Ngay sau khi ban hành Đề án, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cơ quan thông tin, truyền thông thường xuyên tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, nội dung của Đề án; chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tỉnh, các địa phương, cơ quan, đơn vị nghiêm túc quán triệt nội dung Đề án đến cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo thành lập Hội đồng Sơ tuyển, Hội đồng Sát hạch, tuyển chọn cán bộ tham gia Đề án đảm bảo công khai, minh bạch và khách quan. Ban Tổ chức Tỉnh ủy ban hành Hướng dẫn số 11 về việc tuyển chọn, giới thiệu nhân sự tham gia Đề án; trong đó, quy định rõ đối tượng, độ tuổi, phạm vi, điều kiện, tiêu chuẩn, nguyên tắc, quy trình tuyển chọn, giới thiệu nhân sự. Trên cơ sở đó, các địa phương, cơ quan, đơn vị đã lựa chọn, giới thiệu nhân sự tham gia Đề án theo yêu cầu, điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình quy định.
Sau khi tuyển chọn, giới thiệu lần đầu, trong tổng số trên 3.000 cán bộ trẻ, nữ, DTTS trong tỉnh, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã nhận được gần 400 hồ sơ giới thiệu nhân sự của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Căn cứ chuyên ngành đào tạo, quy trình sơ tuyển và Bộ tiêu chí để xét, chọn, Hội đồng Sơ tuyển đã lựa chọn, trình Thường trực Tỉnh ủy xem xét, quyết định 240 đồng chí đủ điều kiện để tham gia sát hạch và lựa chọn được 150 cán bộ tham gia Đề án, gồm 60 cán bộ trẻ, 45 cán bộ nữ, 45 cán bộ người dân tộc thiểu số. Để làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ tham gia Đề án, tỉnh đã tập trung đào tạo lý luận chính trị, bồi dưỡng kỹ năng, cập nhật kiến thức về công tác lãnh đạo quản lý.
Đồng thời, dành nguồn lực đáng kể và thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức đào tạo, bồi dưỡng, cụ thể: cử 43 cán bộ đi đào tạo trình độ cao cấp lý luận chính trị; phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức 2 lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, phương pháp lãnh đạo, quản lý cho cán bộ trẻ, nữ, DTTS; tổ chức cho 54 cán bộ trẻ đi học tập kỹ năng lãnh đạo, quản lý tại tỉnh Vân Nam - Trung Quốc; tổ chức 4 khóa tập huấn kỹ năng quản trị doanh nghiệp tại Tập đoàn LG Electronics Việt Nam - Hải Phòng cho 124 đồng chí.
Qua đó, lựa chọn, sắp xếp được 131 lượt cán bộ trẻ, 23 lượt cán bộ nữ và DTTS tham dự các kỳ họp của HĐND tỉnh; bố trí 100% cán bộ dự đại hội đảng bộ cấp cơ sở, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đưa vào cơ cấu để đại hội bầu được 40 đại biểu dự đại hội cấp trên cơ sở, 23 đại biểu dự Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh, góp phần nâng cao nhận thức và bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp lãnh đạo, quản lý qua thực tiễn tổ chức, điều hành các hội nghị.
Nhằm tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người DTTS tham gia Đề án được rèn luyện, thử thách qua thực tiễn, nhất là rèn luyện kỹ năng lãnh đạo, quản lý, góp phần xây dựng và tạo nguồn cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch số 181 về luân chuyển, điều động, tăng cường đối với cán bộ tham gia Đề án.
Các học viên tham gia Đề án số 11 được cấp giấy chứng nhận lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, phương pháp lãnh đạo quản lý do Tỉnh ủy phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức tháng 6/2019.
Kết quả, đã thực hiện bổ nhiệm điều động, luân chuyển, tăng cường 61 lượt cán bộ, gồm 30 lượt cán bộ trẻ, 15 lượt cán bộ nữ và 16 lượt cán bộ người DTTS. Công tác luân chuyển, điều động, tăng cường cán bộ Đề án được triển khai thực hiện gắn với công tác chuẩn bị nhân sự đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, kết hợp với điều động, bố trí hợp lý đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị, khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ. Kết quả, sau đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã có 40 đồng chí cán bộ Đề án là cấp ủy viên cấp cơ sở; 24 đồng chí là cấp ủy viên cấp trên cơ sở.
Đặc biệt, số cán bộ Đề án được bố trí, sử dụng kể từ khi tham gia Đề án chiếm 34% tổng số cán bộ của Đề án; trong đó, cán bộ giữ các chức danh diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý chiếm 8%.
Bên cạnh những kết quả đạt được sau 2 năm triển khai thực hiện Đề án số 11 vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Đó là, một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm đến công tác đề xuất, giới thiệu nhân sự tham gia Đề án nên còn mất cân đối cơ cấu ngành, lĩnh vực (cán bộ thuộc các lĩnh vực kinh tế, nông - lâm nghiệp, văn hóa, giáo dục, nội chính chiếm tỷ lệ cao; cán bộ thuộc lĩnh vực kỹ thuật, y tế chiếm tỷ lệ thấp); có nơi thực hiện còn mang tính hình thức, chưa lựa chọn được cán bộ thực sự nổi trội, có tố chất, triển vọng phát triển.
Một số tiêu chuẩn lựa chọn cán bộ tham gia Đề án chưa phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn (như cán bộ trẻ tham gia Đề án phải có chứng chỉ quản lý nhà nước phù hợp với ngạch hiện giữ, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trình độ C); tiêu chuẩn về độ tuổi đối với cán bộ nữ, DTTS từ 35 tuổi đến dưới 45 tuổi còn cao.
Đặc biệt, một số cơ quan, đơn vị và cán bộ tham gia Đề án chưa chấp hành tốt Quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ tham gia Đề án; có đơn vị, địa phương trong quá trình bố trí, sử dụng cán bộ Đề án thuộc thẩm quyền quản lý chưa kịp thời trao đổi và báo cáo cơ quan Thường trực Đề án; có đơn vị chưa quan tâm đề xuất cán bộ của đơn vị mình để cấp có thẩm quyền thực hiện việc điều động, luân chuyển, tăng cường đi cơ sở.
Ngoài ra, một số cán bộ Đề án chưa nhiệt tình, thiếu khát vọng cống hiến, chưa thể hiện sự nỗ lực phấn đấu khi tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, nhất là cán bộ người DTTS. Vì vậy, thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục lãnh đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị thường xuyên quán triệt về mục đích, ý nghĩa, nội dung Đề án; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác tạo nguồn cán bộ trẻ, nữ, DTTS; chủ động phát hiện, lựa chọn, đề xuất cán bộ có đủ tiêu chuẩn, năng lực, phẩm chất chính trị và triển vọng, uy tín để giới thiệu tham gia Đề án.
Xác định rõ việc xây dựng và tạo nguồn cán bộ là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác cán bộ và là trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị. Quan tâm thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ của Đề án; tập trung bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới, bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp lãnh đạo, quản lý; chú trọng cử cán bộ đi đào tạo sâu về chuyên môn để phấn đấu trở thành chuyên gia; rà soát, lựa chọn, đề xuất danh sách, số lượng cán bộ của Đề án cần đào tạo về lý luận chính trị để ưu tiên bổ sung vào danh sách các lớp đào tạo lý luận chính trị theo chỉ tiêu của Trung ương, của tỉnh hoặc đề nghị mở các lớp đào tạo tập trung tại tỉnh; nghiên cứu, thực hiện thí điểm bổ nhiệm chức danh lãnh đạo cấp phòng thông qua thi tuyển. Thường xuyên đánh giá cán bộ theo tiêu chuẩn chức danh và các tiêu chí về đánh giá cán bộ theo quy định hiện hành; tập trung đánh giá kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, tư duy đổi mới, năng lực sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, khả năng thích ứng nhanh với tình hình thực tiễn...
Trên cơ sở đó, xem xét, rà soát, sàng lọc, tuyển chọn, bổ sung cán bộ vào Đề án đảm bảo chất lượng, hiệu quả; rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ Đề án gắn với quy hoạch tổng thể đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh và quy hoạch của các cơ quan, đơn vị, địa phương; mở rộng và tăng cường tỷ lệ cán bộ trẻ, nữ, DTTS được quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp. Chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị quan tâm thực hiện tốt công tác bố trí, sử dụng, tạo điều kiện để cán bộ tham gia Đề án được rèn luyện, thử thách qua thực tiễn.
Tiếp tục điều động, luân chuyển, tăng cường cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo các cơ quan chuyên môn cấp huyện, lãnh đạo chủ chốt cấp xã; xây dựng, thực hiện cơ chế, chính sách đối với cán bộ tham gia Đề án đảm bảo quy định, phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh. Bố trí cho cán bộ của Đề án tham dự các hội nghị học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh, các kỳ họp HĐND các cấp; tham dự sinh hoạt chi bộ khu dân cư nhằm tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa cán bộ, đảng viên và nhân dân. Qua đó, sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ cho địa phương và hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ Đề án số 11 của Tỉnh ủy đã đề ra.
Thanh Hương