Ngày này cách đây 76 năm (19/8/1945) đã trở thành một ngày thu lịch sử, một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Nhân dân ta từ lầm than nô lệ đã đứng lên giành độc lập. Để rồi, 76 năm sau Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, đất nước đã đi qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ, hơn 30 năm đổi mới để có được bước phát triển vượt bậc như ngày hôm nay.
Ngày 30/6/1945, Ban Cán sự Đảng liên tỉnh Yên Bái - Phú Thọ được thành lập. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng vũ trang đã đánh bại hai cuộc hành quân của Nhật vào khu căn cứ cách mạng. Thừa cơ địch bắt đầu suy yếu, phong trào quần chúng lên cao, Ban Cán sự Đảng và các đơn vị vũ trang lãnh đạo tổ chức nhân dân phá các kho thóc Thiến, Kháo, Mỵ, Ca Vịnh, Sơn Bục, Gốc Báng, Vĩnh Lạc, Làng Sâng chia cho dân nghèo. Ngày 6/7/1945, Ban Cán sự Đảng chủ trương đưa 3 trung đội vũ trang theo ba mũi tiến công vào Nghĩa Lộ.
Cuộc tiến công đã trở thành cuộc võ trang tuyên truyền, tiến tới đâu, thành lập các đoàn thể cứu quốc ở đó. Ngày 8/7/1945, ta tổ chức mít tinh quần chúng, tuyên bố xóa bỏ bộ máy thống trị của địch; phổ biến 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh; thành lập Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời châu Văn Chấn.
Đây là địa phương đầu tiên của Yên Bái và cũng là địa phương đầu tiên của vùng Tây Bắc được giải phóng và thành lập được chính quyền cách mạng. Tại châu Lục Yên, ngày 8/7/1945, lực lượng vũ trang đã tấn công đồn Lục Yên, tri châu bỏ trốn; ngày 10/7/1945, Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời châu Lục Yên được thành lập. Phát huy thắng lợi và nhân lúc địch đang hoang mang, các đơn vị tiến quân giải phóng châu Văn Bàn (5/8), phủ Trấn Yên (7/8), kết hợp với các đơn vị giải phóng quân từ Tuyên Quang sang, phủ Yên Bình cũng được giải phóng (ngày 9/8).
Chỉ trong vòng hơn một tháng (6/7/1945 - 9/8/1945), lực lượng vũ trang và quần chúng nhân dân đã lật nhào toàn bộ chính quyền tay sai phát xít Nhật ở các châu, phủ, thành lập chính quyền cách mạng. Nhật và bọn tay sai chỉ còn giữ được thị xã tỉnh lỵ, tinh thần sa sút, dao động nghiêm trọng. Ngày 14/8/1945, Nhật tuyên bố đầu hàng các nước đồng minh.
Tin Nhật đầu hàng truyền đi khắp nước đã thổi bùng ngọn lửa cách mạng lên cao chưa từng thấy trong các tầng lớp nhân dân ở tất cả các địa phương, các tầng lớp trung gian ngả hẳn về phía cách mạng.
Ngày 13/8/1945, Ủy ban Quân sự cách mạng Yên Bái đề ra kế hoạch giành chính quyền ở tỉnh lỵ. Kế hoạch có hai bước: bước 1, dùng lực lượng vũ trang, có lính trong trại bảo an binh giúp đỡ, tước vũ khí của đơn vị này đem trang bị cho các đội vũ trang tự vệ thị xã; bước 2, huy động quần chúng thị xã và vùng xung quanh có lực lượng vũ trang làm áp lực đấu tranh buộc quân Nhật để ta giải tán chính quyền tay sai của chúng, lập chính quyền cách mạng của nhân dân, nếu quân Nhật ngoan cố chống lại, ta sẽ dùng lực lượng vũ trang tiến công tiêu diệt.
Sáng 16/8/1945, cuộc đàm phán giữa đại diện Ủy ban Quân sự cách mạng và đại diện của quân Nhật được tổ chức tại dinh tri phủ Trấn Yên. Ta đưa ra hai yêu cầu: quân đội Nhật không được can thiệp vào việc giành chính quyền của Việt Minh ở thị xã Yên Bái và Nhật phải trao toàn bộ vũ khí đã thu được của Pháp trước đây cùng với số vũ khí của Nhật hiện có cho Việt Minh.
Đại diện quân Nhật nhận giao cho ta toàn quyền chính trị, quân sự, hành chính cùng số vũ khí mà Nhật thu của Pháp nhưng vũ khí của Nhật thì xin 48 giờ sau sẽ trả lời vì còn xin lệnh cấp trên. Phía ta không chấp nhận, hai bên không đạt được thỏa thuận.
Đêm 16 rạng ngày 17/8/1945, Ủy ban Quân sự cách mạng lệnh cho 4 trung đội vũ trang vượt sông Hồng vào trại lính bảo an tước vũ khí địch. Quân ta khống chế toán lính gác cổng, chặn tất cả các đường ra ngoài, bắt toàn bộ bọn chỉ huy trại, buộc chúng phải mở kho vũ khí, thu hơn 300 khẩu súng các loại, rất nhiều đạn và nhiều quân trang, quân dụng. Số vũ khí này được phân phát ngay cho tự vệ phố và các trung đội vũ trang. Nhưng liền sau đó, xảy ra cuộc xung đột giữa lực lượng cách mạng với quân Nhật.
Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt buộc địch phải rút về cố thủ tại đồn Cao. Tối 17/8/1945, Yên Bái đã nhận được Lệnh tổng khởi nghĩa của Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc. Ban Cán sự Đảng họp khẩn cấp chủ trương huy động quần chúng vào thị xã đấu tranh chính trị kết hợp với áp lực vũ trang giành chính quyền.
Sáng ngày 18/8/1945, Tỉnh trưởng Yên Bái cho 5 người mang cờ trắng, đem thư gửi lãnh đạo ta đề nghị ngừng bắn và tiến hành đàm phán với Nhật. Phía ta đồng ý ngừng bắn từ lúc 8 giờ sáng (19/8/1945) đến 19 giờ cùng ngày và tổ chức cuộc đàm phán vào lúc 14 giờ ngày 19/8 ở Dinh tỉnh trưởng.
Tại cuộc đàm phán, ta đưa ra 2 yêu cầu: 1- Quân đội Nhật không được can thiệp vào việc lập chính quyền Việt Minh ở tỉnh Yên Bái, 2- Quân đội Nhật đi lại ở thị xã Yên Bái phải báo cáo cho quân Việt Minh biết, nếu đi bằng ô tô, xe máy phải cắm 2 lá cờ, cờ Nhật và cờ Việt Minh. Đại diện quân Nhật đã phải chấp nhận các yêu cầu này, ta đồng ý để quân Nhật tiếp tục đóng ở đồn Cao, sẵn sàng cung cấp cho chúng một phần lương thực, thực phẩm, tạo điều kiện cho chúng rút quân an toàn.
Với thành công của lần đàm phán này, cuộc khởi nghĩa của nhân dân Yên Bái đã toàn thắng. Sáng 22/8/1945, Ban Cán sự Đảng tổ chức cuộc mít tinh quần chúng ở sân Căng thị xã Yên Bái thu hút gần một vạn người tham dự. Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Yên Bái làm lễ ra mắt nhân dân; đồng chí Ngô Minh Loan là Chủ tịch, đồng chí Nguyễn Phúc là Phó Chủ tịch.
Đồng chí Nguyễn Phúc thay mặt Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh tuyên bố xóa bỏ chế độ thực dân phong kiến, công bố chính sách của Mặt trận Việt Minh, kêu gọi nhân dân các dân tộc trong tỉnh đoàn kết ủng hộ, giúp đỡ chính quyền cách mạng sẵn sàng đập tan mọi âm mưu của đế quốc và các thế lực phản động, vượt qua mọi khó khăn gian khổ quyết tâm bảo vệ thành quả cách mạng, từng bước xây dựng cuộc sống mới.
'
Đảng viên lão thành Nguyễn Huy Hảo cùng con cháu ôn lại lịch sử quê hương Yên Bái.
Đảng viên lão thành Nguyễn Huy Hảo - cán bộ tiền khởi nghĩa, trú tại tổ dân phố số 4, phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái cẩn trọng treo lá cờ Tổ quốc trước hiên nhà rồi bồi hồi xem lại cuốn Lịch sử Đảng bộ tỉnh Yên Bái. Hơn 90 tuổi nhưng trí tuệ minh mẫn và đôi mắt còn tinh anh, mỗi năm đến dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám thành công, ông thường ôn lại những ngày đầu tham gia cách mạng, đặc biệt là không khí sục sôi những ngày tổng khởi nghĩa ở Yên Bái.
Cụ Hảo chậm rãi kể: "Nhà tôi ở phủ Yên Bình, thuộc lòng hồ Thác Bà bây giờ nên cách xa Chiến khu Vần, Hiền Lương - nơi có chi bộ Đảng đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Yên Bái và các đồng chí cán bộ lãnh đạo. Tuy vậy, tôi may mắn tiếp cận và theo cách mạng khi nhiều đoàn quân di chuyển qua quê nhà, nhất là các căn cứ chiến đấu của quân đội cách mạng, lúc làm liên lạc, khi làm dẫn đường cho các đoàn quân. Tôi đã thỏa ước mơ trở thành chiến sĩ quân đội để đánh đuổi thực dân ác độc ngay từ thuở niên thiếu".
"Yên Bái có vị trí quan trọng về chính trị, quân sự, có đường quốc lộ, đường sông xuống Phú Thọ, lên Lào Cai, có đường bộ sang Tuyên Quang, Sơn La. Đảng ta đã nhận định: khu vực giáp hai tỉnh Yên Bái - Phú Thọ là nơi địch có nhiều sơ hở, không kiểm soát gắt gao, rất thuận lợi cho việc xây dựng cơ sở cách mạng, phát động chiến tranh du kích. Nếu xây dựng được cơ sở, phong trào cách mạng ở đây thì không những có ý nghĩa đối với hai tỉnh Yên Bái và Phú Thọ mà còn phát triển được sang Sơn La, lên Lào Cai. Trung ương chủ trương phải xây dựng cho được phong trào cách mạng ở Yên Bái, nhằm 2 mục đích: một là, trước mắt lấy Yên Bái làm nơi dừng chân cho các đồng chí vượt ngục Sơn La ra; hai là, xây dựng căn cứ cách mạng, chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa giành chính quyền ở địa phương” - Cụ Hảo cho biết.
Đối với đảng viên lão thành như cụ Nguyễn Huy Hảo, niềm tự hào là đánh đuổi được đế quốc, thực dân, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, giúp nhân dân từ lầm than, nô lệ trở thành những người chủ thực sự. Niềm tự hào mới hôm nay chính là quê hương Yên Bái đang từng ngày đổi mới đi lên.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân chung sức, đồng lòng vì một mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ, văn minh. Trong đó, Yên Bái là tỉnh đầu tiên trong cả nước đưa chỉ số hạnh phúc vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. "Phấn đấu hạnh phúc là những gì mông lung, khó định nghĩa nhưng hạnh phúc chắc chắn là cuộc sống no ấm, bình đẳng, tiến bộ, vui tươi...
Điều đó rất phù hợp với quan điểm của Đảng” - cụ Nguyễn Huy Hảo đã nói với chúng tôi như vậy. Rồi cụ vận bộ lễ phục sĩ quan quân đội, gọi cô cháu gái đưa đi chơi một vòng qua bến Âu Lâu, sang Giới Phiên, Phúc Lộc, vào Vũ Linh, Bạch Hà, Yên Bình... - nơi cụ cùng đồng đội một thời hoạt động cách mạng để thấy quê hương đang đổi mới từng ngày.
Lê Phiên