1. Trong những năm 1926 - 1927 phong trào cách mạng trong nước lên cao. Tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội do Bác Hồ sáng lập năm 1925 phát triển khá mạnh. Ở nước ngoài, Bác Hồ viết nhiều bài tố cáo thực dân Pháp, trong đó có bài "Chủ nghĩa tư bản đế quốc Pháp ở Đông Dương” ký tên Nguyễn Ái Quốc gửi cho Tạp chí "Thư tín quốc tế” đăng ngày 2/10/1928 có đoạn đưa dẫn chứng về ngành đường sắt Vân Nam - Bắc Kỳ để phân tích, tố cáo tư bản Pháp đang tăng cường bóc lột "lao động khổ sai của người bản xứ”, thu lợi nhuận, vơ vét tài nguyên khoáng sảng ở nước ta, do đó thực dân Pháp rất "sợ cách mạng”.
Bác chỉ ra nỗi "sợ cách mạng” của chúng như sau: "Mặc dù có hoạt động bề ngoài về kinh tế và mặc dù làm ra vẻ an tâm, những tên đế quốc Pháp ở Đông Dương luôn luôn bị ám ảnh bởi ý nghĩ về một cuộc cách mạng sắp tới. Việc tạo ra một giai cấp vô sản và dạy cho người Việt Nam biết sử dụng súng ống là một bằng cớ chứng tỏ chủ nghĩa đế quốc tự đào hố để chôn mình”. Bài báo tuy không trực tiếp nói đến Yên Bái, nhưng cũng đủ thấy Bác Hồ rất hiểu bản chất bóc lột của thực dân Pháp và nỗi lo sợ cách mạng của chúng, đồng thời hết sức quan tâm đến đời sống kinh tế, phong trào cách mạng của giai cấp công nhân nói chung và công nhân ngành đường sắt trên tuyến đường Vân Nam - Bắc Kỳ, trong đó có công nhân đường sắt Yên Bái.
Cũng trong thời gian này, tổ chức Việt Nam Quốc dân đảng do Nguyễn Thái Học lãnh đạo đang ráo riết chuẩn bị bạo động. Khi đó Bác Hồ đang hoạt động tại Xiêm (Thái Lan). Tình hình trên đòi hỏi cuối năm 1927 Bác phải từ Xiêm trở lại Trung Quốc. Mặc dù không kịp can ngăn cuộc bạo động "sát thân thành nhân” nổ ra ở Yên Bái do Việt Nam Quốc dân đảng tổ chức, nhưng Bác đã kịp thời có mặt để chuẩn bị cho Hội nghị thống nhất ba tổ chức cộng sản, ngày 3/2/1930 Đảng cộng sản Việt Nam đã chính thức được thành lập. Ngay sau đó, ngày 5/3/1930 Bác Hồ viết bài báo "Phong trào cách mạng ở Việt Nam” bằng tiếng Anh nêu rõ tình hình cách mạng Việt Nam đang bị khủng bố. Bác nói về cuộc khởi nghĩa Yên bái của Việt Nam Quốc dân đảng với cả lời bình phẩm: "Quốc dân đảng trở nên manh động, đã tổ chức vụ bạo động quân sự vừa rồi ở Bắc Kỳ (10/2/1930), nếu báo chí nói đúng thì 13 đảng viên, trong đó có cả lãnh tụ Quốc dân đảng bị bắn chết. Sau trận đàn áp đó, Đảng này rất khó phục hồi” (thực ra thì 17 người bị xử chém tại Yên Bái). Hơn một năm sau, Bác còn thống kê số lượng đảng viên cộng sản và đảng viên Quốc dân đảng bị bắt giam ở từng nhà lao qua từng tháng rất cụ thể trong bài báo "Khủng bố trắng ở Đông Dương” viết ngày 12/12/1931. Chẳng hạn: Tháng giêng năm 1931, số đảng viên bị giam ở nhà lao Hà Nội là "201 (đảng Quốc dân đảng và 104 đảng viên cộng sản)”.
2. Tháng 2 năm 1940 Bác Hồ lại về Trung Quốc, đến Côn Minh (Vân Nam) nắm tình hình trong nước qua đường Hà Khẩu - Lào Cai để chỉ đạo phong trào cách mạng và chuẩn bị về nước. Thời gian này, Ban cán sự Đảng Khu D đã cử cán bộ lên Yên Bái - Lào Cai gây cơ sở cách mạng và tổ chức đường dây tuyệt đối bí mật, an toàn để các đồng chí lãnh đạo của Đảng ta đi qua Yên Bái - Lào Cai, vượt biên giới Việt - Trung gặp Bác Hồ. Kế hoạch đưa Bác Hồ về nước qua đường Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ không thành vì ở cơ sở Lào Cai bị thực dân Pháp khủng bố dữ dội. Qua nhiều lần xem xét các điều kiện, tình hình cụ thể, Bác quyết định chọn Cao Bằng làm nơi về nước. Vì vậy, đầu tháng 2/1941, Bác đã về nước qua cột mốc biên giới 108 vào ở hang Cốc Bó, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Bắt đầu từ đây, Bác Hồ hoạt động cách mạng, trực tiếp chỉ đạo phong trào cả nước.
Sau hội nghị thứ 8 của Trung ương Đảng họp tại Pác Pó (Cao Bằng) tháng 5/1941 do Bác Hồ chủ trì, Bác còn lấy tấm gương chiến đấu anh dũng của các cuộc khởi nghĩa trong nước, trong đó có khởi nghĩa Yên Bái để viết thư kêu gọi "Kính cáo đồng bào” toàn quốc ngày 6/6/1941 như sau: "Bảy tám mươi năm nay dưới quyền thống trị của giặc Pháp, chúng ta luôn luôn tranh đấu giành quyền độc lập tự do. Tấm gương oanh liệt của các bậc tiền bối như Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Lương Ngọc Quyến còn treo đó. Tinh thần anh dũng của các liệt sĩ Thái Nguyên Yên Bái, Nghệ An hãy còn đây?”.
Trong các bài thơ Bác viết tuyên truyền cách mạng ở Pác Bó (Cao Bằng), có một bài thơ khá dài gồm 208 câu với tiêu đề "Lịch sử nước ta” do Việt Minh tuyên truyền Bộ xuất bản tháng 2/1942, Bác Hồ cũng đưa cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930 vào bài thơ như sau:
Kia Yên Bái, nọ Nghệ An
Hai lần khởi nghĩa tiếng vang hoàn cầu
Hạ tuần tháng 5/1945, Bác Hồ về Tân Trào. Bác cho mời đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng lên Tân Trào bàn định chủ trương mới. Sauk hi nghe Thường vụ Trung ương báo cáo tình hình chung cả nước và hội nghị quân sự Bắc Kỳ, Bác chỉ thị: vùng giải phóng Bắc Bộ đã bao gồm hầu hết các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên và một số vùng bên ngoài gồm một số bộ phận các tỉnh Bắc Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Vĩnh Yên, địa thế nối liền nhau, cho nên cần thành lập ngay một khu căn cứ cách mạng rộng lớn lấy tên là Khu giải phóng (sau này nhân kỷ niệm Quốc khánh 2/9/1947, Bác gọi là "Căn cứ địa Việt Bắc”).
Chấp hành Chỉ thị của Bác Hồ, ngày 4/6/1945 Tổng bộ Việt Minh đã triệu tập đại biểu 6 tỉnh Cao - Bắc - Lạng - Hà - Tuyên - Thái về dự hội nghị chính thức thành lập Khu giải phóng. Thế là 3 trung tâm căn cứ địa (căn cứ địa Cao Bằng, căn cứ địa Bắc Sơn- Võ Nhai, căn cứ địa Đại Từ - Định Hóa - Sơn Dương - Yên Sơn) giờ đây đã thống nhất trở thành căn cứ địa Việt Bắc lớn nhất trong cả nước.
Hòa chung với niềm vui đó, hàng loạt các căn cứ địa mới ra đời như: Chiến khu Hòa - Ninh - Thanh (tức Quang Trung), chiến khu Vần - Hiền Lương (Yên Bái - Phú Thọ) ra đời tháng 5/1945, chiến khu Trần Hưng Đạo (tháng 6/1945), hai Chiến khu Bắc và Nam Quảng Ngãi thành lập sau khởi nghĩa Ba Tơ… Khu giải phóng Việt Bắc đã mở đường liên lạc và đánh thông với chiến khu Vần - Hiền Lương cùng các chiến khu khác. Cũng chính vào tháng 5/1945 ra đời Chiến khu Vần - Hiền Lương thì 3 chi bộ đầu tiên ở Yên Bái được thành lập. Ngày 30/6/1945 thành lập Ban cán sự Đảng Phú Yên (Phú Thọ - Yên Bái) do đồng chí Ngô Minh Loan làm Bí thư. Vâng lời Bác, quân dân Phú Thọ - Yên Bái cùng cả nước từ các vùng căn cứ địa cách mạng phối hợp với đồng bào đã đứng dậy khởi nghĩa, làm nên Cách mạng tháng 8/1945, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
3. Sau Cách mạng tháng 8/1945, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh "diệt giặc đói, giặc đôt, giặc ngoại xâm” và Sắc lệnh của Chính phủ về việc gây "Quỹ độc lập”, tổ chức "Tuần lễ vàng”, Ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh Yên Bái đã kết hợp với Mặt trận Việt Minh, các đoàn thể quần chúng thực hiện hàng loạt các biện pháp nhằm nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, phát triển sản xuất, phát động phong trào bình dân học vụ, tăng cường lực lượng vũ trang, đảm bảo trật tự an ninh, xã hội, củng cố chính quyền vững mạnh, đóng góp cho Chính phủ được trên 20 lạng vàng, 300 lạng bạc và 3 triệu đồng Đông Dương, đồng thời mau chóng đánh đuổi được bọn Việt Nam Quốc dân đảng phản động ra khỏi Yên Bái.
Hưởng ứng "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19/12/1946 và Chỉ thị "Toàn dân kháng chiến” của Trung ương Đảng ngày 22/12/1946, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái đã tham gia học tập, quán triệt đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh của Đảng, tích cực chuẩn bị kháng chiến. Đúng lúc cuộc kháng chiến nổ ra ở khắp nơi, trong đó có Yên Bái và Tây Bắc thì Bác viết liên tiếp các lá thư động viên cán bộ đồng bào kháng chiến: "Gửi đồng bào thượng du” (tháng 2/1947), "Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ” (1/3/1947), "Thư gửi đồng bào trong những vùng địch tạm chiếm đóng” v.v… Bác biên soạn tài liệu "Sửa đổi lề lối làm việc” (10/1947) để bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên nhằm nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước, nâng cao năng lực và đạo đức cách mạng, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ mới. Đảng bộ Yên Bái đã tổ chức cho cán bộ, đảng viên học tập, thảo luận, kiểm điểm phê bình và tự phê bình theo nội dung các thư và tài liệu biên soạn của Bác, tạo nên một bước chuyển biến mạnh mẽ về tư tưởng và tổ chức, càng thêm quyết tâm đẩy mạnh công tác vùng địch tạm chiếm sâu rộng hơn nữa, vượt qua mọi thử thách gay go ác liệt, kể cả khi địch tập trung càn quét, bắn giết dã man.
Cuộc tấn công vào Việt của thực dân Pháp thất bại nặng nề kéo thao sự phá sản âm mưu "đánh nhanh thắng nhanh” của chúng. Chúng buộc phải thay đổi chiến lược, thực hiện âm mưu "dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”, tổ chức ngụy quân đánh lại ta.
Về phía ta: chiến thắng Việt Bắc thu đông năm 1947 đã đưa cuộc kháng chiến của ta chuyển sang giai đoạn cầm cự. Hội nghị Trung ương Đảng mở rộng tháng 1/1948 bàn về nhiệm vụ phát động chiến tranh du kích rộng khắp, nhất là vùng địch tạm chiến và chủ trương xây dựng căn cứ địa Tây Bắc.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ hai tháng 1/1949 cũng đề ra thực hiện mục tiêu "biến hậu phương địch thành khu vực tự do của ta” nên quân dân Yên Bái đã đẩy mạnh công tác địch hậu, phá tề diệt gian, gây dựng sơ sở và các đội du kích vững mạnh, chủ động chiến đấu, phối hợp với bộ đội địa phương và bộ đội chủ lực tiêu diệt nhiều đồn bốt của giặc. Đây là thời kỳ Bác Hồ thường đi công tác qua Yên Bình sang Đoan Hùng (Phú Thọ) động viên cán bộ, bộ đội trước khi đi chiến dịch biên giới 1950, chiến dịch giải phóng Tây Bắc… Trên đường đi, Bác tranh thủ lúc nghỉ ngơi dọc đường vào thăm hỏi, chuyện trò cùng bà con các dân tộc, có lần Bác còn chụp ảnh chung với một gia đình người Dao quần trắng ở vùng Yên Bình. Một lần khác Bác dừng chân nghỉ lại ở quán Đại Hưng, ngả lưng trên một cái chõng cũ kỹ, lại ngắn, chủ nhà đã đi sơ tán. Bác thả chân xuống chõng, đầu gối lên chiếc túi vải, gậy gác trên đầu chõng, cứ vậy Bác ngủ qua đêm, không chăn màn. Tờ mờ sáng, Bác lại chống gậy ra đi.
Từ tháng 5 đến trung tuần tháng 7/1949 Bộ tư lệnh mở chiến dịch sông Thao đã tiêu diệt các đồn Đại Bục, Đại Phác, Dóm và tiểu khu phố Ràng, phá vỡ phòng tuyến của địch từ sông Hồng đến sông Chảy. Rồi lại mở chiến dịch biên giới 1950, chiến dịch Lý Thường Kiệt màn đánh I đánh vào Phân khu Nghĩa Lộ tháng 9/1951… tạo điều kiện cho quân dân Yên Bái mở rộng địa bàn hoạt động, chủ động đánh thắng địch nhiều trận, tiến sâu vào các vùng địch tạm chiếm trong tỉnh và Tây Bắc. Bác Hồ đã viết bài "Bọn đế quốc cướp nước không bao giờ có thể nô dịch dân tộc Việt Nam anh dũng” đăng trong Tạp chí "Vì một nền hòa bình lâu dài, vì một nền dân chủ nhân dân” ở nước ngoài số ra ngày 4/4/1952 ca ngợi chiến công của bộ đội ta và tinh thần kháng chiến cao đẹp của nhân dân Việt Nam nói chung, vùng ven sông Lô, sông Hồng thuộc các tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái nói riêng trong các chiến dịch trên như sau: "Chúng sẽ không quên những cứ điểm ở miền Bắc Việt Nam, như Quảng Yên (đường số 18), Ninh Bình, Phủ Lý và Nghĩa Lộ là nơi mà các chiến sĩ vinh quang của chúng tôi đã đánh cho chúng tan tành hồi tháng 3 và tháng 5, tháng 6 và tháng 9”… "Ở vùng cách xa sông Lô hàng chục cây số, nhân dân đã tìm được rất nhiều thuyền, và lần theo những con đường hẻm nhân dân đã vác những thuyền ấy đến địa điểm và theo đúng giờ đã định. Sau khi bộ đội đã qua sông, để giữ bí mật và để tránh những cuộc bắn phá của máy bay địch, nhân dân những ca vùng này lại vác những thuyền ấy chuyển về chỗ cũ”. Bác ca ngợi các bà mẹ Việt Nam bằng những hình ảnh thật đẹp: "Các bà mẹ giúp đỡ cán bộ và bộ đội, săn sóc thương binh, coi họ như con đẻ. Ở các vùng bị tạm chiếm, các mẹ chẳng khác gì các "nữ thần hộ mệnh” đã bảo vệ các chiến sĩ hoạt động bí mật. Việc làm của các bà mẹ thật đáng kính phục”.
Bác nhận được báo cáo của Đại đoàn 312 ngày 1/11/1951 về kết quả chiến dịch Lý Thường Kiệt đánh trận Nghĩa Lộ, trong tháng 12/1951 Bác viết "Thư gửi toàn thể chiến sĩ và cán bộ Đại đoàn 312”, một mặt Bác bày tỏ sự "vui lòng vì kết quả khá (địch bị bắt, bị giết và bị thương 970 tên). Nhất là vì các chú tiến bộ khá”, một mặt Bác yêu cầu "các chú phải thật thà tự kiểm thảo lại, kiểm thảo theo đúng dân chủ từ trên xuống dưới và từ dưới lên, để rút kinh nghiệm, để sửa chữa khuyết điểm và phát triển ưu điểm”. Nhận được thư Bác, Đại đòn 312 vừa vui mừng, phấn khởi, vừa nghiêm túc kiểm thảo, rút kinh nghiệm theo lời căn dặn của Bác.
4. Từ cuối chiến dịch Hòa Bình tháng 2/1952, Bộ chính trị, Bác Hồ đã có ý định sơ bộ mở chiến dịch trên hướng Tây Bắc. Những tháng đầu năm 1948, Liên khu 10 tập trung dồn sức vào việc tổ chức các đội võ trang tuyên truyền, đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung. Toàn Liên khu đã tổ chức được 4 đội võ trang tuyên truyền. Bác Hồ cũng rất quan tâm đến các hoạt động này. Bác đã vạch cho các đội phải làm sao xây dựng, phát triển cơ sở quần chúng, cắm bằng được lá cờ đỏ sao vàng trên đất Điện Biên Phủ. Ngay từ ngày ấy, Bác đã nhìn rõ cái vị trí chiến lược đó. Sau này Bác còn trực tiếp gặp, giao nhiệm vụ cho các đồng chí Bùi Quang Tạo, Bằng Giang, Phạm Văn Học. Bác nói "Các đồng chí nói mới thì mới, nói cũ thì cũ”. Bởi vì Khu Tây Bắc gồm 4 tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, trước thuộc Liên khu 10, sau sáp nhập vào Liên Khu Việt Bắc, nay lại tách ra thành Khu Tây Bắc. Đồng thời Bác căn dặn: "Các chú nên chuẩn bị chiến trường để bộ đội vào giải phóng Tây Bắc”. Bác đặt bí danh cho đồng chí Bùi Quang Tạo là Nguyễn Kháng, Bằng Giang là Nguyễn Chiến, Phạm Văn Học là Vũ Nhất. Cả ba đều phấn khởi lên đường vào Tây Bắc. Đầu tháng 9/1952, Bộ chính trị quyết định mở chiến dịch Tây Bắc với mục đích "tiêu diệt sinh lực địch, tranh thủ nhân dân, giải phóng một bộ phận đất đai ở vùng Tây Bắc…”
