Dấu ấn đặc biệt của Đại tướng Phùng Quang Thanh trong Sách trắng Quốc phòng 2009

  • Cập nhật: Chủ nhật, 12/9/2021 | 7:36:19 AM

Dấu ấn của Đại tướng Phùng Quang Thanh được thể hiện xuyên suốt trong Sách trắng Quốc phòng 2009, đó là cho thế giới thấy được nền quốc phòng mang tính hòa bình, tự vệ.

Quá trình biên soạn Sách trắng Quốc phòng 2009 mang nhiều dấu ấn chỉ đạo của Đại tướng Phùng Quang Thanh.
Quá trình biên soạn Sách trắng Quốc phòng 2009 mang nhiều dấu ấn chỉ đạo của Đại tướng Phùng Quang Thanh.

Năm 2009, lần thứ ba, Việt Nam tổ chức công bố với cộng đồng quốc tế Sách trắng Quốc phòng. Dưới sự chỉ đạo của Đại tướng Phùng Quang Thanh, khi đó là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, lần đầu tiên trong Sách trắng Quốc phòng, chúng ta đã công bố những số liệu về quân số, chủng loại vũ khí và ngân sách dành cho Quốc phòng.

Để hiểu rõ hơn về những dấn ấn của Đại tướng trong việc chỉ đạo biên soạn Sách trắng Quốc phòng này, phóng viên VOV đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng, thành viên trong tổ biên soạn Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2009.

PV: Thưa Thiếu tướng, ông có thể cho biết, trên cương vị là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, khi đó Đại tướng Phùng Quang Thanh đã có những dấu ấn như thế nào trong việc chỉ đạo biên soạn cuốn sách này?

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân: Có thể nói, từ khi đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Quốc phòng và đặc biệt trong quá trình chỉ đạo biên soạn Sách trắng Quốc phòng 2009, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh chỉ đạo rất rõ phải làm bật lên tính chất cơ bản của nền quốc phòng Việt Nam là nền quốc phòng mang tính hòa bình và tự vệ; nêu rõ cơ cấu của Bộ Quốc phòng Việt Nam, như vấn đề tổ chức xây dựng quân đội nhân dân chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, hoặc là xây dựng lực lượng dân quân tự vệ.

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh lúc đó cũng yêu cầu trong Sách trắng Quốc phòng phải nêu rõ quá trình tăng cường tiềm lực quốc phòng để bảo vệ đất nước, minh bạch về chính sách quốc phòng, cũng như khả năng quốc phòng của chúng ta, trong đó có việc minh bạch về số lượng, chủng loại vũ khí.

PV: Vì sao chúng ta lại công bố các chủng loại vũ khí trong Sách trắng Quốc phòng?

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân: Lúc này chúng ta đã mua sắm một số loại vũ khí trang bị từ Nga, như tàu ngầm, máy bay Su 30MK2, rồi mua tên lửa của Isarel. Thế giới rất quan tâm tại sao Việt Nam mua sắm nhiều thế.

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh khi ấy nêu rõ chúng ta mua sắm để tăng cường tiềm lực quốc phòng chứ không phải để chuẩn bị đánh nhau. Bộ trưởng cũng nói rõ, chúng ta mua vũ khí gì thì bên bán đều khai báo với Liên Hợp Quốc hết. Cho nên chúng ta không phải giữ bí mật với quốc tế về những loại vũ khí chúng ta có.

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh lúc đó cũng nhấn mạnh phải nêu bật chính sách quốc phòng "3 không” của chúng ta.

PV: Trong Sách trắng Quốc phòng 2009, lần đầu tiên chúng ta công bố ngân sách Nhà nước dành cho Quốc phòng. Đây là bước ngoặt lớn trong việc minh bạch chính sách quốc phòng của chúng ta, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân: Thực ra, ngân sách quốc phòng năm nào cũng vậy, là do Quốc hội thông qua, nhưng lần này chúng ta mạnh dạn đưa vào trong Sách trắng Quốc phòng, ngân sách quốc phòng của chúng ta chiếm bao nhiêu phần trăm GDP.

Đây là điểm rất mới, trước đây có nhiều ý kiến nói rằng chúng ta chi tiêu quốc phòng rất lớn, rồi là mua sắm vũ khí tốn rất nhiều tiền của. Nhưng lần này chúng ta công khai ngân sách Quốc hội duyệt cho như thế này, và chúng ta đưa ra chính sách hợp tác quốc phòng trên các lĩnh vực cụ thể, như ngăn chặn vũ khí hủy diệt hàng loạt như thế nào, tham gia chống khủng bố ra sao, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, tham gia diễn tập cứu hộ cứu nạn với các nước láng giềng như thế nào, để giải quyết các vấn đề thách thức an ninh phi truyền thống chung của khu vực, của chúng ta.

PV: Trong Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2009, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh còn chỉ đạo công khai quân số trong Quân đội. Thiếu tướng có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân: Đại tướng chỉ đạo chúng ta phải làm rõ sự minh bạch, nhất quán trong đường lối quốc phòng của Việt Nam là hòa bình, tự vệ. Thế giới không chỉ quan tâm chúng ta mua sắm vũ khí gì mà còn muốn biết quân đội của Việt Nam hiện như thế nào, vì thế quân số của Việt Nam được rất nhiều nước quan tâm. Vì thế, trong Sách trắng Quốc phòng năm 2009 có nói rõ, trong chiến tranh, quân số của ta lúc đông nhất lên tới 1,5 triệu người, nay đã giảm còn 500.000 quân.

PV: Đường lối chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ được khẳng định trong Sách trắng Quốc phòng năm 2009 cũng chính là những luận điểm rất quan trọng trong văn kiện Đại hội Đảng sau này phải không, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân: Dấu ấn của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh trong việc xây dựng chỉ đạo Sách trắng Quốc phòng cũng như chỉ đạo xây dựng chiến lược quốc phòng đã thể hiện rất rõ tính chất của quốc phòng Việt Nam là hòa bình, tự vệ, kiên quyết, kiên trì giải quyết các tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở Luật pháp quốc tế.

Đặc biệt, điểm này đã được ghi nhận trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng ta, và tiếp tục được nhắc lại trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII.

Tất cả những điều này thể hiện tính minh bạch, nhất quán trong đường lối quốc phòng của chúng ta. Đây là đường lối quốc phòng hòa bình, tự vệ, quốc phòng mang tính chất toàn dân, toàn diện, toàn dân chung sức để bảo vệ Tổ quốc.

PV: Xin cảm ơn Thiếu tướng./.

(Theo VOV)

Các tin khác
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chứng kiến Lễ Ký các văn kiện hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác Bỉ và EU.

Nhiều báo uy tín của Bỉ như Brussels Times, EU Today đã đăng tin, bài đánh giá chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tạo động lực thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Bỉ, Việt Nam-EU.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiến hành khảo sát thực địa.

Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Yên Bái Nguyễn Quốc Luận cùng các đại biểu Quốc hội đã khảo sát “Tình hình quản lý, sử dụng đất đai tại các lâm trường quốc doanh, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn từ năm 2014 đến ngày 31/6/2021”.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Tạ Văn Long thăm và tặng quà một số hộ dân tiêu biểu hiến đất làm đường tại thị trấn Yên Thế.

Sáng 11/9, đồng chí Tạ Văn Long - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã dự sinh hoạt tại Chi bộ tổ dân phố 4, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên. Cùng tham dự có đồng chí Chu Đình Ngữ - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh uỷ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đại sứ Hà Lan Elsbeth Akkerman.

Đại sứ Elsbeth Akkerman cho biết Hà Lan sẽ tặng Việt Nam số máy thở và trang thiết bị, vật tư y tế trị giá khoảng 43 tỷ đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục