Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 25/8/2021)

Rừng Mường Phăng vẹn nguyên bóng hình Đại tướng

  • Cập nhật: Thứ tư, 25/8/2021 | 9:30:12 AM

YênBái - Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Báo Yên Bái xin giới thiệu lại bài viết của phóng viên Hoàng Nhâm về khu rừng gắn với kỷ niệm về vị tướng huyền thoại của dân tộc nhân dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên (tháng 3/2014).

“Em gái Mường Phăng” Lù Thị Đôi (thứ 2, bên trái) luôn nâng niu kỷ vật là tấm ảnh chụp cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ năm 2014.
“Em gái Mường Phăng” Lù Thị Đôi (thứ 2, bên trái) luôn nâng niu kỷ vật là tấm ảnh chụp cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ năm 2014.

Thung lũng không rộng lắm, rừng Mường Phăng vẫn bạt ngàn xanh và lưa thưa những nếp nhà sàn khiến người ta liên tưởng đến nét nguyên sơ như 60 năm về trước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chọn nơi đây làm Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Sắc nắng xuân tươi vàng khiến những vạt rừng hoa ban đỏ - loài hoa biểu tượng của mùa xuân núi rừng Tây Bắc càng thêm tươi thắm. Cảnh sắc ấy khiến người vào Mường Phăng (Điện Biên) hào hứng, ngất ngây và cảm thấy hơn 40 cây số đường rừng như ngắn lại rồi bất chợt hiện ra thung lũng và cánh rừng Mường Phăng đã làm nên huyền thoại Điện Biên Phủ. Thung lũng không rộng lắm, rừng Mường Phăng vẫn bạt ngàn xanh và lưa thưa những nếp nhà sàn khiến người ta liên tưởng đến nét nguyên sơ như 60 năm về trước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chọn nơi đây làm Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Người ở Mường Phăng đều là đồng bào Thái, hiền lành, thân thiện, nhất là bọn trẻ hàng ngày vui chơi trong rừng gặp ai cũng khoanh tay lễ phép "chào cô”, "chào chú” khiến nhiều du khách đã bảo rằng: "Trẻ em ở Mường Phăng lễ phép nhất Việt Nam!”. Và dân ở Mường Phăng, ai cũng coi cánh rừng này là niềm tự hào, là báu vật của mường. Họ yêu cánh rừng này vì từ thuở xa xưa, rừng cho tổ tiên họ bao sản vật như hoa quả, mật ong và bao loài nấm quý, thuốc chữa bệnh.

Con suối Pá Hốc Khiều chắt chiu từng giọt nước trong lành làm nên lúa gạo, cá tôm nuôi sống bao thế hệ dân mường. Thế nên họ chăm chút từng gốc cây, ngọn cỏ và có điều rất lạ là bao cây khô đổ xuống cũng chẳng ai chặt về làm củi, dân Mường Phăng lý giải: để những cây khô ấy mục xuống cho cây non lớn lên tươi tốt.

Đặc biệt, 60 năm về trước, kể từ khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp về đây, chọn cánh rừng này làm Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ thì khu rừng bảo vật ấy còn được coi như rừng thiêng. Bởi vậy, ai đã đến cánh rừng này cũng thấy từ những đứa trẻ lớp một trở lên đều thuộc làu lịch sử từng di tích như: lán và hầm của cơ quan chính trị; lán và hầm của cố vấn quân sự Trung Quốc; lán và hầm làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; lán và hầm của Thiếu tướng Hoàng Văn Thái - Tham mưu trưởng chiến dịch; lán và hầm của của cơ quan thông tin và Cục trưởng Thông tin Hoàng Đạo Thúy; lán của Ban Cơ yếu; bếp Hoàng Cầm… cũng như ý nghĩa của cánh rừng này trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Có những em bé còn biết cả chút ít ngoại ngữ để giới thiệu lịch sử rừng Mường Phăng cho khách nước ngoài. Bị cuốn bởi hình ảnh những đứa trẻ ấy, tôi hỏi một cậu bé tên Hùng: "Vì sao Đại tướng lại chọn nơi đây làm Sở Chỉ huy?”. Cậu bé trả lời ngay rằng, vì từ đây đi đường bộ ra Mường Thanh dài hơn 40 cây số nhưng đường chim bay chỉ quãng chục cây số nên đứng ở đỉnh Pú Cá sau hầm chỉ huy nhìn xuống bằng ống nhòm sẽ thấy được hoạt động của quân Pháp tại các cứ điểm ở Mường Thanh. Đồng thời, rừng Mường Phăng là rừng nguyên sinh nên bảo đảm được bí mật. Mường Phăng có nhiều ruộng nên có lương thực, thực phẩm để nuôi quân. Bọn trẻ còn gọi Đại tướng là "ông nội Giáp” chỉ huy đánh giặc Pháp.

