Sáng 27/9, Ủy ban Xã hội khai mạc Phiên họp toàn thể lần thứ hai tại Nhà Quốc hội. Ngay sau Phiên khai mạc, Ủy ban Xã hội tiến hành Phiên họp thẩm tra dự án Luật Thi đua - khen thưởng (sửa đổi).
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Hà Thị Nga, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, thành viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội, bày tỏ đồng tình với Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và thuyết minh đầy đủ hơn nữa các nội dung sửa đổi. Trong đó, Tờ trình của Chính phủ cần làm rõ mối quan hệ giữa phong trào thi đua và danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng; bổ sung thông tin về kết quả xin ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, những nội dung nào còn ý kiến khác nhau, thì cần làm rõ thêm.
Trong nội dung Tờ trình của Chính phủ, về nội dung bổ sung danh hiệu thi đua đối với xã phường, thị trấn (điều 26), với nhận định về tốc độ hiện nay và tương lai gần sẽ phủ kín các danh hiệu xã đạt chuẩn Nông thôn mới, phường đạt chuẩn đô thị văn minh, nhưng lại chưa đưa ra được số liệu minh chứng cho nhận định này để có cơ sở thuyết minh.
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết tháng 4/2021, cả nước có 5.248/8.267 xã (63,48%) đạt chuẩn Nông thôn mới. Có 305 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao. Có 24 xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu theo Quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, mục tiêu đến 2025 có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới, trong đó khoảng 40% xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao; 10% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu.
Trong nội dung dự thảo luật, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đề xuất bổ sung nguyên tắc khen thưởng trên cơ sở luật hóa các nguyên tắc được quy định tại Nghị định số 91, Thông tư số 12, trong đó có quy định một số các nguyên tắc như hình thức, mức thưởng phù hợp với đối tượng và thành tích đạt được. Đồng thời, chưa khen thưởng với các tập thể, cá nhân trong thời gian cơ quan có thẩm quyền đang xem xét thi hành kỷ luật hoặc thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm…
Cùng với đó, khi nhiều đơn vị, tập thể có cùng điều kiện, tiêu chuẩn để khen thưởng thì ưu tiên lựa chọn những cá nhân nữ, hoặc tập thể có tỷ lệ nữ cao từ 70% trở lên để xét khen thưởng. "Theo chúng tôi, những nguyên tắc này cần luật hóa cụ thể nguyên tắc này để quá trình triển khai hiệu quả hơn", Chủ tịch Hà Thị Nga nói.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).
Bên cạnh đó, bổ sung vào Chương 7, về xử lý cá nhân vi phạm, các cơ quan đơn vị làm nhiệm vụ tiếp nhận, thẩm định, xác minh hồ sơ khen thưởng mà có những hành vi tiêu cực, sách nhiễu, gợi ý trục lợi hoặc lợi dụng thi đua khen thưởng để trục lợi cá nhân, để cụ thể hóa chủ trương tại chỉ thị 34 của Bộ Chính trị, ngăn ngừa tiêu cực trong công tác thi đua khen thưởng.
Tại phiên họp, các ý kiến đại biểu cũng chỉ ra rằng, một số quy định về tiêu chuẩn khen thưởng chưa được rõ ràng, cụ thể, thiếu định lượng và phải điều chỉnh bằng Nghị định, Thông tư và các văn bản hướng dẫn, có tiêu chuẩn để xét khen thưởng theo Luật mang tính niên hạn, cộng dồn thành tích, trình tự từ thấp đến cao, quy định đối với khen thưởng cấp cao là phải đạt thành tích liên tục. Nếu bị gián đoạn thì phải bắt đầu lại từ đầu, điều này không chỉ mang tính cộng dồn thành tích theo thâm niên mà còn làm giảm tỉnh phấn đấu của người lao động, không khuyến khích được sự nỗ lực của cá nhân...
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại phiên họp.
Tại buổi thảo luận, nhiều đại biểu cũng nêu những ý kiến còn khác nhau về việc bổ sung khen thưởng huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang (điều 51 và điều 55). Đây là lực lượng tham gia kháng chiến, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp kháng chiến cứu quốc. Hiện nay, vẫn có nhiều thanh niên xung phong khó khăn, nhưng họ vẫn tiếp tục có những đóng góp cho xã hội, cho cộng đồng, được cộng đồng, xã hội đánh giá ghi nhận...
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, theo kế hoạch, Phiên họp sẽ diễn ra trong 2 ngày 27/9/2021 và ngày 1/10/2021. Đây là phiên họp quan trọng để xem xét, chuẩn bị nội dung phục vụ Phiên họp thứ 4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV với các nội dung thuộc lĩnh vực phụ trách của Ủy ban.
Bên cạnh đó, Ủy ban thảo luận, thống nhất về "hành lang pháp lý" cho hoạt động của Ủy ban, đó là quy chế hoạt động của Ủy ban; thông qua danh sách các Tiểu ban, đánh giá hoạt động của Ủy ban trong năm 2021 và định hướng cho hoạt động của Ủy ban trong năm 2022, trong đó có hoạt động giám sát.
(Theo Phụ nữ Việt Nam)