Yêu nghề
Người làm công tác tuyên giáo trước kia, chủ yếu là cây bút, trang giấy, báo viết, bản tin nội bộ, radio và lòng yêu nghề. Trong cuộc sống và công tác, khó có thể so sánh được tính ưu việt trong sự lựa chọn ngành nghề, lĩnh vực, việc làm. Nhưng là người trong cuộc, tôi thấy được làm cán bộ tuyên giáo thực sự là một hạnh phúc.
Với hành trang trong suốt cả chặng đường công tác, đó là thông tin: thông tin làm chủ bầu trời tư tưởng, thông tin dự báo, thông tin định hướng, thông tin sự kiện, thông tin tình hình, thông tin đấu tranh phản bác, thông tin chính thống.
Có người nói, người làm công tác tuyên giáo là người "đi trước, đi cùng, về sau”. Họ được chào đón với một thái độ trân trọng, thán phục của mọi người trước đám đông, trên sân khấu, trong hội trường và ngoài xã hội, quan trọng hơn cả là sự yêu quý từ trong tâm của người nghe. Từ nghề tạo nên vị thế, từ nghề làm nên giá trị và chỉ có tình yêu nghề, người có tâm, có đức, có trình độ, có nhiệt huyết, có "quả tim nóng” mới tạo nên sự cao quý của nghề.
Thời là "tân binh” mới vào ngành còn nhiều gian khổ, thiếu thốn, phải vật lộn với nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày, nhưng không làm giảm đi tình yêu với nghề tuyên giáo. Chỉ có hiểu được nghề mới có tình yêu và làm trong nghề được. Khi đó nghe 10 chữ nói về nghề "Điều, nghiên, phân, tổng, phổ, tuyên, văn, giáo, huấn, hành” không phải đã hiểu và làm ngay được. Có thâm niên ngành là một yếu tố rất quan trọng để hiểu được việc và yêu được nghề. Với từng đấy năm công tác, đối chiếu với tiêu chuẩn cán bộ tuyên giáo là "Nói được, viết được, làm được”, tôi tự thấy mình cũng còn chưa làm tốt được tất cả.
Đơn cử như công tác tuyên truyền miệng, làm được điều "Không phải bắt người ta nghe cái điều mình cần nói, mà nói những điều người ta cần nghe” đã là cả một câu chuyện. Cũng từ trong công tác, tự nghiệm thấy rằng, công tác tuyên giáo không chỉ gắn với nhau bằng cái nghề, mà thực sự ở lại trong mỗi chúng ta bằng cái nghiệp. Cái nghề, cái nghiệp đó đòi hỏi một tình yêu trong sáng trong một lĩnh vực hoạt động trí tuệ, khoa học, có nghệ thuật trên nền tiêu chuẩn của người cán bộ tuyên giáo "Vừa hồng, vừa chuyên”.
Tình dân
Nhớ lại những năm 80 - 90 của thế kỷ trước, khi về cơ sở làm công tác tuyên giáo, phương tiện chỉ là xe đạp và đi bộ. Từ huyện lỵ Văn Chấn đi Sùng Đô phải gửi xe đạp nhà dân ở Sơn Lương rồi đi bộ lên xã khoảng 2 - 3 tiếng đường rừng mới đến Nà Nọi. Để có mặt tại trung tâm xã Nậm Mười, đường bộ gần nhất là phải qua làng Cò, đường dốc quanh co, suối sâu, vực thẳm, cũng chừng ấy thời gian đường rừng. Xuống An Lương, đi bộ xuôi ven suối Thia cũng ngót một buổi mới tới Mảm.
Những chuyến đi cơ sở như vậy, với một số cán bộ trẻ hiện nay sẽ khó hình dung ra được. Bởi lẽ bây giờ về mọi miền quê, cơ bản đều đã có đường ô tô và điện lưới. Trước kia, trụ sở làm việc của xã chủ yếu là nhà gỗ, bưng bằng tre, nứa (hiếm có nhà xây). Hầu như không có quán ăn. Làm việc với lãnh đạo xã phải rất linh hoạt. Có lúc ở trụ sở, có lúc trực tiếp tại tư gia của bí thư hoặc chủ tịch xã. Thậm chí, có lần vừa cùng bí thư xã đi nương rẫy vừa trao đổi công việc...
Thời kỳ đó, cán bộ làm công tác tuyên giáo phải kết hợp rất nhiều nội dung công tác trong một chuyến đi cơ sở, như: nắm bắt cả về tình hình kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Có lần đi "nằm vùng” hàng tháng ở xã, cán bộ tuyên giáo phải như "con dao pha”, vừa làm tuyên giáo, vừa chỉ đạo, xây dựng, củng cố chính quyền cơ sở, (thực hiện chương trình "3 cùng” với dân). Ở những xã người dân tộc thiểu số, triển khai nhiệm vụ cũng phải kết hợp "song ngữ”: vừa tiếng phổ thông, vừa phân tích, lý giải bằng tiếng dân tộc sở tại.
Có như vậy, chuyến công tác mới thành công và hiệu quả. Từ thực tế ấy, nghiệm thấy quy định của Nhà nước với cán bộ công tác vùng dân tộc phải biết tiếng dân tộc thật là đúng và cần thiết. Những chuyến công tác cơ sở, cán bộ tuyên giáo chỉ có thể được chào đón, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số, khi cán bộ làm việc gì đó cụ thể, thiết thực cho đồng bào thì đồng bào mới tin, mới nghe và làm theo. Và cũng chỉ có vậy, cán bộ Tuyên giáo mới được dân đùm bọc, chở che, ủng hộ, nuôi dưỡng. Tình cảm và sự quý trọng của người dân với cán bộ tuyên giáo là phần thưởng tinh thần rất ý nghĩa, là nguồn động viên to lớn để cán bộ Tuyên giáo tiếp tục phấn đấu vươn lên, hoàn thành nhiệm vụ.
Công tác tuyên giáo thời 4.0
Sự khác biệt lớn nhất trong công tác tuyên giáo trước kia và bây giờ có lẽ ở 3 lĩnh vực: công nghệ, điều kiện làm việc và phương tiện công tác. Trong thời đại công nghiệp 4.0, với những điều kiện hết sức thuận lợi và tiện ích: công nghệ thông tin và màn hình trình chiếu Powerpoint, phương tiện máy tính bảng thay tài liệu giấy, các kênh thông tin chính thống và mạng xã hội, điện thoại thông minh và các phương tiện nghe nhìn hiện đại… hợp thời, hợp cảnh, hợp thế hệ những người làm công tác tuyên giáo hiện nay.
Thấy thế hệ trẻ hôm nay thao tác trên máy mà tự hào vì "công nghệ 4.0” đã đưa công tác tuyên giáo lên tầm cao mới, trong điều kiện mới: nhanh, chính xác, hấp dẫn, hiện đại, hiệu quả, hòa cùng xu thế phát triển của đất nước.
Yêu cầu mới về công tác tuyên giáo là nhạy bén, kịp thời nắm bắt, xử lý thông tin xấu, độc, phản bác kịp thời, mạnh mẽ luận điệu phản động, xuyên tạc, nhất là chống phá trên mạng xã hội, trên Internet, sử dụng công nghệ cao; làm tốt công tác tuyên truyền đấu tranh trên Internet, xây dựng các trang fanpage, trang cá nhân hấp dẫn, nắm bắt dư luận, định hướng tốt, thu hút người đọc, cung cấp thông tin chính thống; tuyên truyền nhiều hơn các gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt theo phương châm "Lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”; đẩy mạnh cả diện rộng, chiều sâu và thực chất việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chống "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” trong nội bộ…, tuyên giáo cùng các binh chủng khác đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: "Đất nước ta chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Đó chính là môi trường thuận lợi lớn cho công tác tuyên giáo. Công tác tuyên giáo đang gánh vác sứ mệnh lịch sử là phải đề cao, khơi dậy được khát vọng phát triển đất nước, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đồng thời, dự báo được vấn đề lớn trước những diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, nhất là môi trường, về chiến tranh và hòa bình, về thảm họa thiên tai, dịch bệnh, không gian mạng, trí tuệ nhân tạo, đời sống thực, đời sống ảo, số hóa thông tin, chính quyền điện tử, chuyển đổi số... vì thời "độc quyền thông tin” của ngành tuyên giáo đã qua rồi.
Tin rằng, với tất cả ưu việt của chế độ, công tác tuyên giáo sẽ "thăng hoa” để các thế hệ làm công tác tuyên giáo cùng với các binh chủng khác chung tay thắp sáng ngọn lửa nhiệt huyết, giữ lửa luôn sáng rực trong tim và truyền lửa nhiệt huyết đó lan tỏa sâu rộng trong xã hội, góp phần xây dựng quê hương Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.
Triệu Tiến Thịnh
nguyên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Yên Bái