Trên hành trình di chuyển qua các tỉnh Tây Bắc, có một cung đường hình rẻ quạt cách dải biên giới phía Bắc chừng 100 km. Thế nhưng không nhiều người biết, đó chính là con đường gắn với dấu mốc lịch sử (tháng 2 năm 1979) thời điểm xảy ra chiến tranh biên giới phía Bắc -Quốc lộ 279.
Vì được đặt tên theo mốc thời gian xảy ra cuộc chiến nên Quốc lộ 279 là quốc lộ duy nhất mang 3 chữ số. Đây cũng là con đường chiến tranh đứng thứ 2 về quy mô và độ dài (970 km) - chỉ sau đường Trường Sơn, nay là Đường mòn Hồ Chí Minh.
Theo các tài liệu lịch sử, ngày 17.2.1979 khi quân xâm lược đồng loạt tấn công 6 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam đã cắt đứt toàn bộ các tuyến quốc lộ Đông - Tây nối liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Lai Châu. Điều đó đồng nghĩa với việc cắt đứt đường tiếp viện của quân đội và nhân dân ta cho tiền tuyến.
Xác định cần phải có tuyến phòng thủ bảo vệ Thủ đô, tháng 2.1979, Đảng và Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Quốc phòng xây dựng con đường "vành đai 2” với mật danh N2 (sau chiến tranh gọi là Quốc lộ 279).
Ngay sau đó, Bộ Quốc phòng đã giao cho Binh đoàn 12 khảo sát, thi công tuyến đường này đi qua 10 tỉnh, thành. Để đảm bảo tiến độ, Bộ Quốc phòng cũng đã huy động 5 sư đoàn và 1 trung đoàn tham gia thi công tuyến đường mang tính chiến lược này.
Toàn tuyến Quốc lộ 279 sau chiến tranh biên giới 1979 trên bản đồ Việt Nam.
Quốc lộ 279 bắt đầu từ Quảng Ninh và kết thúc ở Điện Biên, điểm đầu của Quốc lộ 279 trước kia tại ngã ba Giếng Đáy nay là Ngã 4 Ao Cá, thuộc địa phận Phường Hà Khẩu, thành phố Hạ Long, điểm cuối tại Cửa khẩu quốc tế Tây Trang, tỉnh Điện Biên.
Toàn tuyến Quốc lộ 279 dài hơn 970 km (bao gồm các đoạn đi chung), qua các tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La và Điện Biên. Chiều dài Quốc lộ 279 chỉ đứng sau Đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 1A.
Trong số các đơn vị thi công tuyến đường này có Sư đoàn 391 được giao nhiệm vụ làm đoạn từ huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) qua tỉnh Lai Châu (nay là Điện Biên và Lai Châu) và đến tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay là Lào Cai và Yên Bái).
Quốc lộ 279 từ TP. Điện Biên Phủ đi Cửa khẩu quốc tế Tây Trang.
Mặc dù được giao nhiệm vụ thi công ở các tỉnh có địa hình phức tạp, đèo cao, vực sâu trong điều kiện vô cùng khó khăn, nhưng với khẩu hiệu "thần tốc” chỉ trong 8 năm (1979 -1987) Sư đoàn đã mở mới và nâng cấp 130 km đường trên quốc lộ 279.
Hay lực lượng công binh thuộc Lữ đoàn 7, Quân đoàn 3 đã tập trung nhân lực và trang bị kỹ thuật mở tuyến đường 279 từ Bình Gia, Lạng Sơn qua xã Cư Lễ, Lam Sơn, Na Rì ra xã Lãng Ngâm, Ngân Sơn, nối thông với trục đường Quốc lộ số 3. Tuyến đường này dài gần 100km, mặt đường rộng từ 4 - 6m, hàng chục cầu gỗ, cống, đường ngầm, đường tràn đã được xây dựng chắc chắn, bảo đảm cho các loại xe vận tải quân sự, dân sự lưu thông thông suốt.
Cuộc chiến tranh biên giới đã kết thúc tuy 43 năm, Quốc lộ 279 cũng đã có rất nhiều đoạn được đầu tư, nâng cấp. Cũng có nhiều đoạn bị xuống cấp do ít được sử dụng hay có đoạn đã nằm sâu dưới lòng hồ thủy điện...
Thế nhưng không thể phủ nhận Quốc lộ 279 đã và đang mang lại những ý nghĩa vô cùng quan trọng. Không chỉ có giá trị về mặt chiến lược quân sự mà nó còn đem lại những giá trị to lớn về các mặt kinh tế - xã hội của các địa phương mà nó đi qua.
(Theo LĐO)