Qua đi giám sát thực tế cơ sở và làm việc tại một số huyện Trấn Yên, Văn Chấn, Văn Yên và Lục Yên, đoàn giám sát ghi nhận và đánh giá cao cấp ủy, chính quyền các địa phương đã chủ động triển khai thực hiện Đề án bảo đảm tiến độ, kế hoạch đề ra; đặc biệt, công khai, minh bạch và huy động tốt đóng góp của nhân dân trong quá trình kiên cố hoá đường GTNT... Từ đó tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Ông Đặng Duy Hiển - Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn cho biết: Thực hiện Đề án, giai đoạn 2021-2025, huyện Văn Chấn thực hiện mục tiêu kiên cố hóa 300 km với tổng kinh phí dự kiến trên 409 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ trên 229 tỷ đồng, huy động nhân dân đóng góp trên 214,8 tỷ đồng. Năm 2021, toàn huyện có kế hoạch kiên cố hóa 60 km, mục tiêu phấn đấu 68 km".
Đến nay, huyện kiên cố hóa 60,4 km, đạt 100,6% kế hoạch với tổng kinh phí trên 34 tỷ đồng. Trong đó: kinh phí Nhà nước hỗ trợ đã giải ngân thanh toán 12,6 tỷ đồng, huy động nhân dân đóng góp trên 21,3 tỷ đồng. Việc triển khai thực hiện Đề án đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ đóng góp của nhân dân, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Nhiều xã, thị trấn trên địa bàn huyện đăng ký thực hiện kiên cố hóa đường GTNT đạt và vượt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.
Tuy nhiên, để triển khai Đề án có hiệu quả, huyện Văn Chấn đề xuất, kiến nghị với tỉnh và đoàn giám sát HĐND tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ vật liệu chính đối với các xã, thị trấn khi thực hiện Đề án, không phân biệt vùng I, II, III; tăng mức hỗ trợ, mở rộng nền đường từ 3 m lên 4 m; sớm giao vốn và có hướng dẫn chi tiết các địa phương trong quá trình thực hiện; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục khi thanh quyết toán đối với các công trình GTNT...
Thực hiện mục tiêu Đề án, toàn tỉnh phấn đấu kiên cố hóa khoảng 900 km đường GTNT; mở mới, mở rộng khoảng 150 km đường đất; xây dựng khoảng 1.000 công trình thoát nước các loại… với tổng kinh phí dự kiến khoảng 785,33 tỷ đồng. Trong đó, tổng kinh phí Nhà nước hỗ trợ là trên 388 tỷ đồng; nguồn vốn huy động hợp pháp khác và nhân dân đóng góp là trên 397 tỷ đồng.
Đến nay, toàn tỉnh kiên cố hóa mặt đường bê tông xi măng theo Đề án được trên 301 km, bằng 172% năm 2021, đạt 34,55% mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025. Tổng kinh phí giải ngân đạt 201,78 tỷ đồng, đạt 74,46% so với kinh phí giao. Trong đó, huy động đóng góp của nhân dân là 96,33 tỷ đồng, đạt 68,24%.
Quá trình triển khai cũng gặp một số khó khăn, hạn chế, đó là: một số địa phương có địa hình đồi núi cao, bị chia cắt, độ dốc lớn, mật độ dân cư phân bố không đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo còn cao nên việc đóng góp kinh phí làm đường còn hạn chế ở một số xã vùng sâu, vùng xa; công tác lập hồ sơ, dự toán, công tác chỉ đạo thi công còn nhiều hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng công trình; công tác duy tu, bảo dưỡng, vận hành đưa công trình vào sử dụng chưa được quan tâm và chỉ đạo sát sao làm ảnh hưởng đến tuổi thọ công trình…
Để triển khai thực hiện Đề án Phát triển GTNT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2021 đảm bảo hoàn thành mục tiêu đề ra, các địa phương cũng đã đề xuất, kiến nghị với đoàn giám sát và UBND tỉnh xem xét bố trí phân bổ nguồn kinh phí thực hiện Đề án GTNT ngay từ đầu năm để tranh thủ thời tiết thuận lợi và thời gian rảnh của nhân dân để triển khai thi công công trình đảm bảo đúng tiến độ công trình và giải ngân công trình; hướng dẫn các địa phương về việc sử dụng vật liệu nổ để phá đá nền đường và có hướng dẫn chi tiết các địa phương trong quá trình thực hiện; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục khi thanh quyết toán đối với các công trình GTNT; đồng thời, đề xuất điều chỉnh, bổ sung một số nội dung của Nghị quyết số 73 của HĐND tỉnh về Đề án Phát triển GTNT giai đoạn 2021 - 2025…
Ông Hoàng Viễn - Trưởng ban Kinh tế Ngân sách, HĐND tỉnh cho biết: "Thực hiện chương trình giám sát của HĐND, các ban, các tổ đại biểu HĐND tỉnh đã có nhiều đổi mới về nội dung, chương trình giám sát. Ngay sau khi Nghị quyết HĐND tỉnh ban hành, Thường trực HĐND và các ban của HĐND tỉnh sẽ tiến hành giám sát ngay nhằm kịp thời nắm bắt những vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện các đề án, cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh; đồng thời, tiếp thu những ý kiến kiến nghị và đề xuất của các địa phương để tổng hợp, báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Đề án sao cho phù hợp với tình hình điều kiện thực tiễn”.
Đức Toàn