V.I.Lênin sinh ngày 22/4/1870 ở Simbirsk (nay là Ulianovsk), là một lãnh tụ của phong trào cách mạng vô sản Nga, là người phát triển học thuyết của Các Mác và Phriđơrich Ăngghen. Ông là người sáng lập ra Quốc tế Cộng sản; đồng thời lãnh đạo nhân dân Nga tiến hành Cách mạng tháng Mười Nga, thành lập ra Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới do Đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo (7/11/1917). V.I.Lênin qua đời ngày 21/4/1924 ở làng Gorki, gần thủ đô Mátxcơva.
Trước khi qua đời, V.I.Lênin đã để lại những bản di huấn bất hủ, được ví như những bản Di chúc. Một trong những tác phẩm nổi tiếng đó là "Thà ít mà tốt". Tác phẩm ra đời khi V.I.Lênin đang lâm bệnh nặng. Trên giường bệnh mỗi ngày Người đọc cho thư ký chép 5 - 10 phút. Tác phẩm hoàn thành vào ngày 02/3/1923, công bố trên báo Sự thật số 49 ngày 04/3/1923.
Trong tác phẩm được xem là Di chúc chính trị cuối cùng này, V.I.Lênin đã trình bày một cách rõ ràng về vấn đề cải tiến hệ thống chính trị ở Nga mà trung tâm là bộ máy nhà nước xô - viết đầu tiên trên thế giới. Trên cương vị Chủ tịch nhà nước, V.I.Lênin đã đánh giá cao bản chất tốt đẹp của nhà nước chuyên chính vô sản Nga, nhưng Người cũng thẳng thắn chỉ ra những nhược điểm của nó. Đó là bộ máy quan liêu, cồng kềnh, đông người, lề mề, giấy tờ. Nhân viên của bộ máy nhà nước, của Đảng mắc bệnh quan liêu đang vận hành sử dụng một cách kém hiệu quả quyền lực công cộng. Người nói: "Xin nói thêm ở ta bọn quan liêu ấy đang tồn tại không những trong những chính quyền xô-viết mà cả trong những cơ quan đảng nữa"[1]. Đó là bộ máy mà nạn hối lộ đang tồn tại phổ biến trên cơ sở trình độ văn hóa còn rất hạn chế. Đó là bộ máy còn rất hạn chế về năng lực, trình độ lại mắc bệnh kiêu ngạo.
V.I.Lênin cho rằng tình hình đó rất đáng buồn, nếu không muốn nói là rất tồi tệ. Chính vì vậy, V.I.Lênin yêu cầu:"Phải kịp thời tỉnh ngộ. Phải thấm sâu thái độ bất tín nhiệm bổ ích đối với lối khinh suất muốn lao bừa lên, đối với mọi lối huênh hoang,v.v.. Phải nghĩ đến chuyện kiểm tra lại những chủ trương mà chúng ta tuyên bố hàng giờ, quyết định hàng phút, rồi từng giây chứng minh tính chất không vững chắc, không kiên định và khó hiểu của những chủ trương đó. Điều tai hại nhất ở đây là hấp tấp. Điều tai hại nhất là tưởng rằng chúng ta biết được một tý như thế là đủ rồi, hoặc tưởng rằng chúng ta đã có được một số nhân tố khá lớn để xây dựng được một bộ máy thật sự mới và thật sự xứng đáng với danh hiệu là bộ máy xã hội chủ nghĩa, bộ máy xô-viết…"[2]. Bộ máy đó mang danh là bộ máy nhà nước xô-viết, bộ máy xã hội chủ nghĩa với bản chất ưu việt nhưng trong thực tế bộ máy nhà nước Nga chưa đạt được những tiêu chí mang tính nguyên lý của một bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa đúng nghĩa của nó. "Bộ máy ấy, có thể nói là chúng ta chưa có, và ngay cả những yếu tố cho phép xây dựng được bộ máy ấy chúng ta cũng có ít ỏi đến nực cười"[3].
