Sáng 28/12, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương. Tổng Bí thư chia sẻ vui mừng khi lần thứ tư liên tiếp trong nhiệm kỳ XII cùng các lãnh đạo chủ chốt tham dự Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương.
"Cách đây 4 năm, tôi có nói vui từ thủa bé mới được họp Chính phủ nên rất hồi hộp, bỡ ngỡ. Hôm đó hồi hộp, lo không biết nói gì cho đúng với chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, nhưng nay đã dần dần quen”, Tổng Bí thư chia sẻ.
Rất khổ tâm, đau xót khi kỷ luật cán bộ
Trong bài phát biểu dài hơn 50 phút, người đứng đầu Đảng, Nhà nước dành nhiều thời gian đánh giá các thành tích trong nhiệm kỳ XII, đặc biệt, "tâm sự đôi điều” với các cán bộ sau cả nhiệm kỳ nhìn lại.
Theo Tổng Bí thư, các cán bộ có chức, có quyền đang nắm trong tay tiền, quyền, tài sản khổng lồ của đất nước. Đồng thời, đội ngũ này sống và làm việc trong môi trường có rất nhiều cám dỗ, dễ xảy ra tham nhũng, hư hỏng, tiêu cực, như các vấn đề quản lý sử dụng đất đai, xây dựng cơ bản, thu chi ngân sách, sử dụng tài sản công, tài nguyên môi trường, cổ phần hóa, tài chính trong các doanh nghiệp, công tác tổ chức cán bộ…
Ông nhắc đến số liệu thống kê trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đã có 113 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật, thậm chí một số người bị xử lý hình sự. Đáng lưu ý, trong đó có 53 cán bộ công tác trong các cơ quan chính quyền, 31 cán bộ trong lực lượng vũ trang, vi phạm phần lớn trong các lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực.
"Nhắc đến những con số này chúng ta thật đau lòng. Chúng ta rất nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình, không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội mình, đó là điều rất khổ tâm, đau xót. Nhưng vì sự tiến bộ chung, chúng ta phải kỷ luật một vài người để cứu muôn người”, Tổng bí thư tâm sự.
Cho rằng nhiệm vụ thời gian tới rất nặng nề, phức tạp, người đứng đầu Đảng, Nhà nước dặn dò các cán bộ phải luôn đấu tranh với chính mình để không phạm phải những cám dỗ đời thường. Ông mong đội ngũ cán bộ hãy luôn tâm niệm, nhớ rằng họ là những đảng viên, hơn nữa là những cán bộ rường cột của nước nhà, công bộc của dân nên hãy làm việc hết sức mình; trước hết là vì dân, vì nước, luôn trau dồi, rèn luyện phẩm chất đạo đức, luôn tự soi, tự sửa lại mình, không để xảy ra điều không ai mong muốn.
"Nếu để xảy ra việc không mong muốn, không chỉ Đảng, Nhà nước mất cán bộ mà chính chúng ta cũng mất uy tín, danh dự; làm ảnh hưởng và mang đến nỗi đau không chỉ cho chính mình mà cho cả gia đình mình, người thân, đồng chí, đồng đội của mình", Tổng bí thư nói.
"Chúng ta là người trực tiếp quản lý khối tài sản lớn, tiền rất lớn và quyền rất to. Môi trường tạo thuận lợi cho ta làm việc, nhưng nếu không cẩn thận cũng dễ mắc vào cám dỗ", Tổng Bí thư nhắc nhở.
Trên cơ sở những kết quả, thành tựu đã đạt được trong 2020 và cả nhiệm kỳ XII, ông tin tưởng Chính phủ và chính quyền các địa phương cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân sẽ quyết tâm, nỗ lực cao hơn để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2021 và cả nhiệm kỳ XIII, xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ mong đợi.
Một năm thành công dù nhiều khó khăn
Nhìn lại 2020 và 5 năm qua, Tổng bí thư khái quát 2020 là năm có nhiều khó khăn thách thức lớn bất ngờ xuất hiện, tác động xấu đến nhiều mặt, không chỉ ảnh hưởng nặng nề tới Việt Nam mà cả thế giới. Từ đầu năm, đại dịch Covid-19 xuất hiện, nhanh chóng lan rộng, đến nay vẫn chưa thấy hồi kết, khiến nền kinh tế toàn cầu sụt giảm nghiêm trọng với mức tăng trưởng âm tới 4%.
Ở Việt Nam, thiên tai, bão lũ hoành hành làm khó khăn chồng chất khó khăn. Trong bối cảnh đó, nhờ nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, Việt Nam đã đạt được những kết quả nổi bật, trở thành điểm sáng tăng trưởng kinh tế của toàn cầu. Trong thời điểm ứng phó với thiên tai, dịch bệnh, Tổng Bí thư cho rằng tính ưu việt của chế độ, tinh thần "tương thân tương ái” và sức sống của dân tộc càng được khẳng định. Nhờ vậy, thế giới đã ghi nhận Việt Nam là đất nước tuy còn nhiều khó khăn về kinh tế nhưng đã thành hình mẫu về kiểm soát dịch bệnh hiệu quả nhất với mức chi phí ít nhất.
"Có lẽ chính vì vậy nên gần đây đại sứ EU tại Việt Nam nói, được ở lại Việt Nam thời dịch là một may mắn xa xỉ”, Tổng Bí thư dẫn lời. Tổng Bí thư đánh giá với nền kinh tế tăng trưởng dương gần 3%, Việt Nam thuộc nhóm có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Tổng quy mô nền kinh tế tăng so với đầu nhiệm kỳ, đưa Việt Nam chính thức trở thành nước có quy mô nền kinh tế lớn thứ 4 ở ASEAN.
Về lĩnh vực đối ngoại, Tổng Bí thư nhận định nhiều thành công đã góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam. Trong năm các hoạt động giao thương bị gián đoạn vì Covid-19, Việt Nam vẫn chủ trì triển khai nhiều hội nghị trực tuyến với chất lượng cao trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA, thành viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc. Công tác xây dựng Đảng được Tổng bí thư đánh giá nâng cao cả về lượng và chất. Công tác chuẩn bị văn kiện và nhân sự của Đại hội Đảng các cấp được triển khai rất bài bản, chặt chẽ, có chất lượng tốt.
Theo người đứng đầu Đảng, Nhà nước, công tác phòng chống tham nhũng lãng phí đã chuyển biến rõ rệt, tham nhũng có chiều hướng thuyên giảm. Nhiều vụ việc phức tạp được phát hiện, điều tra, khởi tố, truy tố và xử lý nghiêm.
Tổng Bí thư thông tin thêm tại Hội nghị Trung ương 14 vừa qua, hai vụ án tại Hà Nội và TP.HCM đã được thông báo về. Trong đó, hai lãnh đạo chủ chốt của các thành phố đã và đang chuẩn bị được xét xử.
Để chứng minh nhận định "đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay”, Tổng Bí thư cho biết đất nước Việt Nam với 100 triệu dân đến nay đã "có của ăn của để”, làm đủ ăn, thu đủ chi… Hà Nội 30 năm trước là thành phố của xe đạp, sau là thành phố của xe máy, giờ đã có rất nhiều ôtô với nhiều công trình, dự án lớn.
"Dù không đạt một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội như mục tiêu đề ra vì lý do khách quan, năm 2020 vẫn được đánh giá thành công hơn 2019", Tổng Bí thư khẳng định.
(Theo Zing)