Xác định rõ, đồng vốn chính sách được thông qua các tổ chức chính trị - xã hội sẽ đúng địa chỉ hơn, quản lý chặt chẽ hơn và phát huy tốt nhất hiệu quả, những năm qua, tỉnh đã chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Chi nhánh tỉnh Yên Bái, các tổ chức, đoàn thể gồm Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân và Đoàn Thanh niên phối hợp chặt chẽ triển khai các chương trình cho vay đến các đối tượng.
Nhờ vậy, đã phát huy thế mạnh của các tổ chức trong việc tập hợp lực lượng, bình xét, quản lý, đôn đốc, kiểm tra hiệu quả sử dụng vốn vay, trả nợ, trả lãi của các đối tượng thụ hưởng.
Hết năm 2020, NHCSXH Chi nhánh tỉnh Yên Bái đã ký kết văn bản liên tịch ủy thác tín dụng với 4 tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh gồm: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên với 36 hội cấp huyện; ký hợp đồng ủy thác với 617 hội cấp xã; hợp đồng ủy nhiệm với 2.341 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) ở các thôn, bản; mạng lưới làm công tác ủy thác đã phủ rộng khắp 100% các thôn, bản toàn tỉnh; tổng dư nợ ủy thác 3.287,7 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 99,7% tổng dư nợ.
Các tổ chức hội, đoàn thể quản lý 2.341 tổ TK&VV, 81.713 hộ; trong đó, có169 xã có hội phụ nữ ký hợp đồng ủy thác với NHCSXH, quản lý 769 tổ TK&VV, 27.007 hộ vay, dư nợ 1.080,4 tỷ đồng (32,9% dư nợ ủy thác),163 xã có hội nông dân ký hợp đồng ủy thác với NHCSXH, quản lý 633 tổ TK&VV, 21.927 hộ vay, dư nợ 884,4 tỷ đồng (26,9% dư nợ ủy thác), 162 xã có hội cựu chiến binh ký hợp đồng ủy thác với NHCSXH, quản lý 525 tổ TK&VV, 18.214 hộ vay, dư nợ 731,2 tỷ đồng (22,2% dư nợ ủy thác), nợ quá hạn 528 triệu đồng chiếm 0,07%, 123 xã có đoàn thanh niên ký hợp đồng ủy thác với NHCSXH quản lý 414 tổ TK&VV, 14.565 hộ vay, dư nợ 591,7 triệu đồng (18% dư nợ ủy thác).
Đánh giá của NHCSXH Chi nhánh tỉnh Yên Bái cho thấy, kết quả hoạt động cho vay ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội đã phản ánh tính ưu việt của phương thức cho vay: chuyển tải vốn nhanh, đáp ứng được nhu cầu vốn cho hộ nghèo và đối tượng chính sách; đồng thời, quản lý vốn tín dụng ưu đãi (TDƯĐ) công khai, dân chủ, xã hội hóa hoạt động NHCSXH, các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội có điều kiện kết nạp thêm được hội viên, củng cố, kiện toàn các tổ chức của mình từ cơ sở ngày càng vững mạnh và có thêm một phần kinh phí để hoạt động.
Công tác ủy thác từng phần, đã gắn kết NHCSXH với các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội chung tay thực hiện nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo.
Việc tuyên truyền vận động, triển khai hướng dẫn khoa học, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi gắn với hoạt động đầu tư vốn TDƯĐ cho hộ nghèo đã phát huy tác dụng, giúp các hộ nghèo và đối tượng chính sách làm ăn có hiệu quả, vươn lên thoát nghèo. Đầu tư vốn TDƯĐ còn gắn với các phong trào khởi nghiệp của phụ nữ, của thanh niên đã tháo gỡ khó khăn về vấn đề vốn.
Mô hình tổ TK&VV tập hợp những hộ nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu vay vốn sống trên một địa bàn dân cư, do các tổ chức chính trị - xã hội hướng dẫn thành lập, được chính quyền cấp xã chấp thuận. Hoạt động của tổ theo nguyên tắc tự nguyện, tương trợ giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống, cam kết sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đúng hạn.
Tổ TK&VV còn được giao nhiệm vụ tổ chức bình xét công khai, dân chủ những người có đủ điều kiện vay vốn TDƯĐ, có sự quản lý, hướng dẫn, giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội và trưởng thôn, bản, trình UBND cấp xã phê duyệt. Qua 16 năm hoạt động và xây dựng mạng lưới, hệ thống tổ TK&VV, đến nay, toàn tỉnh có 2.341 tổ TK&VV ở khắp các thôn, bản, khu dân cư và trung bình mỗi tổ có 35 tổ viên, dư nợ bình quân do một tổ quản lý là 1,4 tỷ đồng.
Năm 2020, Chi nhánh NHCSXH tỉnh tập trung vào nhiệm vụ nâng cao chất lượng tổ TK&VV; thường xuyên củng cố, kiện toàn đảm bảo chất lượng hoạt động, tập huấn hướng dẫn cho tổ TK&VV về các chương trình TDƯĐ và quy trình thủ tục vay vốn.
Chất lượng tổ TK&VV đã có nhiều chuyển biến; từ đó, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng chính sách nói chung. Ngoài việc tham gia tổ TK&VV để được thụ hưởng các chính sách TDƯĐ của Nhà nước, hộ nghèo và các đối tượng chính sách cũng tham gia thực hành tiết kiệm bằng việc gửi tiền thông qua tổ TK&VV hàng tháng với số tiền chỉ từ 30 - 50 ngàn đồng, nhưng tích cóp để giảm bớt khó khăn khi trả nợ đến hạn và đến nay đã có trên 99% số hộ vay vốn tham gia gửi tiền tại NHCSXH với số dư 140,7 tỷ đồng, bình quân mỗi hộ có số dư tiền gửi 1,7 triệu đồng.
Ông Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc NHCSXH Chi nhánh tỉnh Yên Bái cho biết: vốn chính sách là nguồn lực quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Năm 2021, toàn ngành phấn đấu đạt doanh số cho vay tối thiểu 1.000 tỷ đồng, dư nợ tăng từ 300 - 350 tỷ đồng, đến hết năm đạt tối thiểu 3.600 tỷ đồng. Việc duy trì tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,15% cũng là mục tiêu khó nhưng rất quan trọng. Để hoàn thành mục tiêu này cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội. Chỉ có vậy, 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và đối tượng chính sách có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm dịch vụ do NHCSXH cung cấp.
Lê Phiên