Liên quan đến vụ kít xét nghiệm Việt Á, trong một diễn biến mới nhất, cuối tuần qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chính thức đề nghị xem xét, xử lý kỷ luật Ban lãnh đạo Học viện Quân y, trong đó có những cá nhân cụ thể như Bí thư Đảng ủy - Trung tướng Nguyễn Viết Lượng và Giám đốc Học viện - Trung tướng Đỗ Quyết.
Vậy Học viện Quân Y có liên quan gì trong vụ việc này? Theo tài liệu của cơ quan chức năng: Bộ kit xét nghiệm Covid-19 do Học viện Quân y phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á nghiên cứu, sản xuất là sản phẩm của một nhiệm vụ khoa học - công nghệ cấp quốc gia với tổng kinh phí gần 19 tỷ đồng chi từ ngân sách. "Nhiệm vụ khoa học" này được giao từ tháng 2/2020. Khoảng nửa tháng sau, ngày 3/3/2020, bộ kít xét nghiệm được nghiệm thu với những lời ca ngợi như "lần đầu tiên Việt Nam đã có bộ kit do chính Việt Nam sản xuất với số lượng lớn, chất lượng tốt tương đương với chất lượng bộ kit Việt Nam đang sử dụng của thế giới"... Sau đó 1 tháng, Bộ Y tế có văn bản chấp thuận cho lưu hành toàn quốc. Cho đến tháng 12/2021, Bộ Công an khởi tố vụ án, bắt Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á và các phần tử liên quan về tội nâng giá bộ kít xét nghiệm Covid 19 và đưa hối lộ.
Rồi đây, cơ quan chức năng sẽ làm sáng tỏ "sự hợp tác” giữa Công ty Việt Á và Học viện Quân y trong thực hiện "nhiệm vụ khoa học - công nghệ cấp quốc gia" này. Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương thì "một số cán bộ, lãnh đạo Học viện vi phạm nghiêm trọng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong quá trình đề xuất, tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ cấp quốc gia; nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 phục vụ công tác phòng chống dịch và việc mua sắm vật tư, kít xét nghiệm từ Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á”.
Vụ án liên quan Việt Á sẽ là 1 trong 10 đại án được đưa ra xét xử trong năm nay, nối dài danh sách những đại án mà ở đó, doanh nghiệp và quan chức là những liên minh ma quỷ. Một doanh nghiệp có thể làm khuynh đảo, tha hóa và kéo theo "một dây” cán bộ hầu tòa: Đó doanh nghiệp của Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm”), Đinh Ngọc Hệ ("Út "trọc”), Bùi Quang Huy (ông chủ doanh nghiệp Nhật Cường). Các đường dây đánh bạc trực tuyến, buôn lậu trên bộ, trên biển kéo theo hàng loạt tướng lĩnh, sĩ quan công an, quân đội… bị kỷ luật Đảng và vướng vòng lao lý. Các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản ở Khánh Hòa, Bình Dương, Bình Thuận và nhiều địa phương khác cũng khiến không ít quan chức thân bại, danh liệt.
Giờ đây, một doanh nghiệp không mấy tiếng tăm, bỗng "nổi lên như cồn” chỉ sau vài tháng vật lộn với đại dịch. Phan Quốc Việt- ông chủ Công ty Việt Á đã khiến hàng trăm quan chức ở Trung ương và địa phương lao đao, mất ăn, mất ngủ. Cho đến thời điểm này, hơn 20 cán bộ lãnh đạo và những người liên quan đã bị khởi tố, trong đó có lãnh đạo cấp vụ thuộc Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, giám đốc CDC 5 địa phương. Chắc chắn, con số chưa dừng lại ở đó. Bộ Công an đã chỉ đạo công an 62 tỉnh, thành tiếp tục làm sáng tỏ vụ việc. Cơ quan điều tra đã tiến hành phong toả, kê biên, thu hồi tài sản bị can và các đối tượng liên quan với số tiền hơn 1.600 tỷ đồng. Theo khai nhận của Phan Quốc Việt (Tổng giám đốc Công ty Việt Á), doanh nghiệp này đã chi "hoa hồng" cho các đơn vị, cá nhân gần 800 tỷ đồng, thu lợi bất chính trên 500 tỷ đồng.
Chủ trương chống dịch gấp gáp, quyết liệt từ Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đã bị những người thực thi làm biến dạng, méo mó. Đau lòng thay, chỉ cách đó không lâu, cựu Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm đã bị xử 10 năm tù giam do vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Đương nhiên, một mình Vũ "nhôm”, 10 Út "trọc” hay 20 Phan Quốc Việt cũng không thể làm gì nếu không có sự tiếp tay của những kẻ thoái hóa, biến chất. Những vụ việc nói trên là điển hình cho việc cấu kết giữa quyền lực chính trị bị tha hóa và quyền lực kinh tế lũng đoạn.
Tham nhũng luôn song hành cùng quyền lực. Một cá nhân nắm quyền hành mà không bị giám rất dễ dẫn tới tha hóa và bị cám dỗ. Chính vì thế, chỉ khi nào QUYỀN LỰC được gắn với TRÁCH NHIỆM BỊ KIỂM TRA, bị giám sát một cách dân chủ và kỷ luật, thì khi đó mới hạn chế được tha hóa quyền lực, mới không bị kẻ xấu - vốn dĩ luôn rình mò - để thừa cơ dụ dỗ, lôi kéo.
Khi vướng vòng lao lý, doanh nghiệp sụp đổ, còn quan chức không chỉ mất tiền, mất của, mất tự do, mà lớn hơn, mất danh dự, mất niềm tin của nhân dân.
Khi thế lực kim tiền liên kết với quyền lực chính trị bị tha hóa, thoái hóa thì tai họa khủng khiếp. Đó chính là sinh tử của một chế độ, của cả dân tộc.
Không ít lần, người đứng đầu Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói những lời gan ruột với đội ngũ cán bộ toàn quốc, nhắc đến liêm chính, liêm sỉ và những việc làm ti tiện, đớn hèn, mang tai, mang tiếng của một số cán bộ lãnh đạo. Trong mối quan hệ giữa tài và đức, ông luôn coi đức là gốc bởi dù có là tướng lĩnh, sỹ quan, anh hùng hay nhà khoa học, dù có tài bao nhiêu mà không giữ được danh dự, bản lĩnh thì nhân dân cũng không cần những cán bộ như vậy. Tổng Bí thư cũng hơn một lần cảnh báo về chủ nghĩa cá nhân, coi đó là kẻ thù hung ác, là thứ giặc nội xâm dù nó không mang gươm, mang súng…
Những lời gan ruột đó chưa bao giờ là muộn.
Đại án Việt Á, dù biết chắc chắn rằng sẽ tác động rất lớn đến niềm tin của nhân dân nhưng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu vẫn quyết liệt chỉ đạo, "đau” mấy cũng phải làm. Bộ Công an dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã làm việc "xuyên Tết, xuyên Covid” để sớm trả lời những băn khoăn của dư luận.
(Theo VOV)