Nghị quyết đi vào cuộc sống
Nhiệm kỳ 2016 - 2021, HĐND tỉnh Yên Bái đã tổ chức thành công 21 kỳ họp, thông qua 235 nghị quyết. Chất lượng các nghị quyết được nâng lên, sát với thực tiễn và có tính khả thi, đáp ứng được yêu cầu phát triển của địa phương và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Nghị quyết số 13/2020/NQ-HĐND ban hành một số chính sách đặc thù hỗ trợ sản xuất nông nghiệp năm 2020 để ứng phó với dịch bệnh Covid-19 như một làn gió mới giúp người dân vượt qua khó khăn bởi dịch Covid-19.
Ông Triệu Huấn - Bí thư Đảng ủy xã Mường Lai, huyện Lục Yên cho biết: "Thực hiện Nghị quyết số 13 của HĐND tỉnh, xã đã có hàng trăm hộ được nhận hỗ trợ sản xuất, chăn nuôi. Người dân phấn khởi, bởi đây là nguồn vốn giúp họ vượt qua khó khăn, phát triển chăn nuôi, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp”. Thực hiện Nghị quyết số 13, huyện Lục Yên đã hỗ trợ cho 449 hộ và cơ sở chăn nuôi với tổng kinh phí trên 5 tỷ đồng.
Ông Trần Quốc Tuấn - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện khẳng định: "Nghị quyết số 13 của HĐND tỉnh là một trong những nghị quyết đúng, trúng, phù hợp với nhu cầu thực tiễn của nhân dân trong điều kiện khó khăn của dịch Covid-19, góp phần thúc đẩy tăng trưởng ngành nông nghiệp, thực hiện "mục tiêu kép” trong trạng thái bình thường mới”.
Thực hiện Nghị quyết, toàn tỉnh đã có trên 2.300 hộ được hỗ trợ với số tiền trên 20 tỷ đồng. Qua giám sát, nguồn vốn đến đúng đối tượng và phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy tốc độ tăng tổng sản phẩm nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 6,0% trong năm 2020.
Cùng với Nghị quyết số 13, Nghị quyết số 08/NQ-HĐND về thông qua Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ gia đình người có công với cách mạng và hộ nghèo đặc biệt khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh năm 2020 được xem như một "cú huých” để các hộ nỗ lực, phấn đấu làm nhà ở, đặc biệt là huy động sự vào cuộc của cả cộng đồng, cả hệ thống chính trị, nhất là các cơ quan, các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh, anh em họ hàng, làng xóm... ủng hộ, giúp đỡ làm nhà ở cho các đối tượng theo Đề án.
Chỉ trong thời gian ngắn, 780/780 nhà theo mục tiêu của Nghị quyết đã hoàn thành. Những ngôi nhà thực sự ấm áp, vững chãi, thể hiện sinh động ý nghĩa nhân văn của chính sách để "không ai bị bỏ lại phía sau”, giúp các đối tượng ổn định, vượt khó, vươn lên trong cuộc sống. Nghị quyết số 13 và Nghị quyết số 08 là hai trong rất nhiều nghị quyết mà HĐND tỉnh đã thông qua trong 5 năm qua.
Theo bà Hoàng Thị Thanh Bình - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: Trong nhiệm kỳ, HĐND tỉnh tăng cường ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, qua đó đã giải quyết được những yêu cầu bức thiết của địa phương trong từng giai đoạn cụ thể.
Hầu hết các nghị quyết chuyên đề của HĐND tỉnh được ban hành đều đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả và có tính khả thi cao như các nghị quyết về quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, quy hoạch sản phẩm; chính sách hỗ trợ phát triển ở các lĩnh vực nông - lâm nghiệp, thủy sản; Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; sắp xếp quy mô mạng lưới trường, lớp học; chính sách thực hiện thí điểm sắp xếp tổ chức bộ máy một số cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp; mức khoán kinh phí chi trả phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã và thôn, bản, tổ dân phố…
"Để nghị quyết đi vào cuộc sống, HĐND tỉnh đã nắm vững, vận dụng đúng đắn quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy vào việc xác định các nghị quyết chuyên đề cần được ban hành nhằm tập trung giải quyết những vấn đề quan trọng, cấp bách của địa phương” - bà Bình nói.
Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giám sát
Một trong những dấu ấn trong nhiệm kỳ qua là hoạt động giám sát, khảo sát của HĐND, Thường trực và các Ban HĐND tỉnh tiếp tục có nhiều đổi mới, chất lượng, hiệu quả, quy trình tổ chức giám sát chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực và các ban của HĐND tỉnh đã tổ chức giám sát 42 chuyên đề, trên 250 cuộc giám sát, khảo sát thường xuyên và đột xuất, tập trung trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - ngân sách, văn hóa - xã hội, nội chính - pháp chế, quốc phòng - an ninh.
Bà Đinh Thị Thanh Uyên - Phó trưởng Ban Pháp chế, HĐND huyện Văn Chấn chia sẻ: "Điểm mới trong công tác này là đổi mới phương thức giám sát theo hướng trực tiếp nghe ý kiến và đối thoại với nhân dân ở địa phương. Qua đó, đã chỉ rõ những hạn chế, khó khăn vướng mắc, đưa ra những kiến nghị, đề xuất các giải pháp hợp lý kịp thời, đảm bảo phù hợp với thực tiễn”.
Nét mới trong hoạt động giám sát là đã xác định đúng vấn đề, nội dung trọng tâm, đúng đối tượng cần giám sát; không để trùng lặp về nội dung, thời gian, đối tượng, địa điểm; kết hợp giám sát qua báo cáo với giám sát thực tế trực tiếp tại cơ sở, gặp gỡ, phỏng vấn trực tiếp các đối tượng tham gia các chính sách. Qua hoạt động giám sát, đã chỉ rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành với từng nội dung cụ thể.
Kết quả các cuộc giám sát chuyên đề được báo cáo trực tiếp tại các kỳ họp thường kỳ của HĐND giúp HĐND đánh giá sâu hơn và thực hiện quyền giám sát tại kỳ họp; trên cơ sở đó, kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo điều chỉnh, sửa đổi hướng dẫn thực hiện chính sách, chỉ đạo các ngành chuyên môn kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định”.
Trong nhiệm kỳ, công tác giám sát, hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn tại các kỳ họp cũng được đổi mới; quyền chất vấn của đại biểu HĐND từng bước được phát huy.
Đại biểu Hoàng Thị Lan Hương - Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Trấn Yên, Phó trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh cho biết: "Tại các kỳ họp, tôi đều tham gia chất vấn các đại biểu có liên quan đến các vấn đề mà trong quá trình tiếp xúc cử tri đã phản ánh; các vấn đề bất cập qua giám sát, khảo sát. Các ý kiến trả lời của người đứng đầu các ngành đều đi thẳng vào trọng tâm, đúng nội dung, không trả lời vòng vo, được cử tri hoan nghênh”.
Nhờ đổi mới nên nhiệm kỳ đã có 65 ý kiến chất vấn của các đại biểu HĐND tỉnh đối với chủ tịch, các phó chủ tịch UBND và thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh.
Theo đánh giá, các ý kiến chất vấn đã đi vào những vấn đề cụ thể, những vấn đề bức xúc mà cử tri và dư luận xã hội quan tâm. Việc trả lời chất vấn, trả lời ý kiến kiến nghị của cử tri tại các kỳ họp được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định; hình thức chất vấn theo hướng "hỏi nhanh, đáp gọn” có trọng tâm, trọng điểm.
Phát huy hiệu quả "kỳ họp không giấy”
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh đã tổ chức 21 kỳ họp (9 kỳ họp thường kỳ, 12 kỳ họp chuyên đề), thông qua 235 nghị quyết (36 nghị quyết về bầu cử; 199 nghị quyết về chế độ, chính sách). Mỗi kỳ họp, HĐND tỉnh đã thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số.
Công tác chuẩn bị kỳ họp được thực hiện theo luật định, luôn được quan tâm, đổi mới, chất lượng được nâng lên. Các ban của HĐND tỉnh đã chủ động tổ chức khảo sát thực tế tại cơ sở để đánh giá tính phù hợp, khả thi của dự thảo nghị quyết.
Thường trực HĐND tỉnh tiếp tục đổi mới việc tổ chức, điều hành kỳ họp theo hướng dành nhiều thời gian cho phiên thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn; hầu hết tài liệu quan trọng của kỳ họp đều được gửi trước cho đại biểu nghiên cứu.
Đặc biệt, mô hình "kỳ họp không giấy” được Thường trực HĐND tỉnh triển khai từ Kỳ họp thứ 14, các đại biểu tham dự kỳ họp được trang bị máy tính bảng để sử dụng nghiên cứu tài liệu và thông qua các nghị quyết của kỳ họp.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong kỳ họp, nhất là trước diễn biến tình hình dịch bệnh Covid -19, HĐND đã linh hoạt chuyển sang tổ chức kỳ họp chuyên đề bằng hình thức trực tuyến để kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ ứng phó với dịch bệnh Covid - 19 và quyết định một số vấn đề quan trọng, cấp bách của tỉnh.
Công tác điều hành kỳ họp liên tục được đổi mới, từng bước được cải tiến, hợp lý và đạt hiệu quả cao. Vai trò điều hành của chủ tọa linh hoạt, sáng tạo, bám sát chương trình đề ra, thể hiện sự chặt chẽ, dân chủ.
Nhờ vậy, đã giảm thời gian trình bày các báo cáo tại hội trường; sắp xếp hợp lý nội dung, chương trình của các phiên họp; dành nhiều thời gian cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, thảo luận tại hội trường, thảo luận tại tổ; tổ chức chất vấn theo nhóm vấn đề, kết hợp chất vấn, tái chất vấn, có kết luận của phiên thảo luận tại tổ, tại hội trường và phiên chất vấn...
Ông Vũ Quỳnh Khánh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Nhìn lại chặng đường 5 năm qua, mặc dù còn không ít khó khăn, thách thức, song, nhờ nắm vững, vận dụng đúng đắn quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy nên chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh đã được nâng lên rõ rệt. Công tác tổ chức các kỳ họp HĐND tỉnh ngày càng khoa học, linh hoạt.
Các nghị quyết ban hành đều sát với tình hình phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương và có tính khả thi cao được cử tri đồng tình và đi vào cuộc sống.
"Hoạt động của HĐND tỉnh có nhiều đột phá, dân chủ, hướng về cơ sở, được cử tri và nhân dân quan tâm theo dõi và đánh giá cao. Từ những kết quả đạt được, đây là một nhiệm kỳ thành công, đổi mới, tạo nhiều dấu ấn và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao" - ông Khánh khẳng định.
Đây là dấu ấn, tiền đề quan trọng để HĐND tỉnh khóa tới tiếp tục gặt hái được nhiều thành công mới, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh đề ra, xây dựng Yên Bái trở thành tỉnh phát triển "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.
Văn Tuấn