn bè và Đối tác Đối thoại của ASEAN đóng góp cho các nỗ lực của ASEAN trong việc thúc đẩy an ninh và ổn định trong khu vực phù hợp với các nguyên tắc được đề ra trong Tài liệu khái niệm về ADMM+;
Biểu dương những tiến triển của ADMM+ đạt được trong mười năm qua, bao gồm việc thường niên hóa ADMM+ và tăng số lượng các Nhóm chuyên gia ADMM+ từ năm lên bảy;
Biểu dương và Ghi nhận những tiến triển trong hợp tác thực chất của các Nhóm chuyên gia ADMM+, bao gồm Hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, An ninh biển, Quân y, Chống khủng bố, Gìn giữ hòa bình, Hành động Mìn nhân đạo và An ninh mạng, qua đó đóng góp cho việc xây dựng năng lực và tăng cường khả năng phối hợp hoạt động chung giữa các nước thành viên ADMM+, nhằm ứng phó với thách thức an ninh vì lợi ích chung của khu vực;
Khẳng định ADMM+ tiếp tục là một cơ chế mở và dung nạp, nơi hợp tác dựa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời duy trì vai trò trung tâm của ASEAN và trên tinh thần nâng cao trách nhiệm tập thể thông qua việc tăng cường nhận thức chung về các vấn đề an ninh;
Sau đây tuyên bố:
1. Thúc đẩy và Tăng cường hợp tác và quan hệ đối tác thông qua ADMM+, cơ chế hợp tác quốc phòng đa phương trên thực tế trong cấu trúc khu vực với ASEAN làm trung tâm, nhằm củng cố và tạo động lực mới cho các cơ chế hiện có do ASEAN dẫn dắt để ứng phó hiệu quả hơn với các thách thức nảy sinh từ môi trường khu vực trong hiện tại và tương lai, vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực;
2. Hoan nghênh sự đóng góp tích cực của các nước Cộng để xử lý các thách thức hiện có và đang nổi lên, vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực, đồng thời tái khẳng định các nguyên tắc gắn kết, đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN;
3. Tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải, hàng không, cũng như sự cần thiết phải tăng cường lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau, thực hiện tự kiềm chế trong việc tiến hành các hoạt động, tránh các hành động làm phức tạp thêm tình hình và theo đuổi các biện pháp giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, không cưỡng ép, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982;
4. Tiếp tục thúc đẩy đối thoại chiến lược và tăng cường hợp tác thực chất về các vấn đề quốc phòng và an ninh khu vực giữa các quốc gia thành viên ASEAN và các nước Cộng thông qua việc thực hiện các Kế hoạch hoạt động ba năm của Hội nghị ADMM và Kế hoạch hoạt động của các Nhóm chuyên gia ADMM+;
5. Tăng cường hợp tác quốc phòng để ứng phó với các thách thức an ninh thông qua bảy Nhóm chuyên gia ADMM+, đồng thời duy trì các nguyên tắc về vai trò trung tâm của ASEAN, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, ra quyết định dựa trên đồng thuận, tham gia trên cơ sở linh hoạt, tự nguyện và không ràng buộc, trong đó các tài sản vẫn thuộc quyền chỉ huy và kiểm soát của quốc gia;
6. Ghi nhận tầm quan trọng của việc ADMM+ phải triển khai các biện pháp xây dựng lòng tin thiết thực, thông qua việc thực hành Bộ quy tắc tránh va chạm bất ngờ trên biển, thực hiện Công ước về các quy định quốc tế phòng ngừa đâm va trên biển năm 1972 nhằm đảm bảo môi trường hòa bình thuận lợi cho sự phát triển và thịnh vượng bền vững ở khu vực; và
7. Hoan nghênh việc tổ chức Hội nghị ADMM+ lần thứ 8 tại Brunei năm 2021.
(Theo VOV)