Dự Hội nghị tại điểm cầu Yên Bái có các đồng chí: Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Chu Đình Ngữ - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Đảng bộ tỉnh.
Hoàn thành cơ bản các đề án, nhiệm vụ trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư
Năm 2021, ngành tổ chức xây dựng Đảng đã triển khai toàn diện, đồng bộ, hiệu quả các mặt công tác. Trong đó, đã hoàn thành cơ bản các đề án, nhiệm vụ trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp theo chương trình, kế hoạch công tác năm 2021. Tham mưu công tác nhân sự Đại hội XIII của Đảng, đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp; kiện toàn các chức danh lãnh đạo Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021 và 2021- 2026 đảm bảo thận trọng, kỹ lưỡng, khách quan.
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Yên Bái
Ngành đã tham mưu đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” trong nội bộ với mức độ cao hơn, góp phần xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh toàn diện, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng.
Việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, xây dựng vị trí việc làm gắn với nâng cao chất lượng, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đạt nhiều kết quả quan trọng. Kết quả tinh giản biên chế của toàn hệ thống chính trị đã đạt và vượt mục tiêu đề ra, khắc phục được tình trạng tăng biên chế trong nhiều nhiệm kỳ. Trong công tác tham mưu, ngành luôn chủ động, quyết liệt, khẩn trương, nêu gương, trách nhiệm, cầu thị, lắng nghe tạo được sức lan tỏa.
Đặc biệt coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; thực hiện nghiêm việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ươngTrương Thị Mai yêu cầu toàn ngành tổ chức xây dựng Đảng phải đặc biệt coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tập trung thực hiện hiệu quả 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Ngành tổ chức xây dựng Đảng cần nghiên cứu sâu sắc, tham mưu có hiệu quả, nhất là những vấn đề liên quan 3 đột phá chiến lược của Đảng về công tác xây dựng Đảng. Tiếp tục thực hiện tốt các nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế…
Đồng chí Trương Thị Mai cũng đề nghị toàn ngành cần thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII; đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đẩy mạnh phê bình và tự phê bình, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao tính chiến đấu của các tổ chức Đảng, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, xử lý nghiêm các tập thể và cá nhân vi phạm.
Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, đội ngũ cán bộ ngành tổ chức xây dựng Đảng đóng vai trò rất quan trọng, không chỉ yêu cầu cao về phẩm chất, năng lực, có uy tín mà còn phải nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có bản lĩnh chính trị vững vàng, nêu cao ý thức tự giác rèn luyện đạo đức, gương mẫu, công tâm, khách quan, chủ động trong tham mưu từng khâu của công tác cán bộ, bảo vệ cán bộ năng động dám nghĩ, dám làm, luôn nỗ lực vì lợi ích chung.
Thực hiện nghiêm việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, không để xảy ra vi phạm nguyên tắc của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, pháp luật của Nhà nước, vi phạm kỷ luật Đảng trong cơ quan, đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng Đảng, để có thể đảm bảo được sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và nhân dân về công tác cán bộ.
Mạnh Cường