Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên phát biểu tại Nhà Quốc hội mới của Lào đúng 10 năm sau bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam khóa XI tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VII của Lào năm 2011. Đây là vinh dự đặc biệt mà Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân Lào dành cho Lãnh đạo Việt Nam, thể hiện sinh động tình hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt hiếm có giữa hai dân tộc Việt-Lào.
Bày tỏ vinh dự là vị khách quốc tế đầu tiên được phát biểu tại Kỳ họp Quốc hội khóa IX nước CHDCND Lào, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trên thế giới hiếm có mối quan hệ song phương nào được lịch sử chứng minh luôn no đói, buồn vui có nhau, cùng nắm chặt tay chiến đấu, phát triển bên nhau như quan hệ Việt-Lào. Đó không chỉ là quan hệ giữa hai nước, hai dân tộc mà cao hơn còn là quan hệ giữa những Nhà lập quốc, các vị tiền bối cách mạng của cả hai nước, những người đồng chí, đồng cam cộng khổ, giàu bản lĩnh cách mạng.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, trong trái tim của mỗi người Việt Nam và Lào hôm nay và mai sau luôn khắc sâu quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt-Lào là vô cùng cao đẹp, như Hoàng thân, Chủ tịch Souphanouvong đã nêu là "cao hơn núi, dài hơn sông, rộng hơn biển cả, đẹp hơn trăng rằm, ngát hương thơm hơn bất cứ đóa hoa nào thơm nhất". Mối quan hệ thủy chung, trong sáng giữa hai Đảng, hai nước đã trở thành quan hệ mẫu mực, hiếm có trên thế giới, như Chủ tịch Kaysone Phomvihane đã nhiều lần khẳng định: "Trong lịch sử cách mạng thế giới cũng đã có những tấm gương sáng chói về tinh thần quốc tế vô sản, nhưng chưa ở đâu và chưa bao giờ có sự đoàn kết, liên minh chiến đấu đặc biệt, lâu dài, toàn diện đến như vậy"; Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thường nói: "Việt-Lào hai nước chúng ta, tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long."
Gửi tới các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các vị đại biểu Quốc hội và toàn thể nhân dân Lào anh em lời chúc sức khỏe và tình cảm đoàn kết hữu nghị nồng ấm nhất của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam anh em thân thiết, Chủ tịch nước bày tỏ phấn khởi và tự hào chứng kiến những thành quả to lớn mà nhân dân Lào anh em đã đạt được sau 46 năm xây dựng đất nước và 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào quang vinh - một Đảng cách mạng kiên cường, luôn vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách, phấn đấu vì sự phát triển phồn vinh của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng nhận thấy, trong những năm qua, hợp tác hai nước trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị - đối ngoại, quốc phòng - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội đã ngày càng mở rộng và phát triển, mang lại lợi ích tốt đẹp cho nhân dân hai nước. Nhiều công trình, dự án hợp tác thiết thực giữa hai nước về mạng viễn thông, giao thông, thủy điện, trồng cao su, cà phê, trường học, bệnh viện, các cụm bản nghèo đặc biệt khó khăn… đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng trên nhiều vùng, tỉnh xa, khó khăn của Lào, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống của người dân.
Với trái tim nặng sâu quan hệ Việt-Lào và từ kinh nghiệm nhiều năm trực tiếp gắn bó với tăng cường quan hệ hợp tác giữa Chính phủ hai nước, Chủ tịch nước nhấn mạnh, trụ cột quan hệ chính trị sẽ tiếp tục là định hướng tổng thể quan hệ đặc biệt Việt - Lào trong thời gian tới. Trong quan hệ chính trị, có vai trò đặc biệt quan trọng của hợp tác giữa Quốc hội hai nước. Sự ủng hộ của Quốc hội hai nước sẽ là điểm tựa pháp lý vững chắc cho sự hợp tác hiệu quả của Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các địa phương, các tổ chức xã hội và phát huy sự nỗ lực, sáng tạo của doanh nghiệp, người dân hai nước. Bên cạnh đó, Chủ tịch nước cho rằng, hai bên cần tiếp tục củng cố trụ cột hợp tác quốc phòng - an ninh và nỗ lực nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực...
Hai bên coi giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực là lĩnh vực hợp tác chiến lược, mang tính đột phá, không chỉ phục vụ nhu cầu phát triển của mỗi nước mà còn góp phần thắt chặt tình cảm gắn bó và đoàn kết giữa hai nước. Việt Nam sẵn sàng mở rộng hỗ trợ Lào đào tạo nguồn nhân lực cả dài hạn và ngắn hạn với cơ cấu ngành nghề và cấp bậc đa dạng; bên cạnh việc tăng số lượng và chế độ học bổng, trong thời gian tới hai bên cần phối hợp chặt chẽ để nâng cao chất lượng tuyển sinh, giảng dạy và học tập nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường Lào.
Trong sáng 10-8, tại Thủ đô Vientiane, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trân trọng chuyển lời của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mời Chủ tịch Quốc hội Lào sớm sang thăm chính thức Việt Nam.
Chủ tịch nước chia sẻ: "Một vấn đề quan trọng mà Lãnh đạo hai nước và cá nhân tôi luôn trăn trở, đó là phải nâng tầm trụ cột hợp tác kinh tế với những đột phá mới, để tương xứng với tầm cao của quan hệ hữu nghị đặc biệt hai nước. Không thể mãi nghèo, chúng ta phải hợp tác để cùng nhau mạnh lên, giàu lên".
Chủ tịch nước cũng đề nghị hai bên cần hợp tác chuyển đổi sang nền kinh tế số, phát triển thương mại điện tử, số hóa các dịch vụ giáo dục, y tế, tài chính, ngân hàng hiện đại... và từng bước nâng cao sức cạnh tranh, nâng tầm nền kinh tế trong Cách mạng công nghiệp 4.0. Đặc biệt, hai Đảng, hai Nhà nước cần tiếp tục truyền thông, giáo dục về truyền thống quan hệ đặc biệt và hợp tác toàn diện của hai nước, với các hình thức đa dạng, thiết thực, hiệu quả gắn với những kết quả hợp tác cụ thể trong đời sống, để các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hai nước chúng ta, thêm vững niềm tin, chung tay giữ gìn, vun đắp phát triển tươi mới trong bất cứ hoàn cảnh nào, thời gian nào.
Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane thay mặt Đảng, Nhà nước và Quốc hội Lào trân trọng cảm ơn Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu quan trọng và sâu sắc trước Quốc hội Lào, thể hiện thắm tình hữu nghị, đoàn kết, gắn bó tình đồng chí anh em; khẳng định các cơ quan lập pháp của hai nước sẽ nỗ lực hợp tác, góp phần vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Lào - Việt Nam được các lãnh tụ kính yêu của hai nước gây dựng và được gìn giữ, vun đắp từ thế hệ này sang thế hệ khác.
(Theo NLĐO)