Sáng 4/11, tại Nhà Quốc hội diễn ra Hội nghị Triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022.
Theo kế hoạch được thông tin tại Hội nghị, trong năm 2022, Quốc hội sẽ tiến hành 4 cuộc giám sát chuyên đề, trong đó có 2 cuộc giám sát tối cao của Quốc hội, chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của giai đoạn 2016-2021.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có quyết định 2 chuyên đề giám sát, đó là việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thời gian từ tháng 7/2016 đến tháng 7/2021 và chuyên đề việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021.
Đã kiểm toán xong chuyên đề về công tác quy hoạch đô thị ở một số địa phương
Thảo luận về giải pháp để triển khai có hiệu quả chương trình giám sát năm 2022, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, với tư cách là cơ quan tham gia giám sát, đồng thời cũng chịu sự giám sát, cơ quan này đã tham gia ngay từ đầu đối với 4 chuyên đề giám sát trong năm 2022, đặc biệt là 2 chuyên đề giám sát tối cao.
Về các nội dung trọng tâm trong chuyên đề giám sát về quy hoạch và thực hành tiết kiệm, Kiểm toán Nhà nước đã góp ý cho Ban soạn thảo và thấy rằng Ban soạn thảo đã tiếp thu nhiều ý kiến của Kiểm toán Nhà nước. Đối với 2 đoàn giám sát tối cao, Kiểm toán Nhà nước cũng đã phân công các đơn vị trong ngành, các cơ quan tham mưu cùng với các Kiểm toán nhà nước khu vực và chuyên ngành có liên quan.
Cũng theo đại diện Kiểm toán Nhà nước, 6 tháng đầu năm, cơ quan này đã kiểm toán xong chuyên đề về công tác quy hoạch đô thị ở một số địa phương, đặc biệt Hà Nội và TP.HCM. Cơ quan này cũng sẽ tập trung tổng hợp ý kiến, kết luận ngay trong tháng 11, 12/2021.
Đối với đoàn giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Kiểm toán Nhà nước đã có kết luận và số liệu từ năm 2016-2020; tổng hợp các kiến nghị, đánh giá, phân tích vào 4 nội dung chính của chuyên đề giám sát này, như sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thực hành tiết kiệm của các bộ, ngành, địa phương có liên quan, nhận trách nhiệm người đứng đầu; tình hình và kết quả kiểm toán, thực hiện kết luận kiểm toán; giải pháp thực hiện để nâng cao thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…
"Trong quá trình phối hợp giữa Kiểm toán Nhà nước với các địa phương, cần có chỉ đạo thống nhất về việc cung cấp số liệu cho đoàn giám sát cũng như cho Kiểm toán Nhà nước phải thống nhất về mốc thời gian, về số liệu, cũng như các báo cáo, để sau này phân tích, đánh giá gửi cho đoàn giám sát mới đồng nhất”, ông Nguyễn Tuấn Anh đề nghị.
Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã rà soát, xem xét 24 vụ việc phức tạp, kéo dài
Là cơ quan tổng hợp giúp Chính phủ xây dựng báo cáo về việc thực hiện chính sách pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo từ 1/7/2016 đến 1/7/2021, theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm, cơ quan này đã triển khai xây dựng báo cáo của Thanh tra Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, chuẩn bị hồ sơ, tài liệu liên quan đến công tác này; đồng thời cử các cán bộ có kinh nghiệm, trách nhiệm tham gia đoàn giám sát khi làm việc tại các bộ, ngành, địa phương.
Nhấn mạnh, việc UBTVQH giám sát thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo trên phạm vi cả nước là nhiệm vụ rất cần thiết, thể hiện trách nhiệm trước nhân dân, theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, việc thực hiện giám sát giúp Quốc hội đánh giá chính xác, toàn diện, khách quan công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo trong 5 năm qua và ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; qua đó làm rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan hành chính, nhất là người đứng đầu trong việc thực hiện tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo; kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết vụ việc cụ thể, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, từ đó có giải pháp hoàn thiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo.
Thông tin tại Hội nghị, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết, đến nay, qua rà soát tại các tỉnh, thành phố, vẫn còn 979 vụ việc đang được các địa phương tích cực giải quyết, trong đó 35 vụ việc xác định là phức tạp kéo dài, trong số này, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã kiểm tra, rà soát được 24 vụ việc tại 10 địa phương. Qua việc thực hiện giám sát năm 2022 sẽ giúp Chính phủ xem xét cụ thể các vụ việc Chính phủ đã rà soát nhưng các địa phương vẫn chưa có giải pháp dứt điểm, để tập trung xử lý nghiêm.
Tránh tình trạng các đoàn giám sát làm việc với một địa phương trong cùng thời gian
Tại Hội nghị, cho rằng, kế hoạch của các đoàn giám sát của Quốc hội, UBTVQH đã xác định thời gian dự kiến triển khai hoạt động giám sát tại địa phương, tuy nhiên, trong tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, không loại trừ trường hợp phải điều chỉnh thời gian làm việc, ông Hà Phước Thắng, Phó đoàn ĐBQH TP.HCM kiến nghị UBTVQH tiếp tục chỉ đạo, điều phối chặt chẽ hoạt động của các đoàn giám sát; kiến nghị các đoàn giám sát sớm xác định các địa phương được giám sát theo từng chuyên đề cụ thể để tránh trường hợp các đoàn giám sát có thể về làm việc với một địa phương trong cùng một thời gian. Mặt khác, để đoàn ĐBQH địa phương có thể tham gia đầy đủ và đóng góp tốt nhất vào các đoàn giám sát chung.
Phó đoàn ĐBQH TP.HCM cũng đề nghị UBTVQH chỉ đạo việc tổng hợp các kiến nghị sau giám sát của các đoàn ĐBQH địa phương để chuyển đến các bộ, ngành xem xét giải quyết và sớm có ý kiến trả lời các địa phương.
(Theo VOV)