- Thưa ông, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra mục tiêu đưa tỉnh Yên Bái phát triển bền vững theo hướng "Xanh, hài hoà, bản sắc và hạnh phúc”. Việc Yên Bái đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử gắn với đô thị thông minh, hướng tới chính quyền số, kinh tế số có ý nghĩa ra sao đối với việc thực hiện mục tiêu này?
Ông Trần Huy Tuấn: Mục tiêu đưa tỉnh Yên Bái phát triển bền vững theo hướng "Xanh, hài hoà, bản sắc và hạnh phúc” là một mục tiêu lớn, là một trong bảy nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, đó là "Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, thích ứng với Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, từng bước phát triển nền kinh tế số, xã hội số”; đồng thời, Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành Nghị quyết số 51-NQ/TU, ngày 22/7/2021 về chuyển đổi số tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Tập trung triển khai Đề án xây dựng mô hình đô thị thông minh tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; xây dựng hệ thống Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận Phục vụ hành chính công cấp huyện, cấp xã để phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Việc Yên Bái đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử gắn với đô thị thông minh, hướng tới chính quyền số, kinh tế số có ý nghĩa là nòng cốt, động lực, tạo cơ sở nền tảng đặc biệt quan trọng để góp phần thực hiện việc thực hiện mục tiêu đưa tỉnh Yên Bái phát triển bền vững theo hướng "Xanh, hài hoà, bản sắc và hạnh phúc”.
- Mới đây, tôi đã trực tiếp trải nghiệm việc làm căn cước công dân tại Bộ phận Phục vụ hành chính công TP. Yên Bái. Ngay sau đó, tôi đã sang cửa bên cạnh để làm thủ tục chuyển tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Quả thực, chỉ mất chưa đến 5 phút, mọi thủ tục được liên thông và giải quyết 100%. Đề án Xây dựng mô hình đô thị thông minh tỉnh Yên Bái giai đoạn 2019 – 2021, định hướng đến năm 2025 có quan điểm lấy người dân làm gốc; sử dụng công nghệ một cách thông minh, mục tiêu hướng đến việc cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Tư duy lấy người dân làm trung tâm được các chuyên gia đánh giá là đúng, trúng và rất nhân văn. Tuy nhiên, tôi băn khoăn một điều là với mặt bằng trình độ dân trí của một tỉnh miền núi như Yên Bái, làm sao để người dân biết đến, sử dụng và thụ hưởng được những thành quả rất thông minh này, nếu không thì rất đáng tiếc và lãng phí?
Ông Trần Huy Tuấn: Như bạn đã biết, Yên Bái là một trong những tỉnh sớm nhất triển khai xây dựng hệ thống Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận Phục vụ hành chính công cấp huyện, cấp xã một cách đồng bộ, liên thông cả 3 cấp từ năm 2018 - 2019, đây chính là đầu mối thực hiện việc tiếp nhận, hướng dẫn, giám sát, đôn đốc việc giải quyết thủ tục hành chính và trả kết quả cho cá nhân, tổ chức.
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận Phục vụ hành chính công cấp huyện, cấp xã được thống nhất từ tổ chức, bộ máy; trụ sở làm việc; trang thiết bị, máy móc; xây dựng sử dụng chung Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin điện tử một cửa tỉnh Yên Bái và giao cho Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh thống nhất hướng dẫn về nghiệp vụ.
Thời điểm đó, cũng có nhiều băn khoăn về mặt bằng trình độ dân trí của một tỉnh miền núi như Yên Bái, làm sao để người dân biết đến, sử dụng hệ thống máy móc, trang thiết bị tại các Trung tâm, biết khai thác, sử dụng Cổng dịch vụ công... Nhưng thực tế đã chứng minh, nhờ sự nỗ lực, cố gắng, kiên trì, bền bỉ của đội ngũ cán bộ, công chức, sự tiện lợi của hệ thống một cửa tập trung, các tổ chức, cá nhân hoàn toàn có thể ứng dụng và tiếp cận được với công nghệ, sẵn sàng sử dụng công nghệ và thích sử dụng công nghệ, đem lại tiện ích cho người dân nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay.
