Đoàn kết gắn với chủ nghĩa yêu nước
Hội nghị Trung ương lần thứ VIII của Đảng (tháng 5.1941) và sự ra đời của Mặt trận Việt Minh đánh dấu một bước ngoặt trong đường lối lãnh đạo cách mạng hướng tới việc mở rộng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, quy tụ và phát huy cao độ nội lực dân tộc cho một cuộc hồi sinh vĩ đại. Lần đầu tiên chủ trương đoàn kết dân tộc của Đảng được đặt trên cơ sở của chính chủ nghĩa yêu nước Việt Nam.
Chủ trương này được thực hiện nhất quán trong công tác vận động quần chúng của Đảng. Các đoàn thể trong Mặt trận Việt Minh đều được gọi là Cứu quốc hội. Trong các tài liệu tuyên truyền hằng ngày, nhất là các tài liệu do Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trực tiếp soạn thảo, lời kêu gọi đoàn kết dân tộc đã thay thế cho lời kêu gọi đoàn kết giai cấp và đấu tranh giai cấp.
Các biểu tượng như "con Rồng cháu Tiên”, Hùng Vương, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám, Hoàng Diệu, Ký Con, Lam Sơn, Bạch Đằng... đã được tôn vinh để cổ vũ tinh thần yêu nước và ý thức đoàn kết dân tộc.
Về phương diện tổ chức, với sự ra đời của Mặt trận Việt Minh, lần đầu tiên mặt trận dân tộc thống nhất đã trở thành hiện thực. Quan trọng hơn, Hồ Chí Minh đã trực tiếp chỉ đạo và hướng dẫn tỷ mỉ cán bộ Đảng trong việc lập ra hàng chục loại Cứu quốc hội khác nhau để tập hợp tất cả các giới và nhóm đồng bào trong cộng đồng dân tộc Việt Nam vào một tổ chức có độ cố kết bền vững không chỉ dựa trên tinh thần yêu nước mà còn dựa trên những quy tắc tổ chức giản đơn nhưng rất chặt chẽ.
Vì vậy, Mặt trận Việt Minh không chỉ làm cho khối đại đoàn kết dân tộc được mở rộng, củng cố không ngừng, mà còn là phương tiện nâng lực lượng của khối đại đoàn kết ấy lên gấp bội thông qua việc biến khối đại đoàn kết ấy thành một tổ chức có sức chiến đấu cao. Như vậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh, thông qua Việt Minh, dân tộc ta không những đã đoàn kết lại mà lần đầu tiên còn biết cách đoàn kết có hiệu quả cao nhất.
"Không thể biệt phái chia rẽ!”
Từ sau khi ra đời, Mặt trận Việt Minh đã nhanh chóng trở thành hạt nhân quy tụ sức mạnh đoàn kết dân tộc. Lực lượng cách mạng đứng dưới ngọn cờ đại nghĩa của Việt Minh ngày càng được mở rộng. Tuy nhiên, trong bối cảnh những diễn biến rất phức tạp và mau chóng của thời cuộc, những bất đồng, dị biệt cố hữu của dân tộc vốn bị thực dân Pháp và phát xít Nhật lợi dụng, khoét sâu thêm, không phải dễ dàng gì một sớm một chiều vượt qua được. Trong hàng ngũ những người Việt Nam yêu nước, không ít người đã bị những chiêu bài tuyên truyền của thực dân Pháp, phát xít Nhật hoặc quân phiệt Trung Hoa lung lạc lôi kéo.
Trên thực tế, lực lượng yêu nước và khối đại đoàn kết dân tộc cho đến trước ngày Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 vẫn chưa khắc phục được hoàn toàn sự chia rẽ, nghi ngại, thậm chí bài xích lẫn nhau. Ngay trong nội bộ Đảng và mặt trận Việt Minh cũng tồn tại tình trạng chia rẽ, phân liệt ở một số địa phương, nhất là ở Trung Kỳ và Nam Kỳ.
Đây là tình hình rất nghiêm trọng, nhất là khi thời cơ tổng khởi nghĩa giành chính quyền đang đến rất gần. Trong một bức thư gửi các cán bộ Đảng ở Trung Kỳ, Tổng Bí thư Trường Chinh đã nghiêm khắc chỉ thị: Phải kíp chạy lại dưới lá cờ chói lọi của Đảng... Không thể biệt phái chia rẽ! Không thể do dự, hoài nghi! Đối với cán bộ Đảng ở Nam Kỳ, Tổng Bí thư Trường Chinh chỉ rõ: Chúng ta sẽ phạm phải một tội lớn, nếu trước giờ quyết liệt, chúng ta còn chia rẽ mãi.(1)
Giữa lúc đó, ngay từ ngày 13.8.1945 có tin Nhật Hoàng đã chấp nhận đầu hàng Đồng Minh. Ngay đêm đó Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc đã phát lệnh tổng khởi nghĩa. Ngày 15.8, tin Nhật Bản đầu hàng chính thức được công bố. Tại Tân Trào, từ nhiều ngày trước đó, mặc dù bị ốm nặng, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quan tâm, hối thúc việc triệu tập Quốc dân Đại hội. Theo chỉ thị của Người, ngày 16.8 Quốc dân Đại hội chính thức khai mạc, tượng trưng cho ý chí, nguyện vọng và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thông qua đề nghị tổng khởi nghĩa của Mặt trận Việt Minh.
Trong khi đó, ở Hà Nội, Sài Gòn và nhiều tỉnh khác, cán bộ Đảng và Việt Minh chưa thể nhận được mệnh lệnh khởi nghĩa. Căn cứ vào các chỉ thị trước đó của Đảng, trên cơ sở phân tích cụ thể tình hình địa phương, tuyệt đại đa số cán bộ Đảng và Việt Minh cơ sở đã mau chóng tự quyết định khởi nghĩa giành chính quyền, không bỏ lỡ thời cơ. Và điều quan trọng hơn, quyết định đó được tuyệt đại đa số quần chúng nhân dân mọi tầng lớp ủng hộ, kể cả các lực lượng vốn đứng ngoài Mặt trận Việt Minh.
Kết quả là chỉ trong vòng khoảng hai tuần lễ, làn sóng biểu tình chính trị mạnh mẽ của hàng triệu quần chúng cùng với sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang cách mạng đã nhanh chóng lật đổ chính quyền tay sai thân Nhật, lập ra chính quyền cách mạng.
Nhân tố trung tâm quy tụ sức mạnh
76 năm trôi qua, hàng trăm công trình nghiên cứu của sử gia Việt Nam và nước ngoài đã được công bố, đưa ra những kiến giải khác nhau về sự kỳ diệu của cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8.1945. Sự thực lịch sử là, với sự ra đời của Mặt trận Việt Minh, ngọn cờ dân tộc được Đảng ta giương cao hơn bao giờ hết và trong suốt hơn 4 năm trời Việt Minh đã thực sự trở thành nhân tố trung tâm quy tụ sức mạnh của nhiều lực lượng và cá nhân yêu nước tiến bộ.
Khối đại đoàn kết toàn dân đã không những được khôi phục, củng cố, mà còn được nâng lên tầm cao mới, kết hợp với sức mạnh của các lực lượng tiến bộ trên thế giới, tạo ra xung lực hồi sinh mạnh mẽ để bùng phát kịp thời, khi thời cơ đến.
Mặt khác, cũng phải thừa nhận rằng, bên cạnh Mặt trận Việt Minh, một số lực lượng yêu nước khác, theo những cách thức riêng của mình, đã góp phần thức tỉnh lòng yêu nước của toàn dân, để rồi trong giờ phút quyết định, trên cơ sở của tinh thần yêu nước, đã nhanh chóng quy tụ dưới ngọn cờ đỏ sao vàng năm cánh của Việt Minh, góp phần không nhỏ vào cuộc vùng lên "đem sức ta tự giải phóng cho ta" (Nguyễn Ái Quốc).
Trong số những lực lượng đó, trước hết phải kể đến lực lượng thanh niên, sinh viên yêu nước ở Hà Nội, Sài Gòn và nhiều tỉnh, thành khác. Về danh nghĩa, lực lượng này do chính quyền thực dân Pháp đã phát xít hóa tạo ra hòng lợi dụng lòng yêu nước của thanh niên, sinh viên Việt Nam. Song, chính tầng lớp này đã biết dụng kế "gậy ông đập lưng ông", lợi dụng cơ hội đó để tuyên truyền, cổ vũ tinh thần yêu nước sâu rộng trong các tầng lớp dân chúng một cách hợp pháp.
Những chuyến đi tham quan Bạch Đằng Giang, Gò Đống Đa, Ải Chi Lăng, những đoàn hướng đạo sinh tổ chức đi cắm trại và hát vang những bài ca yêu nước, những vở kịch lưu diễn ở nhiều nơi kể về sự nghiệp Hai Bà Trưng, Lê Lợi... đã thực sự thổi bùng lòng yêu nước của dân chúng khắp cả ba Kỳ.
Làn sóng đấu tranh sục sôi do Việt Minh và các lực lượng yêu nước khác tiến hành đã đánh thức và cổ vũ tinh thần đoàn kết vì đại nghĩa dân tộc của cả những nhóm người và những cá nhân vốn có quá khứ gắn chặt với chế độ thực dân. Hoàng đế Bảo Đại là một ví dụ điển hình.
Trong những ngày tháng 8.1945, làn sóng yêu nước mạnh mẽ của toàn dân đã đủ sức cảm hoá cả ông vua đã suốt 20 năm làm bù nhìn cho thực dân Pháp, khiến ông ta tự tuyên bố "ưng làm dân một nước tự do hơn làm vua một nước nô lệ". Ngày 30.8.1945, Bảo Đại tuyên chiếu thoái vị, trao ấn vàng, kiếm nạm ngọc lại cho đại diện Việt Minh. Trong ngày đó, Bảo Đại còn kêu gọi hoàng tộc và toàn dân đoàn kết, bởi lẽ "đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết".
Như thế, cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 thực sự là biểu trưng, là kết quả của khối đại đoàn kết dân tộc, hội tụ các nguồn xung lực hồi sinh mạnh mẽ của toàn dân tộc trong thời khắc bước ngoặt lịch sử dưới ngọn cờ chói lọi tinh thần yêu nước của Mặt trận Việt Minh do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo.
Bài học đoàn kết, học cách đoàn kết, biết tổ chức khối đại đoàn kết một cách khoa học để nhân lên sức mạnh của toàn dân tộc là một trong những bài học lớn nhất của Cách mạng tháng Tám đối với công cuộc Đổi mới của Đảng và nhân dân ta ngày nay.
(Theo Đại biểu nhân dân)