Có thể điểm lại một số dấu mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển của Trường Chính trị tỉnh Yên Bái:
Ngày 1/10/1991, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa VIII, tỉnh Hoàng Liên Sơn được chia tách thành 2 tỉnh Yên Bái và Lào Cai, Tỉnh ủy Yên Bái đã ra Nghị quyết chuyển Trường Đảng tỉnh Hoàng Liên Sơn thành Trường Đảng tỉnh Yên Bái.
Ngày 30/5/1995, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái ra Quyết định số 466-QĐ/TU về việc đổi tên Trường Đào tạo cán bộ tỉnh Yên Bái thành Trường Chính trị tỉnh Yên Bái.
Ngày 3/9/2008, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Quyết định số 184-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, Tỉnh ủy Yên Bái ra Thông báo số 900-TB/TU về Đề án sáp nhập Trường Huấn luyện cán bộ Đoàn về Trường Chính trị tỉnh Yên Bái và tháng 7/2009, Trường Huấn luyện cán bộ Đoàn chính thức sáp nhập về Trường Chính trị tỉnh Yên Bái...
Đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ
Xác định nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là thước đo năng lực hoạt động, Trường Chính trị tỉnh đã có những giải pháp thiết thực trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho đội ngũ cán bộ các cấp trên địa bàn tỉnh, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt và dự nguồn cán bộ lãnh đạo chủ chốt, cấp ủy viên các cấp... được triển khai thực hiện có hiệu quả và đạt những kết quả quan trọng.
Nhà trường đã thực hiện tốt nhiệm vụ phối hợp tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng theo các chương trình, đề án, kế hoạch của Tỉnh ủy, như: Đề án đào tạo 500 cán bộ chủ chốt và dự nguồn cán bộ chủ chốt cấp xã, phường, thị trấn có trình độ đại học giai đoạn 2012-2020; Kế hoạch bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cấp ủy viên các cấp, trọng tâm là cấp ủy cơ sở và cấp trên cơ sở giai đoạn 2016-2020, Đề án xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035… Đồng thời, nhà trường cũng tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội…
Với kiến thức, kỹ năng được trang bị trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng tại Trường Chính trị tỉnh, đội ngũ cán bộ các cấp trong tỉnh đã vận dụng, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào điều kiện thực tiễn của địa phương, đơn vị; trở thành những cán bộ lãnh đạo, quản lý có lập trường tư tưởng, phẩm chất đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ, phát huy được vai trò, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Cùng với công tác đào tạo, bồi dưỡng, Trường Chính trị tỉnh đặc biệt quan tâm tới công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn thông qua việc triển khai nghiên cứu và đưa vào ứng dụng các đề án, đề tài khoa học các cấp; cử giảng viên tham gia nhóm đề tài, đề án cấp tỉnh và các hội đồng phản biện đề tài khoa học cấp tỉnh; tổ chức các hội thảo khoa học cấp trường, cấp khoa, phòng, biên soạn tài liệu cho các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, xuất bản cuốn "Thông tin lý luận và thực tiễn”, duy trì hoạt động của website Trường Chính trị tỉnh Yên Bái, Câu lạc bộ Giảng viên trẻ, tổ chức hội thảo khoa học…
Chú trọng cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, giảng viên; đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, giáo dục, xây dựng đội ngũ giảng viên "vừa hồng vừa chuyên”, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tổ chức, bộ máy Trường Chính trị tỉnh được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; đã thu gọn đầu mối, giảm 2 đơn vị khoa, phòng (từ 7 khoa, phòng xuống còn 5), giảm số lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý (từ 24 xuống còn 16 người).
Nhằm áp dụng kịp thời các quy định, quy chế về hoạt động đào tạo, bồi dưỡng do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành, Trường Chính trị tỉnh đã xây dựng hệ thống quy chế nội bộ, nghiêm túc triển khai thực hiện, đưa công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng đi vào nề nếp, duy trì kỷ luật, kỷ cương trong giảng dạy và học tập.
Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy, học tập, môi trường tính Đảng, cảnh quan sư phạm… được quan tâm đầu tư, nâng cấp, xây dựng mới ngày càng khang trang, hiện đại, bảo đảm phục vụ tốt quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhà trường.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Trường Chính trị tỉnh vẫn còn gặp khó khăn nhất định về cơ sở vật chất, kinh phí, ảnh hưởng đến các mặt công tác và hoạt động của nhà trường cũng như chất lượng phục vụ học viên và giảng viên. Khả năng, kinh nghiệm nghiên cứu, tổng kết thực tiễn của đội ngũ giảng viên còn có mặt hạn chế, các đề tài nghiên cứu chủ yếu ở cấp trường, ít đề tài nghiên cứu ở cấp tỉnh, chất lượng các đề tài nghiên cứu hầu hết mới chỉ ở mức đạt, chưa có nhiều công trình nghiên cứu mang tính mới mẻ, đột phá để áp dụng vào thực tiễn tỉnh Yên Bái...
