Trong lịch sử Đảng ta, mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân luôn luôn được coi trọng, trở thành truyền thống và tạo thành nguồn sức mạnh của Đảng.
Đảng gắn bó máu thịt với dân. Đảng dựa vào sức mạnh vật chất và trí tuệ của dân, lấy đó làm sức mạnh và trí tuệ của mình để lãnh đạo nhân dân.
Đảng vì dân mà làm cách mạng. Dân gọi Đảng là "Đảng ta," đoàn kết chiến đấu dưới lá cờ của Đảng, theo Đảng làm cách mạng.
Đảng lãnh đạo, nhân dân đoàn kết, tạo nên rừng hoa thắng lợi
Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, là cột mốc chói lọi của lịch sử hiện đại dân tộc ta, là bước nhảy vọt to lớn của tiến trình cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX. Đảng ta ra đời chấm dứt cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối cứu nước, là điều kiện cơ bản quyết định phương hướng phát triển và sẽ giành thắng lợi của Cách mạng Việt Nam.
Đảng ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, rèn luyện và trưởng thành đã trở thành Bộ tham mưu chiến đấu kiên cường của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đoàn kết một lòng lập nên những kỳ tích của dân tộc trong thế kỷ XX: Tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, lập nên Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á; Tiến hành hai cuộc kháng chiến thần thánh, đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đưa dân tộc Việt Nam trở thành người chiến sỹ tiên phong chống chủ nghĩa đế quốc.
Tổ quốc thống nhất, đường lối của Đảng, ý chí đoàn kết của nhân dân ta đã tạo nên sức mạnh tổng hợp trên mặt trận phát triển kinh tế-xã hội.
Năm 1986, tại Đại hội VI, Đảng ta khởi xướng sự nghiệp đổi mới toàn diện của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, hợp quy luật, hợp lòng người nên đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, khơi dậy sự sáng tạo của mọi cấp, mọi ngành, mọi đơn vị, mọi người, tạo nên sức mạnh của dân tộc.
Với sức mạnh tổng hợp này, sau 36 năm đổi mới, đất nước đã giành được những thành tựu quan trọng về kinh tế-xã hội, chính trị ổn định, an ninh, quốc phòng, quan hệ đối ngoại được mở rộng, vị thế quốc tế tăng lên.
Kinh tế đất nước bước đầu chuyển dịch theo hướng hiện đại. Cơ cấu ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm khu vực nông nghiệp, tăng khu vực dịch vụ và công nghiệp.
Nước ta đã dần hình thành đầy đủ, đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường, vận hành cơ bản thông suốt, gắn kết với thị trường khu vực và quốc tế.
Thị trường hàng hóa, dịch vụ đã có bước phát triển và hoàn thiện về quy mô, cơ cấu hàng hóa-thị trường trong và ngoài nước, kết cấu hạ tầng thương mại, dịch vụ, cơ chế quản lý, mức độ cạnh tranh.
Tăng trưởng kinh tế đã cơ bản gắn kết hài hòa với phát triển văn hóa, xây dựng con người, tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường. An sinh xã hội cơ bản được đảm bảo, đặc biệt là trong vấn đề giảm nghèo, giải quyết việc làm, phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội, chính sách ưu đãi người có công với nước, trợ giúp xã hội, chính sách bảo hiểm y tế toàn dân tạo điều kiện để người dân được hưởng thụ nhiều hơn về văn hóa, y tế và giáo dục.
Kết thúc năm 2021, Việt Nam có nhiều điểm sáng tích cực: Dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát. Việt Nam là 1 trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine cao nhất trên thế giới. Kinh tế nước ta đang phục hồi tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt. Vốn FDI đăng ký ước đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm trước. Xuất khẩu đạt 336,3 tỷ USD, tăng 19% so với năm trước.
Và những thành tựu vĩ đại của chặng đường 92 năm qua là bắt nguồn từ sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng, với đội ngũ cán bộ, đảng viên tiên phong chiến đấu, gắn bó mật thiết với nhân dân và được sự ủng hộ của toàn dân.
Mối quan hệ giữa Đảng với Dân: "chân giá trị” cho sự ổn định và phát triển
Quá trình cách mạng đã giúp nhận thức sâu sắc một quan điểm có tính nguyên tắc trong xây dựng Đảng là: Quan hệ máu thịt giữa Đảng với dân là nguồn sức mạnh vô tận, là truyền thống đoàn kết vô cùng quá báu của Đảng ta, đó là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của Cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Trong mối quan hệ này, Đảng là lãnh tụ chính trị của quần chúng, Đảng là trí tuệ, là lương tri. Đảng là đại biểu cho lợi ích của giai cấp công nhân và của dân tộc, Đảng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của giai cấp và dân tộc.
Mục tiêu lý tưởng của Đảng là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người, để mọi người Việt Nam được sống trong độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc.
Sau khi hình thành cương lĩnh, đường lối, chính sách, Đảng phải thông qua hoạt động tư tưởng và tổ chức để giác ngộ quần chúng, cổ vũ quần chúng tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, lý tưởng cao cả của Đảng.
Khi Đảng Cộng sản trở thành Đảng cầm quyền thì mối quan hệ của Đảng với dân phải thấm nhuần những luận điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mối quan hệ này. Nội dung cơ bản của các luận điểm đó là: Đảng cầm quyền là Đảng đã lãnh đạo cuộc đấu tranh cách mạng giành chính quyền về tay nhân dân. Đảng là người lãnh đạo chính quyền của dân, do dân và vì dân. Đảng cầm quyền là Đảng lãnh đạo chính quyền nhằm tiến hành thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; hơn 98 triệu người dân Việt Nam được sống trong tự do, ấm no, hạnh phúc và có điều kiện phát triển toàn diện. Đảng cầm quyền nhưng luôn gắn bó máu thịt với nhân dân. Trong mối quan hệ này Đảng là người lãnh đạo, là người đày tớ trung thành của nhân dân.
Trước sứ mệnh lịch sử cao cả của Đảng trong thời kỳ đổi mới, một trong những nội dung cốt yếu là tiếp tục xây dựng và chỉnh đốn Đảng, là đổi mới và tăng cường mối quan hệ chặt chẽ giữa Đảng với dân và dân với Đảng.
Đổi mới và thực sự nâng cao chất lượng công tác dân vận, tức là công tác quần chúng của Đảng. Đây là toàn bộ hoạt động của Đảng Cộng sản nhằm tăng cường mối quan hệ khăng khít với dân.
Trong điều kiện Đảng Cộng sản trở thành Đảng cầm quyền thì mối liên hệ giữa Đảng và dân, dân và Đảng được thể hiện một cách sinh động bằng đường lối, chính sách và việc thực hiện đường lối, chính sách đó thông qua Nhà nước, các tổ chức quần chúng, tổ chức xã hội và tổ chức cơ sở Đảng.
Để củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và nhân dân, Đảng và Nhà nước phải làm rất nhiều việc cụ thể và thiết thực: Chăm lo đầy đủ và sâu sắc đến đời sống của nhân dân; đề ra chủ trương, chính sách hợp lòng dân, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân; thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng và chỉnh đốn Đảng, cơ quan Nhà nước thật sự trong sạch, vững mạnh; làm tốt công tác tư tưởng chính trị trong nhân dân; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; khắc phục những hiện tượng thoái hóa, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên.
(Theo Vietnam+)