Tên thật của đồng chí là Nguyễn Công Miều, sinh ngày 28/3/1912, trong một gia đình nhà nho tại thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Thuở nhỏ, được gia đình hết lòng chăm lo việc ăn học nên khi 13 tuổi, Lê Văn Lương đã theo học tại Trường Bưởi (Hà Nội).
Năm 1927, mới 15 tuổi, nhờ tích cực tham gia phong trào đấu tranh yêu nước nên Lê Văn Lương được kết nạp vào Học sinh Đoàn, một tổ chức thuộc Hội Việt Nam cách mạng thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Vào Hội, Lê Văn Lương càng hăng hái tham gia hoạt động, tích cực học tập để nâng cao giác ngộ về chủ nghĩa Mác - Lê-nin.
Tháng 9/1928, Hội nghị đại biểu Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ họp và phân tích tình hình, nhận thấy phần lớn hội viên trong Hội đều thuộc thành phần trí thức, tiểu tư sản nên đã đề ra chủ trương "vô sản hóa” nhằm tạo sự giác ngộ sâu sắc lập trường giai cấp công nhân.
Lê Văn Lương là người ủng hộ chủ trương: "…thâm nhập sâu vào quần chúng, mang những điều hay, lẽ phải tới làng quê, trường học, xưởng máy và trại lính; từ bỏ những bộ cánh sang trọng và mặc những bộ quần áo rách rưới của người vô sản, trở thành công nhân, nông dân, những người dân thường… Chỉ bằng cách đó, chúng ta mới có thể đưa lại cho các chi bộ chưa định hình và còn non nớt trên đất nước ta sự quả cảm và sức mạnh”.
Gương mẫu thực hiện chủ trương này, tháng 8/1929, sau khi được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng (tháng 6/1929), đồng chí Lê Văn Lương xung phong đi "vô sản hóa” ở Nam Bộ. Đồng chí đến Sài Gòn đúng vào thời điểm chính quyền thực dân bắt đầu chiến dịch khủng bố lớn, bắt bớ rất nhiều người mà chúng cho là có hoạt động chống đối. Mặc cho chính sách khủng bố của kẻ thù, đồng chí Lê Văn Lương đã hòa mình vào đời sống thợ thuyền ở nhiều cơ sở công nghiệp, như hãng dầu Nhà Bè, xưởng Faci, xưởng Ba Son, cảng Nhà Rồng…
Anh thanh niên 17 tuổi ấy đã làm mọi thứ việc, kể cả phu khuân vác để tìm hiểu đời sống công nhân và những thủ đoạn bóc lột của bọn chủ, để tuyên truyền, vận động công nhân. Nhờ đó, chỉ trong một thời gian ngắn, ngay tại Sài Gòn - Gia Định, Lê Văn Lương cùng những đồng chí của mình đã phát triển được nhiều cơ sở đảng, làm hạt nhân cho việc thành lập các chi bộ cộng sản.
Tháng 3/1931, đồng chí Lê Văn Lương bị thực dân Pháp bắt khi đang trực tiếp chỉ đạo cuộc đấu tranh của hơn 400 công nhân Hãng dầu Socony. Năm 1933, Lê Văn Lương bị thực dân Pháp kết án tử hình. Do phong trào đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân, địch buộc phải hạ án của đồng chí xuống mức chung thân và đày ra "địa ngục trần gian” Côn Đảo.
Tại đây, cùng nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng như Phạm Hùng, Tôn Đức Thắng, Ngô Gia Tự… đồng chí trở thành hạt nhân của phong trào đấu tranh trong tù, biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí Lê Văn Lương trở về đất liền và trải qua nhiều trọng trách Đảng giao: Ủy viên Xứ ủy Nam Bộ, Bí thư Văn phòng Trung ương Đảng, Giám đốc Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Bí thư Khu ủy Tả Ngạn…
Cuối năm 1956, đầu năm 1957, khi Bác Hồ và Trung ương Đảng nhận thức được sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, với cương vị Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương, đồng chí Lê Văn Lương là người tích cực đi xuống cơ sở nắm tình hình, xác minh những sai lầm để báo cáo với Bác Hồ và Trung ương Đảng, giúp Trung ương đề ra những biện pháp sửa sai.
Đồng chí dũng cảm nêu lên tất cả những sai lầm, thể hiện trong bản báo cáo do đồng chí chuẩn bị trình Hội nghị Trung ương 10 (khóa II) vào tháng 9/1956. Bản báo cáo đã nhìn thẳng vào sự thật, chỉ ra nguyên nhân và khuyết điểm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức.
Hội nghị đã nhất trí ngay với những vấn đề đồng chí Lê Văn Lương đề xuất như: Thả ngay những người bị bắt oan, minh oan cho những người bị bắn oan, bị xử lý oan, khôi phục đảng tịch cho đảng viên bị oan…
Do đó, công tác sửa sai của Đảng được tiến hành khẩn trương và có kết quả. Với danh dự của người cộng sản chân chính, nhận thức rõ những sai lầm của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng có một phần trách nhiệm của mình, đồng chí Lê Văn Lương đã dũng cảm nhận khuyết điểm và xin rút khỏi vị trí Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương.
Sau đó, dù trên cương vị Phó Trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương, rồi trở lại vị trí Trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương, hay Bí thư Thành ủy Hà Nội, đồng chí Lê Văn Lương đều thể hiện tấm gương người cách mạng mẫu mực, lời nói đi đôi với việc làm, thậm chí làm nhiều hơn nói, thông qua hành động để giáo dục mọi người. Đồng chí đã để lại một hình mẫu đẹp về người cộng sản chân chính.
B.T