Với nhiệm vụ được giao là làm công tác sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn lịch sử truyền thống của Đảng bộ nên tôi thường xuyên phải ghi chép thông tin, tư liệu, tích lũy để phục vụ công tác chuyên môn. Có những thông tin, tư liệu được sử dụng ngay, nhưng có những thông tin vài chục năm sau mới hữu ích.
Trong một chuyến làm việc với nhân chứng lịch sử năm 1988, tôi có ghi lại thông tin về gia đình đồng chí Mai Văn Ty với mấy dòng ít ỏi: Đồng chí Mai Văn Ty có vợ tên là Bổng, làm công nhân nhà máy dệt, nhà ở Yên Phụ (Hà Nội).
25 năm sau, vào một chiều mùa đông lạnh giá, tôi đã trở về nhà sau thời gian làm việc thì nhận được điện thoại của Chánh Văn phòng nói ra cơ quan có việc. Tôi đến và gặp 3 người nam giới, một người khoảng ngoài 60 tuổi, giới thiệu tên là Mai Văn Hiệp, từ Hà Nam lên đây tìm thông tin về đồng chí Mai Văn Ty.
Qua các phương tiện thông tin, thời gian gần đây những người trong dòng họ mới được biết ông Mai Văn Ty, người bác ruột của mình đã rời quê hương từ năm 1938 là người cộng sản, tham gia hoạt động cách mạng. Chiến tranh, lưu lạc. Người đồn ông làm ở Hà Nội, Hải Phòng... Người đồn ông làm cai, làm ký cho thực dân Pháp. Nhưng cũng có người đồn ông làm cộng sản... Cũng có nghe ông lên tận Yên Bái, Lào Cai. Ông đã làm gì, ở đâu, còn hay mất, có gia đình hay chưa, hiện nay, gia đình và người thân của ông ở đâu vẫn là một dấu chấm hỏi lớn.
Đã có thời gian, những người trong họ tộc Mai Văn ở làng Vàng, xã An Thư, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, nay là thôn Hoàng, xã Trịnh Xá, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam đã cử nhau đi hỏi, đi tìm nhưng thông tin về người bác ruột Mai Văn Ty vẫn mịt mù. Có một lần, qua thông tin họ được biết tỉnh Lào Cai có một con đường mang tên Mai Văn Ty.
Gia đình đã lên thành phố Lào Cai, tìm đến các cơ quan chức năng thì được biết, con đường mang tên Mai Văn Ty là một đồng chí đảng viên, chưa rõ quê quán hoạt động cách mạng ở đề pô Phố Mới, nhưng đã bị Quốc dân đảng sát hại từ năm 1945. Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lào Cai đã giới thiệu gia đình về Yên Bái tìm hiểu thêm vì trước khi chuyển lên đề pô xe lửa Phố Mới, đồng chí Mai Văn Ty đã từng làm ở đề pô xe lửa Yên Bái.
Không tắt hy vọng, họ trở về Yên Bái, tới Ban Tổ chức Thành ủy Yên Bái thì đồng chí cán bộ nói mới chuyển đến công tác không biết thông tin, giới thiệu tiếp đến Ban Tổ chức Tỉnh ủy. Đồng chí Thân - Trưởng phòng Chính sách cán bộ đã giới thiệu họ sang Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, vì Ban có chức năng sưu tầm tư liệu về lịch sử Đảng bộ.
Gặp bác Mai Văn Hiệp, tôi cũng thấy mừng. Nếu đây thật sự là những người thân của đồng chí Mai Văn Ty thì chúng tôi lại có thêm tư liệu, vì trước đây phần quê quán của đồng chí vẫn còn bỏ trống vì chưa có thông tin chính xác. Tôi nhớ đến cuốn sổ cũ, đi tìm...
Trong cuốn sổ ấy, nét mực đã nhòe mờ. Có thông tin, mặc dù chiều đã rất muộn, bác Hiệp và những người trong đoàn đã tức tốc về luôn không nhận lời mời ở lại của Ban. Tôi cho các bác số điện thoại của mình và nói rằng sẽ tiếp tục cùng các bác tìm thêm thông tin.
Ý định nung nấu tìm người thân trong họ đã le lói tia hy vọng. Song Hà Nội rộng lớn, vừa có phố Yên Phụ, đường Yên Phụ và làng Yên Phụ. Đã bao nhiêu năm trôi qua, gia đình còn ở đấy hay đã dời đi nơi khác... Và cũng như có thần giao cách cảm, gần 10 giờ đêm, họ mới về đến làng Yên Phụ. Vẫn còn một số ngôi nhà sáng đèn. Họ hỏi thăm đến ngôi nhà thứ 9 thì nhìn thấy trên tường treo tấm bằng Tổ quốc ghi công mang tên Liệt sĩ Mai Văn Ty.
Đó chính là ngôi nhà của bà Mai Thị Bính, người con gái duy nhất của đồng chí Mai Văn Ty. Bà sinh ra nhưng chưa nhớ nổi mặt cha, chỉ được nghe nói về cha qua lời kể của mẹ - cụ Nguyễn Thị Bổng, vợ đồng chí Mai Văn Ty cũng chưa một lần biết và về thăm quê hương, họ hàng của chồng. Anh em họ hàng xa cách 75 năm ly tán vì chiến tranh, cách trở, người còn, người mất nay mới được gặp nhau, mừng rơi nước mắt.
Lúc này, ông Hiệp và những người trong đoàn mới nhớ ra là họ ăn cơm từ buổi trưa mà không thấy đói. Khoảng 11 giờ khuya hôm đó, tôi nhận được điện thoại của bác Hiệp, giọng bác reo lên trong nghẹn ngào:
- Cháu ơi, bác tìm được rồi!
Trong lòng tôi cũng trào lên một niềm vui, niềm hạnh phúc như chính mình tìm được người thân. Sau đó, đại diện cho gia đình, bác Hiệp có gửi một bức thư, bày tỏ sự cảm ơn đến Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Yên Bái và cá nhân tôi.
Cũng từ đó, mối quan hệ của tôi với gia đình bà Mai Thị Bính như gần hơn. Vào các dịp 30/6 hàng năm, tôi đều gọi điện hỏi thăm. Nhiều dịp về Hà Nội, tôi đã ghé thăm ngôi nhà trong làng Yên Phụ, nơi thờ tự đồng chí Mai Văn Ty và nhận được sự đón tiếp thân mật như những người thân trong gia đình.
Với tôi... kỷ niệm đó thật đáng nhớ và trân trọng.
Hà Thị Ngọc Lan (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)