Ký ức hào hùng ngày giải phóng Thủ đô

  • Cập nhật: Chủ nhật, 10/10/2021 | 10:20:40 AM

Không người con Thủ đô nào quên được thời khắc sáng 10-10-1954, các cánh quân của Đại đoàn quân tiên phong từ các cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô vừa được giải phóng trong rừng cờ hoa đón chào. Dẫu cho thời gian trôi đi gần 7 thập kỷ nhưng thành quả của ngày vui: "9 năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”… còn đọng mãi.

Là người con Hà Nội luôn đam mê và có "nghề” sưu tầm, phục chế tư liệu hình ảnh về Hà Nội xưa, kiến trúc sư Đoàn Bắc đã chia sẻ với Báo Hànộimới một phần trong "kho báu” hơn 4.000 bức ảnh thuộc bộ sưu tập "Ký ức Hà Nội xưa” tại thời điểm lịch sử cách đây 67 năm.

Trước ngày 10-10-1954, một vài đơn vị Việt Minh đã có mặt tiếp quản những vị trí chiến lược, quan trọng trong niềm vui, sự đùm bọc và tình yêu thương của người dân Hà Nội. Các ụ quân sự trong thành phố được tháo dỡ.

 

 

Ngày 8-10-1954, quân Pháp làm lễ hạ cờ, đánh dấu chấm hết cho sự hiện diện của lính Pháp tại Hà Nội năm 1954. Đúng 16h30 ngày 9-10-1954, quân Pháp rút hết qua cầu Long Biên để xuống Hải Phòng.

 

Đặc biệt, trong những bức ảnh sưu tầm về người dân Hà Nội đổ ra đường khi Pháp rút quân, kiến trúc sư Đoàn Bắc đặc biệt ấn tượng với một tấm ảnh về một người đàn ông trên phố cổ, phía sau là xe tăng Pháp.

Tới năm 2010, tại triển lãm bộ sưu tập hàng nghìn tư liệu, hình ảnh về Hà Nội xưa tại khu vực trước chợ Hàng Da chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, ông đã có cuộc gặp gỡ đặc biệt. Khi đến thăm triển lãm, một cụ bà và các con cháu hết sức xúc động và đã tìm gặp anh để kể về lai lịch của bức ảnh. Cụ bà, vợ của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản kể người đàn ông trong bức ảnh chính là chồng bà. Để ghi lại thời khắc quân Pháp rút khỏi Hà Nội, ông đã đặt máy ảnh lên mui xe để tự chụp. Sau cuộc gặp gỡ đó, gia đình nghệ sĩ Nguyễn Bá Khoản đã tặng kiến trúc sư Đoàn Bắc thêm một số ảnh tư liệu quý của Hà Nội. Từ cuộc hội ngộ qua những bức ảnh lịch sử, giữa hai gia đình có mối thâm giao ân tình.

 

Bức ảnh về một người đàn ông trên phố cổ, phía sau là xe tăng Pháp.

Ngày trở về

Ngày 10-10-1954, Đại đoàn 308, dẫn đầu là Trung đoàn Thủ đô tiến vào nội thành Hà Nội. Từ sáng sớm, nhân dân Thủ đô đã tưng bừng mang theo cờ, hoa, ảnh Bác Hồ ra khắp các ngả đường chào đón bộ đội hành quân vào tiếp quản Thủ đô. Đúng 8h sáng, cánh quân phía Tây xuất phát từ Quần Ngựa (nay là Cung Thể thao Hà Nội, phố Quần Ngựa). Đó là những chiến sĩ bộ binh của Trung đoàn Thủ đô, mang trên ngực Huy hiệu "Chiến sĩ Điện Biên Phủ”, trở về với thành phố quê hương - nơi sinh ra Trung đoàn. Đoàn đi qua Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Cửa Nam, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Ngang...

Khoảng 8h45, cánh quân phía Nam thuộc hai trung đoàn 88 và 36 xuất phát từ Việt Nam Học xá (nay thuộc Trường Đại học Bách khoa) đi qua Bạch Mai, phố Huế, vòng quanh hồ Hoàn Kiếm rồi vòng lại vào đóng ở khu vực Đồn Thủy (nay là Bệnh viện Quân y 108) và khu Đấu Xảo (nay là Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt Xô). 

Từ sáng sớm, người dân Hà Nội treo cờ, khẩu hiệu trước cửa nhà. Hàng vạn người đổ xuống  đường, hồi hộp chờ đón bộ đội về tiếp quản Thủ đô.

 

Riêng Đoàn Chỉ huy tiếp quản gồm: Cơ giới, pháo binh do Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ và Phó Chủ tịch Trần Duy Hưng dẫn đầu, lúc 9h30 từ sân bay Bạch Mai đến Ngã Tư Vọng sang ngã tư Trung Hiền rồi theo đường Bạch Mai lên phố Huế, Hàng Bài, Đồng Xuân, vào Cửa Bắc. 

Đoàn xe qua các phố Đinh Tiên Hoàng, Hàng Đào... và hội quân trước cổng Đoan Môn.

 
Vào 15h, còi Nhà hát Lớn Hà Nội rúc lên một hồi dài, mấy chục vạn nhân dân Hà Nội và các đơn vị quân đội trang nghiêm dự Lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức tại sân vận động Cột Cờ. Sau lễ chào cờ, Thiếu tướng Vương Thừa Vũ trân trọng đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng.

Ngay sau khi trở về Thủ đô, tiếp quản thành phố, công việc tiếp thu các cơ quan, công sở, do chính quyền Pháp bàn giao cũng nhanh chóng được triển khai để sớm điều hành bộ máy hoạt động cho bình ổn.


Có thể thấy, trên chặng đường hành quân lịch sử, từ ngày Toàn quốc kháng chiến đến ngày trở về giải phóng Thủ đô, vượt qua biết bao gian khổ, hy sinh, quân và dân Hà Nội đã lập nên mốc son chói lọi làm nức lòng quân và dân cả nước.

Ngày 10-10-1954 không chỉ ghi dấu một chặng đường phát triển của Thủ đô Hà Nội, mà còn là mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Từ thời khắc này, là tiếp nối những dấu mốc, những giai đoạn quan trọng để Hà Nội, nơi lắng hồn thiêng sông núi ngàn năm, luôn xứng đáng với vị thế là Thủ đô, trái tim cả nước. 

(Theo Hànộimới)

 
 

Các tin khác
Ông Lê Đức Thọ và Tiến sĩ Henry Kissinger, chúc mừng nhau sau lễ ký tắt Hiệp định Paris.

“Lý do chính ba tôi đã từng trả lời nhà báo Mỹ. Còn nguyên nhân nữa, như ông chia sẻ, đó là những công việc ông làm luôn gắn với các công việc của Đảng, của cách mạng. Nên nếu có thành tích hay công lao thì phải thuộc về Đảng, về tập thể lãnh đạo chứ không phải của riêng ông”.

Các đại biểu tham dự lễ kỷ niệm.

Ngày 9/10, tại Nhà văn hóa Trung tâm 3/2, thành phố Nam Định, Tỉnh ủy Nam Định tổ chức kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Lê Đức Thọ (10/10/1911-10/10/2021). Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai dự lễ kỷ niệm.

Cán bộ Thành Đoàn Yên Bái và các nhà tài trợ tặng quà chốt kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn thành phố Yên Bái.

Ngày 7/10, UBND tỉnh Yên Bái ban hành Kế hoạch số 231 triển khai phong trào thi đua đặc biệt “Yên Bái cùng cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid – 19”.

Ngày 9/10, đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Yên Bái đã dự sinh hoạt định kỳ tại Chi bộ Tổ dân phố số 4, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục