Kinh nghiệm tuyển chọn cán bộ ở Yên Bái - Bài 2: Luân chuyển để rèn luyện, trưởng thành

  • Cập nhật: Thứ ba, 19/4/2022 | 8:02:36 AM

YênBái - Việc điều động, luân chuyển là cơ hội để cán bộ được thử thách, bồi dưỡng, rèn luyện trong thực tiễn, nhất là cán bộ trẻ, có triển vọng, giúp cán bộ vững vàng và trưởng thành hơn qua thực tiễn công tác ở cơ sở, đặc biệt góp phần khắc phục tình trạng cán bộ cấp trên "Chỉ biết trông từ trên xuống”, còn cán bộ ở địa phương "Chỉ biết trông từ dưới lên”.

Đồng chí Bùi Thị Doan - Bí thư Đảng ủy thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn trao đổi với người dân về chủ trương kiên cố hóa giao thông nông thôn.
Đồng chí Bùi Thị Doan - Bí thư Đảng ủy thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn trao đổi với người dân về chủ trương kiên cố hóa giao thông nông thôn.

"Lửa thử vàng”

Để có những cán bộ lãnh đạo, quản lý "vừa hồng, vừa chuyên” cần thực hiện luân chuyển để đào tạo, rèn luyện qua thử thách, kinh qua nhiều công việc, trọng trách, môi trường làm việc khác nhau… Qua đó, giúp cán bộ tích lũy kinh nghiệm, bộc lộ năng lực, sở trường của mình bằng những kết quả, sản phẩm cụ thể. Vượt qua khó khăn, thử thách cũng là thước đo quan trọng về ý chí cách mạng, đạo đức công vụ, năng lực quản lý… của mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý. 

Đồng chí Chu Đình Ngữ - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: Luân chuyển cán bộ tạo cơ hội cho cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện qua thực tiễn công tác; tăng cường cán bộ đối với những địa bàn khó khăn; khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ và tình trạng sử dụng, bố trí cán bộ đảm nhận chức vụ cấp trưởng quá lâu ở một cơ quan, đơn vị. 

Là cán bộ nữ thuộc Đề án 11 của Tỉnh ủy, đồng chí Hoàng Thị Thanh Vân - nguyên Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Lục Yên được điều động, luân chuyển giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Tân Lĩnh từ tháng 4/2020. Khi về nhận nhiệm vụ công tác ở cơ sở cũng gặp không ít khó khăn, do trước đây chỉ làm công việc chuyên môn thuần tuý, thiếu kinh nghiệm thực tiễn... Song, được sự đồng thuận ủng hộ, tinh thần đoàn kết trong cấp ủy, chính quyền nên sau một thời gian ngắn chị đã "bắt nhịp” với công việc mới. 

Bí thư Hoàng Thị Thanh Vân tâm sự: Trong quá trình công tác, việc thường xuyên đi sâu, đi sát cơ sở để gặp gỡ, gần gũi, lắng nghe tâm tư nguyện vọng, giải quyết kịp thời, thấu đáo những vấn đề mà nhân dân quan tâm nên mọi công việc triển khai ở địa phương được nhân dân đồng tình ủng hộ cao và đạt được nhiều kết quả nổi bật như: phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn, chương trình thắp sáng đường quê, thực hiện xóa đói, giảm nghèo..., góp phần đưa Tân Lĩnh "cán đích” nông thôn mới vào cuối năm 2021. 

Không chỉ với Bí thư Đảng ủy xã Tân Lĩnh Hoàng Thị Thanh Vân mà với những cán bộ được điều động, luân chuyển công tác đều xác định đây là cơ hội để rèn luyện, thử thách bản thân. Trong quá trình công tác họ đã học hỏi, tích lũy rất nhiều kinh nghiệm về phương pháp lãnh đạo, kỹ năng giao tiếp, cách ứng xử với nhân dân và thấu hiểu cơ sở hơn. Qua đó, kịp thời tham mưu với lãnh đạo cấp trên để giải quyết những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc ở cơ sở. 

Tháng 11/2019, khi đang là Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện Văn Chấn, đồng chí Bùi Thị Doan được Ban Thường vụ Huyện ủy điều động, luân chuyển về làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Tú Lệ. Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXI, chị được bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy xã nhiệm kỳ 2020 - 2025. Là một xã vùng đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn, Tú Lệ từng là địa bàn trọng điểm phức tạp về tình hình an ninh trật tự, tệ nạn xã hội, cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, người dân vẫn còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và tỷ lệ hộ nghèo cao… 

Đồng chí Bùi Thị Doan chia sẻ: "Sau hơn 2 năm được điều động, luân chuyển về cơ sở đã giúp tôi được rèn luyện và trưởng thành, tích lũy rất nhiều kinh nghiệm từ thực tiễn và với cương vị là người đứng đầu cấp ủy, mình phải là người gương mẫu đi đầu, tâm huyết, trách nhiệm và quyết đoán trong mọi công việc "dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, gắn bó mật thiết để thấu hiểu, chia sẻ với những khó khăn, vất vả của nhân dân thì mới được nhân dân tin tưởng, đồng thuận "đi dân nhớ, ở dân thương”...”. 

Sau 2 năm giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Tú Lệ và địa phương hoàn thành mục tiêu được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đến đầu tháng 1/2022, chị tiếp tục được điều động về giữ chức Bí thư Đảng ủy thị trấn Sơn Thịnh.


Trao cơ hội cống hiến

Từ năm 2017 đến nay, công tác luân chuyển cán bộ đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc theo đúng chủ trương, quan điểm, mục đích, yêu cầu, quy định của trung ương và đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương, cơ sở, đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu trong công tác luân chuyển cán bộ. 

Kết quả từ khi thực hiện Quy định số 98-QĐ/TW và Quy định số 07-QĐ/TU của Tỉnh ủy Yên Bái về công tác luân chuyển cán bộ, đến nay toàn tỉnh đã thực hiện luân chuyển 189 lượt cán bộ, trong đó từ trung ương về tỉnh 2 lượt; từ tỉnh về huyện 20 lượt; huyện về tỉnh 15 lượt; huyện này sang huyện khác 12 lượt; ngành này sang ngành khác 11 lượt; huyện về xã 71 lượt; từ xã về huyện 11 lượt và từ xã này sang xã khác 47 lượt. 

Khi được luân chuyển về các cơ sở mới, tuy không phải quê hương bản quán nhưng nhiều bí thư cấp ủy đã phát huy kinh nghiệm, trình độ năng lực, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng tổ chức đảng nơi công tác trong sạch, vững mạnh.

Bí thư Đảng ủy xã Mai Sơn, huyện Lục Yên Hoàng Trung Chinh tâm sự: "Sau 2 năm công tác ở cơ sở, bản thân tôi đã học hỏi, tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm từ thực tiễn, đó là không thể dập khuôn, máy móc những điều như trong sách vở đã học mà phải biết vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo, xuất phát từ tình hình, điều kiện thực tế để triển khai thực hiện nhiệm vụ sao phù hợp, hiệu quả”. 


Việc luân chuyển cán bộ về cơ sở làm bí thư đảng ủy xã giúp cán bộ trẻ có cơ hội rèn luyện, trưởng thành. (Trong ảnh: Bí thư Đảng ủy xã Mai Sơn Hoàng Trung Chinh nắm bắt tình hình phát triển kinh tế trong nhân dân).

Từ thực tiễn của một số đồng chí bí thư cấp ủy được điều động, luân chuyển, hoán đổi địa bàn công tác cho thấy, chủ trương bố trí bí thư cấp ủy không phải là người địa phương rất có ý nghĩa trong việc thử thách, rèn luyện cán bộ, giúp nâng cao bản lĩnh, kỹ năng trong giải quyết các vấn đề đặt ra để lãnh đạo địa phương hoàn thành tốt nhiệm vụ và trưởng thành. 

Từ năm 2019 đến nay, huyện Lục Yên đã điều động, luân chuyển 37 cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ quan, đơn vị, địa phương. Trong đó, từ huyện về xã 12 đồng chí, từ xã này sang xã khác 14 đồng chí, từ cơ quan này sang cơ quan khác 11 đồng chí; điều động 100% cán bộ cấp trưởng, cấp phó các cơ quan, đơn vị của huyện giữ một chức vụ liên tục ở một cơ quan từ 8 năm trở lên. 

Đồng chí Hoàng Hữu Độ - Bí thư Huyện ủy Lục Yên cho biết: "Việc sắp xếp, điều động, luân chuyển cán bộ là cơ hội để mỗi cán bộ được thử thách, rèn luyện, nhất là cán bộ trẻ, có triển vọng và giúp cán bộ trưởng thành hơn. Đa số cán bộ đã phát huy vai trò, năng lực, sở trường, nhanh chóng tiếp cận, nắm bắt tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị, đóng góp công sức, trí tuệ, tích cực, chủ động, hăng hái cùng với tập thể cấp ủy địa phương, lãnh đạo cơ quan, đơn vị cụ thể hóa các chủ trương, giải pháp trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu quả”. 

Thông qua thực tiễn làm cho cán bộ hiểu thấu tình hình, góp phần khắc phục tình trạng cán bộ cấp trên "Chỉ biết trông từ trên xuống”, còn cán bộ ở địa phương "Chỉ biết trông từ dưới lên”. Việc luân chuyển cán bộ là để kết hợp kinh nghiệm cả hai bên, trên, dưới cùng thấu hiểu tình hình, cùng hợp trí, hợp lực để ra chủ trương, biện pháp, thống nhất hành động thúc đẩy phong trào đi lên. 

Cán bộ luân chuyển đảm bảo các yêu cầu về tiêu chuẩn, điều kiện, phát huy tốt năng lực, sở trường công tác, tích lũy được nhiều kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, từng bước trưởng thành, phát triển; nhiều đồng chí sau khi luân chuyển, hoàn thành tốt nhiệm vụ đã được bố trí, sắp xếp, đề bạt, bổ nhiệm giữ các chức vụ cao hơn.

Đức Toàn
(Bài cuối: Xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ)

Tags Yên Bái luân chuyển lãnh đạo quản lý Đề án 11 Quy định số 98

Các tin khác
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. Ảnh: TTXVN

Với quyết tâm cao nhất, sau 10 tháng nỗ lực làm việc khẩn trương, hiệu quả, dự thảo lần thứ nhất Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" đã được hình thành.

Đồng chí Chu Đình Ngữ - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Ban Tổ chức Tỉnh ủy phát biểu tham luận tại Hội thảo về kinh nghiệm tuyển chọn cán bộ tại tỉnh Yên Bái.

Công tác tuyển chọn cán bộ là khâu quan trọng nhằm lựa chọn đúng cán bộ phù hợp với yêu cầu của công việc, đủ khả năng gánh vác trọng trách, giúp cán bộ phát huy hết tài năng, trí tuệ để đóng góp, cống hiến sức mình phục vụ cho sự nghiệp xây dựng quê hương và phát triển đất nước. Trong những năm qua, Yên Bái đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng về công tác cán bộ.

Một tuyến đường nông thôn ở huyện Trấn Yên.

Sau hơn 11 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM), diện mạo nông thôn Yên Bái có sự đổi thay rõ nét; đời sống nhân dân được nâng cao, hệ thống chính trị được kiện toàn, củng cố, đảm bảo chất lượng, hiệu quả hoạt động; sản xuất nông nghiệp phát triển mạnh mẽ. Đó là sự nỗ lực của các cấp, các ngành, nhân dân các dân tộc trong tỉnh và có sự đóng góp không nhỏ từ công tác tuyên truyền, định hướng nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong XDNTM...

Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 12 (mở rộng)/ Yên Bái dự Hội nghị trực tuyến quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị/ UBND tỉnh phát động phong trào thi đua năm 2022/ Các ban và cơ quan xây dựng Đảng tỉnh triển khai nhiệm vụ quý II/ Tổ chức đón tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh Lào/Ra quân cao điểm đảm bảo trật tự an toàn giao thông dịp 30/4-1/5/ Tiếp tục giảm mạnh ca mắc mới COVID-19... là những nội dung đáng chú ý trong tuần qua.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục