Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII vừa ban hành Quy định số 37 về những điều đảng viên không được làm. Quy định này được kỳ vọng khắc phục bằng được những hạn chế, bất cập, thiếu sót trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, đáp ứng được yêu cầu của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới. Đó cũng được coi như một tấm chắn để mỗi đảng viên tự thấy giới hạn để giữ mình, sửa mình.
Phóng viên báo chí phỏng vấn PGS.TS Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản về nội dung này.
PV: Sau Hội nghị Trung ương 4, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định 37, một lần nữa chứng tỏ quyết tâm của Đảng ta trong việc xây dựng văn hóa Đảng. Ông nhìn nhận ra sao về việc Trung ương ban hành Quy định số 37 thay thế cho Quy định 47 được ban hành vào năm 2011.
Ông Vũ Văn Phúc: Mặc dù trong hoàn cảnh đất nước 2 năm vừa qua phải thực hiện mục tiêu kép, vừa phát triển kinh tế, vừa chống đại dịch Covid-19, thế nhưng không vì thế mà công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng chững lại hay dừng lại, mà với quyết tâm chính trị rất cao, thực hiện chủ trương kiên quyết, kiên trì xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh, sau Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII), Trung ương ban hành Quy định về 19 điều đảng viên không được làm, thay thế Quy định số 47 đã ban hành cách đây 10 năm.
Qua 10 năm thực hiện Quy định 47, tình hình đã có những biến đổi cả trong nước và cả ngoài nước. Do vậy, việc Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII ban hành Quy định 37 về 19 điều đảng viên không được làm là hết sức cần thiết, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh hiện nay.
PV: Trong Quy định 37 có một điểm mới đó là quy định đảng viên không được phản bác, phủ nhận, xuyên tạc Chủ nghĩa Mác –Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Ông có thể lý giải sự cần thiết phải đưa nội dung này vào trong Quy định số 37.
Ông Vũ Văn Phúc: Quy định 37 cấm đảng viên không được phản bác, phủ nhận, xuyên tạc Chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là hết sức cần thiết. Bởi vì Đảng ta lấy Chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng. Ngay Đại hội XIII, Đảng cũng nêu 5 quan điểm chỉ đạo, quan điểm chỉ đạo đầu tiên là kiên định và vận dụng phát triển, sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Ngay trong Đại hội XIII, Đảng cũng đánh giá đa số cán bộ trung thành, kiên định với Chủ nghĩa Mác –Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhưng cũng còn một số đảng viên dao động, phủ nhận. Tổng Bí thư cũng nhiều lần nói rằng, một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, phai nhạt con đường đi lên CNXH, thậm chí phủ nhận hoặc không tin tưởng lắm về đường lối đổi mới của Đảng ta, từ đó dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa”.
Trước tình hình như vậy, Đảng ta đưa vào Quy định 37 nội dung đảng viên viên dứt khoát không được phản bác, phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng là Chủ nghĩa Mác –Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Người nào phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng thì không nên đứng trong hàng ngũ của Đảng. Điều đó rất logic, chặt chẽ.
PV: Ông đánh giá ra sao về việc Trung ương ban hành Quy định 37 – một quy định thể hiện sự phát triển tư duy và bám sát thực tiễn của Đảng ta trong tình hình hiện nay?
Ông Vũ Văn Phúc: Quy định 47 ban hành cách đây 10 năm đã góp phần rất quan trọng vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cũng như việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và Trung ương 4 khóa XII, góp phần làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn. Tuy nhiên, thực tiễn của công tác xây dựng Đảng nói chung và thực tiễn công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng đã có sự thay đổi.
Sau khi Bộ Chính trị ban hành Quy định 32 bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thành Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì nhiều cán bộ, đảng viên hỏi: Vậy căn cứ vào đâu thể phát hiện đảng viên có biểu hiện tiêu cực? Lần này Quy định 37 đã nâng lên một tầm cao mới, đã có bước phát triển tư duy rất mới của Đảng ta là trong 19 điều của Quy định 37 ghi rất rõ những biểu hiện, những hành vi được coi là tiêu cực, là đảng viên thì dứt khoát không được làm.
Quy định 37 không chỉ phù hợp với tình hình đang biến đổi trong Đảng và ngoài xã hội, mà còn phù hợp với thực tiễn phát triển của Đảng và đất nước ta trong một bối cảnh đầy biến động, khó lường như hiện nay.
