Vườn hoa - Nhà kèn: Hai thiết chế trong một di tích

  • Cập nhật: Thứ năm, 19/8/2021 | 7:33:04 AM

YênBái - Di tích lịch sử - văn hóa Vườn hoa – Nhà kèn thuộc phố Hội Bình, thị xã Yên Bái thời kỳ đầu thế kỷ XX, nay thuộc phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái. Nằm cách trung tâm tỉnh lỵ Yên Bái khoảng 5 km về Tây Bắc, di tích là một chứng tích lịch sử - văn hóa trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Yên Bái.

Di tích Vườn hoa – Nhà kèn, phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái  đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2016
Di tích Vườn hoa – Nhà kèn, phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2016

Vườn hoa – Nhà kèn được thực dân Pháp xây dựng vào những năm đầu thế kỷ XX, khi tỉnh Yên Bái mới được thành lập. Vườn hoa và Nhà kèn là hai thiết chế riêng biệt, có công năng sử dụng khác nhau. Vườn hoa như một công viên nhỏ, tạo cảnh quan đô thị cho khu vực tỉnh lỵ Yên Bái lúc bấy giờ. Nhà kèn được xây dựng theo kiến trúc "lầu bát giác”, giống như một sân khấu nhỏ có mái che hay một nhà hát mini, đây là nơi tập và biểu diễn âm nhạc của đội kèn tây, tổ chức các sự kiện văn hóa phục vụ quan chức, binh lính, người dân thị xã Yên Bái và các vùng lân cận.

Vườn hoa có diện tích khoảng hơn 3.000m2 được chia lô trồng hoa, cây cảnh và cây thân gỗ tạo bóng mát. Phía đối diện, qua một con đường là Nhà kèn có diện tích khoảng 30m2 với kiến trúc "lầu bát giác”, lợp ngói; giữa hai tầng mái có hoa văn hình vuông (40cmx40cm), có 08 cột cao 3,5m, mỗi cạnh chừng 2,5m; nền cao 1m-1,2m, xung quanh có lan can gỗ cao khoảng 40cm-45cm.



Di tích lịch sử - văn hóa Vườn hoa – Nhà kèn nay là khu vực vườn hoa- Rạp Hồng Hà, phường Hồng Hà, Thành phố Yên Bái

Với mục đích ban đầu, di tích chủ yếu dùng để phục vụ cho việc cai trị và vui chơi giải trí của đội ngũ quan chức Pháp, lính tây, lính khố xanh và giới nhà giàu tại Yên Bái lúc bấy giờ. Tuy nhiên, sau đó di tích lại trở thành địa điểm diễn ra nhiều sự kiện quan trong trong tiến trình lịch sử của quân và dân Yên Bái suốt thời gian dài.

Vườn hoa – Nhà kèn – Nơi ra mắt Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh Yên Bái

14 giờ ngày 19/8/1945, đồng chí Ngô Minh Loan đại diện cho lực lượng cách mạng tiến hành đàm phán với Nhật tại Dinh tỉnh trưởng. Trước áp lực và sức mạnh của lực lượng cách mạng, phía Nhật buộc phải chấp nhận những yêu cầu của ta. Công cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái hoàn toàn thắng lợi.

Theo đó, sáng ngày 22/8/1945, tại Vườn hoa, Nhà kèn, Ban cán sự Đảng tổ chức cuộc mít tinh quần chúng tuyên bố Yên Bái hoàn toàn giải phóng; kêu gọi nhân dân đoàn kết vượt qua khó khắn, bảo vệ thành quả cách mạng, từng bước xây dựng cuộc sống mới. Cuộc mít tinh đã thu hút gần 1 vạn người dân thị xã Yên Bái và các vùng lân cận tham gia. 

Tại đây, Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Yên Bái do đồng chí Ngô Minh Loan là chủ tịch, đồng chí Nguyễn Phúc là Phó chủ tịch và các đồng chí ủy viên khác làm lễ ra mắt trước đông đảo quần chúng nhân dân Yên Bái. Ngày 22/8/1945, đánh mốc son chói lọi đưa đồng bào các dân tộc Yên Bái từ thân phận nô lệ, mất nước trở thành người chủ quê hương bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

Vườn hoa – Nhà kèn – Nơi tổ chức "Tuần lễ vàng” và xây dựng "Quỹ độc lập”

Ngày 04/9/1945, hai ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình, Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa đã chủ trương tổ chức "Tuần Lễ Vàng” động viên nhân dân tình nguyện ủng hộ xây dựng "Quỹ Độc Lập” nhằm kêu gọi mọi người dân yêu nước tự nguyện đóng góp, tháo gỡ khó khăn trước mắt cho tài chính của đất nước, ủng hộ nền độc lập của Tổ quốc. 

Tại Yên Bái, "Tuần lễ vàng” được đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng bằng tiền của, vàng bạc… Sau khi "Hũ” quyên góp được diễu hành quanh thị xã thì đưa về đặt tại lầu Bát Giác (Nhà Kèn) để nhân dân thuận tiện đến ủng hộ. Kết quả, "Tuần lễ vàng” tại Yên Bái nhận được 20 lạng vàng, 200 lạng bạc, 3.000.000 đồng Đông Dương.

