Theo Quy định, kế hoạch luân chuyển, điều động phải đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu; giải quyết tốt mối quan hệ giữa luân chuyển, điều động với ổn định; vừa coi trọng đáp ứng yêu cầu công tác vừa coi trọng mục đích bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ, chuẩn bị đội ngũ kế cận.
Để sử dụng cán bộ hiệu quả
Công tác luân chuyển, điều động cán bộ, sắp xếp bí thư cấp ủy không phải là người địa phương và luân chuyển cán bộ để đào tạo qua thực tế ở Lục Yên góp phần đảm bảo dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, quan hệ dòng họ, thân quen. Đồng thời, tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch được rèn luyện thực tiễn.
Để cụ thể hóa Quy định số 07, Huyện ủy Lục Yên đã xây dựng Kế hoạch về bố trí, sắp xếp cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ quan, đơn vị cấp huyện và lãnh đạo chủ chốt xã, thị trấn giai đoạn 2018 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2025, kế hoạch xây dựng trên cơ sở khảo sát kỹ lưỡng thực trạng công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ của huyện, từ đó xác định rõ mục đích, yêu cầu, nguyên tắc, phạm vi, đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện, mục tiêu, lộ trình thực hiện.
Trong đó, Ban Thường vụ Huyện ủy đã quyết liệt thực hiện việc sắp xếp, bố trí, điều động luân chuyển cán bộ đã giữ chức vụ trên 8 năm và thực hiện chủ trương bí thư đảng ủy hoặc chủ tịch UBND xã không phải là người địa phương.
Từ Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện, ngày 1/6/2020, đồng chí Lý Đạt Lam được luân chuyển về làm Bí thư Đảng ủy xã Yên Thắng. Đây là xã vùng II có 50% người dân tộc Tày, 40% người dân tộc Nùng, bản thân đồng chí Lý Đạt Lam cũng là người Tày, làm công tác văn hóa nhiều năm nên hiểu rất rõ văn hóa cũng như tập quán sinh hoạt các dân tộc. Đây là lợi thế rất lớn để đồng chí có thể làm tốt công tác khi về cơ sở.
Trong thời gian ngắn, đồng chí đã ổn định và làm quen với cơ quan mới. Tuy nhiên, áp lực rất lớn khi xã Yên Thắng đã là xã nông thôn mới và đang tiến tới xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Tuy nhiên, vấn đề cấp bách tại thời điểm này là tình trạng tụt giảm tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế, từ 98% xuống còn 64%.
Xác định đây là vấn đề cấp bách, Đảng ủy xã đã ra Nghị quyết về việc vận động nâng cao tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế, thành lập các tổ công tác đến từng thôn, bản, từng nhà dân để thực hiện vận động. Nhờ đó, đầu năm 2021, toàn xã có 78% người dân tham gia bảo hiểm y tế và quyết tâm đến cuối năm nâng tỷ lệ này lên trên 90%.
Đồng chí Triệu Văn Huấn - Bí thư Đảng ủy xã Mường Lai động viên người dân tại "Ngày hội bản Mường”.
Thời gian qua, đồng chí Lý Đạt Lam đã cùng với Đảng bộ xã Yên Thắng đã thực hiện kiện toàn các tổ chức, quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ rõ ràng, công tác tổ chức cán bộ kỷ luật trong Đảng được thắt chặt hơn. Đặc biệt, những vấn đề bức xúc ở địa phương được giải quyết nhanh chóng.
Đồng chí Lý Đạt Lam cho biết: "Cán bộ là người địa phương không tránh được sự nể nang trong xử lý công việc. Đơn cử như giải quyết các vấn đề về đất đai, hiện nay, nhu cầu chuyển đổi đất vườn tạp sang đất thổ cư rất nhiều, trong khi hạn mức hàng năm của xã đã có kế hoạch, có sự ưu tiên cho người thân gây bức xúc trong nhân dân. Do vậy, khi giải quyết vấn đề này, Đảng ủy xác định căn cứ theo nhu cầu và thời gian, ưu tiên những trường hợp cấp bách chuyển đổi để làm nhà, giải quyết công khai, minh bạch”.
Cán bộ được luân chuyển về cơ sở của Lục Yên đã có nhiều cách làm mới, sáng tạo, chủ động, tích cực cùng tập thể cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Được luân chuyển từ Bí thư Huyện đoàn về làm Bí thư Đảng ủy xã Mai Sơn tháng 4/2020, đồng chí Hoàng Trung Chinh đã nhanh chóng bắt nhịp với nhiệm vụ mới.
Trong thời gian hơn một năm, đồng chí đã cùng với Đảng ủy xã đẩy mạnh các hoạt động "Ngày thứ Bảy cùng dân” để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng người dân. Qua đó, những vấn đề bức xúc đã được giải quyết kịp thời, thấu đáo, quan tâm giúp đỡ các gia đình chính sách. Đặc biệt, xã Mai Sơn đã vận động xã hội hóa được trên 400 triệu đồng, làm đường điện thắp sáng 20 km đường liên thôn. Những việc làm cụ thể đó đã tạo được sự đồng thuận của nhân dân.
Giai đoạn 2020 - 2025, xã Mai Sơn tiếp tục phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Đảng bộ xã xác định các tiêu chí đều cần có sự đồng thuận của nhân dân; trong đó, việc mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn tiếp tục được người dân ủng hộ. Vừa qua, xã vận động người dân của 3 thôn mở rộng các tuyến đường từ 3 m lên 6 m với chiều dài 6 km, thời gian tới tiếp tục vận động 4 thôn còn lại.
Đồng chí Hoàng Trung Chinh cho biết: "Mai Sơn có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội. Trước tiên, chúng tôi sẽ tập trung vào các sản phẩm đặc trưng của xã như xây dựng thương hiệu gà trống thiến. Hiện nay, xã có 10 hộ liên kết chăn nuôi mỗi năm trên 500 con; phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa an toàn sinh học, có 3 mô hình chăn nuôi lợn quy mô trên 100 con. Trong đó, có mô hình của bà Triệu Thị Nga ở thôn Sơn Trung nuôi 300 con/lứa theo quy trình an toàn khép kín. Đồng thời, xã cũng định hướng phát triển du lịch tâm linh kết nối với các loại hình du lịch đang phát triển trong huyện”.
Tạo nguồn cán bộ kế cận
Khi luân chuyển về cơ sở, cán bộ trẻ đã phát huy sức sáng tạo, sự năng động, dám đương đầu với những nhiệm vụ khó khăn. Đồng chí Triệu Văn Huấn, sinh năm 1989, được luân chuyển từ Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện về làm Bí thư Đảng ủy xã Mường Lai, thử thách đầu tiên ngay khi nhận nhiệm vụ mới là tổ chức "Ngày hội bản Mường”. Đây là lần đầu tiên xã Mường Lai tổ chức một hoạt động văn hóa lớn, thu hút sự tham gia của trên 5.000 người dân trên địa bàn và các xã lân cận tham gia.
Bí thư Đảng ủy xã Triệu Văn Huấn cho biết: "Ý tưởng tổ chức "Ngày hội bản Mường” của chúng tôi dựa trên tiềm năng du lịch của địa phương. Mường Lai là xã có bản sắc văn hóa đậm nét của người dân tộc Mường và người Tày; có nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng. Đặc biệt, trước đây, khi mặc trang phục dân tộc Tày, nhiều người rất ngượng, có phần bị mai một. Nhưng sau Ngày hội, người dân có nhận thức khác về trang phục của dân tộc mình. Hiện nay, mỗi người đều tự may cho mình một bộ, không chỉ mặc trong những dịp lễ tết mà còn xuất hiện trong cả những ngày lao động bình thường”.
Từ tháng 3/2018 đến nay, huyện Lục Yên đã thực hiện luân chuyển 3 đồng chí là trưởng, phó các cơ quan cấp huyện xuống giữ chức danh lãnh đạo chủ chốt xã, thị trấn; điều động 46 cán bộ: từ huyện xuống xã 10 đồng chí; điều động giữa các cơ quan cấp huyện 20 đồng chí, giữa các xã 16 đồng chí. Hiện nay, có 20/24 xã, thị trấn có bí thư cấp ủy hoặc chủ tịch UBND xã không phải là người địa phương, 4 xã thực hiện bí thư đảng ủy, đồng thời là chủ tịch UBND xã.
Đồng chí Hoàng Hữu Độ - Bí thư Huyện ủy Lục Yên cho biết: "Huyện ủy luôn tạo điều kiện, giúp đỡ cán bộ luân chuyển, điều động hoàn thành nhiệm vụ. Định kỳ hoặc đột xuất tổ chức gặp mặt cán bộ điều động, luân chuyển để lắng nghe báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ, kiến nghị, đề xuất, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh ở cơ sở, giúp cán bộ tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng giải quyết công việc, trưởng thành nhanh hơn”.
Sau 3 năm thực hiện Quy định số 07 của Tỉnh ủy về luân chuyển cán bộ, các cấp ủy, tổ chức Đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên ở Lục Yên đã nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của công tác luân chuyển, điều động cán bộ, từ đó quan tâm triển khai thực hiện các chủ trương, giải pháp của cấp trên về luân chuyển, điều động cán bộ.
Qua đó, từng bước khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ; đồng thời, bổ sung cán bộ cho những nơi còn thiếu. Cán bộ được điều động, luân chuyển đã có nhiều cách làm mới, sáng tạo, chủ động, tích cực cùng tập thể cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Qua đó, tạo điều kiện để cán bộ được đào tạo, rèn luyện thử thách thực tiễn. Đặc biệt, sau điều động, luân chuyển, nhiều đồng chí được ghi nhận kết quả và bố trí ở vị trí chức vụ công tác cao hơn.
Anh Dũng