Thầy Tống Long Giang - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Ngày 14 tháng 10 năm 1961 tại Trường cấp 1, 2 Nghĩa Lộ - Châu Văn Chấn khai giảng 1 lớp 8 với 40 học sinh; ngày lịch sử này đã được chọn làm ngày thành lập Trường Phổ thông cấp 3 Nghĩa Lộ (nay là Trường THPT thị xã Nghĩa Lộ). Đây là lớp đầu tiên của bậc THPT khu vực phía Tây tỉnh, nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu tiếp tục học lên của con em nhân dân các dân tộc ở khu vực Mường Lò - Nghĩa Lộ.
Những năm đầu mới thành lập với bộn bề khó khăn về cơ sở vật chất, nhất là về đội ngũ giáo viên, song với quyết tâm và lòng nhiệt huyết, trách nhiệm của đội ngũ các nhà giáo, đặc biệt là các nhà giáo từ miền xuôi theo tiếng gọi của Đảng đã không ngừng vun đắp tạo nền móng cho một ngôi trường bậc THPT mà trước đó là niềm khát khao của đồng bào các dân tộc khu vực miền Tây”.
Theo dòng lịch sử, sau 5 năm thành lập, cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ đã lan rộng, nên năm học 1965 - 1966 khối cấp 3 sơ tán ra vùng ngoài xã Chấn Thịnh, lúc này trường mang tên Trường Phổ thông cấp 3 Nghĩa Lộ. Năm học 1967 - 1968 vùng trong Nghĩa Lộ thành lập thêm Trường cấp 3 Gia Lai (mang tên tỉnh kết nghĩa). Năm học 1970 - 1971, Trường cấp 3 Gia Lai được sáp nhập với Trường cấp 3 Nghĩa Lộ thành Trường cấp 3 Nghĩa Lộ, học ở Rừng Cấm, Bản Tủ, xã Sơn Lương. Năm học 1971 - 1972 trường chuyển đến học tại thị trấn Nghĩa Lộ.
Đầu năm học 1972 - 1973, đế quốc Mỹ điên cuồng bắn phá miền Bắc. Để đảm bảo an toàn cho thầy và trò tiếp tục dạy và học, Trường tách thành hai phân hiệu để sơ tán: 1 phân hiệu học tại khu Bản Quẽ, xã Nghĩa Phúc; 1 phân hiệu học tại Bản Bon, xã Sơn A. Sau khi quân và dân miền Bắc đánh bại cuộc tập kích không quân bằng máy bay B52 của Mỹ vào cuối năm 1972, Hiệp định Paris được ký kết, Mỹ chấm dứt ném bom tàn phá miền Bắc, học kỳ II năm học 1972 - 1973 Trường lại chuyển trở về tại thị trấn Nghĩa Lộ.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Trường THPT thị xã Nghĩa Lộ phải sơ tán, di chuyển địa điểm nhiều lần nhưng nhà trường vẫn đảm bảo các hoạt động giáo dục, giữ vững truyền thống và ghi thêm những thành tích vào cuốn biên niên sử đầy tự hào. Đặc biệt, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, nhiều học sinh của nhà trường đã tình nguyện lên đường chiến đấu với tinh thần "Không có gì quý hơn độc lập tự do".
Có những học sinh của nhà trường đã anh dũng hy sinh, dâng hiến cả thanh xuân và khát vọng cho niềm vui đại thắng của dân tộc. Họ mãi là những tấm gương sáng, là những người truyền lửa là niềm tự hào cho các thế hệ thầy và trò nhà trường.
Hòa bình lập lại, thầy và trò nhà trường luôn nỗ lực phấn đấu gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp để xây dựng nhà trường ngày càng phát triển. Qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, cùng với sự phát triển của đất nước, nhà trường không ngừng phát triển cả về quy mô và chất lượng giáo dục toàn diện. Nhiều năm liền Trường THPT thị xã Nghĩa Lộ đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc; vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, Cờ thi đua của Chính phủ, của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban nhân dân tỉnh.
Đặc biệt, nhiều mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển của nhà trường được hoàn thành, tiêu biểu là trường đạt chuẩn quốc gia và chuẩn chất lượng giáo dục cấp độ II.
Giờ học Tin học của cô và trò nhà trường.
Với phương châm xây dựng Trường THPT thị xã Nghĩa Lộ theo hướng truyền thống - chuẩn hóa - hiện đại - chất lượng cao, mỗi giáo viên nhà trường luôn ý thức trau dồi về chuyên môn, chuẩn về năng lực sư phạm, tâm huyết với nghề; mỗi học sinh luôn tự tin, năng động, dám trải nghiệm, có lý tưởng mục đích, sống nhân ái, biết quan tâm đến gia đình và cộng đồng.
Trong nhiều năm qua, chất lượng giáo dục của nhà trường tăng vượt bậc: tỷ lệ học sinh khá, giỏi duy trì từ 65 đến 75%; học sinh đỗ vào các trường đại học hàng năm chiếm tỷ lệ trên 60%. Chất lượng mũi nhọn được đầu tư và đạt hiệu quả: số học sinh đạt giải các môn văn hóa, thi giải Toán, tiếng Anh trên mạng Internet cấp tỉnh, cấp quốc gia tăng cả về số lượng và chất lượng; luôn đứng ở tốp đầu các trường THPT trong tỉnh.
Nhiều thầy giáo, cô giáo được công nhận là nhà giáo ưu tú, tiêu biểu như các thầy cô giáo: Đỗ Thanh Dương, Phạm Viết Thành, Vũ Ngọc Hà, Hoàng Thị Chiến, Đỗ Thị Kim Hoan, Nguyễn Văn Thế...
Đáng mừng hơn, từ cơ sở vật chất là tranh, tre, nứa ban đầu, với sự đầu tư của Nhà nước và nỗ lực của nhà trường, đến nay, Trường đã có cơ sở vật chất tương đối hoàn thiện với 22 phòng học xây dựng kiên cố, (trong đó có 9 phòng học thông minh, 12 phòng học tiên tiến); 3 phòng học bộ môn.
Đội ngũ giáo viên của nhà trường không ngừng tăng về số lượng và chất lượng với 47 người, trong đó có 9 thạc sĩ; Chi bộ Đảng nhà trường có 32 đảng viên. Trải qua chặng đường 60 năm lịch sử, Trường THPT thị xã Nghĩa Lộ đã khẳng định uy tín và vị thế trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
Đến nay, nhà trường luôn là mái ấm thấm đượm tình người, tình thầy - trò, là "địa chỉ giáo dục” tin cậy của nhân dân các dân tộc thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn. Nhiều học sinh của nhà trường đã trở thành những nhà lãnh đạo, quản lý xuất sắc, những doanh nhân, nông dân giỏi, công dân tốt và còn rất nhiều học sinh đã và đang cống hiến công sức, trí tuệ trong sự nghiệp dựng xây và phát triển đất nước.
Phát huy truyền thống 60 năm xây dựng và trưởng thành, thầy và trò Trường THPT thị xã Nghĩa Lộ tiếp tục thực hiện sáng tạo, hiệu quả các cuộc vận động và phong trào thi đua của ngành giáo dục, tập trung chỉ đạo thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện "dạy chữ”, "dạy người” và định hướng nghề cho học sinh; duy trì và nâng cao tỷ lệ học sinh khá, giỏi; học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia. Đổi mới công tác quản lý theo hướng khoa học, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của nhà trường.
Không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ thông qua việc cử giáo viên đi đào tạo nâng cao trình độ, đẩy mạnh công tác tự học, tự bồi dưỡng, sinh hoạt chuyên đề bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Thầy và trò nhà trường quyết tâm thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu "Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua "Dạy tốt, học tốt”; thế hệ học sinh hôm nay noi gương và tiếp bước thế hệ cha anh không ngừng phấn đấu học tập, rèn luyện với khẩu hiệu "Vì ngày mai lập nghiệp; xung kích, tình nguyện sáng tạo trên mọi lĩnh vực xứng đáng với thị xã văn hóa và tỉnh Yên Bái giàu truyền thống hiếu học, văn hiến.
Văn Tuấn