Ngoài ra, trong những ngày đầu giành chính quyền, Vườn hoa – Nhà kèn còn là nơi nhân dân thị xã Yên Bái thể hiện tinh thần yêu nước, ủng hộ chính quyền Cách mạng; nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ và những sự kiện lớn, nhỏ của nhân dân thị xã…

Ngày 05 tháng 8 năm 1964, với việc dựng lên "sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, đế quốc Mỹ đã phát động cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân, hòng đè bẹp ý chí chiến đấu của nhân dân Việt Nam. 

Trong hai ngày 09 và 10 tháng 7 năm 1965, đế quốc Mỹ tiến hành đánh phá thị xã Yên Bái và Nghĩa Lộ trong chiến dịch leo thang đánh phá miền Bắc lần thứ nhất. Mục tiêu của chúng tập trung đánh vào các công trình giao thông, cơ sở sản xuất công nghiệp, công trình văn hoá xã hội là nơi tập trung đông người như trường học, bệnh viện… 14h15 phút, ngày 09 tháng 7 năm 1965, hai máy bay F105 và bốn máy bay B57 từ phía Tây bay qua thị xã Yên Bái, trong trận này, Vườn hoa – Nhà kèn bị bom Mỹ ném trúng, lầu bát giác bị phá hủy, vườn hoa bị cày sới, hoang tàn. 

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975), tỉnh Yên Bái quy hoạch lại đô thị, nhiều công trình mới được xây dựng, vườn hoa được cải tạo lại nhiều lần, quy mô thu nhỏ lại như hiện nay.

Di tích Vườn hoa – Nhà kèn mang giá trị lịch sử, gắn liền với sự hình thành, phát triển và những thắng trầm của thị xã Yên Bái (nay là thành phố Yên Bái); là hệ thống những giá trị sự kiện, lịch sử, giá trị văn hóa; là "bảo tàng ngoài trời”, "kho tư liệu vô giá” chứa đựng những giá trị nhân văn; phản ánh tinh thần yêu nước của đồng bào các dân tộc tỉnh Yên Bái. 

Đồng thời, tố cáo sự có mặt của thực dân Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam và tội ác của đế quốc Mỹ khi thực hiện dã tâm phá hoại công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa, ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc đối với chiến trường miền Nam.

Ngày nay, di tích không chỉ là nơi tham quan, tưởng nhớ về một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân và quân Yên Bái mà trở thành nơi vui chơi, sinh hoạt văn hóa – thể thao cho các cháu thiếu niên, nhi đồng thành phố.

Trân trọng những giá trị lịch sử - văn hóa mà di tích để lại, ngày 15/7/2016 Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái đã công nhận Vườn hoa – Nhà kèn, phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái là di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 1420/QĐ-UBND. Di tích được khoanh vùng bảo vệ với diện tích 1.821,6m2, hiện nay do Ủy ban nhân dân phường Hồng Hà trực tiếp quản lý.

(Theo dulichyenbai.gov.vn)

Tags Vườn hoa Nhà kèn phố Hội Bình phường Hồng Hà thành phố Yên Bái thiết chế di tích

Các tin khác
Một góc trung tâm thành phố Yên Bái hôm nay.

Ngày này cách đây 76 năm (19/8/1945) đã trở thành một ngày thu lịch sử, một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Ngày 30/6/1945, Ban Cán sự Đảng liên tỉnh Yên Bái - Phú Thọ được thành lập mở đường cho Yên Bái là địa phương đầu tiên của vùng Tây Bắc được giải phóng và thành lập được chính quyền cách mạng.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 hội tụ các nguồn xung lực hồi sinh mạnh mẽ của toàn dân tộc.

Cách đây 76 năm, chỉ trong chừng hai tuần lễ cuối tháng 8.1945, toàn thể dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, Mặt trận Việt Minh và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã nhất tề vùng lên trong cuộc tổng khởi nghĩa, kiên quyết giành lấy quyền độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc. Cách mạng tháng Tám 1945 chính là cuộc hồi sinh vĩ đại của một dân tộc đoàn kết, thực sự đoàn kết, biết đoàn kết và đoàn kết đúng lúc, kịp thời.

Ngày 22/8/1945, một cuộc mít tinh lớn gồm đông đảo các tầng lớp nhân dân, lực lượng vũ trang được tổ chức tại Vườn hoa Nhà Kèn, mừng cuộc khởi nghĩa thành công giành chính quyền về tay nhân dân, chấm dứt ách thống trị của thực dân phong kiến và phát xít Nhật.

Sáng 19/8/1945, hàng chục vạn người dân ở Hà Nội và các tỉnh lân cận theo các ngả đường kéo về quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội dự cuộc meeting lớn chưa từng có của quần chúng cách mạng, hưởng ứng cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ảnh tư liệu TTXVN

Bài học về tinh thần đoàn kết từ Cách mạng Tháng Tám 1945 vẫn luôn là ngọn đuốc soi đường cho dân tộc Việt Nam đến ngày hôm nay khi cả nước đang đồng lòng quyết tâm đẩy lùi đại dịch Covid-19.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục