Kinh tế - xã hội tiếp tục duy trì và phát triển ổn định
Tại phiên họp, các đại biểu nghe Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thế Phước trình bày báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2021. Theo đó, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp song, với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND cùng sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp, các ngành, địa phương trong việc thực hiện đồng bộ, linh hoạt, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, ngay sau Kỳ họp thứ nhất của HĐND tỉnh, đã khẩn trương kiện toàn, phân công nhiệm vụ thành viên UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026; ổn định tổ chức, bộ máy của các đơn vị, địa phương, xây dựng quy chế.
Quang cảnh phiên họp.
Kinh tế - xã hội 7 tháng năm 2021 trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì và phát triển ổn định, một số chỉ tiêu chủ yếu duy trì mức tăng trưởng khá như: chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 tăng 6,59% so với tháng trước, tăng 8,08% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 15%; giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng 52%; thu ngân sách tăng 20,2%; tổng vốn đầu tư phát triển tăng 8,5%... Văn hóa - xã hội tiếp tục được quan tâm chăm lo; an sinh xã hội được đảm bảo; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Đến nay, Yên Bái là 1 trong số 4 địa phương không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới trên địa bàn.
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 còn những diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng sâu rộng đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội, một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng, thúc đẩy tăng trưởng có kết quả thực hiện đạt dưới 50% kế hoạch, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.
Lãnh đạo Sở Tài Chính tham gia thảo luận tại phiên họp.
Tại phiên họp, các đại biểu tiến hành thảo luận, làm rõ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện, nhất là đối với các nhiệm vụ còn chậm, chỉ tiêu đạt thấp trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tác động nặng nề và đề xuất các giải pháp khắc phục.
Hạn chế các cuộc họp, hội nghị không cần thiết; tiết kiệm chi ngân sách để phòng dịch
Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm trong phòng, chống dịch bệnh. Các cơ quan báo chí của tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền Lời kêu gọi toàn dân đồng lòng phòng, chống đại dịch của Tổng Bí thư.
Cùng với đó, các cấp, các ngành, các địa phương cần bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ theo Chương trình hành động của Tỉnh ủy, các nghị quyết của HĐND tỉnh, Chương trình hành động số 02, Kịch bản điều chỉnh tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm của UBND tỉnh để tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả "mục tiêu kép”; phấn đấu hoàn thành toàn diện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; hạn chế các cuộc họp, hội nghị không cần thiết; tiết kiệm chi ngân sách, dành nguồn lực để phòng chống dịch bệnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả "mục tiêu kép”; phấn đấu hoàn thành toàn diện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.
Đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, làm cơ sở thu hút đầu tư. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định, quy chế, chính sách để tháo gỡ các điểm nghẽn trong thực hiện nhiệm vụ. Khẩn trương rà soát, kiểm tra nắm tình hình việc triển khai các nghị quyết của Tỉnh ủy, Nghị quyết của HĐND tỉnh. Quan tâm giải quyết thấu đáo các ý kiến, kiến nghị của cử tri, trong đó yêu cầu việc xử lý phải có tính kế thừa, có lộ trình, thời gian cụ thể để xử lý dứt điểm.
Đồng thời, chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, giai đoạn 2021 - 2025 ngay sau khi Chính phủ ban hành.
Tại phiên họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành liên quan đến các lĩnh vực nông nghiệp; công nghiệp, thương mại, dịch vụ; thu chi ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tài nguyên môi trường; giáo dục - đào tạo; y tế, an sinh xã hội… Đồng thời, lưu ý các ngành, địa phương thường xuyên rà soát, đánh giá kết quả thực hiện đối với các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, có giải pháp linh hoạt, kịp thời để điều chỉnh, thực hiện bảo đảm hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra.
Thanh Chi – Đức Toàn