Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thế Phước- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cùng lãnh đạo một số sở, ban ngành của tỉnh.
Trong thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước; các Bộ, ngành Trung ương, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái đã có nhiều đổi thay tích cực. Tỉnh đã triển khai thực hiện các đề án, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tập trung vào công tác xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, đầu tư, nâng cấp các công trình hạ tầng thiết yếu.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn báo cáo với đoàn công tác về kết quả thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Yên Bái đã ưu tiên tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, tỉnh đã đẩy mạnh huy động nguồn lực ngoài Nhà nước để phát triển kinh tế - xã hội, ban hành chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư để thu hút nguồn lực.
Cùng với đó, đã phê duyệt Đề án thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn giai đoạn 2017- 2020 với kinh phí trên 455 tỷ đồng để thực hiện các nội dung: hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt phân tán; hỗ trợ bố trí, sắp xếp ổn định dân cư; hỗ trợ tín dụng ưu đãi…
Tỉnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao hiệu quả giáo dục dân tộc; đặc biệt là các mô hình trường phổ thông dân tộc nội trú, trường bán trú; chính sách cán bộ người dân tộc thiểu số, người có uy tín ở vùng dân tộc thiểu số; chính sách phát triển thể dục, thể thao, du lịch, y tế, dân số vùng dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình triển khai thực hiện, tỉnh Yên Bái còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Yên Bái là tỉnh miền núi có đông đồng bào dân tộc, trình độ dân trí không đồng đều, nguồn nhân lực còn hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025) vẫn chiếm tỷ lệ cao.
Ngân sách địa phương còn khiêm tốn nên việc bố trí vốn ngân sách địa phương thực hiện các dự án, chính sách về dân tộc, giảm nghèo để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo của tỉnh còn nhiều khó khăn, chủ yếu dựa vào hỗ trợ từ ngân sách Trung ương; mức hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho tỉnh từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và một số chính sách khác như hiện nay còn thấp, chưa đủ đáp ứng yêu trên địa bàn.
Việc hỗ trợ mở rộng sinh kế, nâng cao thu nhập đối với người dân tại các địa bàn vùng cao cũng còn nhiều khó khăn; vùng đồng bào dân tộc vẫn còn tiềm ẩn những nguy cơ: di cư tự phát, xuất cảnh trái phép, tái trồng cây thuốc phiện, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, sinh con thứ ba...
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy khẳng định, tỉnh ban hành nhiều nghị quyết, đề án và các bộ chính sách chuyên đề về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy khẳng định: Tỉnh Yên Bái luôn quan tâm thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc. Ngoài các chính sách của hỗ trợ của Trung ương, tỉnh cũng đã xây dựng, ban hành các nghị quyết, đề án và các bộ chính sách chuyên đề về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản; phát triển thương mại - dịch vụ, du lịch, đào tạo nguồn nhân lực, chính sách hỗ trợ giáo dục và đào tạo, đặc biệt là chính sách hỗ trợ học sinh bán trú…
Qua đó đã góp phần thực hiện an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu; giữ vững và ổn định an ninh chính trị.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cũng đề nghị đoàn công tác đề xuất với Trung ương sớm phê duyệt quy hoạch và ban hành thể chế, chính sách về quản lý, kiểm soát chính sách phát triển vùng, nhất là vùng trung du và miền núi phía Bắc, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số; công tác quản lý nhà nước về chính sách dân tộc.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Ủy ban Dân tộc tiếp tục tham mưu với Quốc hội, Chính phủ rà soát các chính sách liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, y tế, giáo dục, đào tạo nghề, chính sách phát triển nguồn nhân lực, chính sách bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, chính sách đối với người có uy tín ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; quan tâm đẩy mạnh huy động các nguồn lực để hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Đồng thời mong muốn Trung ương quan tâm đầu tư các dự án cấp điện đến các thôn bản vùng nông thôn, vùng cao, vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu tại buổi làm việc.
Thay mặt đoàn công tác, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, kết quả thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc của tỉnh Yên Bái trong thời gian qua, đồng thời chia sẻ những khó khăn với tỉnh.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đề nghị, trong thời gian tới tỉnh Yên Bái cần tiếp tục quan tâm cập nhật các chủ trương, chính sách của Trung ương để thành lập ban chỉ đạo, xây dựng quy chế, kế hoạch…, trong đó phải có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chủ trì và các đơn vị liên quan của địa phương, với sự tham gia của MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị vừa giám sát vừa tuyên truyền đề án, chính sách. Bên cạnh đó, quan tâm rà soát, đề xuất điều chỉnh bổ sung chính sách cho phù hợp; tập trung các nguồn lực để thực hiện dứt điểm các chương trình mục tiêu, tránh đầu tư dàn trải, kém hiệu quả.
Đối với các ý kiến kiến nghị, đề xuất của tỉnh, đoàn công tác tiếp thu và tổng hợp để báo cáo với Quốc hội, Chính phủ xem xét, giải quyết.
Đức Toàn