Tuy nhiên, thời gian qua công tác đấu tranh phòng chống "diễn biến hòa bình”, "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” của báo chí vẫn còn bộc lộ những hạn chế nhất định. Nội dung một số bài viết còn phiến diện chưa sâu, tính thuyết phục của bài viết chưa cao. Tần suất các bài viết về phòng chống "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” chưa thường xuyên, chưa tạo được hiệu ứng tích cực.
Hình thức đấu tranh chưa thật sự phong phú, sinh động, chưa tạo được sự lôi cuốn đối với bạn đọc. Nhận thức của một số cơ quan chức năng, cấp ủy, tổ chức Đảng trong một số báo chưa thật sự đề cao về công tác đấu tranh chống "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa", thậm chí có biểu hiện xem nhẹ.
Để phát huy hơn nữa vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng chống "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” về chính trị tư tưởng trong thời gian gian tới, các báo cần thực hiện tốt một số yêu cầu cơ bản sau:
Thứ nhất, quán triệt và thực hiện tốt quan điểm của Đảng về công tác tư tưởng, lý luận, báo chí trước tình hình mới.
Trước hết, các báo cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 22/CT-TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về công tác tư tưởng, lý luận, báo chí trong tình hình mới và Thông báo Kết luận 41-TB/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về một số biện pháp tăng cường lãnh đạo và quản lý báo chí, Nghị quyết 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về "Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch trong tình hình mới”...
Trên cơ sở nhận thức đúng, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, các tổng biên tập với đội ngũ phóng viên, biên tập viên nhằm bảo đảm cho tờ báo của mình hoạt động đúng định hướng, đúng Luật Báo chí, đúng tôn chỉ, mục đích, góp phần thiết thực vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Đặc biệt, các báo phải chủ động và tích cực đấu tranh làm thất bại chiến lược "Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, góp phần giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong công chúng và bạn đọc.
Thứ hai, cần bám sát định hướng của Ban Chỉ đạo 35 Trung ương; Ban Tuyên giáo Trung ương, hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch và nắm vững chức năng, nhiệm vụ được giao để xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức lực lượng đấu tranh chống "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa”, phản bác quan điểm sai trái một cách sắc sảo, hiệu quả trên tất cả các loại hình báo chí và trên không gian mạng. Việc định hướng tuyên truyền nội dung này phải được tiến hành thường xuyên, thông tin chính xác, kịp thời, không để xảy ra sai sót, sơ hở để các thế lực thù địch lợi dụng.
Trước mỗi sự kiện nhạy cảm, cần bám sát định hướng, kịp thời chỉ đạo báo chí về nội dung tuyên truyền và phân công nhiệm vụ cụ thể cho phóng viên bảo đảm đánh đúng, đánh trúng mục tiêu, trúng đối tượng, tạo hiệu ứng tích cực trong dư luận xã hội. Để phát huy sức mạnh tổng hợp trên mặt trận tuyên truyền, các báo cần tăng cường phối hợp, hợp tác xử lý và cung cấp thông tin, tư liệu, tài liệu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về đấu tranh chống luận điệu xuyên tạc, quan điểm sai trái và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch với các báo khác.
Đồng thời, chủ động xây dựng lực lượng "phản ứng nhanh” chuyên trách, nòng cốt, chuyên sâu, để khi cần thiết có thể mở các chiến dịch tuyên truyền, đấu tranh phê phán, bác bỏ các quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch trên các phương tiện truyền thông và trên không gian mạng, bảo vệ nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Bài viết đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch phải sắc sảo, chặt chẽ, có cơ sở khoa học, lý luận và thực tiễn, có dẫn chứng chính xác, thuyết phục.
Thứ ba, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức Đảng trong cơ quan báo chí. Phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, phóng viên, biên tập viên. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ chất lượng tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên của báo. Trước tiên, các cấp ủy, tổ chức Đảng các báo cần kiện toàn, lựa chọn bố trí cán bộ đúng năng lực sở trường, đồng thời chú trọng nâng cao năng lực quán triệt, cụ thể hóa, vận dụng sáng tạo đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Nâng cao năng lực tổ chức thực hiện nghị quyết của cấp ủy, chi bộ; năng lực kiểm tra, giám sát đảng viên, tổ chức Đảng về chấp hành cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chỉ thị, hướng dẫn... của tổ chức Đảng cấp trên. Bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực đấu tranh trên lĩnh vực chính trị tư tưởng, kiên quyết đập tan, bác bỏ mọi luận điệu sai trái, thù địch; làm thất bại âm mưu "diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ... đấu tranh phê phán tiêu cực, lạc hậu, phản động...
Thứ tư, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách trong hoạt động của cấp ủy, tổ chức Đảng, tổng biên tập, ban biên tập báo. Theo nguyên tắc này thì mọi công việc của cấp ủy, tổ chức Đảng của báo đều phải được toàn thể đảng viên trong báo bàn bạc dân chủ, tập trung mọi ý chí và hành động để thống nhất triển khai lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ.
Thứ năm, hoạt động của báo phải tích cực, chủ động, nhạy bén đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa; phòng, chống "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa”; đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống. Trước tình hình quốc tế hiện nay có nhiều diễn biến phức tạp, thông tin nhiều chiều, các thế lực thù địch tạo sự nhiễu loạn thông tin hòng làm cho quần chúng nhân dân mất phương hướng. Vì vậy, báo chí cần chủ động, nhạy bén nắm chắc các sự kiện, xã hội diễn ra trong và ngoài nước, thông tin chính thống, kịp thời và có định hướng, không để công chúng, bạn đọc bị lôi kéo bởi các thông tin xuyên tạc, vu cáo, bóp méo sự thật của các thế lực thù địch.
Việc thực hiện tốt các yêu cầu trên sẽ góp phần tăng cường vai trò của báo chí trong công tác đấu tranh phòng chống "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” hiện nay, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
K.T