Việc triển khai đô thị thông minh, với việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu lớn, tích hợp các phần mềm, ứng dụng, sử dụng trí tuệ nhân tạo, các công nghệ tiên tiến khác nhằm tạo điều kiện cho người dân dễ dàng sử dụng dịch vụ. Trên cơ sở học tập cách làm đô thị thông minh của các tỉnh bạn, Yên Bái chọn cho mình cách làm khác biệt, đó là lựa chọn những lĩnh vực phù hợp với điều kiện của tỉnh để triển khai như: Lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch... thuận lợi cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Từ đó thấy rằng, việc triển khai Đề án Xây dựng mô hình đô thị thông minh tỉnh Yên Bái có quan điểm lấy người dân làm gốc, sử dụng công nghệ một cách thông minh, mục tiêu hướng đến việc cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân là quan điểm đúng đắn và xuyên suốt trong quá trình triển khai thực hiện, kế thừa và phát huy của thành công như những gì đã triển khai Đề án thành lập các Trung tâm phục vụ hành chính công các cấp của tỉnh.
- Là người đứng đầu tỉnh, ông phải chỉ đạo, điều hành, trao đổi thông tin thường xuyên, liên tục. Thông qua trải nghiệm của chính mình, ông cảm nhận ra sao về hệ thống chính quyền điện tử mà tỉnh đang xây dựng?
Ông Trần Huy Tuấn: Hệ thống chính quyền điện tử tỉnh Yên Bái được triển khai trên cơ sở Kiến trúc chính quyền điện tử được Bộ Thông tin và Truyền thông tư vấn, thẩm định. Do đó, các thành phần của Hệ thống chính quyền điện tử được triển khai hiện nay tương đối đồng bộ và hiệu quả. Trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp như hiện nay đã chứng minh được hiệu quả của các thành phần thuộc hệ thống chính quyền điện tử, như giao ban trực tuyến, hệ thống quản lý văn bản và điều hành, cổng dịch vụ công, thư điện tử công vụ và các hệ thống thông tin khác. Các hệ thống đã phát huy vai trò trong hoạt động chỉ đạo, điều hành và tác nghiệp giữa các cơ quan, đơn vị và liên thông 3 cấp chính quyền một cách nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả.
Trong thời gian tới, trước sự thay đổi, phát triển nhanh của công nghệ, đòi hỏi hệ thống chính quyền điện tử tỉnh Yên Bái cần tiếp tục nâng cấp, bổ sung các thành phần, đặc biệt là khả năng liên thông, tích hợp và chia sẻ dữ liệu, để hệ thống chính quyền điện tử thực sự phát huy tác dụng, phục vụ đắc lực công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh.
- Ngoài những cảm nhận trên, sau một thời gian tích cực đẩy mạnh việc thực hiện xây dựng Chính quyền điện tử gắn với phát triển đô thị thông minh, Yên Bái đã thu được kết quả gì nổi bật?
Ông Trần Huy Tuấn: Sau một thời gian đẩy mạnh việc thực hiện xây dựng Chính quyền điện tử gắn với phát triển đô thị thông minh, đến nay tỉnh đã xây dựng được một hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin vững chắc và đồng bộ như: Trung tâm tích hợp dữ liệu; Mạng truyền số liệu chuyên dùng; Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng; Nền tảng chia sẻ, tích hợp liên thông... Bên cạnh đó, một số ứng dụng dùng chung của tỉnh như phần mềm quản lý điều hành, phần mềm một cửa điện tử liên thông 3 cấp, phần mềm Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử, Cổng Thông tin điện tử... đã phát huy tác dụng. Sau khi triển khai xong phần hạ tầng, thời gian tới tỉnh sẽ tập trung vào triển khai các ứng dụng, dịch vụ, hệ thống cơ sở dữ liệu và liên thông tích hợp tạo ra một Hệ thống ứng dụng, dịch vụ đồng bộ và hiệu quả.
Kết quả nổi bật nhất phải nói đến đóng góp của việc xây dựng Chính quyền điện tử gắn với phát triển đô thị thông minh, đó là người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng nền hành chính hiện đại, rất nhiều các thủ tục hành chính của người dân được thực hiện qua môi trường mạng (thủ tục hành chính mức độ 3, mức độ 4) thực sự đem lại tiện ích, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp; nhiều nền tảng công nghệ thông tin được ứng dụng vào công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 như việc kiểm soát người đi/đến địa bàn, truy vết các đối tượng có nguy cơ cao... Và rất nhiều kết quả tích cực khác, được chứng minh qua việc năm 2020, Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) tỉnh Yên Bái xếp hạng thứ 24/63 tỉnh, thành phố và xếp thứ 6 trong vùng Trung du miền núi phía Bắc. Kết quả Chỉ số hài lòng của người dân (SIPAS) của tỉnh Yên Bái đứng thứ 16/63 tỉnh, thành phố và xếp thứ 3 trong vùng Trung du miền núi phía Bắc. Đặc biệt đến thời điểm hiện nay, tỉnh Yên Bái vẫn giữ vững được thành quả phòng, chống dịch bệnh Covid-19, giữ được "vùng xanh" an toàn trong bản đồ dịch bệnh.
- Ông có nhắc đến việc doanh nghiệp được thụ hưởng nền hành chính hiện đại khi Yên Bái đẩy mạnh việc xây dựng Chính quyền điện tử gắn với phát triển đô thị thông minh. Khu vực doanh nghiệp, doanh nhân có vai trò ra sao đối với sự phát triển của tỉnh Yên Bái?
Ông Trần Huy Tuấn: Tỉnh xác định khu vực doanh nghiệp, doanh nhân là những lực lượng kinh tế quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trên cơ sở những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của địa phương, với phương châm: "Doanh nghiệp vừa là động lực, vừa là nội lực để phát triển, sự thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh”, Yên Bái đã tập trung làm tốt công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, áp dụng linh hoạt, kịp thời các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, doanh nhân và đạt được những kết quả hết sức tích cực, khả quan.
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới hằng năm tăng nhanh, cơ cấu, quy mô, lĩnh vực hoạt động có sự chuyển biến phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của từng doanh nghiệp không ngừng được nâng lên. Tính đến hết tháng 8 năm 2021, toàn tỉnh có 2.606 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký khoảng 29.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp đã và đang có những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng và ổn định kinh tế – xã hội, tích cực đầu tư, mở rộng thị trường, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đóng góp cho ngân sách nhà nước. Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh hằng năm tăng bình quân khoảng 10%; nộp ngân sách của các doanh nghiệp hằng năm chiếm trên 60% tổng số thu cân đối trên địa bàn. Bên cạnh việc chú trọng đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, làm giàu cho doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh cũng đã rất quan tâm, thực hiện tốt nghĩa vụ xã hội của mình và có nhiều đóng góp tích cực cho công tác giảm nghèo, an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai.
Mặc dù hiện nay đại dịch Covid-19 đã và đang tác động nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong tỉnh đã và đang nêu cao tinh thần vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực, cố gắng, kịp thời điều chỉnh phương thức sản xuất, kinh doanh thích ứng với tình hình dịch bệnh. Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đổi mới trang thiết bị, cơ cấu lại sản xuất, kinh doanh, tiếp tục duy trì hoạt động, tập trung vào các sản phẩm, ngành nghề địa phương có lợi thế, góp phần huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, xóa đói giảm nghèo, tăng thu cho ngân sách Nhà nước. Đặc biệt thúc đẩy kinh tế – xã hội của tỉnh phát triển, đồng thời từng bước tự khẳng định mình trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, uy tín thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp được nâng lên.
Như vậy có thể khẳng định rằng, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân có vai trò rất quan trọng, là hạt nhân trong phát triển kinh tế, là nhân tố đóng góp tích cực để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh Yên Bái.
- Bên cạnh việc coi người dân là trung tâm thì doanh nghiệp cũng chính là động lực quan trọng để tham gia xây dựng và phát triển đô thị thông minh. Thời gian tới, Yên Bái có định hướng gì để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút được những "đại bàng” lớn đến Yên Bái "làm tổ”, tạo ra sự bứt phá?
Ông Trần Huy Tuấn: Trong những năm qua, tỉnh Yên Bái đã phát huy truyền thống đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, nỗ lực, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức; triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ và đề ra các giải pháp phấn đấu hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ, đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực, tạo nền tảng, động lực mới cho phát triển nhanh, bền vững... Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã thu hút được 544 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư trên 116.074 tỷ đồng và 382 triệu USD. Đến nay, nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đã chọn Yên Bái là điểm đầu tư tin cậy như: Tập đoàn Vingroup, Sungroup, TH, Hoa Sen, APEC, FLC...
Để đạt được những kết quả đó, tỉnh Yên Bái đã tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhờ đó có sự chuyển biến rõ rệt. Nội dung này, một lần nữa được khẳng định tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025, xác định "Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh" là một trong ba khâu đột phá, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư; phát triển mạnh các thành phần kinh tế, đưa kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, nhằm khai thác tối đa lợi thế của tỉnh, phù hợp với định hướng phát triển "xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc". Để thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn đến tỉnh Yên Bái "làm tổ”, tỉnh đề ra một số định hướng sau:
Một là, xác định cải cách hành chính là vấn đề then chốt nhằm nâng cao hiệu quả chỉ đạo điều hành, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, tỉnh tiếp tục quan tâm thực hiện tốt nội dung này. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh, như: Hoàn thành xây dựng Quy hoạch tỉnh và các quy hoạch chuyên ngành; xây dựng các đề án, chính sách về phát triển kinh tế – xã hội thống nhất, đồng bộ, phù hợp định hướng phát triển, điều kiện thực tiễn và khả năng đáp ứng nguồn lực.
Hai là, chủ động thu hút đầu tư, gắn với nâng cao chất lượng thu hút đầu tư theo hướng có chọn lọc, ưu tiên các nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực về vốn, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao, tạo sức lan tỏa, đầu tư vào các lĩnh vực tỉnh có lợi thế.
Ba là, đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, đặc biệt là xúc tiến đầu tư tại chỗ; sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư, kinh doanh.
Trong nhiệm kỳ này, tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Yên Bái thành vùng đất giàu đẹp, văn minh, có tốc độ phát triển khá trong cả nước vào năm 2025 và nằm trong nhóm các tỉnh phát triển của vùng Trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030.
- Được biết, đến cuối năm 2020, Đảng bộ tỉnh Yên Bái chưa thực hiện được chủ trương nâng cấp thành phố Yên Bái thành đô thị loại II và xây dựng thị xã Nghĩa Lộ thành thị xã văn hóa, đạt tiêu chí đô thị loại III. Yên Bái có định hướng gì để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, để thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ trở thành đô thị trọng điểm, tiên phong, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, động lực thúc đẩy Yên Bái phát triển giai đoạn tới?
Ông Trần Huy Tuấn: Nhiệm kỳ qua, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã đoàn kết, năng động, sáng tạo, tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế; cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với thực tiễn địa phương; tích cực khơi thông những điểm nghẽn, huy động mọi nguồn lực cho phát triển nhanh, toàn diện, bền vững và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực, tạo dấu ấn nổi bật. Tuy nhiên, kinh tế của tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; quy mô nền kinh tế còn nhỏ, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh thấp; giảm nghèo nhanh nhưng chưa thật sự bền vững, đời sống của một bộ phận người dân vùng cao, vùng dân tộc thiếu số còn khó khăn; mục tiêu nâng cấp thành phố Yên Bái trở thành đô thị loại II và xây dựng thị xã Nghĩa Lộ thành thị xã văn hóa, đạt tiêu chí đô thị loại III chưa hoàn thành.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, với mục tiêu tiếp tục ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, phấn đấu đưa thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ trở thành đô thị trọng điểm, tiên phong, đi đầu trong đổi mới sáng tạo và là động lực thúc đẩy Yên Bái phát triển theo hướng "xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc" và trở thành tỉnh khá trong khu vực. Tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện, trong đó cơ cấu lại đầu tư, ưu tiên nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội và phát triển đô thị là một trong những giải pháp đặc biệt quan tâm.
Trung tâm tỉnh Yên Bái
Theo đó, giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Yên Bái tập trung nguồn lực đầu tư một số dự án trọng điểm, có sức lan tỏa trên địa bàn thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ, đồng thời kết nối phát triển thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ với các vùng, huyện lân cận như: Chương trình đô thị miền núi phía Bắc – thành phố Yên Bái; Dự án Đô thị thông minh gắn với chính quyền điện tử; Dự án Đô thị động lực thành phố Yên Bái (nguồn vốn WB); Khu trung tâm hành chính thành phố Yên Bái bên hữu ngạn sông Hồng; cầu Giới Phiên; Hệ thống xử lý nước thải, rác thải thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ; đường nối Quốc lộ 32 đoạn thị xã Nghĩa Lộ với nút giao IC14 cao tốc Nội Bài – Lào Cai; Dự án chỉnh trị tổng thể kè Ngòi Thia (thị xã Nghĩa Lộ); đường nối Quốc lộ 32C với Quốc lộ 37 và đường Yên Ninh, thành phố Yên Bái; đường trung tâm phường Tân An; xây dựng mới Trụ sở Tỉnh ủy và các ban đảng tỉnh; Trung tâm Hội nghị tỉnh; Khu liên hợp thể dục, thể thao tỉnh; Trung tâm Văn hóa, thể thao thị xã Nghĩa Lộ; Hồ điều hòa kết hợp tiểu công viên tại phường Cầu Thia, thị xã Nghĩa Lộ…
Bên cạnh đó, để cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, UBND tỉnh đã giao thành phố Yên Bái lập Đề án xây dựng, phát triển thành phố Yên Bái giai đoạn 2021 – 2030; thị xã Nghĩa Lộ lập Đề án xây dựng thị xã Nghĩa Lộ thành thị xã văn hóa, Du lịch giai đoạn 2021 – 2025. Việc triển khai thực hiện Đề án cũng như hoàn thành các dự án sẽ tạo động lực sớm đưa thành phố Yên Bái trở thành đô thị loại II và xây dựng thị xã Nghĩa Lộ thành thị xã văn hóa, đạt tiêu chí đô thị loại III theo mục tiêu đề ra.
- Yên Bái đang có quyết tâm rất lớn để đến năm 2025, cơ bản hoàn thành các mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh; từng bước hoàn thành chuyển đổi số đối với những chỉ tiêu cơ bản ở một số lĩnh vực quan trọng trên cả ba trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; phấn đấu thứ hạng của Yên Bái vào nhóm 30/63 tỉnh, thành phố của cả nước về chuyển đổi số. Tỉnh có kế hoạch ra sao để đảm bảo được nguồn lực thực hiện mục tiêu này, cả về nguồn lực kinh tế, nhân lực và sự đồng thuận xã hội?
Ông Trần Huy Tuấn: Để thực hiện được mục tiêu trên, Yên Bái sẽ phải triển khai đồng bộ các giải pháp về nguồn lực, nhân lực và sự đồng thuận xã hội.
Yên Bái lựa chọn đầu tư mô hình đô thị thông minh theo hình thức đa dạng các nguồn lực đầu tư, kể cả đầu tư công, đầu tư và hợp tác công tư. Trong giai đoạn đầu xây dựng kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh, sẽ tập trung đầu tư những hạng mục mang tính nền tảng cốt lõi bằng nguồn lực đầu tư tập trung. Khi đã có nền tảng rồi, tỉnh Yên Bái thu hút các doanh nghiệp tham gia cùng đầu tư; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng các ứng dụng, dịch vụ.
Về chuẩn bị nguồn nhân lực, Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TU, ngày 20/01/2021 về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 – 2025; Nghị quyết số 51-NQ/TU, ngày 22/7/2021 về chuyển đổi số tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030; HĐND tỉnh Yên Bái đã ban hành Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND ngày 19/4/2021 về ban hành Quy định một số chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 – 2025, theo đó tỉnh đã ban hành nhiều chính sách thu hút, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho tỉnh.
Trước mắt, tỉnh chọn lựa đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin từ các đơn vị trong tỉnh, tuyển thêm một số cán bộ có trình độ tập trung về tỉnh để đào tạo nâng cao trình độ vận hành hệ thống, tiếp đó sẽ xây dựng các kế hoạch đào tạo, nâng cao năng lực, trình độ ứng dụng công nghệ thông tin, trước hết là cho cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, sau nữa là có phần mềm, khóa đào tạo hỗ trợ cho người dân để họ có thể tiếp cận dịch vụ.
- Hiện tại, kinh tế số đang chiếm bao nhiêu % GRDP của tỉnh và đến năm 2025 sẽ nâng lên bao nhiêu? Chiến lược cốt lõi để gia tăng tỷ lệ kinh tế số chính là thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp công nghệ số. Yên Bái gặp phải khó khăn gì và có giải pháp gì để thực hiện được mục tiêu này, thưa ông?
Ông Trần Huy Tuấn: Hiện tại, Việt Nam chưa có thước đo chính xác để xác định tỷ lệ % kinh tế số trong GRDP, tỉnh Yên Bái phấn đấu đến năm 2025 kinh tế số chiếm 20% GRDP của tỉnh, năng suất lao động tăng bình quân từ 6,2%/năm; phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số (Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang đến 100% số xã, trên 80% số hộ gia đình có đường truyền Internet băng rộng cáp quang; Phổ cập dịch vụ mạng di động 4G và điện thoại di động thông minh, từng bước phát triển mạng di động 5G; trên 50% số người dùng điện thoại, thiết bị thông minh được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh...).
Để phát triển kinh tế số, Yên Bái sẽ phải khắc phục những khó khăn như trình độ dân trí, khả năng tiếp cận của doanh nghiệp về kinh tế số; đặc biệt phải thực hiện đồng bộ các giải pháp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số và phát triển doanh nghiệp công nghệ số.
- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái nhiệm kỳ này đã xác định phương hướng phát triển của tỉnh theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”. Trong đó, chỉ tiêu quan trọng là đến năm 2025 "Chỉ số hạnh phúc của người dân tăng 15% so với năm 2020”. Thưa ông, khi đi vào nền kinh tế số, làm sao để có thể gắn kết giữa chỉ tiêu phát triển kinh tế số và gia tăng chỉ số hạnh phúc cho người dân?
Ông Trần Huy Tuấn: Các chỉ tiêu phát triển kinh tế số luôn đồng hành với chỉ số hạnh phúc của người dân. Kinh tế số phát triển kéo theo đời sống của nhân dân phát triển, người dân Yên Bái phát triển kinh tế dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa hoạt động sản xuất kinh doanh, để từ đó tạo ra hiệu quả kinh tế, tăng năng xuất lao động, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, doanh nghiệp. Những gì kinh tế số mang lại sẽ là điều kiện, là chất xúc tác để gia tăng chỉ số hạnh phúc cho người dân.
- Sau gần 1 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, ông có thể lý giải rõ hơn về triết lý phát triển của tỉnh là "xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc”?
Ông Trần Huy Tuấn: Trong những năm qua, tỉnh Yên Bái đã nỗ lực mang đến sự phát triển hài hòa giữa các vùng, địa phương, mang đến sự hài lòng cho người dân mà vẫn giữ được bản sắc và xây dựng con người Yên Bái "thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập".
Có thể thấy, Yên Bái là một tỉnh không có nhiều lợi thế để phát triển nếu đem so sánh với các địa phương khác trong khu vực và cả nước, nhưng lại là địa phương có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng; là tỉnh miền núi có nền văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc của trên 30 dân tộc.
Hiểu được những giá trị của bản sắc văn hóa, đặc biệt là sức mạnh văn hóa trong quá trình phát triển, Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX đã đề ra mục tiêu và xác định triết lý phát triển của tỉnh là "Xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc” bởi vì:
Thứ nhất, về xác định phát triển "xanh": Yên Bái là nơi có tài nguyên đất, tài nguyên rừng, tài nguyên nước phong phú.
Yên Bái không phải đảm đương trọng trách về tăng trưởng kinh tế như Hải Phòng, Quảng Ninh, hay Hà Nội, TP.HCM. Nhưng Yên Bái phải đảm nhiệm trọng trách giữ tài nguyên đất, tài nguyên rừng, tài nguyên nước, là "lá phổi" giữ oxy cho Hà Nội và vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Đó mới là sứ mệnh của Yên Bái và vùng Tây Bắc.
Bởi vậy, tỉnh không đặt nặng mục tiêu tăng trưởng mà đặt mục tiêu phát triển "xanh" thì việc duy trì và phát triển đa dạng sinh học, bảo vệ các nguồn tài nguyên, thiên nhiên là nền tảng để Yên Bái phát triển kinh tế – xã hội một cách bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu một cách hiệu quả.
Thứ hai, tỉnh Yên Bái đã xác định phát triển "hài hòa" giữa kinh tế, văn hóa, môi trường; "hài hòa" giữa vùng thấp và vùng cao, giữa nông thôn và thành thị. Chính vì vậy, trong thời gian đầu nhiệm kỳ vừa qua, các đề án, chính sách của tỉnh đã ban hành rất cụ thể và toàn diện, vừa chú trọng đến phát triển kinh tế, vừa thể hiện sự quan tâm đến xã hội, môi trường và chính sách, nguồn lực cho phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Phát triển hài hòa giữa kinh tế, xã hội, môi trường, giữa các vùng miền chính là mấu chốt chiến lược phát triển bền vững.
Thứ ba, yếu tố "bản sắc" cũng đã được tỉnh chú trọng, bởi Yên Bái có hơn 30 dân tộc mang bản sắc văn hóa độc đáo. Yên Bái đã coi đây là nguồn tài nguyên quý, vì phát triển du lịch gắn với phát huy các giá trị văn hóa sẽ trở thành "nguồn sinh lợi”. Bản sắc văn hóa không chỉ là động lực tinh thần, mà trở thành yếu tố làm gia tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Khách du lịch đến Yên Bái có thể dành nhiều thời gian khai thác, tìm hiểu các nét văn hóa. Vừa qua, tỉnh Yên Bái đã ban hành chính sách hỗ trợ phát triển du lịch, trong đó có nội dung hỗ trợ duy trì các đội văn nghệ quần chúng, hỗ trợ nghệ nhân truyền dạy trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể, từ đó khai thác tài nguyên văn hóa gắn với phát triển du lịch. Đó chính là cách thông qua phát triển kinh tế để bảo tồn các giá trị văn hóa, sử dụng giá trị, bản sắc văn hóa để phát triển du lịch.
Chè Suối Giàng Yên Bái
Thứ tư, về yếu tố "hạnh phúc" được Yên Bái đặt ra là mục tiêu phấn đấu, đây là mục tiêu mới và cũng là tỉnh đầu tiên trong cả nước đưa chỉ số hạnh phúc vào mục tiêu Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ này.
Mọi hành động, mọi chương trình, mục tiêu đều xuất phát từ nhu cầu của người dân, vì sự hài lòng, hạnh phúc của nhân dân, với mục tiêu đưa người dân vào vị trí trung tâm của sự phát triển, từng bước đáp ứng nhu cầu về hạnh phúc cho nhân dân như: Sống an toàn trước thiên tai bão lũ và dịch bệnh, sống được nhờ rừng, ốm đau được chăm sóc sức khỏe, có đường mới để đi, trẻ em được tới trường...
Để thực hiện triết lý "Xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc”, Yên Bái đặt ra một số chỉ tiêu phát triển đến năm 2025: Tỷ lệ che phủ rừng đạt 65%; Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn đô thị đạt trên 93%, nông thôn đạt trên 50%; Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%; Tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt trên 91%; Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh đạt 98%; Tuổi thọ trung bình người dân đạt 74,5 tuổi, số năm sống khỏe đạt tối thiểu 68 năm; Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn quốc gia) giảm bình quân trên 4%/năm; Chỉ số hạnh phúc của người dân tăng 15% so với năm 2020 (năm 2020 là 53,3%).
- Yên Bái là một tỉnh miền núi với địa bàn phân tán trải rộng, điều kiện kinh tế còn khó khăn, việc thực hiện đô thị thông minh, chính quyền điện tử và phát triển nền kinh tế số phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Là người đứng đầu tỉnh, ông có cảm thấy áp lực trước nhiệm vụ này không?
Ông Trần Huy Tuấn: Cách tiếp cận của Yên Bái để thực hiện đô thị thông minh, chính quyền điện tử và phát triển nền kinh tế đó là lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo; do đó những khó khăn, thách thức là không tránh khỏi. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân thì việc triển khai đô thị thông minh gắn với chính quyền điện tử tỉnh Yên Bái chắc chắn thành công.
- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện cởi mở này! Xin chúc cho Yên Bái sớm trở thành tỉnh phát triển giàu mạnh theo hướng "xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc"!
(Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam)