Tết năm 2002, tôi về Nghĩa Lộ, nơi đã sinh ra, nuôi tôi thành người. Nghĩa Lộ - Mường Lò giữa mùa hoa đào hồng thắm, hoa mơ trắng vườn, trắng bản. Bản trên, mường dưới rộn vui tiếng chiêng, tiếng trống.
Cũng như bao lần về trước, tôi đến thăm người đảng viên lớp lão thành của vùng này, cũng là người hàng xóm gần gũi từng cõng bế tôi ngày nào. Ông đã ngoài 80 tuổi, mái tóc bạc phơ, bộ râu dài cũng bạc như tơ, đôi mắt sáng, minh mẫn, tình người. Một đời cống hiến, công tác nay nghỉ hưu ông ở trong khu tập thể nhà cột gỗ vách toóc-xi. Tôi đứng nghiêm cúi đầu kính trọng chào ông như mọi lần đến gặp. Ông đứng dậy, tiến lại gần nắm hai cánh tay tôi nắn nắn:
- Cháu cũng đã nghỉ hưu rồi à?
- Thưa bác, cháu nghỉ được gần một năm rồi ạ.
- Nhanh nhỉ? Đời người như "vó câu qua cửa”.
Nghe ông nói, nghĩ về mình thì ít, tôi kính trọng nhớ về ông thì nhiều. Quê ông vốn dưới đồng bằng sông Hồng, thuộc xã Hoàng Tây, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Từ năm 1932, sống trong đời bị áp bức bóc lột của cảnh lầm than mất nước, mới 11 tuổi thơ dại, đói rách, ông phải lìa xa quê hương lang bạt tứ xứ kiếm ăn.
Đi đây đi đó rồi ông dừng lại ở nơi phố núi xa xôi, nhỏ hẹp có tên Nghĩa Lộ lần hồi từng bữa. Người đói nghèo thường dễ thông cảm, giúp người khác, cậu bé Thơ gặp bé Én, nhỏ hơn mình, cùng cảnh mà thương, gần gũi giúp nhau lần hồi qua bữa. Năm tháng dần qua, cả hai cùng lớn thành trai, thành gái. Đến năm 1944, họ nên vợ, nên chồng.
Nhưng hạnh phúc đến với họ đúng lúc đất nước, quê hương lại thêm giặc ác. Phát xít Nhật lúc này nhảy vào Đông Dương cùng với Pháp lập trại lính, lập căng, đưa tù chính trị về giam giữ ở Nghĩa Lộ. Đầu năm 1945, phong trào Việt Minh ở Nghĩa Lộ lên mạnh, lập ra các tổ chức Việt Minh, đoàn thể cứu quốc. Ông Thơ xin vào Đoàn Thanh niên Cứu quốc do anh Phan Đạo Xích phụ trách.
Qua tổ chức này, ông được tù chính trị ở Căng Nghĩa Lộ nhờ bí mật chuyển giấy mực vào để anh em in lô-tô, ra Báo Đường Nghĩa. Báo in ra, ông lại nhận, bí mật đưa đi phân phát. Qua đó, ông liên hệ được với tổ chức cách mạng của châu Văn Chấn. Đến tháng 7/1945, ta giành được chính quyền ở đây. Những ngày cách mạng sôi động ấy suốt đời ông chẳng thể quên. Các dân tộc trong vùng hồ hởi, hăng hái. Nào lập trại tăng gia, mở lớp bình dân học vụ, xóa nạn mù chữ, nào luyện tập quân sự rồi bồi dưỡng cán bộ cho chính quyền non trẻ.
Ông tham gia không mệt mỏi, rồi sau này, ông được kết nạp vào Đảng. Nhưng những ngày đáng nhớ ấy chẳng được bao lâu, cuối năm 1947, quân Pháp từ Sơn La chia làm nhiều hướng tiến về đánh chiếm Nghĩa Lộ. Không chịu sống dưới cảnh áp bức trong vùng chiếm đóng, ông đưa bà Én tản cư ra vùng Trấn Yên. Trách nhiệm là người đảng viên, ông nhận giao trọng trách làm tổ trưởng tổ công tác hậu địch, bí mật quay lại vùng Sơn A, bản Hẻo, Sơn Lương, Nghĩa Lộ, Nghĩa Lợi, Nghĩa Phúc…
Lúc này, thực dân Pháp đã chiếm gần hết huyện Văn Chấn. Quân đông, lắm súng đạn, chúng tàn bạo đốt phá làng bản, bắt bớ, giết hại dân lành. Bắt được ai, cứ gán cho "theo Việt Minh” là chúng giết. Các bản làng chúng đưa quân vây ép vào sống tập trung thành trại. Trại bị vây kín mấy lớp rào bằng những cây tre, cây vầu cắm dày chéo cánh sẻ. Cổng ra vào có lính canh gác suốt ngày đêm. Mục đích của chúng là "vét cá ra khỏi nước”, không cho liên lạc với Việt Minh. Dù vậy, ta vẫn cử những tổ công tác hậu địch vào gặp dân, gần dân. Dù khó khăn, ác liệt, cố gắng, bí mật lặn lội trong đêm hôm vào liên lạc với dân. Dân thì đùm bọc, chở che, báo tin địch cho anh em.
Ở Ao Luông, có tên Piềng làm tay sai cho địch, tàn ác, có nhiều nợ máu, tết năm 1950, cấp trên giao cho tổ phải diệt trừ. Biết diệt tên này không thể đi cả tổ, ông Nguyễn Trọng Thơ đứng ra nhận trọng trách.
Ông mặc bộ quần áo chàm như một người địa phương. Vào khoảng 8 giờ tối, giấu khẩu súng lục với 5 viên đạn ở trong người, ông vào bản Ao Luông. Không may, tên Piềng mới đi đâu vắng. Không được việc, nghĩ đến còn phải gặp Chánh tổng Sa Văn Bút, ông lại sang bản Văn.
Đến nhà Chánh tổng, ông Thơ nhẹ nhàng lên cầu thang, vào nhà. Thấy vợ chồng Chánh tổng, ông còn thấy có viên quan hai Pháp ngồi gục bên bàn, tay cầm chai rượu. Tưởng nó đã say rượu, ông vội rút súng, tiến lại sau lưng tên giặc. Không ngờ, nó đứng phắt dậy, rút súng, bắn trước. Ông kịp né tránh, đưa nòng súng vào gáy tên địch, bóp cò. Tên này ngã ập xuống bàn. Ông liền đoạt lấy khẩu súng, cả máy ảnh. Rồi ông bảo vợ chồng ông Chánh tổng đi báo ngay cho địch để tránh bị nghi kị, trả thù. Từ bấy, quan đồn Nghĩa Lộ cấm ngặt quân lính không được đi lẻ đến vùng này. Thế là ta càng có điều kiện hoạt động.
Trong vùng có dân bản Hẻo chuyên trồng rau, đưa lên chợ Nghĩa Lộ bán. Mỗi sớm, nghe tiếng quang gánh kẽo kẹt, tiếng chân bước, mọi người đều biết dân bản Hẻo lên bán rau. Chợ Nghĩa Lộ họp ngay trước cổng nhà thờ, gần đồn giặc, lính cũng hay xuống la cà. Đây là thuận lợi để cán bộ ta gặp gỡ, làm công tác địch vận. Bước đầu ta hỏi chuyện lính, làm quen, quen rồi thì gợi nỗi nhớ nhà, xa quê. Cùng là người địa phương với nhau, có người đồng cảm thì dễ tin, nghe theo, nên công tác địch vận kết quả. Một số lính đã bỏ đồn về nhà, một số thì nhận làm nội ứng.
Trong số này có anh Quy, làm cơ yếu mật mã cho quan đồn. Qua dân bản Hẻo lên chợ bán rau, anh đã chuyển mật mã cho cán bộ hậu địch của ta. Nhờ biết mật mã, bộ đội, du kích ta biết trước các cuộc vây lùng của địch mà tránh, nếu thuận lợi thì phục kích đánh diệt. Ông Nguyễn Trọng Thơ hoạt động trong vòng vây của địch như vậy, lúc thì trong các bản. Khi ác liệt thì ra Vằng Cài, đến ngày 17/10/1952, giải phóng Nghĩa Lộ từ đây ông hoạt động công khai, thành người chủ bản Mường.
Ông vận động tàn quân địch lén lút trong các bản, trong núi rừng ra hàng; vận động đồng bào vào tổ đổi công khôi phục lại sản xuất, rồi xây dựng hợp tác xã. Ngày máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc, người viết bài này đã khôn lớn, là phóng viên Đài truyền thanh tỉnh Nghĩa Lộ, xuống huyện Văn Chấn công tác, dù tuổi cao, ông vẫn miệt mài với công việc bên bộ bàn ghế gỗ mộc cũ, ngồi nhờ dưới gầm nhà sàn của dân…
Một đời ông công tác, làm việc gian lao thiếu thốn là vậy, khi đất nước hòa bình thống nhất, về nghỉ hưu ông vẫn sống trong gian nhà tập thể cột gỗ, vách toóc-xi, hai ông bà đơn lẻ. Tết nhất, tôi đến thăm, ông thật lòng: "Bác nhớ Sơn A, bản Hẻo quá mà già yếu không đi được…”.
Phận con cháu, tôi vội mượn xe đạp đưa ông đi. Làng bản còn đang vui tết, tưng bừng tiếng chiêng, tiếng trống, trai gái các bản, nào người Thái, người Mường, người phố Nghĩa Lộ, người công giáo bản Hẻo vui vẻ hội hè. Tôi đạp xe thật chậm để ông được đắm mình trong cảnh đông vui ấy. Qua nhà thờ bản Hẻo, ông bảo dừng lại để gặp, để chào hỏi những người thân quen, rồi ông ngắm đồng lúa xanh mởn non tơ, ngắm làng bản… Một đời, cống hiến cho cách mạng, cho dân, hạnh phúc ấy với ông cũng là đủ.
T.C.Đ