Báo chí văn nghệ địa phương xưa nay vẫn được xem là cơ quan ngôn luận, diễn đàn văn nghệ chính của lực lượng văn nghệ sĩ các tỉnh; là tạp chí chuyên ngành sáng tác, nghiên cứu lý luận phê bình văn học nghệ thuật (VHNT) nên dường như ít dành sự quan tâm đến chất báo trên tạp chí.
Đâu đó vẫn còn tình trạng Tạp chí Văn nghệ nằm bên lề các sự kiện, hoặc "nói theo sau các sự kiện” tại một số địa phương. Do vậy, để thực hiện tốt song song hai chức năng báo và chí, những năm gần đây, Tạp chí Văn nghệ Yên Bái luôn "làm mới mình” bằng sự đa dạng trong việc đăng tải các tác phẩm, đổi mới hình thức, cách trình bày theo hướng hiện đại, cập chuẩn.
Và một trong những lý do khiến nhiều độc giả yêu thích ấn phẩm Tạp chí Văn nghệ Yên Bái chính là sự xuất hiện ngày càng nhiều tác phẩm mang tính thời sự nóng hổi. "Chất báo chí” của Tạp chí Văn nghệ Yên Bái được thể hiện rõ nét qua những tác phẩm vừa có tính thời sự vừa sâu sắc với những thông tin mang tính định hướng, hướng dẫn dư luận xã hội; phù hợp với văn hóa và sự phát triển, đảm bảo tính nhân văn.
Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Tạp chí Văn nghệ Yên Bái đã làm tốt việc tuyên truyền, phổ biến quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển VHNT, giới thiệu các sáng tác VHNT phục vụ các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa của địa phương; tạo sự đồng thuận trong xã hội; giảm tỷ lệ mất cân đối trong thụ hưởng thông tin giữa khu vực thành thị và vùng nông thôn, vùng sâu, vùng cao trong tỉnh.
Đồng thời thông tin rộng rãi tới nhân dân trong tỉnh, trong nước và ngoài nước về các hoạt động VHNT của địa phương; đăng tải các bài nghiên cứu, lý luận phê bình nhằm định hướng sáng tạo và thị hiếu thẩm mỹ, công bố các tác phẩm VHNT của văn nghệ sĩ Yên Bái nhằm phát triển toàn diện, có tính kế thừa và phát triển các loại hình nghệ thuật: văn học; mỹ thuật; nhiếp ảnh; âm nhạc; sân khấu; nghiên cứu - trao đổi VHNT; nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian…; quảng bá hình ảnh Yên Bái, con người và đất nước Việt Nam tới mọi đối tượng độc giả, góp phần ổn định chính trị, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, hướng con người tới giá trị chân - thiện - mỹ.
Nhiều năm qua, Tạp chí Văn nghệ Yên Bái luôn được đánh giá nằm trong top các Tạp chí Văn nghệ chất lượng hàng đầu cả nước bởi đáp ứng một số tiêu chí sau:
Thể hiện được tính chuyên nghiệp của Tạp chí, đáp ứng các nhiệm vụ được giao. Sự chuyên nghiệp của Tạp chí được thể hiện ở nội dung, hình thức trình bày và nhân lực làm Tạp chí. Ngoài việc nâng khổ Tạp chí lên 19x27cm theo đúng quy chuẩn, mở thêm các chuyên trang, chuyên mục đáp ứng nhiệm vụ tuyên truyền, Tạp chí đã từng bước xây dựng, kiện toàn đội ngũ, quy chế hoạt động của ban biên tập theo hướng tinh gọn, chất lượng, có trình độ văn chương, nghệ thuật nhất định. Đặc biệt, những người làm báo văn nghệ ngày càng thể hiện rõ tính chuyên nghiệp trong sáng tác.
Với kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp và sứ mệnh của mình, Ban Biên tập luôn tập trung làm rõ các góc cạnh thông tin và đưa ra những cảnh báo, bài học; đồng thời, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa chất văn và chất báo để các tác phẩm đến với công chúng một cách nhanh chóng và không quá cứng nhắc.
Điều đó thể hiện ở góc nhìn, lối tư duy, cách diễn đạt, khả năng phân tích của những người làm báo văn nghệ, tạo nên các thông tin có màu sắc riêng, sâu hơn, đằm hơn, trong một khuôn khổ, dung lượng chữ nghĩa vừa phải. Những người làm báo văn nghệ của tỉnh đã dần hình thành cho mình những kỹ năng thu thập thông tin tài liệu và những bằng chứng, dữ liệu đa chiều.
Trong đó, luôn đặc biệt quan tâm đến mối liên hệ giữa nội dung bài viết với yếu tố hình ảnh để tránh chất "chay" thiếu hấp dẫn, thiếu tính thuyết phục; đồng thời, luôn nhận thức đúng đắn về sự khác biệt giữa làm báo văn nghệ và làm báo thời sự, bởi báo văn nghệ không chỉ riêng việc thông tin, phản ánh hiện thực mà còn phải thông qua hình tượng nghệ thuật để phản ánh hiện thực, làm cho hiện thực trở nên phong phú, sinh động, hấp dẫn người đọc.
Xác định rõ tính địa phương của tạp chí, Tạp chí Văn nghệ Yên Bái đã thể hiện được bản sắc riêng của vùng đất có trên 30 dân tộc anh em cùng chung sống, góp vào nền báo chí văn nghệ cả nước thành một vườn hoa đa sắc. Cụ thể, thông qua các tác phẩm nhiếp ảnh đăng tải trên Tạp chí, các triển lãm ảnh tại các sự kiện chính trị lớn của tỉnh, của khu vực đã góp phần quảng bá vẻ đẹp của mảnh đất, con người Yên Bái. Đây là lời mời gọi hữu hiệu nhất để các du khách tìm đến Yên Bái trải nghiệm và tham quan.
Thông qua các tác phẩm văn xuôi, thơ, mỹ thuật, âm nhạc…, những cá nhân làm kinh tế giỏi, những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả; các cá nhân, tập thể điển hình được phản ánh đầy đủ, sinh động, góp phần quảng bá, nêu gương, tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội.
Thông qua các tác phẩm văn hóa dân gian, những truyền thống văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc tỉnh Yên Bái được lưu truyền trong công chúng góp phần quảng bá, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc tỉnh Yên Bái.
Như vậy, VHNT Yên Bái với rất nhiều thể loại đang là kênh truyên truyền độc đáo, đa dạng mọi mặt xã hội, góp phần nói lên tiếng nói của Đảng, tâm tư nguyện vọng của nhân dân, xây dựng nhãn quan chân - thiện - mỹ đúng đắn.
Lấy chất lượng làm giá trị của tờ báo. Đội ngũ văn nghệ sĩ địa phương luôn nỗ lực sáng tác, sáng tạo ra các tác phẩm ngày càng chất lượng, hướng đến những vấn đề mang tính thời đại song không đánh mất bản sắc vùng miền.
Người làm báo văn nghệ luôn chải chuốt, nắn nót từng con chữ, chọn lọc, cân nhắc từng hình ảnh để có được một tác phẩm báo chí hay, sắc sảo, có sức lan tỏa rộng, được độc giả chú ý và gây được ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc. Điều đó thúc đẩy người sáng tác luôn tìm tòi, học hỏi, nâng mình lên để theo kịp bầu bạn văn chương, đặc biệt là theo kịp nhu cầu của công chúng. Theo đó đội ngũ biên tập viên của Tạp chí phải không ngừng nâng cao năng lực, đủ khả năng thẩm định, biên tập tác phẩm gửi về.
Quan tâm đầu tư, chú trọng đến yếu tố con người. Hiện thực nêu trên chỉ ra rằng, người làm Tạp chí, ngoài việc phân biệt đúng sai như các báo khác, điều quan trọng và khu biệt là phải biết nhận xét hay, dở, xấu, đẹp. Muốn làm cán bộ biên tập Tạp chí Văn nghệ phải vừa là nhà văn vừa là nghệ sĩ đồng thời vừa là nhà báo…
Do vậy, việc đẩy mạnh công tác đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ biên tập, trị sự, phóng viên Tạp chí Văn nghệ Yên Bái là vấn đề luôn được thường trực Hội quan tâm và đầu tư.
Cạnh đó việc tìm kiếm, phát hiện, bồi dưỡng lực lượng hội viên đều khắp các huyện, thị, cơ quan, ban, ngành trong tỉnh đặc biệt là đội ngũ tác giả trẻ, tác giả người dân tộc thiểu số thông qua các trại sáng tác, các cuộc thi, các lớp tập huấn, các buổi hội thảo, tọa đàm cũng đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Đây là lực lượng nòng cốt tạo nên sự đa dạng, phong phú và chất lượng của Tạp chí.
Từ thuận lợi trên, cộng thêm sự quan tâm, tạo điều kiện rất lớn của Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh, Tạp chí Văn nghệ Yên Bái xác định phát huy những gì đã có, kịp thời đổi mới, không ngừng nâng cao chất lượng, đảm bảo sự phù hợp trong xu thế truyền thông mới.
Điều này càng trở nên quan trọng trong thời đại mà báo mạng điện tử, truyền thông xã hội bùng nổ, sự chạy đua về xuất bản, cập nhật tin tức trở nên khốc liệt, vị thế của báo chí chính thống và mạng xã hội luôn có sự cạnh tranh.
Do đó, để thực hiện tốt chức năng vai trò của 1 trong 3 cơ quan báo chí chính thức của tỉnh, thời gian tới, Tạp chí Văn nghệ Yên Bái xác định: bám sát sự chỉ đạo, lãnh đạo, định hướng của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy để Tạp chí Văn nghệ Yên Bái đáp ứng yêu cầu phát triển VHNT trong tình hình mới là yếu tố quan trọng, tiên quyết; đồng thời, không ngừng nâng cao chất lượng tác phẩm thuộc các chuyên ngành trên Tạp chí, tạo dấu ấn, bản sắc riêng về văn hóa, vùng đất, con người Yên Bái. Chú trọng các bài viết về vùng đất, con người Yên Bái xưa và nay, tạo bản sắc riêng của VHNT vùng Tây Bắc, thu hút rộng rãi người đọc.
Tiếp tục nâng cao chất lượng các chuyên trang, chuyên mục phù hợp với yêu cầu, đặc trưng của Tạp chí Văn nghệ Yên Bái. Nâng cao chất lượng chuyên mục nghiên cứu - trao đổi, xem đây là đòn bẩy, thúc đẩy phong trào sáng tác văn học nghệ thuật trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, quan tâm chuyên mục Văn nghệ Trẻ, Văn nghệ Thiếu nhi vì đây là nơi phát triển lực lượng kế thừa và là nhóm độc giả nhiều tiềm năng. Bồi dưỡng lực lượng sáng tác VHNT góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, mang đậm sắc thái địa phương, xây dựng và phát triển văn hóa con người Yên Bái đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững đất nước. Tổ chức các cuộc thi theo chủ đề, trao thưởng hàng năm trên Tạp chí nhằm khuyến khích các tác giả gửi bài có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao cho Tạp chí.
Tổ chức các cuộc hội thảo để nâng cao chất lượng tin, bài trên Tạp chí Văn nghệ Yên Bái; tổ chức các cuộc tọa đàm, các cuộc triển lãm, quảng bá, giới thiệu tác giả tác phẩm cho các văn nghệ sĩ có nhiều thành tựu trong sáng tác, từ đó thúc đẩy phong trào sáng tác VHNT trong tỉnh lên một tầm cao mới...
Triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Yên Bái, Tạp chí Văn nghệ Yên Bái sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng nội dung và đổi mới hình thức; tăng tin ảnh, trình bày hấp dẫn bản tin Văn nghệ Yên Bái vùng cao nhằm lôi cuốn độc giả người đồng bào dân tộc; hướng đến khai trương, ra mắt Tạp chí Văn nghệ Yên Bái điện tử.
Đây là lý do để bạn đọc có thể tiếp tục đặt niềm tin vào Tạp chí Văn nghệ Yên Bái và Tạp chí có cơ sở để cùng với các cơ quan truyền thông của tỉnh làm tốt hơn công tác tuyên truyền, định hướng tư tưởng, tạo dư luận xã hội lành mạnh, góp phần xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng "xanh - hài hòa - bản sắc và hạnh phúc”; đưa tỉnh Yên Bái trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030...
Nguyễn Ngọc Yến