Diễn văn của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy tại Chương trình chào mừng thành công Đại hội XIII của Đảng và kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
- Cập nhật: Thứ tư, 3/2/2021 | 10:27:30 AM
YênBái - Sáng 3/2, Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ tỉnh Yên Bái long trọng tổ chức Chương trình chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 -3/2/2021). Đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Bí thư Tỉnh ủy, thay mặt Đoàn đại biểu tỉnh Yên Bái tham dự Đại hội XIII, đã thông báo nhanh, khái quát về công tác chuẩn bị, kết quả của Đại hội và ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang 91 năm Đảng Cộng sản Việt Nam. Báo Yên Bái trân trọng giới thiệu tới bạn đọc toàn văn diễn văn của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy!
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy thông báo nhanh, khái quát về công tác chuẩn bị, kết quả của Đại hội XIII của Đảng và ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang 91 năm Đảng Cộng sản Việt Nam.
|
Thưa các đồng chí lãnh đạo tỉnh,
Thưa toàn thể đồng bào, đồng chí!
Hôm nay, trong không khí đón chào xuân mới, cả nước hân hoan phấn khởi trước thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng với sự tin tưởng và kỳ vọng lớn lao, Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Yên Bái long trọng tổ chức Chương trình chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930-03/02/2021), đồng thời thông báo nhanh về kết quả Đại hội trước toàn thể Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang, nhân dân trong tỉnh.
Thay mặt các đồng chí lãnh đạo tỉnh, tôi nhiệt liệt chào mừng các đồng chí lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh cùng các đoàn đại biểu đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã về dự chương trình trọng thể này. Chúc toàn thể đồng bào, đồng chí sức khỏe, hạnh phúc và thành công!
Thưa toàn thể đồng bào, đồng chí!
Như các đồng chí đã biết, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra từ ngày 24/01/2021 đến ngày 01/02/2021 (kết thúc sớm hơn dự kiến 01 ngày). Phiên trù bị diễn ra từ 9h00’ ngày 25/01/2021; phiên khai mạc diễn ra từ 08h00' ngày 26/01/2021; bế mạc từ 08h00’ ngày 01/02/2021.
Đây là sự kiện chính trị trọng đại của Đảng ta, đất nước ta và dân tộc ta, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới. Tôi xin vui mừng thông báo với toàn thể cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang, nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thành công rực rỡ; thu được những kết quả rất tốt đẹp trên tất cả các mặt; từ công tác chuẩn bị, đến tổ chức, nội dung văn kiện và công tác nhân sự. Thay mặt lãnh đạo tỉnh và Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh dự Đại hội, tôi xin thông báo nhanh, khái quát về công tác chuẩn bị và kết quả của Đại hội với một số nội dung chính như sau:
Thứ nhất, về quá trình chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng:
Nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của Đại hội XIII, Bộ Chính trị đã đề ra yêu cầu và có kế hoạch chuẩn bị cho Đại hội XIII từ rất sớm.
Việc chuẩn bị dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII đã được tiến hành rất công phu, chu đáo, bài bản, qua nhiều lần, nhiều vòng, từng bước hoàn thiện (qua các Hội nghị lần thứ 8,10,11,13,14 và 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII) và có nhiều đổi mới quan trọng về nội dung, phương pháp.
Quán triệt sâu sắc nguyên tắc kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kiên định và đổi mới, giữa kế thừa và phát triển, trên cơ sở phát huy dân chủ rộng rãi, dự thảo các văn kiện đã thực sự là sự kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, thể hiện rõ sự đoàn kết, thống nhất giữa "ý Đảng, lòng dân”, hoà quyện với lòng yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Các ý kiến, đề xuất tâm huyết, trách nhiệm, kết tinh trí tuệ, ý chí và sức sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã được nghiêm túc nghiên cứu, chắt lọc, lựa chọn tiếp thu.
Cùng với việc chuẩn bị văn kiện Đại hội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Tiểu ban Nhân sự đã dành nhiều công sức tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và chủ động chuẩn bị công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII theo hướng: Dân chủ, chặt chẽ, đồng bộ, khách quan, minh bạch, hiệu quả; có nhiều nội dung đổi mới về quan điểm, mục tiêu, yêu cầu, quy trình, cách làm đối với từng nhóm chức danh; đồng thời xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức Đảng, cơ quan tham mưu trong công tác giới thiệu, đề xuất và thẩm định nhân sự quy hoạch cán bộ cấp chiến lược.
Thứ hai, về nội dung và kết quả Đại hội:
Đại hội XIII của Đảng được tổ chức vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020 đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, với nhiều dấu ấn nổi bật.
Đồng thời, đất nước ta cũng đang đứng trước nhiều thời cơ và thách thức đan xen, nhiều vấn đề chiến lược mới đặt ra cần phải giải quyết, từ tình hình chính trị, kinh tế quốc tế, khu vực, vấn đề biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư... đang tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ tới đời sống kinh tế - xã hội của đất nước ta cũng như toàn thế giới.
Trong ngày làm việc thứ ba của Đại hội, dịch bệnh COVID-19 đã xuất hiện, lây lan trong cộng đồng ở một số tỉnh (sau 55 ngày trước đó cả nước không có trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng). Tuy nhiên, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương là đại biểu của Đại hội đã nhanh chóng điều chỉnh lịch làm việc, vừa tham gia đầy đủ các nội dung, chương trình Đại hội, vừa tổ chức ngay các cuộc họp, làm việc với các ban, ngành, địa phương (bằng nhiều hình thức: họp trực tiếp và họp trực tuyến, không kể thời gian ngày hay đêm) để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt các biện pháp khoanh vùng, dập dịch.
Tham dự Đại hội có 1.587 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 5 triệu đảng viên trong toàn Đảng. Khách mời dự Đại hội gồm 162 đại biểu là các đồng chí nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng; các đồng chí nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí nguyên là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khoá III, IV, V, VI, VII; các đại biểu đại diện các Mẹ Việt Nam Anh hùng, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, chức sắc tôn giáo, đại diện thế hệ trẻ và các đồng chí Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương khoá XII.
Đại hội đã nhận được khoảng 400 thư, điện mừng của các chính đảng, của nguyên thủ các nước, các tổ chức quốc tế (đây là con số kỷ lục trong tất cả các kỳ đại hội của Đảng đã qua); điều này biểu thị tình cảm đoàn kết, quan hệ hợp tác hữu nghị và sự quan tâm, ủng hộ to lớn của cộng đồng quốc tế đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, đồng thời cũng khẳng định "đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Đại hội XIII của Đảng có chủ đề là: "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Với phương châm "Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”, Đại hội đã kiểm điểm sâu sắc việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng gắn với việc đánh giá 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới; 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991; 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020; đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021- 2025, xác định mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045.
Đồng thời, Đại hội kiểm điểm sâu sắc, toàn diện công tác xây dựng Đảng và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII; xác định phương hướng, nhiệm vụ xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ mới; tổng kết, đánh giá việc thi hành Điều lệ Đảng… Các nội dung đều đã được các đại biểu về dự Đại hội thảo luận, tham gia ý kiến và thể hiện sự đồng tình, thống nhất cao; Đại hội giao cho Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII tiếp thu, triển khai, tổ chức thực hiện.
Đánh giá kết quả tổng kết nhiệm kỳ Đại hội XII và nhìn lại 35 năm đổi mới, Đại hội khẳng định: Năm năm qua, nắm bắt thuận lợi, thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, nhất là tác động của dịch bệnh và thiên tai liên tiếp xảy ra, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, ý chí quyết tâm, bản lĩnh, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật; đất nước phát triển nhanh và bền vững; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Kinh tế nước ta duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân khá cao (khoảng 5,9%);kinh tế vĩ mô ổn định khá vững chắc; lạm phát được kiểm soát và duy trì ở mức thấp; Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện ba đột phá chiến lược đạt được những kết quả quan trọng.
Các lĩnh vực an sinh xã hội, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, bảo vệ môi trường, phát triển văn hoá, xây dựng con người Việt Nam... có nhiều chuyển biến tích cực, có mặt khá nổi bật. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đặc biệt chú trọng, thực hiện toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Công tác kiểm tra, giám sát và đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được triển khai quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước đột phá và đạt những kết quả cụ thể, rõ rệt.
An ninh chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động mạnh đến nước ta, gây nhiều thiệt hại về kinh tế - xã hội, nhưng với sự nỗ lực cố gắng vượt bậc, đất nước đã đạt được những kết quả, thành tích đặc biệt hơn so với các năm trước. Trong khi kinh tế thế giới suy thoái, tăng trưởng âm gần 4%, kinh tế nước ta vẫn đạt mức tăng trưởng 2,91%, là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới; uy tín, vị thế của Đảng, Nhà nước, thế và lực của đất nước không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế.
Có thể nói, sau 05 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa. Đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới. Với tất cả sự khiêm tốn, Đại hội đã thống nhất khẳng định: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Thưa toàn thể đồng bào, đồng chí!
Trong những năm tới, dự báo tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều thay đổi rất nhanh, phức tạp, khó lường. Trên cơ sở phân tích, dự báo thời cơ, thách thức, và hạn chế, Đại hội đã thảo luận, xác định mục tiêu,đường hướng phát triển đất nước trong nhiệm kỳ tới, đồng thời, cũng xác định mục tiêu, tầm nhìn xa hơn đến năm 2030 và 2045. Trong đó:
* Đại hội đưa ra 05 quan điểm chỉ đạo là:
(1) Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
(2) Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hoálà nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninhlà trọng yếu, thường xuyên.
(3)Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hoá, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững.
(4)Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất.
(5) Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát huy bản chất giai cấp công nhân của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, xây dựng Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; gắn với tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân là những nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
* Về mục tiêu tổng quát, Đại hội thống nhất xác định:
Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
* Về mục tiêu cụ thể, Đại hội thống nhất:
- Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.
- Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
- Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
* Về định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, Đại hội xác định 12 nội dung như sau:
(1) Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, môi trường..., tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước.
(2) Hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh.
(3) Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài. Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
(4) Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hoá thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
(5) Quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; xây dựng môi trường văn hoá, đạo đức xã hội lành mạnh, văn minh; chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chất lượng dân số, gắn dân số với phát triển; quan tâm đến mọi người dân, bảo đảm chính sách lao động, việc làm, thu nhập, thực hiện tốt phúc lợi xã hội, an sinh xã hội. Không ngừng cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
(6) Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên.
(7) Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.
(8) Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam.
(9) Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò tự quản của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
(10) Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước.
(11) Tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện; tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng;đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
(12) Tiếp tục nắm vững và xử lý tốt các quan hệ lớn: Quan hệ giữa ổn định, đổi mới và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ; giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội (đây là mối quan hệ mới được bổ sung tại Đại hội lần này).
* Đại hội thống nhất xác định 06 nhóm nhiệm vụ trọng tâm là:
(1) Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
(2) Đổi mới mạnh mẽ và có hiệu quả mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao. Xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, hiện đại, hội nhập.
(3) Khơi dậy tinh thần và ý chí, quyết tâm phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; dân tộc cường thịnh, trường tồn; phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
(4) Giữ vững độc lập, tự chủ; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước.
(5) Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân; tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội.
(6) Quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên; tăng cường bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động, tích cực triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu.
* Đại hội cũng đã thảo luận và thống nhất 03 đột phá chiến lược:
(1) Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách nhằm tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực bằng những biện pháp hữu hiệu.
(2) Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu tiên nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến căn bản, mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ người tài; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí phấn đấu vươn lên, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
(3) Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội, về môi trường và quốc phòng, an ninh, ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.
Thưa các đồng chí!
Với tinh thần dân chủ, trách nhiệm cao, Đại hội đã bầu một lần đủ số lượng Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XIII gồm 180 ủy viên chính thức và 20 ủy viên dự khuyết. Tại Hội nghị thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã bầu: Bộ Chính trị gồm 18 ủy viên; Ban Bí thư khoá XIII có một số đồng chí là Uỷ viên Bộ Chính trị phân công tham gia Ban Bí thư và 5 đồng chí do Ban Chấp hành Trung ương bầu; Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIIIgồm 19 ủy viên do đồng chí Trần Cẩm Tú - Ủy viên Bộ Chính trị, làm Chủ nhiệm; đồng chí Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được tín nhiệm, bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII[1].
Từ những kết quả nêu trên, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thành công rực rỡ. Với định hướng đúng đắn, khát vọng phát triển mạnh mẽ và quyết tâm chính trị cao, Đại hội đã thể hiện bản lĩnh, ý chí kiên cường và quyết tâm đi tới của cả dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu, hiện thực hóa thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc ta.
Thưa các đồng chí; thưa đồng bào!
Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái tham dự Đại hội gồm 18 đồng chí do Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ tỉnh bầu và 02 đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII được Bộ Chính trị phân công tham gia đoàn (Đồng chí Đào Ngọc Dung và đồng chí Phạm Thị Thanh Trà).
Với tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu của tỉnh đã chủ động, tích cực tham gia vào các nội dung, chương trình của Đại hội theo quy định. Đặc biệt, trong các buổi thảo luận tại tổ, các thành viên đoàn đã phát huy tinh thần dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm, tâm huyết, tích cực, sôi nổi, đóng góp các ý kiến có chất lượng vào văn kiện Đại hội.
Từ những kết quả và kinh nghiệm thực tiễn trong công tác giảm nghèo của tỉnh, sáng ngày 28/01, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, thay mặt cho Đoàn đại biểu tỉnh đã có bài phát biểu tham luận tại Đại hội với chủ đề: "Phát huy vai trò, sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn xã hội thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững ở tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”. Những giải pháp, bài học kinh nghiệm và kiến nghị đề xuất của tỉnh đưa ra đã được Đại hội đồng tình, nhất trí cao. Sự tham gia đóng góp tích cực của đoàn đại biểu tỉnh đã góp phần vào thành công chung của Đại hội.
Thưa toàn thể đồng bào, đồng chí!
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra vào thời điểm rất có ý nghĩa, đúng vào dịp kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930-03/02/2021).
Cách đây đúng 91 năm, mùa xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, đã đề ra Cương lĩnh chính trị đúng đắn, tiên phong lãnh đạo cách mạng Việt Nam trong lúc đất nước chìm trong đêm trường nô lệ. Ngày 03/02/1930 đã trở thành cột mốc lịch sử trọng đại trong tiến trình phát triển của dân tộc ta; là bước ngoặt vô cùng quan trọng của cách mạng nước ta; chấm dứt sự bế tắc về đường lối đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Trải qua chặng đường lịch sử 91nămxây dựng và trưởng thành, với những mốc son chói lọi, bước ngoặt quan trọng, Đảng ta đã để lại những dấu ấn không thể phai mờ trong lịch sử dân tộc, trong lòng nhân dân, trong niềm tin yêu và hy vọng của mỗi người Việt Nam chúng ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách làm lên những chiến thắng vĩ đại mà không một thế lực nào có thể ngăn cản nổi.
Chỉ 15 năm sau ngày thành lập, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta vùng lên, làm nên thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 "long trời, lở đất”, đánh đổ ách thực dân, phong kiến, đưa đất nước ta thoát khỏi "đêm trường nô lệ”, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Để rồi, 09 năm sau, Đảng lãnh đạo thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp với đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, làm nên kỳ tích phi thường ghi vào lịch sử dân tộc: "Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”.
Từ năm 1954 đến năm 1975, Đảng tiếp tục lãnh đạo miền Bắc vừa tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa chi viện cho tiền tuyến miền Nam, nhân dân miền Nam tiếp tục kiên cường đấu tranh để thống nhất đất nước. Dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, nhân dân ta đã đoàn kết một lòng, tạo nên sức mạnh to lớn, đánh bại mọi chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, giải phóng hoàn toàn miền Nam, non sông quy về một mối.
Nhưng ngay sau đó, lại một lần nữa, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đã chiến đấu anh dũng, bảo vệ vững chắc biên giới, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả giúp nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi ách diệt chủng.
Trước yêu cầu mới của sự phát triển, cùng với đòi hỏi thực tiễn, Đảngta đã phân tích sâu sắc tình hình, từng bước đánh giá, đúc rút kinh nghiệm và tại Đại hội lần thứ VI của Đảng đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện - đánh dấu bước ngoặt quan trọng, thể hiện bản lĩnh, tư duy sáng tạo của Đảng, mở ra một thời kỳ mới cho sự phát triển của đất nước.
Sau 35 năm, công cuộc đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta đã thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; đưa đất nước từ chỗ nghèo nàn, kiệt quệ sau chiến tranh, vượt qua các cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng, vươn lên mạnh mẽ trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp; chính trị, xã hội ổn định, kinh tế tăng trưởng nhanh, quốc phòng - an ninh, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; thế và lực của đất nước tăng lên; đời sống vật chất, tinh thần củaNhân dân được cải thiện rõ rệt.
Những thành tựu 91 năm qua thể hiện: Đảng xứng đáng là người con ưu tú của dân tộc, xứng đáng với sự tin tưởng của Nhân dân, tạo nên truyền thống cực kỳ quý báu: Đó là truyền thống chiến đấu kiên cường, bất khuất, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, không ngừng đổi mới, sáng tạo; tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng; giữ vững sự gắn bó máu thịt với Nhân dân; luôn nêu cao chủ nghĩa quốc tế trong sáng, thuỷ chung. Từ trong thực tiễn phong phú, muôn màu ấy, Đảng luôn được tôi luyện, thử thách và không ngừng trưởng thành, dày dạn kinh nghiệm để ngày càng xứng đáng với vai trò và sứ mệnh lịch sử, lãnh đạo cách mạng thành công, đáp ứng kỳ vọng và sự tin yêu của Nhân dân.
Nhìn lại chặng đường đấu tranh oanh liệt với vô vàn những khó khăn, gian khổ, sự hy sinh cao cả cùng những thắng lợi vẻ vang mà Nhân dân ta đã giành được dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta càng trân trọng quá khứ, nâng niu, gìn giữ những thành quả của cách mạng, càng thấm thía và biết ơn công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại- lãnh tụ muôn vàn kính yêu; chúng ta càng thấu hiểu, tin yêu và tự hào thêm về dân tộc ta - một dân tộc anh hùng, thông minh và sáng tạo; tự hào về Đảng ta - Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh một lòng một dạ vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân.
Thưa toàn thể đồng bào, đồng chí!
Hoà cùng dòng chảy của lịch sử dân tộc, trong suốt hành trình dựng nước và giữ nước, nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã anh dũng, kiên cường, bất khuất trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, góp phần bồi đắp, tô thắm thêm truyền thống cách mạng của dân tộc.
Ngay sau ngày Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (03/02/1930), ảnh hưởng và uy tín của Đảng đã tác động sâu sắc đến địa bàn tỉnh Yên Bái, thúc đẩy nhiều cuộc đấu tranh chống thực dân, phong kiến, góp phần thức tỉnh ý chí đấu tranh vì độc lập, tự do của đồng bào các dân tộc trong tỉnh.
Ngày 07/5/1945, Chi bộ cộng sản đầu tiên được thành lập ở thị xã Yên Bái gồm 3 đảng viên. Đến ngày 30/6/1945, tại chiến khu Vần - Hiền Lương, Xứ ủy Bắc Kỳ đã quyết định thành lập Ban cán sự Đảng liên tỉnh Yên Bái-Phú Thọ do đồng chí Ngô Minh Loan làm Bí thư. Đây là sự kiện trọng đại, một mốc son lịch sử đánh dấu bước ngoặt mới cho phong trào đấu tranh cách mạng của tỉnh ta dưới sự lãnh đạo của Đảng quang vinh.
Ngay sau khi được thành lập, Đảng bộ tỉnh đã đảm đương xuất sắc vai trò tiền phong, lãnh đạo Nhân dân các dân tộc trong tỉnh cùng nhân dân cả nước đấu tranh giành và giữ vững độc lập, tự do, bảo vệ vững chắc sự toàn vẹn, thống nhất của tổ quốc, cũng như cùng cả nước thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Sau 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc Yên Bái luôn phát huy truyền thống cách mạng của quê hương Yên Bái anh hùng, đoàn kết một lòng, đồng tâm, hiệp lực, tự lực, tự cường, khơi dậy tiềm năng, phát huy nội lực, huy động mọi nguồn lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Năm 2020, với quyết tâm, cố gắng nỗ lực cao, chúng ta đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, đặc biệt là đã thành công trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, bảo đảm thực hiện thắng lợi "mục tiêu kép”: vừa phòng, chống hiệu quả dịch bệnh vừa tập trung phát triển kinh tế - xã hội. Với sự quyết liệt của toàn Đảng bộ, lực lượng vũ trang và tinh thần trách nhiệm của mỗi người dân, chúng ta đã ngăn chặn không để dịch bệnh COVID-19xâm nhập vào địa bàn tỉnh và cho đến nay, chúng ta vẫn đang tiếp tục cố gắng từng ngày, từng giờ, quyết tâm, quyết liệt với tinh thần cao nhất để bảo vệ thành quả này.
Đồng thời, chúng ta đã linh hoạt, chủ động trong ứng phó với những tác động tiêu cực từ dịch bệnh; kịp thời điều chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 cho phù hợp với tình hình thực tế và điều kiện cụ thể của địa phương; tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, ổn định đời sống, phát triển sản xuất kinh doanh. Trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế cả nước đều chậm lại, cá biệt một số địa phương tăng trưởng âm, thì GRDP tỉnh Yên Bái vẫn tăng trưởng khá, đạt 5,41%, đứng thứ 4/14 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc, cao gấp 1,86 tốc độ tăng của cả nước; riêng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,62%, thuộc nhóm các tỉnh tăng cao nhất trong khu vực và cả nước.
Xây dựng nông thôn mới là điểm sáng của khu vực Tây Bắc với những cách làm hiệu quả, sáng tạo, nhất là đối với xây dựng nông thôn mới ở các xã đặc biệt khó khăn. Đến hết năm 2020 chúng ta đã có 50% tổng số xã toàn tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, cao gấp 1,35 lần bình quân chung của vùng trung du và miền núi phía Bắc, gấp 1,85 lần bình quân chung các tỉnh khu vực Tây Bắc, trong đó có 12 xã đặc biệt khó khăn đã về đích nông thôn mới.
Thu ngân sách vượt cao so với dự toán Trung ương giao (bằng 142,5%) và chỉ tiêu HĐND tỉnh giao (bằng 108,5%), là một trong ba tỉnh của cả nước có số thu ngân sách vượt dự toán Trung ương giao. Các hoạt động thương mại, dịch vụ du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề của COVID-19 song từ quý III đã có sự phục hồi nhanh chóng, hoàn thành vượt mức kế hoạch năm đề ra.
Lĩnh vực văn hoá, xã hội, y tế, giáo dục đào tạo, khoa học - công nghệ... tiếp tục phát triển và có nhiều tiến bộ; thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, với tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,52%; hoàn thành đề án hỗ trợ xây dựng 929 căn nhà cho người có công và hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Quốc phòng - an ninh được đảm bảo vững chắc, phòng chống tham nhũng, lãng phí tiếp tục được thực hiện tốt. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả nổi bật, ấn tượng.
Đặc biệt, đã lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, đồng bộ, bài bản công tác chuẩn bị, tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, được Trung ương đánh giá cao. Vị thế, tầm vóc, vai trò của tỉnh Yên Bái không vùng trung du và miền núi phía Bắc ngừng được nâng lên.
Ghi nhận công lao to lớn trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng, chống kẻ thù xâm lược và trong sự nghiệp đổi mới của quân và dân Yên Bái, Đảng, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu cao quý "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập; gần 260 mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu "Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng”; 31 tập thể, 06 cá nhân được tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; nhiều tập thể và cá nhân được phong tặng danh hiệu "Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới”, hàng ngàn tập thể, cá nhân được nhận huân, huy chương và rất nhiều phần thưởng cao quí khác vì đã có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là niềm vinh dự, tự hào, là nguồn cổ vũ động viên khích lệ to lớn đối với Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và Nhân dân tỉnh Yên Bái.
Những thành tựu đáng ghi nhận ấy là kết tinh của những cố gắng, nỗ lực vượt bậc, tinh thần đổi mới, sáng tạo, phát huy ý chí tự lực, tự cường và sức mạnh đoàn kết, đồng tâm, hiệp lực của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, của cán bộ, đảng viên, chiến sỹ lực lượng vũ trang và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Thay mặt Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, tôi trân trọng cảm ơn những đóng góp to lớn, quan trọng của các cấp, các ngành, của các thế hệ cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đã luôn đoàn kết, ủng hộ, sát cánh, đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị năm 2020, cũng như trong suốt những năm vừa qua.
Thưa toàn thể đồng bào, đồng chí!
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thành công rực rỡ, đánh dấu mốc mới trên chặng đường phát triển đi lên chủ nghĩa xã hội. Đất nước, quê hương ta đang bước vào một thời kỳ phát triển mới - thời đại của nền kinh tế số, xã hội số của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; dân tộc ta đang kỳ vọng lớn lao về một "Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc”.Thành công của Đại hội chắc chắn sẽ là động lực to lớn cổ vũ, động viên Đảng bộ, chiến sỹ và nhân dân các dân tộc cả nước nói chung và tỉnh Yên Bái chúng ta nói riêng cùng chung sức, đồng lòng, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, nỗ lực vươn lên.
Hòa trong khát vọng lớn lao của toàn Đảng, toàn dân tộc, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái quyết tâm đưa Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc; trở thành tỉnh phát triển khá vào năm 2025 và trở thành tỉnh phát triển hàng đầu của Trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030, để nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái có cuộc sống ngày càng phồn vinh, văn minh và hạnh phúc, cùng cả nước vững bước trên con đường đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập và phát triển.
Tại diễn đàn trọng thể này, thay mặt Tỉnh ủy –Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân - Ủy ban Mặt trân tổ quốc Việt Nam tỉnh, tôi kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục phát huy cao độ truyền thống đoàn kết, chung sức, đồng lòng, không ngừng đổi mới, sáng tạo, khơi dậy mạnh mẽ ý chí, khát vọng vươn lên, tận dụng, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, tạo ra thế và lực mới cho sự phát triển, thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Tôi tin tưởng rằng, với truyền thống cách mạng vẻ vang, cùng khát vọng đổi mới, ý chí vươn lên và sự năng động, sáng tạo, quyết liệt, quyết tâm, chắc chắn chúng ta sẽ giành được nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa, đưa Yên Bái phát triển nhanh, toàn diện, vững chắc, vì mục tiêu: "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm!
Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩaViệt Nam muôn năm!
Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!
Xin trân trọng cảm ơn!
Tags Diễn văn Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy chào mừng thành công Đại hội XIII Ngày thành lập Đảng
Các tin khác
Sáng 3/2, Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ tỉnh Yên Bái long trọng tổ chức Chương trình chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 -3/2/2021).
Nhân dịp kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2021), chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và chào Xuân Tân Sửu 2021, sáng 3/2, Đoàn đại biểu đại diện cho Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh do đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn đã đến đặt vòng hoa viếng các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ trung tâm tỉnh và dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu tưởng niệm Bác Hồ.
Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hết sức vui mừng với thành công rực rỡ của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (Đại hội XIII) của Đảng. Thành công đó là kết quả sự kế thừa và phát huy truyền thống vinh quang của Đảng 91 năm qua, đặc biệt qua 35 năm đổi mới. Đại hội XIII của Đảng ghi một dấu mốc mới, mở ra sứ mệnh trong chặng đường đi lên của đất nước và sự phát triển toàn diện của Đảng.
Xuân Tân Sửu 2021, Đảng ta bước sang tuổi 91 với dồi dào kinh nghiệm lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức mạnh đoàn kết, dân chủ của một Đảng chân chính, luôn đổi mới, sáng tạo và nghiêm khắc tự xây dựng, chỉnh đốn vì lợi ích của nhân dân, của dân tộc. Nhờ đó, chẳng những dân tộc ta mà vị thế của đất nước ta đang ngày càng được khẳng định trong khu vực và trên toàn thế giới.