Ngày 9/9/1952 Bộ Tổng tư lệnh triệu tập một hội nghị phổ biến kế hoạch chiến dịch cho cán bộ, bộ đội ở khu rừng Phú Thọ, quyết định cho các đại đoàn bộ binh 308, 312,316, Đại đoàn Pháo binh 351 và Trung đoàn 148 mặt trận Tây Bắc tham gia chiến dịch. Trận tấn công Phân khu quân sự Nghĩa Lộ được coi là trận mở màn chiến dịch Tây Bắc, rồi tiến lên tiêu diệt tiểu khu Phù Yên, Yên Châu, Mai Sơn, giải phóng Sơn La. Hội nghị rất vinh dự được bác Hồ đi từ bên Tuyên Quang qua Yên Bình sang Phú Thọ trực tiếp đến động viên, căn dặn bộ đội, chiến sĩ nêu cao quyết tâm đánh thắng địch. Mở đầu bài nói chuyện, Bác kể: "Hôm nay trời mưa to, suối nước lũ, khi đi đến một cái suối nước chảy mạnh thấy bên kia có một nhóm đồng bào đang ngồi đợi nước xuống để sang. Bác nghĩ: nếu không đi ngay, e các chú bộ đội mất thì giờ nên Bác cùng mấy chú nữa quyết tâm cởi quần áo, tay sào, tay gậy , lần sang được. Thấy Bác sang được, nhóm đồng bào bên kia cũng quyết tâm sang. Đó là kinh nghiệm cho các chú. Bất kỳ việc gì, to hay nhỏ, mình có quyết tâm thì làm được mà còn lôi cuốn người khác cùng quyết tâm như mình”. Sau đó Bác nói về chiến dịch. Bác phân tích thuận lợi và khó khăn, về sự quyết tâm của cán bộ chiến sĩ thì mới đánh thắng địch được. Bài học "quyết tâm” của Bác đã được mọi người họp bàn, thảo luận rất kỹ và cùng nhau quyết tâm đánh thắng trận này. Ngay sau đó, các đại đoàn khẩn trương lên đường chuẩn bị chiến dịch. Đoàn cán bộ Đại đoàn 308 do Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ dẫn đầu dưới sự chỉ dẫn của cán bộ, chiến sĩ du kích Huyện ủy Văn Chấn đã bí mật vào nghiên cứu tận Sở chỉ huy Phân khu Nghĩa Lộ của địch, vẽ sơ đồ, đánh dấu từng lô cốt, từng chướng ngại vật để lập phương án tác chiến. Cuối tháng 9/1952, các đơn vị bắt đầu hành quân. Đúng vào lúc các đơn vị bộ đội và dân công bắt đầu vượt sông Hồng vào Tây Bắc thì ngày 1/10/1952, Bác Hồ viết liền hai lá thư "Thư gửi cán bộ và chiến sĩ chiến dịch Tây Bắc” và "Thư gửi các chiến sĩ dân công ở Mặt trận Tây Bắc”. Cả hau lá thư Bác đều nói rõ: "Chiến dịch này rất quan trọng” và giao nhiệm vụ cho các cô chú "phải đánh thắng” với những lời dặn dò cụ thể.
Ngày 12/10/1952 các đơn vị đã đến vị trí tập kết bí mật, an toàn, sẵn sảng chờ lệnh. Nhận được thư Bác Hồ, ai cũng sung sướng, phấn khởi, như được tiếp thêm sức mạnh, quyết tâm giải phóng Tây Bắc. Ngày 14 đến ngày 18/10/1952 quân ta đã san bằng toàn bộ Phân khu quân sự Nghĩa Lộ, bắt sống tên Thiếu tá chỉ huy Ti-ri-ông cùng toàn bộ vũ khí.
Ngay sau khi chiến dịch Tây Bắc và đồng bằng thắng lợi, trong tháng 12/1952, Bác Hồ đã viết "Thư gửi bộ đội và dân công ở Mặt trận Tây Bắc và đồng bằng” để khen ngợi: "Bác rất vui lòng. Bác và Chính phủ gửi lời khen ngợi các cô, các chú. Chiến dịch này các cô, các chú quyết tâm từ trên xuống dưới: bộ đội thì quyết tâm chiến đấu, dân công thì quyết tâm phục vụ, chịu gian khổ nhiều. Đơn vị nào, đoàn nào cũng có thành tích. Thế là ưu điểm”.
Để chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, ngay từ cuối năm 1952, Bác Hồ đã cho thành lập Hội đồng cung cấp mặt trận do Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch. Hội đồng có nhiệm vụ trong năm 1953 phải mở đường 13A, 13B thông suốt từ Việt Bắc qua Yên Bái vào Tây Bắc để vận chuyển người, lương thực, vũ khí đạn dược… vào chiến trường. Chính Bác có lần đến tận công trường làm đường để kiểm tra và động viên: "Hiện nay, trong việc chuẩn bị chiến trường, đường sá thông thì mọi việc đều thắng”. Lời nói đó của Bác đã trở thành nội dung thi đua ở khắp các công trường. Nhờ những cố gắng phi thường của các lực lượng thi công trong hoàn cảnh địch bắn phá ác liệt nên kế hoạch thông đường 13 đã hoàn thành sớm 5 ngày vào đầu tháng 9/1953. Cuối năm 1953, Bác viết "Thư gửi quân và dân Tây Bắc”, khen ngợi, động viên. Đầu năm 1954, Ty giao thông công chính tỉnh Yên Bái đại diện cho lực lượng thi công đường 13 đã được biểu dương khen thưởng, nhận được lá cờ thưởng "Mở đường thắng lợi” thi đua xuất sắc nhất trong ngành Giao thông công chính của Bác Hồ.
Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, nhiều cán bộ, chiến sĩ, dân công đã được Đảng, Chính phủ, Bác Hồ khen thưởng, tặng quà. Liên hoan chiến thắng Hội đồng cung cấp mặt trận, Bác Hồ tặng cho đơn vị làm đường 13 Yên Bái thịt hộp mà Mao chủ tịch tặng Bác dành cho bộ đội Điện Biên Phủ, mỗi người được Bác cho ba mảnh vải dù chiến lợi phẩm, sau này Bác còn tặng mỗi người một Huy hiệu chiến sĩ Điện Biên. Ngày 8/5/1954 Bác kịp thời viết "Thư khen ngợi bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào Tây Bắc đã chiến thắng vẻ vang ở Điện Biên Phủ”.
5. Hòa bình lập lại. Ngày 23/9/1958, Bác Hồ cùng đoàn cán bộ Chính phủ đi tàu hỏa lên Lào Cai, Bác vào mỏ Apatit thăm và nói chuyện với anh chị em công nhân mỏ. Sáng 24/9/1958 Bác dự mít tinh và nói chuyện với đồng bào các dân tộc Lào cai, chiều Bác lại ra tàu về Yên Bái. Đón Bác về trụ sở Tỉnh ủy, đồng chí Đỗ Đức, Bí thư Tỉnh ủy mời Bác nghỉ một lúc cho đỡ mệt rồi mời Bác đi ăn cơm. Bác bảo: "Bác không mệt và tối mới ăn cơm, nếu chú không mệt thì làm việc luôn”. Thế là cuộc họp Ban chấp hành được triệu tập sớm hơn dự định. Nắm tình hình xong, Bác hỏi sáng mai mít tinh ở đâu và thành phần tới dự? Đồng chí Đức báo cáo Bác: "Chúng cháu định tổ chức mít tinh ở Tỉnh đội ạ! Thành phần tới dự là lực lượng vũ trang, đại biểu ưu tú tiêu biểu của các dân tộc trong toàn tỉnh”. Bác hỏi luôn có các cháu thiếu nhi không? Anh Đức thưa là có các cháu thiếu nhi quàng khăn đỏ… Nghe xong, Bác nêu ý kiến với Tỉnh ủy: "Theo Bác thì mít tinh không nên làm ở sân Tỉnh đội vì ở đó các chú canh gác cẩn mật ai dám vào, vả lại nếu mọi người vào được thì còn đâu là cẩn mật của một cơ quan quân sự. Theo Bác thì nên làm ở chỗ nào thuận lợi. Về thành phần dự mít tinh thì nên làm toàn dân và tất cả các cháu thiếu niên, nhi đồng đều được đến gặp Bác”. Bác còn lưu ý kể cả những người xấu cũng nên cho họ đến dự, Bác cắt nghĩa rằng: "Nếu những người xấu mà các chú không cho họ đi nghe những cuộc nói chuyện thế này thì làm sao họ giác ngộ được. Các chú tin rằng họ đến đây họ sẽ không làm gì đâu, nhưng nếu họ ở nhà khi đồng bào và cán bộ chủ chốt đi vắng, họ có thể có những hành động xấu”. Vì thế cuộc mít tinh sáng hôm sau mới được chuyển ra sân vận động thị xã Yên Bái.
Sáng 25/9/1958 Bác và phái đoàn Chính phủ đến dự mít tinh, nói chuyện với đồng bào các dân tộc tỉnh Yên Bái. Hôm đó đồng bào từ các nơi kéo về rất đông, đủ các thành phần. Ai cũng cảm động, vui sướng được nhìn thấy Bác, được nghe Bác nói. Bài nói chuyện của Bác có tác động to lớn đến tư tưởng, tình cảm của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc bởi lẽ: Bác nói chuyện có nội dung thiết thực, nói đúng, nói trúng những vấn đề cơ bản trong thời kỳ đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội mà Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân đang trăn trở suy nghĩ. Bác nêu vấn đề phải "Đoàn kết thật chặt chẽ”, và tìm cách "làm thế nào cho sướng hơn”. Bác nói "Muốn sướng hơn phải ăn no mặc ấm”. Từ đó Bác chỉ ra cách làm để được "ăn no mặc ấm” bằng những việc cụ thể: phải tăng gia sản xuất, phải định canh định cư, tăng vụ, bón phân, có nghĩa vụ đóng thuế, xây dựng tổ chức đổi công, phải thực hành tiết kiệm, sửa chữa khuyết điểm, bỏ những tập quán lạc hậu trong làm ăn, cưới xin, ma chay v.v… Bài nói chuyện của Bác là lời dạy bảo ân cần tình nghĩa, ai cũng có thể hiểu được, làm được, là lời cổ vũ lớn lao đối với mọi người.
Chuyến thăm và bài nói chuyện của Bác đã thúc đẩy toàn Đảng bộ, chính quyền, toàn dân trong tỉnh Yên Bái hăng hái thi đua, vượt qua khó khăn thử thách để hoàn thành nhiệm vụ, vững bước đi vào con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà.
Năm 1965, kết thúc kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, tỉnh Yên Bái đã giành được phần thưởng "Lá cờ đầu” trong hai năm 1963 và 1965 của Bác Hồ về phong trào phát triển giao thông nông thôn.
6. Bị thất bại trong chiến lược "chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ dựng lên "sự kiện vịnh Bắc Bộ” ngày 05/8/1964 tiến hành chiến tranh phá hoại ra miền Bắc với quy mô ngày càng mở rộng và ác liệt. Đế quốc Mỹ bắt đầu đánh phá Nghĩa Lộ ngày 15/6/1965, Yên Bái ngày 9/7/1965. Quân dân ta đã sẵn sàng đánh trả chúng quyết liệt, hạ rơi máy bay địch, bảo đảm an toàn tính mạng và của cải cho nhân dân, bảo vệ các công sở, cơ quan, trường học. Ngày 27/11/1965 quân dân Yên Bái đã bắn rơi chiếc máy bay thứ 800 và 801 của giặc Mỹ. Ngay lập tức, ngày 28/11/1965 Bác Hồ đã viết "Thư khen quân và dân Yên Bái bắn rơi máy bay thứ 800 của giặc Mỹ trên miền Bắc”.
Ngày 17/7/2966, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra "Lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, quân dân Yên bái và cả nước bừng bừng khí thế, lập được nhiều chiến công trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu và lao động sản xuất, được Bác Hồ khen thưởng kịp thời. Lực lượng dân quân tự vệ xã Cát Thịnh đã bắn rơi tại chỗ máy bay F05 của Mỹ, ngày 31/5/1966được Chính phủ tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Nhất và nhận cờ luân lưu của Bác Hồ. Năm 1966, Bác Hồ ký tặng cờ thưởng luân lưu cho quân và dân Quân khu Việt Bắc với câu "Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” trong đó ghi rõ chiến công của quân dân tỉnh Yên Bái như sau:
Yên Bái: 8/8/1966 bắn rơi 2 máy bay địch
Yên Bái: 12/9/1966 bắn rơi 1 máy bay địch
Yên Bái: 17/9/1966 bắn rơi 1 máy bay địch
Yên Bái: 19/9/1966 bắn rơi 1 máy bay địch
Yên Bái: 20/9/1966 bắn rơi 1 máy bay địch
Yên Bái: 22/9/1966 bắn rơi 1 máy bay địch
Yên Bái: 2/11/1966 bắn rơi 1 máy bay địch
Năm 1967, Bác Hồ ký tặng cờ thưởng luân lưu cho quân và dân Quân khu Việt Bắc, trong đó ghi rõ chiến công của quân dân tỉnh Yên Bái như sau:
Yên Bái: 29/5/1967 bắn rơi 1 máy bay địch
Yên Bái: 13/7/1967 bắn rơi 1 máy bay địch
Yên Bái: 19/7/1967 bắn rơi 1 máy bay địch
Yên Bái: 20/7/1967 bắn rơi 1 máy bay địch
Yên Bái: 12/8/1967 bắn rơi 1 máy bay địch
Yên Bái: 14/8/1967 bắn rơi 1 máy bay địch
Yên Bái: 13/9/1967 bắn rơi 1 máy bay địch
Yên Bái: 16/9/1967 bắn rơi 1 máy bay địch
Đấy mới chỉ là số máy bay được Bác gửi thư khen ngợi và thưởng luân lưu, chứ trong thực tế chiến đấu, quân dân Yên Bái - Nghĩa Lộ phối hợp với các đơn vị pháo cao xạ, bộ đội chủ lực đã bắn rơi 114 máy bay giặc các loại, bắt sống nhiều phi công Mỹ. Năm 1967 và 1968, tỉnh còn thành lập 4 tiểu đoàn Yên Ninh chi viện cho tiền tuyến, thành lập các đoàn thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đi phục vụ các mặt trận trong nước và chiến trường Lào.
Phong trào thi đua "chạy tàu ban ngày qua trọng điểm” của anh em lái tàu thuộc Xí nghiệp đầu máy Hà- Lào đã nổi lên nhiều tấm gương điển hình cho toàn ngành học tập. Tiêu biểu nhất là tổ lái tàu 402 không những lái tàu an toàn mà trong vòng 3 tháng còn tiết kiệm được trong việc chạy máy. Ngày 6/9/1967 Bác Hồ đã tặng Bằng khen với những lời cổ vũ thật quý giá cho tổ lái tàu 402. Tổ còn được Trung ương Đoàn tặng cờ thi đua Nguyễn Văn Trỗi và được công nhận là Tổ lao động xã hội chủ nghĩa đầu tiên của ngành đường sắt, năm 1985 được Chính phủ tuyên dương là tập thể Anh hùng.
Trên mặt trận lao động sản xuất: những hạt lúa vàng trên cánh đồng "Thâm canh thắng Mỹ”, hàng ngàn tấn lương thực thực phẩm "Vì miền Nam ruột thịt” đã vượt suối băng rừng cùng với đoàn quân ra tiền tuyến. Những "Cánh đồng 5 tấn chống Mỹ”. Những "Vườn quả Bác Hồ”, "Ao cá Bác Hồ”, "Đồi quế nhớ ơn Bác Hồ” ở Văn Yên… ngày càng xuất hiện nhiều. Sự nghiệp văn hóa, giáo dục, mạng lưới y tế có bước phát triển tốt. Xã vùng cao Sùng Đô, huyện Văn Chấn có chàng trai dân tộc Mông là Giàng A Thào vốn cùng gia đình sống ở thôn Giàng Pằng năm 1960 nghe lời Đảng, lời Bác đã hạ sơn xuống Nà Nọi làm ruộng, gương mẫu đi đầu đưa người Mông xuống núi. Chuyện Giàng A Thào hạ sơn làm ruộng gian nan vất vả trong suốt thời chống Mỹ cứu nước khiến mọi người xúc động. Anh được bầu làm đại biểu đi dự Đại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1967 và được Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ ký Quyết định tặng danh hiệu Anh hùng lao động vì "đã có nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua chống Mỹ cứu nước”.
Hồi 9 giờ 47 phút ngày 2/9/1969, Bác Hồ đã vĩnh biệt chúng ta tại Hà Nội, để lại cho nhân dân cả nước ta bản "Di chúc” thiêng liêng, thể hiện tình cảm thắm thiết, chân tình, rộng lớn của Bác Hồ đối với Đảng ta, nhân dân ta, các thế hệ mai sau và bạn bè khắp năm châu.
Cả nước đau thương vô hạn trước mất mát lớn lao này. Cả nước khóc Bác, để tang Bác. Cả nước học tập "Di chúc” và triển khai các đợt sinh hoạt chính trị "Học tập và làm theo Di tích của Bác Hồ”, phát động phong trào thi đua lao động sản xuất, chiến đấu giỏi, lập công đền ơn Bác Hồ. Cả nước biến đau thương bằng sức mạnh hành động, đi hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, tiến tới giải phóng miền Nam 30/4/1975 thống nhất đất nước, như ý nguyện của Người.
Hiện nay, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Việt Nam không ngừng "Học tập tư tưởng và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh” để tự hoàn thiện mình, đóng góp sức lực và tài năng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
B.T