Chào mừng Đại hội đại biểu Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh Yên Bái khóa IV, nhiệm kỳ 2021- 2026

13A- cung đường ghi dấu chiến công của thanh niên xung phong Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ sáu, 24/12/2021 | 7:40:51 AM

YênBái - Những ký ức về đèo Lũng Lô, bến Âu Lâu, dốc Voi Vượt, Cửa Thiến trên cung đường 13A mãi mãi là bản hùng ca chói lọi trong cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ chống thực dân Pháp của dân tộc, ghi chiến công của thanh niên xung phong Yên Bái. Ngày 27/4/2011, Bến phà Âu Lâu và đèo Lũng Lô đã được Nhà nước cấp Bằng Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Lãnh đạo Hội Cựu TNXP dự và chia vui với hội viên cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn trong ngày lễ bàn giao nhà tình nghĩa.
Lãnh đạo Hội Cựu TNXP dự và chia vui với hội viên cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn trong ngày lễ bàn giao nhà tình nghĩa.


Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, nhân dân ta đã làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Thực dân Pháp không cam chịu thất bại, chúng trở lại xâm lược nước ta một lần nữa, buộc nhân dân ta nhất tề đứng lên thực hiện lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch "Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến”. Tháng 5/1953, Bộ Chính trị quyết định hướng chiến dịch Tây Bắc, mặt trận chính đã hình thành là Điện Biên Phủ. Để phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, cả ta và địch đều tập trung lực lượng với mọi cố gắng cao nhất giành thắng lợi trong cuộc đọ sức quyết liệt này.

Yên Bái là tỉnh cửa ngõ Tây Bắc có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng, Chính phủ đã huy động sức mạnh cao nhất của quân và dân cả nước cho chiến dịch này. Sau Chiến dịch Tây Bắc, Trung ương Đảng và Chính phủ quyết định mở đường 13A bắt đầu từ Bến Hiên thuộc tỉnh Tuyên Quang vượt qua bến phà Âu Lâu, đi qua đèo Lũng Lô đến ngã ba Cò Nòi - nối với đường 41 Sơn La, là tuyến đường chiến lược nối liền Việt Bắc với Tây Bắc phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Đường 13A có chiều dài 120 km, địa hình chủ yếu là núi cao, vực sâu và phải đi qua 3 con sông lớn là sông Chảy, sông Hồng và sông Đà. 

Xác định rõ nhiệm vụ chính trị phải đảm bảo mạch máu giao thông thông suốt ra chiến trường, tháng 4/1953, theo yêu cầu của Bộ Tổng tham mưu, UBND tỉnh Yên Bái thành lập Đội Thanh niên xung phong (TNXP) C236 nhằm đảm bảo giao thông từ bến phà Âu Lâu tới đèo Lũng Lô. 

Trọng tâm ở đèo Lũng Lô là lực lượng của Đội TNXP C236, dân công hỏa tuyến, bộ đội công binh, có nhiệm vụ mở đường, san lấp hố bom, phá bom nổ chậm, đảm bảo giao thông thông suốt an toàn trong mọi tình huống cho bộ đội hành quân, xe pháo, dân công vận chuyển lương thực, thực phẩm vũ khí qua đèo ra mặt trận an toàn và nhanh chóng. 

Cuối năm 1953 đầu năm 1954, trước sự tấn công của quân đội ta, giặc Pháp đã tăng cường đánh phá rất ác liệt vào tuyến đường giao thông qua đèo Lũng Lô, hòng ngăn chặn sự tiếp viện của ta ra mặt trận. Ngày nào địch cũng ném bom, bắn phá, đặc biệt là giai đoạn cuối, chúng ném cả ban đêm với rất nhiều loại bom. 

Trên mặt đường, ngày nào cũng có nhiều hố bom khoét sâu tới 4 - 5 mét, miệng rộng từ 10 - 12 mét, bom không trúng đường thì trúng ta luy, gây sạt lở đất đá lấp hết mặt đường. Có ngày chỉ một đoạn đường dài 400- 500 mét  có hàng chục hố bom sâu 2-3 mét, bom nổ chậm, nằm sâu dưới mặt đường, rãnh đường, nhưng chỉ sau 2- 3 tiếng đồng hồ, lực lượng TNXP phải tập trung đào bới ngay, thậm chí phải dùng thuốc nổ kích nổ bên ngoài, vô hiệu hóa được hàng ngàn quả bom các loại. Có ngày quân địch đánh phá ác liệt, anh chị em phải làm cả ban đêm. Nhiều đội viên TNXP dùng cuốc, xẻng đào bới bom nổ chậm từ 2-3 mét không biết lúc nào nổ. 



Hội viên Hội Cựu TNXP Yên Bái thăm Nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ TNXP toàn quốc. 

Đồng chí Trần Văn Tiền - đội viên TNXP đã dũng cảm cầm thuốn chui theo hố bom để xác định vị trí và khoảng cách  của quả bom, dùng dây treo mình trên ta luy, để xả đất, phá đá nổ mìn, bom nổ chậm phía trên do chấn động đã gây nổ sạt lở hàng ngàn mét khối đất đá và cả người xuống mặt đường. Tính riêng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, địch đã thả xuống đèo Lũng Lô khoảng 12.000 tấn bom, đạn các loại. 

Trong những ngày trời mưa, nhiều đoạn đường phải lát rông - đanh để chống lầy xe mới qua được, anh chị em phải bỏ dép đi chân đất, bởi không có dép nào chịu nổi cái nhoét nhầy của bùn đất. Vì vậy, nhiệm vụ đảm bảo giao thông thông suốt cho xe ra chiến trường gặp rất nhiều khó khăn, anh em TNXP lại càng phải cố gắng bám đường và quyết chiến đấu bảo vệ cầu đường với ý chí quyết tâm cao nhất.

Dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Đội TNXP C236 đã phối hợp chặt chẽ với ngành giao thông - vận tải, bộ đội, dân công hỏa tuyến và nhân dân địa phương tập trung sức lực, vật lực để hoàn thành nhiệm vụ được giao, đã huy động 124.458 lượt người, tháo gỡ bom mìn, san lấp hố bom, chống lầy, đảm bảo giao thông với 173.000 ngày công. 

Trong đó, nhân dân xã Thượng Bằng La đã đóng góp hàng ngàn cây gỗ, hàng vạn cây tre nứa, bương, vầu, cột nhà để lót đường, đảm bảo cho giao thông thông suốt, phục vụ chiến dịch. Hơn 200 ngày đêm, TNXP Đội C236 đã cùng các lực lượng vừa mở đường, vừa đảm bảo giao thông thông suốt trong mọi tình huống để vận chuyển hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm, quân trang, vũ khí, thuốc men ra mặt trận an toàn. 

Ngày 7/5/1954, giặc Pháp thất thủ hoàn toàn ở chiến trường Điện Biên Phủ, quân đội ta đã làm chủ cả một vùng Tây Bắc rộng lớn. Tuy nhiên, những ngày sau đó, giặc Pháp vẫn tiếp tục tăng cường dùng máy bay bắn phá các trọng điểm ác liệt hơn. Nhiệm vụ đảm bảo giao thông của Đội TNXP C236 lúc này càng quyết liệt gấp bội. 

Để phục vụ cho bộ đội hành quân trở về, xe pháo các loại vận chuyển hành quân đi cả ngày lẫn đêm, dân công vận chuyển lương thực vũ khí, cáng thương thương binh, dẫn giải tù binh, vận chuyển chiến lợi phẩm…  Lực lượng TNXP trên đèo Lũng Lô đã lao động quên mình, ngày đêm bám trụ với khẩu hiệu "Tất cả cho chiến trường, tất cả để chiến thắng",  "Địch phá ta sửa ta đi", "Địch phá đoạn này, ta làm đoạn khác". 

Nhờ đó, hàng vạn bộ đội, dân công, TNXP, hàng ngàn ô tô, xe thồ vận chuyển vũ đạn dược kịp thời cho chiến trường, trên khắp các nẻo đường ra trận đâu đâu cũng thấy tiếng nói tiếng cười, hồn nhiên vui vẻ, những tiếng hát tiếng cười vang dậy cả núi rừng Tây Bắc. Không khí ấy đã đi vào bài thơ Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu: "Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ/Đèo Lũng Lô anh hò chị hát/Dù bom đạn xương tan thịt nát/Không sờn lòng không tiếc tuổi xanh".

Cán bộ, chiến sĩ TNXP Yên Bái trên đèo Lũng Lô sau khi hoàn thành nhiệm vụ đã trở thành công nhân viên chức, cán bộ lãnh đạo, quản lý kinh tế, khoa học kỹ thuật, vẫn giữ nguyên khí phách và phẩm chất người chiến sĩ TNXP. Đèo Lũng Lô hôm nay vẫn còn đó như một minh chứng hào hùng của lịch sử và đã được tôn tạo, mở rộng đi lại thuận lợi hơn.

Lực lượng TNXP tham gia chiến đấu tại đèo Lũng Lô hôm nay người còn, người mất, cuộc sống trên vùng đất một thời bom rơi, đạn nổ nay đã đổi thay quá nhiều nhờ sự hăng say lao động của nhân dân các dân tộc, trong đó có rất nhiều hội viên cựu TNXP Yên Bái. 

Những ký ức về đèo Lũng Lô, bến Âu Lâu, dốc Voi Vượt, Cửa Thiến mãi mãi là bản hùng ca chói lọi trong cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ chống thực dân Pháp của dân tộc và lực lượng TNXP Việt Nam, trong đó có TNXP tỉnh Yên Bái. Ghi nhận những cống hiến to lớn đó của lực lượng TNXP các dân tộc tỉnh Yên Bái trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, ngày 27/4/2011, Bến phà Âu Lâu và đèo Lũng Lô đã được Nhà nước cấp Bằng Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Nguyễn Văn Tỉnh  - Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Yên Bái

Tags Yên Bái Chiến dịch Điện Biên Phủ bến Âu Lâu đèo Lũng Lô thanh niên xung phong Thượng Bằng La

Các tin khác

Chiều 23/12, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác thông tin đối ngoại; tuyên truyền biển, đảo; phân giới, cắm mốc và quản lý biên giới năm 2021; triển khai nhiệm vụ năm 2022.

Đồng chí Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo  Hội nghị toàn quốc Tổng kết công tác tuyên giáo năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022, sáng 23/12.

Trong năm 2022, ngành tuyên giáo phải chú trọng xây dựng tư tưởng đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa lành mạnh trong xã hội, trước hết trong các tổ chức Đảng và Nhà nước, trong các đoàn thể quần chúng và trong từng gia đình; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Yên Bái.

Sáng 23/12, đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã chủ trì Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên giáo năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022.

Khuyến khích tổ chức các trò chơi dân gian, tập thể mang tính cộng đồng cao nhằm phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp, sự gắn bó, đoàn kêt ở các cộng đồng dân cư, dòng họ, thôn, bản, tô dân phố, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh. (Ảnh minh họa)

Ngày 23/12, đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái đã ký ban hành Chỉ thị số 21-CT/CT của Ban Thường vụ Tinh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ về việc tổ chức Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 trên địa bàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục