Dự và chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Lê Thành Long – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ tư pháp.
Dự Hội nghị tại điểm cầu Yên Bái có đồng chí Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe các báo cáo chuyên đề về triển khai thực hiện Chỉ thị số 43 ngày 11/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật; những vấn đề lưu ý chuẩn bị triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính và tiếp tục thi hành Nghị định số 19 ngày 12/2/2020 về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hành chính; phát huy vai trò của cơ quan tư pháp địa phương trong việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung làm rõ những kết quả đạt được của công tác tư pháp năm 2020; đề xuất định hướng công tác nhiệm kỳ 2021- 2025, nhiệm vụ trọng tâm năm 2021; đưa ra các giải pháp để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Thủ tướng Chính phủ đã ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng của ngành Tư pháp trong năm 2020. Đồng chí đề nghị, trong năm 2021 và cả nhiệm kỳ 2021 – 2025, ngành tư pháp cần tiếp tục bám sát các định hướng về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp; phát huy vai trò trong việc tham mưu xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật, lấy quyền và lợi ích hợp pháp của người dân làm trung tâm, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trong điều kiện mới.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế về thi hành án dân sự, hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng các dịch vụ công trong lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp; chủ động phòng ngừa và tăng cường năng lực giải quyết tranh chấp, khiếu kiện trong hoạt động đầu tư quốc tế.
Trên cơ sở định hướng công tác, đồng chí yêu cầu ngành tư tiếp tục tập trung quán triệt, triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan đến các lĩnh vực công tác của Bộ, ngành Tư pháp; đẩy mạnh công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện có hiệu quả Đề án "Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật”, giai đoạn 2018 – 2022.
Triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế sau khi được ban hành; nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi); tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, bồi thường nhà nước, nuôi con nuôi...; tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy, hoạt động của các cơ quan tư pháp theo các nghị định mới của Chính phủ; thực hiện tốt công tác thanh tra và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng...
Hồng Oanh