Đoàn công tác của Bộ Y tế làm việc tại Yên Bái về phát triển Y dược cổ truyền

  • Cập nhật: Thứ sáu, 7/1/2022 | 7:41:17 PM

YênBái - Ngày 7/1, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Yên Bái về lĩnh vực phát triển Y dược cổ truyền. Làm việc với đoàn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Thị Hiền Hạnh cùng lãnh đạo một số đơn vị, sở, ngành liên quan.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên kiểm tra tại Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên kiểm tra tại Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh.

Báo cáo làm việc với đoàn, lãnh đạo Sở Y tế cho biết, tính đến 18h00 ngày 06/1/2022, Yên Bái đã ghi nhận tổng số 872 ca mắc Covid-19, trong đó 250 ca liên quan người nhập cảnh và đi từ vùng dịch về được cách ly tập trung ngay. Từ 27/11/2021 đến 18h00 ngày 6/1/2022, liên quan đến các chùm ca mắc tại cộng đồng trên địa bàn đã ghi nhận 622 trường hợp dương tính. 

Đến nay, các ổ dịch được phát hiện đã nhanh chóng được khoanh vùng, khống chế, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh vẫn có nguy cơ diễn biến phức tạp.

Đối với công tác phát triển Y dược cổ truyền, Yên Bái hiện có khoảng trên 3.400 ha (tập trung chủ yếu tại huyện Mù Cang Chải với diện tích khoảng 2.300 ha). Các loài dược liệu như: Ba kích, Đinh lăng, Giảo cổ lam, Kim tiền thảo, Sả, Sa nhân tím, Ý dĩ, Hà thủ ô đỏ, Atiso, Cà gai leo, Thảo quả… được phát triển chủ yếu tại các huyện: Mù Cang Chải, Văn Chấn, Trạm Tấu, Văn Yên, Trấn Yên; sản lượng khai thác hàng năm trên 7.600 tấn sản phẩm. 

Hiện, toàn tỉnh có 630 loài cây thuốc được phân thành 11 nhóm thuốc chữa bệnh, một số loại cây dược liệu quý có giá trị như: Hoàng liên Chân Gà, Tam Thất Vũ Diệp, Tiết Trúc Sâm, Ba kích, Đẳng Sâm, Giảo cổ lam, Khôi tía, Sơn Tra, Thảo quả, Quế… 

Có 34 hợp tác xã nuôi trồng, kinh doanh dược liệu; 2 công ty đang sản xuất, chế biến các sản phẩm của cây dược liệu có quy mô lớn, đạt tiêu chuẩn GMP-WHO. 

Bên cạnh đó, công tác bảo tồn, phát triển nguồn dược liệu được chú trọng quan tâm. Duy trì trồng phát triển nguồn dược liệu đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh bằng YHCT và tạo sinh kế cho người dân. 

Yên Bái hiện có 1 bệnh viện chuyên khoa YHCT 180 giường bệnh; 2 khoa YHCT thuộc 2 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh với 50 giường bệnh YHCT; cùng hệ thống các khoa, phòng tuyến huyện, xã, y tế tư nhân. 

Tỷ lệ cán bộ y dược cổ truyền được đào tạo, cập nhật kiến thức sử dụng trang thiết bị hiện đại phục vụ khám, chữa bệnh đạt 62,9%. Tỷ lệ bác sỹ y học cổ truyền được đào tạo liên tục, đào tạo chuyên sâu sau đại học các chuyên khoa về y học hiện đại đạt tỷ lệ 45,6%. 

Năm 2021, toàn tỉnh có trên 583.900 lượt khám và điều trị bằng YHCT, kết hợp YHCT; 452.700 lượt khám bệnh bằng YHCT, chiếm 16% tổng số lượt khám bệnh chung. Trên 103.400 lượt điều trị ngoại trú bằng YHCT; 27.790 lượt điều trị nội trú và nội trú ban ngày… 

Đối với việc triển khai ứng dụng y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại trong phòng, chống dịch Covid-19, Sở Y tế đã ban hành Công văn số 2290 về việc triển khai "Hướng dẫn tạm thời sử dụng y dược cổ truyền để phòng, chống dịch Covid-19”. 

Theo đó, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã triển khai Quyết định số 4539 của Bộ Y tế về việc ban hành "Hướng dẫn tạm thời sử dụng y dược cổ truyền để phòng, chống dịch Covid-19” tới 100% các khoa, phòng trong bệnh viện. Hầu hết, các đơn vị đã xây dựng kế hoạch triển khai "Hướng dẫn tạm thời sử dụng y dược cổ truyền để phòng, chống dịch Covid-19”.  



Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Thị Hiền Hạnh phát biểu tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề về: sử dụng thuốc đông y trong điều trị Covid-19; giải pháp phát triển dược liệu quý; đầu ra cho sản phẩm; vấn đề thu hái, sử dụng bảo quản dược liệu; nâng cấp, phát triển y dược cổ truyền; vấn đề kết hợp giữa y học cổ truyền với y học hiện đại..

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Đối với công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tỉnh chuẩn bị sẵn sàng kịch bản ứng phó khi tình huống dịch xảy ra. Vì vậy, đến nay, công tác phòng, chống dịch ở trong tầm kiểm soát tốt. 

Đối với công tác y dược cổ truyền là vấn đề quan trọng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên hiện nay, vấn đề chăm sóc sức khỏe bằng cây dược liệu chưa được sử dụng triệt để. 

Đồng chí kiến nghị: cơ chế chính sách đặc biệt quan tâm đến mạng lưới y dược học cổ truyền, dành ngân sách đầu tư cơ sở vật chất ở các tuyến, đầu tư trang thiết bị y học hiện đại, đào tạo nguồn nhân lực cho công tác y dược học cổ truyền; quan tâm tham mưu cho Chính phủ để xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển cây dược liệu để tìm đầu ra cho cây dược liệu, biến cây dược liệu thành cây thoát nghèo cho người dân tỉnh Yên Bái. 

Cùng với đó, đẩy mạnh các hoạt động liên lết vùng giữa các địa phương với nhau thông qua tổ chức các hội thảo vùng và quy mô quốc tế để các địa phương có cơ hội trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong phát triển lĩnh vực y dược học cổ truyền; quan tâm hỗ trợ tỉnh máy thở và một số trang thiết bị trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Đánh giá cao công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị tỉnh cần tập trung quan tâm đến việc tiêm văc xin phòng Covid-19 bao phủ toàn dân, trong đó chú ý tiêm mũi bổ sung với một số đối tượng bị suy giảm hệ miễn dịch và có nguy cơ cao; tiêm mũi 3 cho người dân an toàn, đúng quy định; rà soát tiêm cho trẻ em từ đủ 12 - 17 tuổi và chuẩn bị khảo sát tiêm vắc xin trẻ em 5 - 11 tuổi; tuyên truyền cho người dân thực hiện tốt biện pháp 5K của Bộ Y tế; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát dịch bệnh tại các địa phương... 

Đối với công tác y dược cổ truyền đồng chí đề nghị tỉnh cần thực hiện tốt các văn bản của Trung ương về phát triển công tác y dược cổ truyền như: Quyết định 1893/QĐ-TTg về Chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại đến năm 2030; Quyết định 362/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống bệnh viện y học cổ truyền toàn quốc giai đoạn 2014 - 2025; Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có đầu tư phát triển vùng dược liệu quý. 

Thứ trưởng đề nghị tỉnh cần phát triển toàn diện về y học cổ truyền; kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại; phát triển vùng dược liệu quý của Yên Bái, trong đó chú ý giống cây, trồng và thu hoạch, chế biến và sử dụng. 

Tỉnh Yên Bái cần thành lập Ban Chỉ đạo phát triển y dược học cổ truyền; xây dựng kế hoạch tổng thể phát triển y dược học cổ truyền; Quy hoạch kinh tế xã hội và quy hoạch sử dụng đất để phát triển vùng dược liệu quý...

Cùng ngày, đoàn công tác của Bộ Y tế đã đến thăm và làm việc với Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh và Bệnh viện Đa khoa tỉnh. 

Trần Minh

Tags Y dược cổ truyền COVID-19 Đỗ Xuân Tuyên Vũ Thị Hiền Hạnh Ba kích Đẳng Sâm Giảo cổ lam Khôi tía Sơn Tra Thảo quả Quế

Các tin khác
Lãnh tụ Karl Marx, nhà tư tưởng vĩ đại. Ảnh 1: Getty Images

Karl Marx- nhà bác học thiên tài, nhà tư tưởng vĩ đại mà trí tuệ của ông xứng đáng được coi là trí tuệ của một người khổng lồ của thời đại.

Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh (bên phải) và Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh (bên trái) chúc mừng ông Nguyễn Trí Đại

Ông Nguyễn Trí Đại, Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Yên Bái, vừa được điều động làm Giám đốc BHXH TP.Đà Nẵng.

Tiếp tục chương trình tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều 4/5, tại xã Nậm Búng, huyện Văn Chấn, đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Yên Bái cùng các đại biểu Quốc hội tỉnh đã tiếp xúc cử tri các xã Gia Hội, Tú Lệ và Nậm Búng, huyện Văn Chấn.

Người đứng đầu cũng được quyền xem xét bổ nhiệm, miễn nhiệm cấp trưởng của tổ chức, cơ quan, đơn vị ở cấp hành chính do mình trực tiếp quản lý.

Bộ Chính trị quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục