Lễ Thượng cờ "Thống nhất non sông" quy mô, trang nghiêm và xúc động

  • Cập nhật: Thứ bảy, 30/4/2022 | 6:15:51 PM

Lễ hội “Thống nhất non sông” là một trong những lễ hội cách mạng tiêu biểu của Quảng Trị và cả nước. Năm nay, quy mô lễ hội được tổ chức lớn hơn, thu hút không chỉ quân và dân Quảng Trị mà còn thu hút nhiều tổ chức cá nhân trên cả nước về tham dự.

Các đại biểu dự Lễ Thượng cờ Thống nhất non sông.
Các đại biểu dự Lễ Thượng cờ Thống nhất non sông.

Sáng 30/4, tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, tỉnh Quảng Trị long trọng tổ chức Lễ thượng cờ "Thống nhất non sông” kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2022); Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (01/5/1972 – 01/5/2022); 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ thành cổ Quảng Trị.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội dự lễ Thượng cờ.

Từ sáng sớm, đông đảo lực lượng vũ trang, đại diện các cơ quan, đơn vị, địa phương cựu chiến binh cùng đông đảo nhân dân, du khách trong và ngoài tỉnh đã tập trung tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải để dự Lễ Thượng cờ và tham dự ngày hội Thống nhất non sông.

Đúng 7h15, lá cờ đỏ sao vàng từ từ được kéo lên trên Kỳ đài trong nền nhạc Quốc ca hùng tráng. Các đại biểu và hàng ngàn người dân đã kính cẩn, trang nghiêm thực hiện nghi thức chào cờ.



Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu mặc niệm tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sỹ và đồng bào, đồng chí đã hy sinh vì độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc.

Trong giây phút thiêng liêng và xúc động tại Kỳ đài Hiền Lương, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đã dành phút mặc niệm để tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ và đồng bào, đồng chí đã hy sinh vì độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc.

Lá cờ Tổ quốc tung bay trên Kỳ đài Hiền Lương.

Phát biểu tại Lễ Thượng cờ Thống nhất non sông, ông Nguyễn Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Trị đã ôn lại ký ức của một thời hào hùng, vẻ vang nhưng cũng thấm đẫm máu và nước mắt, đồng thời tôn vinh những chiến công bất tử, tri ân sâu sắc đối với sự hy sinh to lớn của thế hệ cha anh để bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Sau Hiệp định Geneva năm 1954, sông Bến Hải, cầu Hiền Lương trở thành giới tuyến quân sự tạm thời, trực tiếp chứng kiến nỗi đau chia cắt đất nước. Đồng bào ta từ địa đầu Hà Giang đến mũi Cà Mau, 21 năm ròng rã phải sống trong tình cảnh "non sông hai nửa, Tổ quốc hai miền”. Trong cảnh "dầu sôi lửa bỏng” đó, nhân dân Quảng Trị ở hai bờ sông Bến Hải vẫn vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió, cùng với cả nước đập tan các chiến lược chiến tranh của Mỹ - Ngụy. Dưới làn mưa bom, bão đạn của quân thù, lá cờ Tổ quốc nơi đầu cầu giới tuyến vẫn ngày đêm kiêu hãnh tung bay, trở thành biểu tượng của ý chí thống nhất, là niềm tin, niềm hy vọng để đồng bào miền Nam ruột thịt ngày đêm hướng về miền Bắc, hướng về Đảng và Bác Hồ kính yêu. Ngọn cờ đỏ sao vàng thúc giục quân và dân Quảng Trị bền gan chiến đấu, lập nên nhiều chiến công vang dội. Ngày 1/5/1972, Quảng Trị là tỉnh đầu tiên của miền Nam được hoàn toàn giải phóng, "Đất này chỉ một ngọn cờ vàng sao”.

Mùa Xuân năm 1975, Quảng Trị đã cùng với cả nước viết nên khúc khải hoàn đại thắng, Bắc Nam chung về một mối, thống nhất đất nước. Chiến tranh đã lùi dần vào dĩ vãng nhưng những ký ức về những năm tháng hào hùng, vẻ vang ấy vẫn còn sống mãi trong mỗi trái tim người dân Việt Nam. Bến Hải - Hiền Lương đã khắc ghi vào lịch sử của dân tộc và tiềm thức nhân loại, mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của niềm tin và khát vọng thống nhất non sông và khát vọng của hòa bình.

Ông Nguyễn Đăng Quang nhấn mạnh: "Hôm nay, từ mọi miền quê của Tổ quốc thân yêu, chúng ta đoàn tụ về đây dưới chân Kỳ đài Hiền Lương lịch sử để tham dự Lễ Thượng cờ mừng ngày hội Thống nhất non sông. Dưới bóng cờ Tổ quốc, chúng ta cùng ôn lại ký ức của một thời hào hùng, vẻ vang nhưng cũng thấm đẫm máu xương và nước mắt, đồng thời tôn vinh những chiến công bất tử. Chúng ta mãi mãi biết ơn sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh, của đồng bào chiến sĩ cả nước để bảo vệ độc lập tự do của Tổ quốc, hòa bình và hạnh phúc muôn đời cho dân tộc Việt Nam”.

Lễ hội "Thống nhất non sông” là một trong những lễ hội cách mạng tiêu biểu của Quảng Trị và cả nước. Năm nay, quy mô lễ hội được tổ chức lớn hơn, thu hút không chỉ quân và dân Quảng Trị mà còn thu hút nhiều tổ chức cá nhân cả nước về tham dự.

Duyệt binh, diễu hành trong khuôn khổ Lễ hội Thống nhất non sông.

 Lực lượng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị diễu hành qua Kỳ đài Hiền Lương.

Lực lượng công an tỉnh Quảng Trị.

Sau phần Lễ Thượng cờ, tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, tỉnh Quảng Trị còn tổ chức diễu binh diễu hành với sự tham gia của các lực lượng vũ trang, tổ chức đoàn thể và các tầng lớp nhân dân.

Có mặt tại Lễ Thượng cờ Thống nhất non sông, cựu chiến binh Lê Hồng Sơn, ở thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, xúc động chia sẻ, Lễ Thượng cờ Thống nhất non sông năm nay thêm phần đặc biệt khi đúng vào dịp Kỷ niệm 50 năm Ngày quê hương Quảng Trị được giải phóng. So với mọi năm thì lễ Thượng cờ năm nay được tổ chức trang trọng hơn, quy mô hoành tránh hơn và rất đông người dân tham dự.

Đại diện các tầng lớp nhân dân, ban ngành, đoàn thể diễu binh qua Kỳ đài Hiền Lương

"Tôi là người con sinh ra và lớn lên ở khu vực giới tuyến, mỗi lần nhìn thấy lá cờ Tổ quốc, tôi thấy lâng lâng và xúc động. Khi chiến tranh diễn ra, tôi đã được nhìn thấy lá cờ, hôm nay khi đất nước được thống nhất, mỗi lần thấy lá cờ Tổ quốc được kéo lên trên Kỳ đài tôi cảm thấy tự hào khi đã được sinh ra và lớn lên trên vùng đất giới tuyến, đặc biệt hôm nay Lễ Thượng cờ Thống nhất non sông mang lại nhiều cảm xúc”, cựu chiến binh Lê Hồng Sơn nói.

Trong khuôn khổ Lễ hội Thống nhất non sông, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức hội đua thuyền trên sông Bến Hải. Đây là lễ hội đua thuyền truyền thống được địa phương tổ chức hằng năm vào dịp lễ 30/4 và được đông đảo người dân đón chờ, cổ vũ. Năm nay, rất đông người dân, du khách đã đến Khu di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải tham dự Lễ Hội Thống nhất non sông và theo dõi các hoạt động vui chơi, giải trí.

Cũng trong sáng nay, 30/4, UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Công ty TNHH Liên doanh phát triển Quảng Trị tổ chức Lễ khởi động dự án Khu công nghiệp Quảng Trị. Dự chương trình có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; ông Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo một số bộ, ngành; lãnh đạo tỉnh Quảng Trị.

Tại buổi lễ, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Quyết định thành lập Khu công nghiệp cho Công ty TNHH Liên doanh Phát triển Quảng Trị. 

Khu công nghiệp Quảng Trị rộng 481ha, giai đoạn phát triển ban đầu gồm 97ha. Dự án được triển khai nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tỉnh Quảng Trị trong hành lang kinh tế Đông-Tây, nối Việt Nam, Lào, Thái Lan và Myanmar./.

(Theo VOV)

Các tin khác
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ 2 cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Trị

Tối 29/4, tại TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh (1/5/1972 - 1/5/2022), 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (1972 – 2022).

Ngày 30-4-1975, xe tăng của quân giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc Lập, tiến vào bắt sống Tổng thống ngụy Dương Văn Minh và toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn, kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ảnh tư liệu

Trong 47 năm qua, bài học tinh thần của chiến thắng 30-4-1975, đặc biệt là truyền thống yêu nước, đoàn kết ngày càng được phát huy. Đây chính là nhân tố làm nên sức mạnh nội lực để hàn gắn vết thương chiến tranh, vượt lên mọi khó khăn, nâng tầm vị thế dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế...

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ hai tại Trụ sở Bộ Ngoại giao - số 1 Tôn Thất Đàm, năm 1962. (Ảnh tư liệu)

Đàm phán, thương lượng là nghệ thuật đấu tranh ngoại giao trực diện, là quá trình chuyển hóa sức mạnh chính trị, quân sự, thành lợi thế trên bàn đàm phán, nhằm mục tiêu giành thắng lợi cuối cùng.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Thị Hiền Hạnh cùng các đại biểu tham quan gian hàng du lịch thông minh Yên Bái 360.

Tối nay - 29/4, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái tổ chức Lễ khai trương phố đi bộ Hào Gia. Tới dự có đồng chí Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục