Tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Yên Bái có đồng chí Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Ngô Hạnh Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Doanh nghiệp Nhà nước luôn đồng hành và giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN được Đảng, Nhà nước rất quan tâm và được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành trong việc triển khai các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, của các địa phương và của doanh nghiệp nhà nước.
Trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, DNNN luôn đồng hành và giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Đặc biệt, trong giai đoạn đổi mới phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN với nền kinh tế nhiều thành phần, DNNN luôn giữ vững vai trò quan trọng, then chốt và là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế Nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị.
Cần nhận diện những điểm nghẽn trong cơ chế chính sách
Tuy nhiên, dù đang nắm giữ nguồn lực lớn nhưng các DNNN chưa thể hiện được vai trò dẫn dắt, tạo động lực, mở đường, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác. Để thúc đẩy DNNN phát triển bền vững, phát huy được thế mạnh, tiềm năng của mình, Thủ tướng chỉ rõ: rất cần nhận diện những điểm nghẽn trong cơ chế chính sách trong lĩnh vực này và tồn tại trong chính các doanh nghiệp để từ đó đưa ra các định hướng, giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.
Hết năm 2020, Việt Nam còn gần 500 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và gần 200 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối (trong số 350 doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước). Nếu loại trừ các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh và nông, lâm nghiệp thì chỉ còn 94 DNNN quy mô lớn, gồm: 9 tập đoàn kinh tế, 67 tổng công ty nhà nước, 18 công ty hoạt động theo mô hình nhóm công ty mẹ - công ty con.
Trong giai đoạn vừa qua, DNNN đã đạt được một số kết quả quan trọng, như nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao; tạo nguồn doanh thu và thu ngân sách đáng kể. Các DNNN cũng đang thực sự đóng vai trò chi phối trong một số ngành lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế. Tổng vốn đầu tư của DNNN chiếm 24,6% so với tổng vốn đầu tư của nhà nước và chiếm 12% tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong giai đoạn 2016-2020.
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Yên Bái.
Tại Hội nghị, lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cùng một số địa phương đã nêu những vướng mắc, khó khăn cần tháo gỡ cũng như đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, giải pháp huy động tối đa nguồn lực của DNNN trong phát triển kinh tế - xã hội.
Yên Bái có 13 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước và doanh nghiệp có vốn Nhà nước
Tỉnh Yên Bái trong những năm qua đã triển khai xây dựng các phương án sắp xếp DNNN để tổ chức triển khai thực hiện. Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã hoàn thành cổ phần hoá 5 DNNN, sáp nhập 1 lâm trường vào Ban Quản lý rừng phòng hộ thuộc cấp huyện quản lý; giải thể 1 doanh nghiệp.
Nhìn chung, các doanh nghiệp sau khi hoàn thành các phương án sắp xếp, đổi mới đã phát huy nội lực, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, chủ động trong đầu tư, mở rộng lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến hết năm 2021, tỉnh Yên Bái còn 13 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước và doanh nghiệp có vốn Nhà nước.
Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục nghiên cứu phương án sắp xếp các DNNN, thoái vốn doanh nghiệp có vốn Nhà nước thuộc tỉnh theo danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành nhằm tiếp tục đổi mới cơ cấu, sắp xếp lại mô hình hoạt động và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Thanh Chi - Đức Toàn