Lộ trình cụ thể để đạt chuẩn
Ngày 19/5/2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa XIII) ban hành Quy định số 11-QĐ/TW về trường chính trị chuẩn - là cơ sở quan trọng để từng bước phát triển các trường chính trị theo hướng đồng bộ, hệ thống, khoa học, chuẩn mực.
Đối với Trường Chính trị Yên Bái, đạt chuẩn sẽ tạo bước đột phá nhằm mục tiêu chuẩn hóa, nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Hiện nay, Trường Chính trị tỉnh Yên Bái đã đạt 36/56 tiêu chí chuẩn mức 1 (chiếm 64,28%), là một trong các trường đạt chuẩn các tiêu chí chiếm tỷ lệ cao. Để hiện thực hóa, phấn đấu đến năm 2025 đạt được 100% các tiêu chí trường chính trị chuẩn mức 1, Trường Chính trị tỉnh xác định nỗ lực, quyết tâm cao với những nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình cụ thể, vừa mang tính trước mắt vừa mang tính lâu dài, trọng tâm:
Một là, chủ động, kịp thời tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án Trường Chính trị tỉnh đạt các tiêu chí trường chính trị chuẩn mức 1, giai đoạn 2022 - 2025 với những nhiệm vụ, giải pháp căn cơ, bài bản, có tính chiến lược lâu dài, tương xứng với vị trí, vai trò, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ đã được Ban Bí thư Trung ương Đảng xác định.
Hai là, tập trung phát triển nguồn nhân lực; tiếp tục kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, đủ về số lượng, cơ cấu, đảm bảo chất lượng, có bản lĩnh chính trị, tâm huyết, có kiến thức và kỹ năng nghề… đảm bảo điều kiện, tiêu chí của trường chính trị chuẩn. Chú trọng nâng cao trình độ, phát triển năng lực nghiên cứu, chủ động, sáng tạo trong tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương để phục vụ nghiên cứu, giảng dạy lý luận, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, ứng dụng kết quả tổng kết vào thực tế, giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội của địa phương.
Ba là, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật phục vụ giảng dạy, nghiên cứu, học tập đầy đủ, đồng bộ; từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất phục vụ tốt yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Nhà trường.
Bốn là, thực hiện "chuẩn hóa” nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Theo đó, "chuẩn” từ công tác chuẩn bị giáo án, đến bài giảng theo hướng xuyên suốt, có hệ thống, lôgic phù hợp với từng đối tượng học… "Chuẩn” ở nội dung, liên tục đổi mới, cập nhật thường xuyên các chủ trương, đường lối, chỉ thị, nghị quyết, chương trình… của Đảng và Nhà nước để truyền đạt tới học viên một cách chân thực, sinh động, dễ hiểu nhất. "Chuẩn” ở phương pháp, đội ngũ giảng viên phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tăng cường đi thực tế đến những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để lấy tư liệu sinh động từ thực tế đưa vào bài giảng của mình. Nghiên cứu cân đối dành thời gian trong các giờ học để học viên trao đổi, thảo luận, đưa ra những kiến nghị, đề xuất, tạo sự tương tác tích cực giữa giảng viên và học viên.
Năm là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao chất lượng hoạt động giảng dạy, học tập, quản lý và phục vụ rèn luyện đạo đức, lối sống, tác phong nhà giáo. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy chế nhằm minh bạch hóa, quản lý chặt chẽ các hoạt động, quá trình giảng dạy và học tập. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị cử cán bộ đi học với nhà trường trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng, quản lý cán bộ. Theo dõi, đánh giá hiệu quả sử dụng, trưởng thành của cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý sau khi được đào tạo, bồi dưỡng.
Với mục tiêu không ngừng đổi mới, phát triển đồng bộ, toàn diện, lấy chất lượng, hiệu quả làm thước đo, tạo bước đột phá mới, phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025 đạt Trường Chính trị chuẩn theo mức độ 1, tiến tới đạt chuẩn theo mức độ 2 trong những năm tiếp theo, Trường Chính trị tỉnh Yên Bái mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự quan tâm, hướng dẫn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành để Nhà trường tiếp tục phát huy vai trò, vị trí trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh, góp phần xây dựng con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập” cùng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển "xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, quyết tâm đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030.
Phạm Tiến Hưng - Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Yên Bái