Mục tiêu cải tiến của bộ máy nhà nước Nga thời bấy giờ, theo V.I.Lênin là khắc phục những yếu kém, hạn chế của bộ máy nhà nước, xây dựng một bộ máy đủ năng lực và trình độ để lãnh đạo, quản lý, điều hành xây dựng đất nước, đưa nước Nga thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, trở thành một nước xã hội chủ nghĩa thực sự đúng nghĩa của nó, tức là ưu việt hơn các nước tư bản phát triển nhất của Tây Âu. Song, V.I.Lênin cũng khẳng định rằng, "muốn xây dựng được bộ máy ấy, chúng ta không được ngại tốn thời gian, rằng việc đó đòi hỏi nhiều, nhiều, rất nhiều năm tháng"[4].
Để việc cải tiến bộ máy nhà nước đạt được mục tiêu đề ra, V.I.Lênin đề ra các nguyên tắc cơ bản sau đây:
Cải tiến không làm thay đổi bản chất tốt đẹp của nhà nước. Theo V.I.Lênin, việc cải tiến bộ máy nhà nước không được làm thay đổi bản chất tốt đẹp của nó; phải củng cố và bảo toàn chính quyền công nhân và duy trì sự lãnh đạo của giai cấp công nhân và lòng tin của giai cấp công nhân đối với chính quyền xô-viêt. Bởi vì, nếu chính quyền bị lung lay hay sụp đổ thì giai cấp công nhân không còn công cụ quyền lực để thực hiện lý tưởng, mục tiêu đã đề ra. Người nói: "Chúng ta cần tỏ ra hết sức thận trọng để bảo toàn chính quyền công nhân của ta, để duy trì tầng lớp tiểu nông và tiểu tiểu nông của ta dưới quyền lực và sự lãnh đạo của chính quyền đó"[5].
Phát huy tối đa nội lực. V.I.Lênin thực sự đề cao việc phát huy nội lực, Người nói: "Tất cả cái gì thật sự là ưu tú trong chế độ xã hội của chúng ta phải được đem sử dụng một cách hết sức thận trọng, có suy nghĩ và với một sự am hiểu cặn kẽ"[6].
Cải tiến có trọng tâm, trọng điểm. Theo V.I.Lênin, việc cải tiến một cách sâu sắc toàn diện và triệt để bộ máy nhà nước Nga là một điều cấp thiết. Nhưng không thể cùng một lúc cải tiến một cách tràn lan, dàn trải ở tất cả các cơ quan, bộ phận của bộ máy nhà nước mà phải cải tiến một cách có trọng tâm trọng điểm. Phải chọn khâu đột phá để qua đó tác động đến toàn thể bộ máy nhà nước. Đó chính là Bộ dân uỷ Thanh tra công nông. Cơ quan này được V.I.Lênin ví như "trung tâm của hệ thần kinh" mà nếu tác động đến nó sẽ làm rung chuyển toàn bộ bộ máy nhà nước. "Chúng ta phải làm cho Bộ dân uỷ thanh tra công nông là công cụ để cải tiến bộ máy của ta thành một cơ quan thật sự gương mẫu"[7], Người nói tiếp: "nghĩa là đủ khả năng tiến hành cải tiến bộ máy nhà nước của ta một cách có hệ thống, không mắc sai lầm, được tín nhiệm của giai cấp công nhân, của Đảng cộng sản Nga và toàn thể nhân dân nước Cộng hòa của chúng ta"[8].
Thà ít mà tốt. V.I.Lênin cho rằng: "Phải tuân theo nguyên tắc này: Thà ít mà tốt"[9]. Theo V.I.Lênin trong quá trình cải tiến bộ máy nhà nước không được chạy theo số lượng "Cần phải tỏ ra đặc biệt keo cú về mặt số lượng"[10] mà phải đặc biệt chú trọng chất lượng. Đối với cán bộ phải chọn được những người thật sự tài năng, được người nào chắc người ấy, thà ít mà tốt. Chọn người đủ năng lực trình độ đảm đương công việc một cách tốt nhất thông qua kiểm tra hết sức nghiêm ngặt. "Theo ý tôi, phải vĩnh viễn vứt bỏ ngay tất cả những tiêu chuẩn chung về số lượng nhân viên của các cơ quan thuộc bộ ấy. Chúng ta phải lựa chọn đặc biệt cẩn thận những cán bộ của Bộ dân uỷ thanh tra công nông, căn cứ vào một sự kiểm tra nghiêm ngặt nhất, chứ không khác được"[11]. Đối với các cơ quan tổ chức cũng vậy, phải kiểm tra cẩn thận xem những cơ quan, bộ phận nào mà thực sự không cần thiết hoặc trùng lặp về chức năng nhiệm vụ thì tinh giản và sát nhập cho khoa học hợp lý. V.I.Lênin còn cho rằng việc kết hợp cơ quan đảng với cơ quan chính quyền xô - viết là vô cùng có ích.
Tiến hành một cách kiên trì, triệt để, hiệu quả, thận trọng nhưng tránh lề mề. Theo V.I.Lênin, nếu không kiên trì thực hiện, không kiên định mục tiêu thì đừng nên bắt tay vào. Người nói "Nếu không kiên nhẫn, nếu không giành cho công tác ấy nhiều năm tháng thì tốt hơn đừng bắt tay vào việc"[12]. Trên cơ sở kiên trì để tiến hành một cách vững chắc, có hiệu quả, dù đó là hiệu qủa còn khiêm tốn. Người nói: "thà mất hai năm thậm chí ba năm còn hơn hấp tấp vội vàng mà không chút hy vọng nào đào tạo được một nhân liệu tốt"[13]. Cải tiến là phải thực hiện cho bằng được mục tiêu đề ra, tuyệt đối không được hành động nửa vời. "Ở đây những biện pháp nửa chừng sẽ hết sức tai hại"[14].
Trong tác phẩm "Thà ít mà tốt", V.I.Lênin còn chỉ ra một số định hướng lớn để xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước, như:
Tăng cường kiểm tra. Người xác định phải đi từ khâu kiểm tra để tác động đến toàn bộ bộ máy nhà nước. Đây là điểm xuất phát, là khâu đột phá, là cải tiến có trọng tâm trọng điểm. Để kiểm tra đạt hiệu quả phải có bộ máy để kiểm tra tốt. Do đó phải cải tiến bộ máy kiểm tra đó chính là cải tiến Bộ dân uỷ thanh tra công nông "Bộ dân uỷ thanh tra công nông chính là phải chú ý đến toàn thể bộ máy nhà nước của ta và phải hướng sự hoạt động của mình vào tất cả các cơ quan nhà nước không trừ một cơ quan nào cả, dù là ở địa phương hay ở trung ương, thuộc ngành thương nghiệp hay thuần tuý hành chính, giáo dục, lưu trữ, hay sân khấu, v.v., nói tóm lại, tất cả các cơ quan, không trừ một cơ quan nào"[15]. V.I.Lênin chỉ rõ, muốn bộ máy kiểm tra hoạt động tốt thì phải có cán bộ kiểm tra có đủ năng lực trình độ và bản lĩnh. Cán bộ kiểm tra không được chạy ngoài rìa công việc mà phải thực sự nắm bắt được các đối tượng cần kiểm tra.
Tinh giảm biên chế, tiết kiệm nghiêm ngặt. Về mặt tổ chức không những phải giảm bớt số nhân viên trong biên chế mà còn phải giảm bớt các cơ quan, tổ chức trong bộ máy nhà nước mà thực sự không cần thiết hoặc trùng lặp chức năng nhiệm vụ gây lãng phí. Đó cũng là điều kiện cần để cho chính quyền xô-viết tồn tại. V.I.Lênin khẳng định: "chỉ có làm cho bộ máy cuả chúng ta trong sạch đến tột mức, chỉ có giảm bớt đến mức tối đa tất cả những cái không tuyệt đối cần thiết, chúng ta mới có thể đứng vững được"[16].
Đào tạo cán bộ, lãnh đạo quản lý trên cơ sở tri thức khoa học. V.I.Lênin chỉ ra hai yếu tố để tiến hành xây dựng bộ máy. Một là: những công nhân hăng hái đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội. Họ chưa có đầy đủ học thức. Nhưng họ rất muốn đem lại cho chúng ta một bộ máy tốt hơn. Nhưng họ không biết làm như thế nào. Hai là: những yếu tố kiến thức, học thức, giáo dục,v.v.. chính vì vậy, học tập là yêu cầu bắt buộc trong xây dựng bộ máy nhà nước. V.I.Lênin nói: "Muốn đổi mới bộ máy nhà nước của chúng ta phải cố hết sức tự đặt cho mình nhiệm vụ sau đây: Một là học tập, hai là học tập, ba là học tập mãi, và sau nữa phải làm sao cho học thức ở nước ta không nằm trên giấy hoặc là một lời nói theo mốt nữa (điều này phải thú thực là thường hay xảy ra ở nước ta), phải làm sao cho học thức thật sự ăn sâu vào trí não, hoàn toàn thực tế trở thành một bộ phận khăng khít của cuộc sống của chúng ta"[17].
Trong quá trình đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước cần kết hợp giữa tổ chức bộ máy cơ quan nhà nước với cơ quan đảng. Sở dĩ V.I.Lênin đặt vấn đề như vậy là vì thực tế đã chứng minh: Bộ dân uỷ ngoại giao ngay từ ngày đầu thành lập đã làm như vậy và hoạt động rất hiệu quả. Chính vì vậy, V.I.Lênin đặt câu hỏi: "Làm thế nào để kết hợp được một cơ quan đảng và một cơ quan chính quyền xô-viết?". Và Người tự trả lời: "Thật vậy, tại sao lại không kết hợp hai loại cơ quan đó lại khi lợi ích của công việc đòi hỏi phải làm như thế?...Phải chăng sự kết hợp linh hoạt của nhân tố chính quyền với nhân tố đảng lại không phải là nguồn gốc sức mạnh phi thường trong chính sách của chúng ta? Tôi tin rằng điều gì đã được chứng thực là đúng, đã đứng vững chắc trong chính sách ngoại giao của ta và đã ăn sâu vào phong tục tập quán đến mức không còn gây ra một chút hoài nghi nào về phương diện ấy nữa, thì ít ra cũng sẽ thích hợp như thế (và tôi nghĩ sẽ thích hợp nhiều hơn) với toàn thể bộ máy nhà nước của chúng ta"[18].
Từ bài học về sự kết hợp giữa Bộ dân uỷ ngoại giao với cơ quan đối ngoại của đảng, V.I.Lênin đã liên hệ tới sự kết hợp giữa cơ quan kiểm tra của nhà nước (Bộ dân uỷ thanh tra công nông) với cơ quan kiểm tra của đảng (Ban kiểm tra trung ương). V.I.Lênin đặt vấn đề: "Tại sao, đối với cơ quan ấy lại không thừa nhận là có thể hợp nhất một cách độc đáo bộ máy kiểm tra của đảng với bộ máy kiểm tra của chính quyền?"[19]. Và người giải quyết vấn đề: "Về phần tôi, tôi thấy là làm như vậy không có một trở ngại nào cả. Hơn nữa, tôi tin rằng sự hợp nhất ấy là điều kiện đảm bảo duy nhất cho một hoạt động có hiệu quả. Tôi nghĩ rằng tất cả mọi hoài nghi đối với điều đó đều phát ra từ những xó xỉnh bụi bặm nhất của bộ máy nhà nước của chúng ta, và những hoài nghi ấy chỉ đáng có một điều là: đem ra mà chế giễu" [20].
Gần một thế kỷ đã trôi qua, nhưng những tư tưởng được V.I.Lênin đề cập trong tác phẩm vẫn vẹn nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn. Thà ít mà tốt là một cống hiến lý luận quan trọng của V.I.Lênin về xây dựng Nhà nước. Tác phẩm góp phần trang bị cho những người cộng sản tri thức, lý luận về xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước nhằm bảo tồn chế độ và phát triển kinh tế - xã hội. Tư tưởng đó có ý nghĩa không chỉ trong phạm vi nước Nga, mà còn có tác dụng to lớn đối với các đảng cộng sản trên toàn thế giới khi nó cung cấp những tri thức và kinh nghiệm trong việc giành, giữ và củng cố chính quyền công nông để thực hiện đến thắng lợi cuối cùng công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Chính vì vậy, tác phẩm cũng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với phong trào cộng sản quốc tế.
Tác phẩm cung cấp phương pháp luận khoa học để cải tiến một bộ phận, một cơ quan tổ chức hay là cả bộ máy nhà nước. Theo đó, muốn cải tiến thì trước hết phải đánh giá thực trạng một cách khách quan về đối tượng cần cải tiến, nêu rõ nguyên nhân của hạn chế, yếu kém. Đề ra mục tiêu và những nguyên tắc cải tiến một cách đúng đắn và phù hợp. Trên cơ sở đó đề ra những giải pháp, biện pháp cải tiến phù hợp, đồng bộ và có hiệu quả cộng hưởng.
Tác phẩm còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong vấn đề hợp tác quốc tế. Đó là tinh thần học tập và hợp tác. Trong quá trình cải tiến bộ máy nhà nước phải học tập, hợp tác một cách cầu thị. Cần mở rộng hợp tác giữa các cơ quan nhà nước và cơ quan đảng. Đồng thời học hỏi kinh nghiệm quý báu về sự lãnh đạo của đảng, về quản lý nhà nước, về đào tạo cán bộ, về tổ chức bộ máy…. của các đảng, nhà nước khác, kể cả là nhà nước của giai cấp tư sản.
Hiện nay, nước ta đang đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện đất nước và hội nhập quốc tế, đổi mới và sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi quan liêu, tham nhũng, sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong một bộ phận cán bộ, đảng viên,v.v. Do đó, tư tưởng "THÀ ÍT MÀ TỐT" của V.I.Lênin có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và vẫn luôn mang tính thời sự. Nghiên cứu và vận dụng tốt những tư tưởng của V.I. Lênin sẽ giúp chúng ta vừa có lý luận soi đường, vừa có kinh nghiệm thực tiễn và có thêm niềm tin để thực hiện thành công đường lối đổi mới mà Đảng và Nhà nước ta đang tiến hành, đặc biệt là trong việc đổi mới hệ thống chính trị và đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực hiện nay./.
----------------------------
Ghi chú:
[1] V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb TB, M., T.45, tr. 451.
[2] Sđd, tr.443.
[3] Sđd, tr.443.
[4] Sđd, tr. 444.
[5] Sđd, tr.457.
[6] Sđd, tr.445.
[7] Sđd, tr.445.
[8] Sđd, tr.448.
[9] Sđd, tr. 445.
[10] Sđd, tr.446.
[11] Sđd, tr.446 .
[12] Sđd, tr. 447.
[13] Sđd, tr. 445.
[14] Sđd, tr.448.
[15] Sđd, tr. 452 - 453.
[16] Sđd, tr.459.
[17] Sđd, tr.444.
[18] Sđd, tr.452.
[19] Sđd, tr.453.
[20] Sđd, tr.453.
(Theo Tạp chí Nhà nước)