Quy định 37 đã cụ thể hóa những biểu hiện về suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” thành những vấn đề rất cụ thể, làm cơ sở để các tổ chức đảng từ Trung ương đến địa phương xem xét xử lý đảng viên làm trái quy định.
PV: Việc ban hành Quy định 37 cùng với hệ thống các quy định của Đảng như quy định về chống chạy chức, chạy quyền, quy định về trách nhiệm nêu gương... Theo ông, chiếc "lồng cơ chế" này liệu đã thiết lập được một cơ chế kiểm soát đồng bộ nhằm đảm bảo cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng hiệu quả hay chưa?
Ông Vũ Văn Phúc: Tôi cho rằng, cùng với Quy định 37 là Quy định 08 về trách nhiệm nêu gương của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Quy định 205 của Bộ Chính trị khóa XII về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền, Qy định số 41 của Bộ Chính trị khóa XIII về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ... các quy định đó đã tạo thành một hệ thống cơ chế đồng bộ, đủ để thực hiện công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thực hiện việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Chỉ có điều, làm thế nào để biến những quy định đó thành hành động cụ thể, đi vào cuộc sống và tạo thành một cái lồng cơ chế vững chắc để đảng viên không thể tham nhũng, không muốn tham nhũng, không cần tham nhũng, cũng như không thể tiêu cực, không muốn tiêu cực và không cần tiêu cực.
Mỗi đảng viên trong sạch, vững mạnh, có sức chiến đấu cao thì tổ chức cơ sở đảng sẽ trong sạch, vững mạnh và có sức chiến đấu cao, toàn Đảng sẽ vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền.
PV: Từ thực tế công tác kiểm tra, giám sát của Đảng cho thấy, vi phạm có liên quan đến tham nhũng, tiêu cực phần lớn từ cán bộ đảng viên nên vi phạm đó cần phải được phát hiện trước hết trong nội bộ Đảng. Với Quy định 37, theo ông có cơ sở để Đảng ta chủ động trong việc chống suy thoái, tiêu cực từ sớm, từ xa hay không?
Ông Vũ Văn Phúc: Quy định 37 là cơ sở chính trị pháp lý trong nội bộ Đảng, mỗi đảng viên phải căn cứ vào đó để biết mình được làm gì và không được làm gì. Hàng ngày, mỗi đảng viên cần soi vào 19 điều đó để tự răn, tự sửa, tự điều chỉnh hành vi của mình.
Quy định 37 cũng chính là cơ sở để Đảng ta chủ động trong việc phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống từ sớm, từ xa. Như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, chúng ta không dừng việc ở việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống mà lần này phải triệt tận gốc sự suy thoái, chủ nghĩa cá nhân, thực hiện theo đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phải xây dựng đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân.
Quy định 37 sẽ giúp chúng ta triệt tận gốc chủ nghĩa cá nhân, những biểu hiện tiêu cực của mỗi cán bộ, đảng viên trong cuộc sống hàng ngày.
PV: Việc Trung ương ban hành Quy định 37 sẽ tạo thuận lợi như thế nào trong việc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đặc biệt là thực hiện các chủ trương mới của Đảng ta trong việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thưa ông?
Ông Vũ Văn Phúc: Mấy nhiệm kỳ gần đây, Đảng rất quan tâm đến công tác xây dựng Đảng nói chung và xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói riêng. Một điểm rất mới của Nghị quyết Đại hội XIII là cùng với xây dựng, chỉnh đốn Đảng là xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện. Bởi vì chỉ khi nào toàn Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị vào cuộc thì sức mạnh tổng hợp của dân tộc mới được phát huy một cách cao độ nhất.
Và việc ngay tại Hội nghị Trung ương đầu nhiệm kỳ khóa XIII đã ra Quy định 37 về 19 điều đảng viên không được làm sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Đảng triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII nói chung, trong đó có phần về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Ví dụ, Đại hội XIII nêu một tinh thần quyết tâm rất cao phải kiên trì kiên quyết thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, kiên quyết, kiên trì đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực... Chính quy định 37 này sẽ tạo điều kiện thuận lợi và là cơ sở để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ xa, từ sớm.
Mỗi đảng viên hàng ngày soi vào đó để điều chỉnh hành vi, từ lời nói đến việc làm, từ suy nghĩ đến hành động, làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh. Nếu đội ngũ hơn 5 triệu đảng viên trong sạch, vững mạnh thì việc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống sẽ hoàn toàn thuận lợi.
PV: Xin cảm ơn ông.
(Theo VOV)