Xây dựng Đảng mạnh từ gốc - Thực tiễn sinh động của Yên Bái - Bài 3: “Trọng cơ sở” bằng cách làm sáng tạo

  • Cập nhật: Thứ bảy, 7/5/2022 | 10:42:10 AM

YênBái - Góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng, thời gian qua, đội ngũ cán bộ chủ chốt của tỉnh Yên Bái đã quyết liệt vào cuộc bằng những phần việc cụ thể, mô hình thiết thực, cách làm sáng tạo và thu được nhiều kết quả quan trọng, thực chất.

Đồng chí Đỗ Đức Duy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái (thứ hai, từ trái sang) cùng đảng viên và nhân dân bê tông hóa đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Văn Chấn.
Đồng chí Đỗ Đức Duy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái (thứ hai, từ trái sang) cùng đảng viên và nhân dân bê tông hóa đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Văn Chấn.

Cán bộ tỉnh... sinh hoạt chi bộ thôn

Cơ duyên thế nào, chúng tôi có dịp trò chuyện với đồng chí Đỗ Đức Duy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái, vừa lúc đồng chí tham dự buổi sinh hoạt tại Chi bộ thôn Khuôn Bổ (Hồng Ca, Trấn Yên) trở về chưa lâu, nên thông tin chúng tôi cần khai thác dường như vẫn còn hôi hổi nóng.

Nghe chúng tôi đặt vấn đề, đồng chí Đỗ Đức Duy kể lại: "Tham gia sinh hoạt chi bộ ở cơ sở mang lại rất nhiều lợi ích, nhưng quan trọng nhất là giúp cơ sở tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc chưa có lối ra. Sinh hoạt tại Chi bộ thôn Khuôn Bổ vừa qua, sau khi nắm chắc tình hình, tôi gợi ý cho chi bộ cần tập trung phát triển đảng viên trong các dòng họ, để lan tỏa hiệu quả tuyên truyền, vận động và thuận lợi cho công tác phát triển Đảng về sau. Cũng tại buổi sinh hoạt, tôi giao nhiệm vụ cho chi bộ phải xây dựng thành công chi bộ kiểu mẫu...”.

Theo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, lãnh đạo tỉnh Yên Bái nhất quán quan điểm và thực hiện khá nền nếp việc về cơ sở tham gia sinh hoạt và tiến hành công tác kiểm tra theo hình thức đột xuất. Trên cơ sở kế hoạch công tác chung, từng đồng chí lãnh đạo chủ động tìm hiểu, lựa chọn những địa bàn khó khăn, nơi cần ý kiến, định hướng của cấp trên để giúp cơ sở gỡ khó, tháo vướng, rồi lên kế hoạch đến tham gia sinh hoạt cùng tổ chức đảng, làm việc với cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.

Với cách làm đó, trong những lần về sinh hoạt chi bộ cơ sở, về với dân, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã phát hiện nhiều vấn đề thực tiễn nảy sinh; kịp thời đóng góp công sức, trí tuệ nâng cao năng lực lãnh đạo của các chi bộ; thổi bùng những luồng gió tư duy mới, định hình cách làm mới, từng bước đưa các thôn, bản đổi thay, phát triển bền vững. 

Ví như việc giải bài toán khó trong giải phóng mặt bằng cho các dự án và làm đường giao thông bằng ý tưởng "Giải phóng mặt bằng 0 đồng”. Chính lãnh đạo tỉnh đã đặt đầu bài, rằng: "Nơi nào giải phóng được mặt bằng trên cơ sở tự nguyện hiến đất của dân, thì nơi ấy tỉnh sẽ dồn nguồn lực, ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng và đường giao thông”. 

Như vậy, từ cái khó của cơ sở, lãnh đạo tỉnh đã có ngay đáp án và hướng dẫn cách làm. Chủ trương ban hành ra đúng lòng dân, nên nhận được sự đồng thuận rất cao trong toàn xã hội. Đến nay, đã có hàng chục tuyến đường liên huyện, liên xã được khởi công hoặc đã hoàn thành mà khởi điểm của nó là sự "thuận buồm xuôi gió”, bởi không vướng bất kỳ khó khăn nào trong công tác giải phóng mặt bằng.

Được biết, việc các đồng chí lãnh đạo tỉnh về sinh hoạt chi bộ ở thôn, bản là kết quả của việc triển khai Quy định số 08-QĐ/TU của Tỉnh ủy Yên Bái ngày 30-6-2021 về việc phân công bí thư, phó bí thư, ủy viên ban thường vụ, cấp ủy viên các cấp dự sinh hoạt với chi bộ khu dân cư và chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở.

Khảo sát tại các địa phương đều ghi nhận, thời gian qua, các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy đều đặn dự sinh hoạt ít nhất 1 lần/quý tại tổ chức đảng bất kỳ trên địa bàn tỉnh, bảo đảm phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và tình hình thực tiễn công tác. Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy dự sinh hoạt ít nhất 1 lần/quý tại tổ chức đảng thuộc phạm vi đảng bộ được phân công phụ trách. Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, các đồng chí thành viên đoàn công tác dự sinh hoạt ít nhất 2 lần/quý; trong đó ít nhất một lần sinh hoạt với chi bộ khu dân cư thuộc phạm vi được phân công phụ trách, theo dõi. 

Trong khi đó, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy không trực tiếp phụ trách đảng bộ, các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh không tham gia các đoàn công tác, dự sinh hoạt ít nhất 1 lần/quý tại chi bộ khu dân cư... Đặc biệt, thực hiện sự phân công của Tỉnh ủy Yên Bái, 59 đồng chí cấp ủy viên, lãnh đạo các sở, ban, ngành về sinh hoạt với 59 xã khó khăn của tỉnh đã có rất nhiều nỗ lực, đóng góp, giúp địa phương thay da đổi thịt; nhất là việc từng bước hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và giúp dân xóa đói, giảm nghèo.

Ấn tượng về câu chuyện đó, chúng tôi khơi chuyện với đồng chí Hoàng Thị Vĩnh, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Yên Bái: "Việc dự sinh hoạt chi bộ như vậy mang đến lợi ích gì?".

Đồng chí Vĩnh khẳng định: "Để nắm và hiểu cơ sở đang cần những gì và cũng là để giúp tổ chức cơ sở đảng, trực tiếp là chi bộ nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu. Khi có lãnh đạo tỉnh về dự, sinh hoạt chi bộ sẽ nghiêm túc, chặt chẽ, hiệu quả hơn; khắc phục được những biểu hiện hình thức và do đó hiệu lực lãnh đạo sẽ cao hơn”.

Cán bộ tỉnh về sinh hoạt ở thôn còn có tác dụng "kéo gần” những kiến nghị, đề xuất ở cơ sở đến với lãnh đạo tỉnh và tập thể Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và các ban, sở, ngành cấp tỉnh. Cũng qua đó mà mọi "mầm mống” của bức xúc được sớm phát hiện, tháo gỡ; những tồn tại, vướng mắc được đẩy lùi. Đặc biệt là tình đoàn kết trên-dưới, cán bộ-quần chúng được thắt chặt, gắn bó; tránh được mọi biểu hiện của bệnh quan liêu, xa rời cơ sở...


Đồng chí Đỗ Đức Duy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái (mũ trắng, hàng 2, thứ 2 từ trái sang) cùng đảng viên và nhân dân bê tông hóa đường giao thông nông thôn ở xã Suối Giàng (Văn Chấn). 

Việc phân công các đồng chí bí thư, phó bí thư, ủy viên ban thường vụ, cấp ủy viên về sinh hoạt ở các chi bộ đạt hiệu quả rất rõ nét và ấn tượng. Cách làm này được sự đón nhận tích cực của đội ngũ đảng viên ở cơ sở. 

Đến sinh hoạt với chi bộ, các đồng chí lãnh đạo không chỉ kịp thời thông tin về các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước đến đảng viên ở cơ sở, mà trực tiếp lãnh đạo triển khai các nghị quyết, chương trình, kế hoạch công tác, nắm chắc tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân; chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc, các vấn đề phức tạp nảy sinh ở cơ sở, kịp thời thông tin với cơ quan có thẩm quyền để xem xét, giải quyết. Đây cũng là giải pháp cụ thể đưa sinh hoạt của chi bộ cơ sở đi vào nền nếp, chất lượng; trực tiếp bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cơ sở...

Để chống bệnh hình thức và bảo đảm cho việc dự sinh hoạt chi bộ của các đồng chí đứng đầu cấp ủy, cấp ủy viên có nền nếp, chất lượng, Tỉnh ủy Yên Bái quy định rất rõ chế độ báo cáo của cán bộ về dự sinh hoạt chi bộ với Ban Thường vụ Tỉnh ủy (qua Ban Tổ chức Tỉnh ủy) trước ngày 20 của tháng cuối quý về thời gian, địa điểm, kết quả sinh hoạt và lắng nghe các kiến nghị, đề xuất. 

Đồng thời yêu cầu các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy có trách nhiệm báo cáo, thông tin về chương trình, địa điểm sinh hoạt của các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát, theo dõi; cũng như giúp các đồng chí ủy viên ban thường vụ, cấp ủy viên các cấp nắm thông tin, lựa chọn và bố trí thời gian dự sinh hoạt theo quy định. 

Định kỳ báo cáo kết quả dự sinh hoạt của các đồng chí ủy viên ban thường vụ, cấp ủy viên các cấp dự sinh hoạt với Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trong quá trình đó, cơ quan thường trực là Ban Tổ chức Tỉnh ủy thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, hỗ trợ và giám sát để việc tổ chức sinh hoạt đặc thù này đạt hiệu quả thiết thực.

"Kết quả thực hiện Quy định 08 của Tỉnh ủy Yên Bái là một trong những tiêu chí quan trọng để xem xét, đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, đảng viên hằng năm. Nếu bỏ sinh hoạt hay tham gia thiếu thực chất, không mang lại hiệu quả... thì chắc chắn sẽ nhận điểm trừ trong xếp loại cán bộ, đảng viên”, đồng chí Chu Đình Ngữ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái chia sẻ.

Về với dân, chăm lo cơ sở

Một buổi trưa thứ bảy tiết trời oi bức, trên trục đường từ UBND xã Hồng Ca xuống thôn Khuôn Bổ, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều sắc áo dân quân xen lẫn trang phục của bà con nhân dân đang hăng say lao động bên những chiếc máy trộn bê tông. Đồng chí Phạm Xuân Toàn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Hồng Ca giải thích: "Đây là hoạt động từ chương trình thứ Bảy, Chủ nhật về với dân. Cứ đến ngày nghỉ cuối tuần là 100% cán bộ, công chức cùng ới nhau về với thôn, bản để cùng ở, cùng lao động với dân”.

Với dáng người to khỏe, khuôn mặt đầm đìa mồ hôi, đồng chí Nguyễn Thành Dương, Phó chủ tịch UBND xã Hồng Ca đang cùng bà con đổ bê tông, nâng cấp đường giao thông và xây dựng hệ thống máng thoát nước. Anh Dương bảo: "Về với đồng bào thì mình phải trực tiếp lao động, có làm thì bà con mới làm theo, chứ không thể nói suông được. Cũng qua việc cùng làm mới có thể hướng dẫn, bày vẽ cho dân”.

Không chỉ cán bộ xã xuống làm việc cùng bà con nhân dân, hiện nay Chương trình "Ngày cuối tuần cùng dân và doanh nghiệp” đang được thực hiện tích cực trên toàn địa bàn tỉnh Yên Bái và ở tất cả các cấp. Theo đó, các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đều xây dựng kế hoạch thực hiện; thời gian là ngày thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, tối thiểu 2 lần/tháng; địa điểm tại các xã, phường, thị trấn, các thôn, bản, tổ dân phố và trụ sở các cơ quan, đơn vị; các khu, cụm công nghiệp và các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. 

Thông qua chương trình, cán bộ các cấp trực tiếp đến hướng dẫn, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, sản xuất, kinh doanh; cùng nhân dân tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, chỉnh trang đô thị, cải tạo đường làng, ngõ xóm; tư vấn, hỗ trợ pháp lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp...

"Cái lợi là không chỉ giúp dân, hỗ trợ cơ sở, mà quan trọng hơn là lắng nghe dân, đối thoại trực tiếp với dân; gắn kết mối quan hệ đoàn kết máu thịt giữa cán bộ và nhân dân. Thông qua đó mà huy động sức dân tham gia xây dựng Đảng; tranh thủ xin ý kiến quần chúng về những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau...”, đồng chí Nguyễn Thị Kim Xuân, thủ trưởng Cơ quan Tổ chức-Nội vụ huyện Trấn Yên cho biết.

Cũng theo chị Xuân, nếu việc phân công cán bộ tỉnh về sinh hoạt chi bộ ở thôn, bản, khu dân cư chỉ phát huy vai trò của đội ngũ bí thư cấp ủy các cấp, thì hoạt động thứ bảy, chủ nhật về với dân sẽ huy động được toàn thể cán bộ trong hệ thống chính trị, phát huy mọi nguồn lực hướng về dân, hỗ trợ cơ sở khắc phục khó khăn, từng bước bứt phá, phát triển.

Theo khảo sát cho thấy, hiện tại, những ngày thứ Bảy, Chủ nhật về với dân đã trở thành nền nếp ở mọi tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh Yên Bái. Từ đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho đến bí thư chi bộ thôn, bản, thay vì ngày nghỉ trở về với gia đình, thì nay dành thời gian về với dân bản, khi thì trồng quế, khi hái măng, khi chăm sóc chè, tham gia làm đường nông thôn... Trong dịp cuối tuần, sau những giờ cán bộ và nhân dân cùng lao động vất vả, các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, văn hóa, thể thao được tổ chức sôi nổi, tạo không khí vui tươi, phấn khởi ở khắp đầu thôn, cuối xóm.

Nói về kinh nghiệm khởi phát chương trình ý nghĩa này, đồng chí Đỗ Đức Duy chân thành: "Tôi thường xuyên về với dân, lao động cùng dân thì các đồng chí bí thư cấp ủy các cấp buộc phải làm theo và phải nêu gương trước toàn thể đội ngũ cán bộ. Có vậy thì mới tạo nên phong trào rộng khắp và thực chất”.

Quả đúng vậy, việc về với dân tưởng chỉ sắp xếp thời gian và cơ động về cơ sở là xong, thế nhưng câu chuyện không giản đơn như vậy. Trước khi phong trào nở rộ, trong chính Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, các đồng chí lãnh đạo sở, ban, ngành đã có một phong trào tiên phong về việc nêu gương; rồi xác định rõ thành quy chế; xem đó là tiêu chí để đánh giá chất lượng cán bộ các cấp. 

Từ sự nêu gương đó, các đầu mối sở, ban, ngành làm tốt việc xây dựng kế hoạch, xác định những đầu việc dân cần, cơ sở đề xuất, mong muốn được hỗ trợ. Khi về cùng dân, cán bộ phải lao động thật, làm việc thật, có kết quả thật, sản phẩm phải có ý nghĩa, nhìn được, cảm được, chứ không phải tham gia cho có phong trào, nặng hình thức.

Hôm chúng tôi thực hiện chuyến khảo sát tại huyện Văn Chấn đúng vào sáng thứ Bảy. Hôm ấy, đồng chí Mai Mộng Tuân, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Văn Chấn dành thời gian đầu giờ làm việc với đoàn. Đến quá buổi, anh Tuân chân thành ý kiến: "Anh em thông cảm, mình nhờ đồng chí Phó bí thư Thường trực tiếp tục làm việc với đoàn. Hôm nay là thứ Bảy, đã đến giờ mình hẹn về với dân. Mình là cán bộ thì không nên để bà con chờ đợi được, càng không thể thất hứa với người dân”.

Quá trình khảo sát tại Yên Bái, chúng tôi đặc biệt ấn tượng vì hầu như tất cả các đồng chí lãnh đạo địa phương đều dành thời gian kể về những câu chuyện vui, ý nghĩa trong quá trình về với dân, lao động cùng dân và giúp dân vào dịp cuối tuần. Nhiều cán bộ thuộc làu làu tên làng, tên bản, đối tượng chính sách, người nghèo, cả những thành phần cần quan tâm giáo dục, hỗ trợ... trên địa bàn mình phụ trách và từng về tham gia lao động.

Từ Chương trình "Ngày cuối tuần cùng dân và doanh nghiệp”, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương còn sáng tạo vận dụng và phát triển thêm một bước. Ở huyện Văn Yên, từ đầu tháng 3-2022, địa phương phát động Phong trào "Lắng nghe dân nói và xây dựng văn hóa giữ gìn vệ sinh môi trường sống”. Ở Văn Chấn, các đồng chí lãnh đạo đang lên ý tưởng để thực hiện ngày thứ bảy, chủ nhật "4 cùng với dân”. Có nghĩa, các đồng chí cấp ủy viên, cán bộ chủ chốt, đội ngũ cán bộ của huyện phải cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt, cùng làm với các hộ dân vào dịp cuối tuần. Làm được như vậy, thì việc nắm bắt lòng dân mới sâu sát, giúp dân mới thiết thực và tình đoàn kết giữa cán bộ với nhân dân sẽ càng thêm bền chặt, gắn bó máu thịt.

Ngoài việc được phân công dự sinh hoạt với chi bộ thôn, bản, khu dân cư, tự nguyện về với dân vào ngày thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái còn thực hiện sự phân công phụ trách các đảng bộ huyện, thị xã, thành phố ít nhất 1 lần/năm gặp mặt các đồng chí bí thư chi bộ khu dân cư, trưởng thôn, bản, tổ dân phố, người có uy tín trong cộng đồng tại đảng bộ được phân công để trao đổi, cung cấp thông tin, nắm tình hình cơ sở.

 (còn nữa)

(Theo QĐND)

Tags Xây dựng Đảng Yên Bái mô hình Đỗ Đức Duy giải phóng mặt bằng nông thôn mới xóa đói giảm nghèo

Các tin khác
Đoàn thanh niên Công an tỉnh Yên Bái tặng quà lưu niệm cho Đoàn thanh niên Công an thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 7/5, Đoàn thanh niên Công an tỉnh Yên Bái đã có chương trình giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm công tác Đoàn với Đoàn Thanh niên Công an thành phố Hồ Chí Minh.

Lãnh đạo huyện Yên Bình tặng hoa chúc mừng Đại hội.

Ngày 6/5, Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Yên Bình tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ VII, nhiệm kỳ 2022 - 2027. Dự Đại hội có 103 đại biểu là những hội viên CCB xuất sắc, đại diện cho trên 5 nghìn hội viên CCB trong toàn huyện.

Một góc thành phố Điện Biên Phủ nhìn từ trên cao (Ảnh: Điện Biên TV)

Chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những chiến công chói lọi, như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa của thế kỷ XX; là kết quả sự hội tụ của nhiều nhân tố, trong đó có bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam.

Chiều 7/5/1954, lá cờ

Ngày 7/5/1954 đã đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam và thế giới với chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục