Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ X vừa qua. Nhất là một số quy định về cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc việc duy trì biện pháp cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình; có ý kiến đại biểu đề nghị duy trì biện pháp này và bổ sung quy định để bảo đảm tính hiệu quả, khả thi.
Theo bà Thúy Anh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, biện pháp cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng phù hợp với chủ trương đa dạng hóa các hình thức cai nghiện, tạo điều kiện cho tất cả những người nghiện ma túy lần đầu đều có thể được cai nghiện tự nguyện, nhất là người khó tiếp cận cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện; đồng thời, thể hiện trách nhiệm và huy động sự tham gia của gia đình, cộng đồng đối với người nghiện ma túy. Báo cáo bổ sung của Chính phủ cho thấy, những tồn tại, hạn chế trong công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng chủ yếu liên quan đến việc tổ chức thực hiện chính sách.
Do vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, để bảo đảm tính khả thi và hiệu quả của biện pháp cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng: Quy định rõ thời hạn cai nghiện ma túy từ đủ 6 tháng đến 12 tháng và người tham gia cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng mà hoàn thành ít nhất 3 giai đoạn của quy trình cai nghiện ma túy (quy định tại Khoản 1 Điều 29) thì được hỗ trợ kinh phí; quy định cụ thể trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trong quản lý, kiểm tra, hướng dẫn, tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; trách nhiệm của người cai nghiện ma túy, cơ sở cai nghiện ma túy, tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện cung cấp hoạt động cai nghiện ma túy. Các nội dung chỉnh lý được thể hiện tại điều 30 của dự thảo Luật.
Nhất trí với việc duy trì hình thức cai nghiện ma túy tại cộng đồng, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (TP Hải Dương) cho rằng, quy định này sẽ góp phần giảm chi phí cho ngân sách nhà nước, tạo cơ hội để người nghiện ma túy không bị tách biệt khỏi cộng đồng, dễ dàng hòa nhập xã hội sau khi cai nghiện.
Nguyên Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An Nguyễn Hữu Cầu đề nghị Ban soạn thảo làm rõ khái niệm người nghiện ma túy trong dự thảo luật để việc thực thi được rõ hơn, hiệu quả hơn trong cuộc sống. Bởi theo đại biểu, khái niệm được nêu trong dự thảo luật đã cũ, không còn phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay.
Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục hoàn thiện nhiều vấn đề như quy định rõ hơn trách nhiệm của của tổ chức, cá nhân đối với công tác này, nhất là các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn khu dân cư hiện nay.
Trong khi đó, GS Nguyễn Anh Trí (Đại biểu TP Hà Nội) lên án mạnh mẽ về thực trạng lái xe nghiện ma túy hiện nay đã gây nhiều hậu quả về tai nạn giao thông cho xã hội. Vì thế, ông đề nghị cần tổ chức xét nghiệm chất ma túy đối với lái xe đột xuất, không theo định kỳ thì kết quả xét nghiệm mới đúng nhất, từ đó có biện pháp xử lý nghiêm minh. Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị ngay lập tức, Quốc hội và cơ quan có thẩm quyền cần ban hành quy định về cấm lưu hành, sử dụng thuốc lá điện tử vì những hệ lụy khôn lường của loại thuốc này, nhất là việc trộn ma túy vào thuốc lá điện tử để "hút cho phê".
Phát biểu tại phiên thảo luận, thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu rõ: Ngay sau khi kết thúc kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV và phiên họp thứ 51 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chỉnh lý, tiếp thu dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), Bộ Công an là cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật đã phối hợp chặt chẽ với các Ủy ban của Quốc hội, các bộ ngành có liên quan tổ chức nghiên cứu một cách khoa học, toàn diện ý kiến của các đại biểu Quốc hội đối với dự án Luật.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, tất cả các ý kiến của đại biểu Quốc hội đã được tiếp thu nghiêm túc, tối đa và có giải trình thấu đáo. Qua đó đã hoàn chỉnh các quy định trong dự án Luật, đảm bảo tính khả thi khi Luật được ban hành. Trong buổi thảo luận ở hội trường hôm nay, các đại biểu Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật như: việc quản lý tiền chất ma túy, quản lý người nghiện ma túy, kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, quy định trách nhiệm quản lý liên quan đến các cơ quan, cơ sở cai nghiện ma túy, việc chấp hành hình phạt tù của người từ 12 đến 18 tuổi, công tác cai nghiện ma túy cho người từ 12 - 18 tuổi, trách nhiệm của người sử dụng trái phép chất ma túy, các hình thức cai nghiện ma túy...
Những vấn đề trên, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật sẽ phối hợp với các cơ quan thẩm định, các cơ quan liên quan tiếp tục tiếp thu, chỉnh sửa và sẽ có báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và sẽ có báo cáo với Quốc hội quyết định việc thông qua dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) theo quy định.
Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) được Quốc hội thông qua sẽ cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; đồng thời tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong thực hiện công tác phòng chống ma túy trong những năm qua; đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng chống ma túy trong thời gian tới, huy động được sức mạnh tổng hợp của của hệ thống chính trị, của nhân dân và cộng đồng quốc tế trong công tác phòng chống ma túy.
Theo dự kiến chương trình làm việc của Quốc hội, dự án Luật Phòng, chống ma túy sẽ được các đại biểu thảo luận và thông qua tại Kỳ họp này.
(Theo VTV)