Không chỉ có những đứa trẻ mà cả người lớn trong mường cũng thường xuyên đến với cánh rừng này, nhất là từ khi Đại tướng qua đời. Họ yêu cánh rừng này với tình yêu thiên nhiên và sự chân thành, mộc mạc, kính trọng vị Đại tướng của nhân dân.

Chị Lù Thị Lơi - người bán hàng ở cửa rừng Mường Phăng nói rằng: "Hôm bác Giáp mất, ở xã có lập bàn thờ để nhân dân đến viếng nhưng viếng xong, mọi người lại kéo lên đặt hoa trên lán làm việc của bác. Ai ở đây cũng thương bác và khóc nhiều lắm!”.

Còn chị Tòng Thị Hồng và nhiều bạn cùng đi thăm rừng cũng là người ở huyện Điện Biên này thì bày tỏ: "Nhà chúng em ở dưới Mường Thanh nhưng mỗi khi lên đây thăm họ hàng là em lại ra thăm rừng Mường Phăng. Em rất thích ngắm rừng, thăm di tích và mỗi lần như thế, em thấy lòng mình thanh thản lắm!”.



Trong rừng Mường Phăng nhộn nhịp bà con người Thái và du khách đến thăm di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đặc biệt, ở đây chúng tôi còn may mắn được gặp "em gái Mường Phăng” năm xưa nay đã tròn trăm tuổi nhưng còn minh mẫn lắm. Mế tên là Lù Thị Đôi - nhân chứng cuối cùng chứng kiến những ngày Đại tướng chỉ huy chiến dịch ở đây và được Đại tướng nhận là em kết nghĩa.

Vừa lau nước mắt tiếc thương Đại tướng, mế Đôi vừa nói: "Có ông Giáp thì mới đuổi hết Tây cho dân mình không còn khổ. Có ông Giáp thì dân mình mới không còn đói, có nhà đẹp, đường to để đi nên ơn ông ấy lắm!”. Rồi mế lại kể chuyện ngày xưa làm Trưởng ban vận động, mế ba lần được gặp ông Giáp và  ông Giáp đã khuyên mế là: "Cô là trưởng ban vận động thì cố gắng vận động bà con ủng hộ lương thực, thực phẩm để nuôi quân ăn no đánh thắng”.

Nghe lời Đại tướng, chỉ trong một thời gian ngắn, mế đã vận động dân trong xã đóng góp được 9 tấn thóc, 5 con trâu để nuôi quân. Mế Đôi còn vận động chị em đan lát, làm nhiều vật dụng cho bộ đội trong rừng Mường Phăng. Đang say sưa kể, bỗng sắc mặt mế tươi vui hẳn khi bảo: "Hôm thắng trận vui lắm à! Ông Giáp mổ 3 con trâu để khao quân và dân ở đây rồi múa xòe, vui lắm!”.

Nghe những câu chuyện của mế Đôi, chị Hồng, bé Hùng… và bao điều trông thấy ở Mường Phăng trong tiết xuân nhộn nhịp khách mọi miền qua lại, tôi như thấy hình ảnh của Đại tướng cùng những gì năm xưa tại nơi Đại tướng chỉ huy chiến dịch làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Tất cả vẫn mới nguyên như thể hôm qua trong lời ca hào hùng của bài hát: "Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về giữa mùa này hoa nở miền Tây Bắc tưng bừng vui/ Bản mường xưa nương lúa mới trồng, kìa đàn em bé giữa đồng nắm tay xòe hoa…”.

Còn riêng với người Mường Phăng thì ai cũng bảo: "Cứ mỗi sáng thức dậy, trông thấy rừng Mường Phăng là thấy Đại tướng ở bên bản làng của mình!”.

 Hoàng Nhâm
Tháng 3 năm 2014

Các tin khác
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp bàn kế hoạch tấn công căn cứ Đông Khê, mở màn Chiến dịch biên giới (năm 1950).

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới và Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Vị tướng huyền thoại, thiên tài quân sự, “Người anh cả” của Quân đội nhân dân Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lịch sử đã đưa hai con người xuất chúng ấy đến gần với nhau, trở thành hai thầy trò, hai người đồng chí, hai người tri kỷ để làm nên hai cái tên mà chắc chắn sẽ còn được khắc ghi mãi mãi.

Các chính sách hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản giúp người chăn nuôi có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất.

HĐND tỉnh Yên Bái khoá XVIII, nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã ban hành khung cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2016 - 2020.

Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh góp phần để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tận tụy với công việc, gần dân, trọng dân. (Trong ảnh: Cán bộ Bộ phận Phục vụ hành chính công huyện Trấn Yên giải quyết thủ tục hành chính cho người dân).

5 năm qua, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành công việc tự giác, thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, nhất là vai trò gương mẫu đi đầu của người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa ký văn bản hướng dẫn về việc xác định tuổi hưởng chính sách về hưu trước tuổi quy định tại Nghị định số 143/2020.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục